Our forum runs best with JavaScript enabled !

Chuyện của Lụt (Nguyễn Ngọc Tư)

View previous topic View next topic Go down

Chuyện của Lụt (Nguyễn Ngọc Tư) Empty Chuyện của Lụt (Nguyễn Ngọc Tư)

Post by Đại Ngu Wed Jun 09, 2021 10:01 am

Lúc đó đang bữa cơm chiều, ông Sơn Đông đi ngang qua xóm. Không đợi ông cất cái giọng lơ lớ lên, cũng chẳng cần ngó ra lộ xóm người ta vẫn biết chính ông Sơn Đông, không ai khác, kẻ kích động bầy chó lên cơn khùng. Khó kiếm con chó nào, dù nhã nhặn nhất có thể nhịn được người vừa đi vừa chém hai thanh kiếm vào nhau, và trên người treo đầy bị lớn bị nhỏ, và đầu đội mão gắn cặp lông chim trĩ cong oằn.

“Lụt, chạy ra mua chai thuốc xức ghẻ”, má cạo cơm cháy trong bếp, kêu với ra, dù không biết ông Sơn Đông đã qua khỏi nhà chưa. Khó mà xác định phương hướng ông ta khi mà bốn hướng đều dậy tiếng chó.

“Lẹ, ổng đi mất bây giờ” - má hối. Không nhìn thấy thằng Lụt bởi bức vách chắn ngang, má vẫn biết nó còn đang đắm đuối nửa cái trứng vịt luộc dầm nước mắm còn nằm trong chén, giữa mấy hột cơm khô rời. Muốn bỏ miệng ăn luôn, nửa lại muốn nhâm nhi từng chút.

“Mầy chưa hết ghẻ là còn phải ngủ với thằng tía say xỉn của mầy hoài, chắc thích?”, bồi thêm câu nữa, má chính thức nhổ thằng Lụt khỏi nửa cái hột vịt. Nó tụt khỏi bộ ngựa cái ào, tuôn ra cửa. Quần cộc giãn dây thun chực tụt khỏi hai búi mông teo nhách. Nó co giò chạy với một tay vịn lại cái quần.

Nghĩ ông Sơn Đông đi về phía đập Chẹt, ra khỏi hàng bông bụp nó ngoặt một cú trẹo sườn. Lũ chó ở cả xóm vẫn sủa ngây, dù người đàn ông ấy đi rồi, chúng vẫn sủa vào ký ức, nơi hình ảnh dị mọ cùng với mớ âm thanh lạ tai vẫn sống động tươi nguyên. Chúng sủa vào những cái bóng hãy còn ngọ nguậy chưa chịu biến tan trên đất.

Nhờ dỏng tai nghe ngóng trong lúc chạy, Lụt nhận ra tiếng chó đang nở rộ phía sau lưng nó. Và bàn chân nó cũng ngược hướng bàn chân ông Sơn Đông in trên sình ướt. Lộ xóm có hàng trăm dấu chân hay nhiều hơn nữa, thì nó vẫn nhận ra dấu chân của ông Sơn Đông, nhờ ngón cái bị cụt trụi của ổng. Lúc quay lại, chạy ngang nhà nó khựng thoáng chốc, rướn cổ ngó vô, thòm thèm nửa cái hột vịt dầm nước mắm, lo không biết có bị nhỏ em lén lấy ngón trỏ quẹt hết lòng đỏ ăn không. Trong hột vịt, lòng đỏ là béo nhất.

Lụt chạy theo ông Sơn Đông tới lộ cái thì mất dấu chân. Lộ tráng nhựa, không có sình. Nhưng ông vẫn để lại nhiều dẫn dụ khác cho thằng Lụt đâm đầu đuổi theo. Chút nữa thôi sẽ bắt kịp, chắc chắn vậy.

Trong tròng mắt của lũ chó vẫn chưa hết nhớn nhác, vẫn in hằn cái bóng dị hợm của người đàn ông vừa đi qua, mùi thuốc lởn vởn còn vương trên đám cỏ cụt đầu. Không phải tự dưng chúng cụt đầu, ông Sơn Đông chém chúng bằng đôi kiếm lạnh. Và một vài người đứng bên đường đang cầm gói thuốc mới mua được, thứ thuốc tán hôi rình, trị đủ thứ bịnh trên đời.

Chiều tà tà bước tới, thằng Lụt có chút hoang mang nhìn mặt trời sửa soạn bỏ rơi thế giới của những bụi rậm ven sông, bìm bịp kêu ngắn dài từng chập, tiếng gà kêu ổ, con đường nhựa loang lổ ổ trâu, những người đi hối hả. Vịn một người đi ngược hướng mình, thằng Lụt hỏi thăm có thấy ông Sơn Đông đằng trước.

“Giờ chắc ổng gần tới cầu Ván”, người kia trả lời, rồi nhìn cái đầu trọc khảm đầy ghẻ của Lụt, ái ngại, “gì chớ thuốc ghẻ của ổng là hết sẩy”.

Lụt chạy tới cầu Ván thì một thím bồng con qua, nói: “Ổng cuốc bộ ra bến tàu rồi, mầy cẳng dài chạy một hơi chắc kịp”. Rồi day qua đứa con, thím lườm một cái, “thấy anh này ghẻ ớn chưa, biểu tắm mà không nghe”. Lụt muốn cãi rằng tắm cũng ghẻ như thường, cái số ghẻ thì ghẻ thôi, nhưng đôi chân của nó đã tung vó.

Chuyến tàu cuối cùng đã mang ông Sơn Đông đi trước khi thằng Lụt tới. Mặt nước còn chao, sóng vẫn đang dỗ dành vào đôi bờ lá. Ngó tàu đò khuất sau doi làm thằng Lụt vô vọng đến nỗi phải ngồi thụp trên mấy thân dừa người ta đốn kê dưới bến, thở muốn bể phổi mà không ra hơi. Một ông chạy chiếc Mô Bi Lết lạch bạch ngang qua, kêu: “Ê nhỏ muốn rượt theo thằng cha mãi võ hoàn tán thì leo lên, xe tao dọt lắm, thể nào cũng kịp chặn đầu chả ngay bến chợ”.

Không đắn đo gì hết, thằng Lụt lấy hết sức búng cái thân hình kẹp lép của nó lên yên sau của chiếc xe nghe tiếng đầy vẻ thù hằn. Nó muốn vịn hông ông kia, nhưng sợ lây ghẻ qua ổng nên đành nắm chặt cái gờ dưới yên xe.

“Mầy còn ở đó chớ, nhỏ?” - ông kia hỏi, khi nghe đằng sau nín khe, tưởng thằng Lụt đã văng mất khi qua mấy cái ổ gà.

Bóng tối từ những cái hang chù ụ dâng lên dâng lên ngập tới trời. Lụt tuyệt vọng nhớ về nửa cái hột vịt dầm nước mắm. Dễ gì cái thứ béo mặn ấy còn nằm nguyên trong chén cơm khô, khi mà suốt buổi chiều nó chạy như chó dại ngoài đường, con Lì ngu gì mà không lủm gọn.

Ý nghĩ đó làm nó buồn quá sức, trong lúc người đàn ông đằng trước đang ngêu ngao hát bài gì chiều nay sương gió lên khơi, lòng bao thương nhớ tơi bời. Lụt sợ mình sẽ khóc luôn nên bẻ ngoặt ý nghĩ qua những bãi ghẻ trên người, chúng sẽ khô mài nhanh, nó sẽ trở lại ngủ chung với con Lì, với má, hai con người thơm và ấm nhất đời.

Sập tối thì tới bến chợ. Chiếc tàu đò chở ông Sơn Đông đã cập bến chừng năm phút trước, giờ họ vẫn đang giở hàng, đưa mấy con heo trong cũi lên bờ. Ông ta không còn ở đó. Người ta nói sớm mai thể nào ổng cũng quay lại bến tàu, từ đây ổng ngồi tàu đi tới những xóm làng hui hút, kiểu như xóm Lụt. Ông Mô Bi Lết mua cho thằng nhỏ ổ bánh mì, gãi cổ nói: “Tao chạy hết ga rồi, chắc bữa nay ít khách nên tàu dọt lẹ hơn, thông cảm mậy”. Thằng Lụt mụ đi bởi mùi bánh mì dồn thịt chan nước sốt cà, đến nó không còn sức để hờn oán rủi may.

“Có sao đâu, tui nằm đây chờ, sáng dậy đón ông Sơn Đông rồi quá giang tàu đò về” - thằng Lụt nói. Lời bị ngốn trong cái họng nhồm nhoàm bánh mì. Nỗi buồn về nửa cái hột vịt dầm nước mắm chiếm đóng nó suốt dọc đường, đã bị đánh bật ra.

Sau này về nhà, thằng Lụt kể nó ngủ ngay khi ăn ổ bánh mì xong, cả ngày chạy rã giò nên thấm mệt. Sáng sau nó dậy lúc tàu còn chưa ra bến, nhưng ông Sơn Đông không xuất hiện ở đó. “Bữa nay chủ nhựt chợ đông, ổng bán bể tay, đi xa chi cho mệt”, con bé bán bánh cam nói, ngó cái đầu ghẻ lầy ghẻ lội của thằng nhỏ nhà quê, thở dài, “muốn kiếm ổng thì theo tui”.

Hai đứa nó, một ghẻ một không, đã đi lòng vòng từ chợ đông tới chợ tàn, qua những dãy phố tàu phố tây, ăn cháo trắng củ cải muối ở bếp ăn trong nhà thương thí, lại đi qua những phố tây phố tàu, xin được hai khúc mía xước chơi, phấn mía dính trên khóe miệng như hề, vừa đi vừa rải xác mía trên những phố thắp đèn xanh đỏ.

Tới đây chắc bạn hết kiên nhẫn rồi, rốt cuộc thằng Lụt đó có kiếm được ông Sơn Đông không. Tôi đâu biết. Phải đi theo nó mới biết. Giờ nó vẫn đang lang thang theo con nhỏ bán bánh cam qua nhiều xóm hẻm xóm nước đen xóm mả Tàu, tìm ông bán thuốc ghẻ. Cái thằng ốm ròm, nhưng lì, chịu khó.

Có lần đuổi theo một con chàng bè vuột bẫy qua ba vạt đồng, chim gãy cánh bay không được xa, thằng Lụt càn qua kinh qua mương qua không biết bao nhiêu bờ mẫu, rốt cuộc lượm được chiến lợi phẩm đem về.

Chưa bao giờ Lụt nản lòng, dù đuổi theo con cá thác lác chuyên phá mồi câu hay theo dấu của ông Sơn Đông bán thuốc. Ở những nơi ông vừa mới rời đi, người ta vẫn còn trầm trồ ổng gồng kiểu gì mà dùng bụng bẻ cong cây giáo, ông bào chế thuốc kiểu gì mà bịnh chi uống vô cũng tan bay. Nhiều mảnh sành còn nằm vương vãi trên đất, chắc ông Sơn Đông đập bể chúng bằng trán mình.

Người đàn ông kia không lúc nào biến mất hẳn, những dấu hiệu ông để lại suốt đường thằng Lụt đi gieo một cảm giác vô cùng tin cậy rằng, chỉ qua khúc cua kia, hoặc co giò chạy chừng trăm thước nữa, nó sẽ gặp ông ta, chìa tờ giấy bạc quắn quéo ra nói: “Bán tui hai chục đồng thuốc ghẻ”.

Sự thật là đã có một lần hai người họ gặp nhau, ở một bãi võ đầy cứt ngựa sau đình chợ. Lụt hỏi mua thuốc ghẻ sau khi ông Sơn Đông múa xong bài Song kiếm hợp bích thần sầu. Vỗ đùi tiếc nuối, giọng ông vẫn lơ lớ như mọi khi.

“Rủi quá chú em, qua không có sẵn thuốc ghẻ ở đây. Chỗ này đâu ai bị ghẻ nên ngộ quải theo chi cho nặng”, chừng như thấy thằng nhỏ sắp xuống nước mắt, ông nói luôn, “chờ đây, chừng dọn bãi thì theo ngộ về nhà lấy thuốc”. Thằng Lụt đã tót lên cái sạp thịt heo nằm chờ ông Sơn Đông diễn cho hết võ, cho tới khi nó giật mình thức giấc thì ông đã biến mất. Cái ý nghĩ rằng ổng cũng đi kiếm mình để bán cho bằng được gói thuốc ghẻ làm thằng Lụt thấy áy náy ghê gớm.

Xuống bến tàu tìm ông, người ta nói ổng ngồi tàu đò đi Mỹ Thơ. Lại có người nói đâu phải, ổng đi tàu kinh Hội. Nghe ông Sơn Đông đi đâu, Lụt đi theo đó, nó tìm thấy những dấu chân chín ngón còn ướt, cỏ đuôi mèo cụt ngọn rỉ nhựa ra, những con chó sủa đổng vào một bóng người kỳ dị in hằn trong mắt, trong chiêm bao chúng.

Vài lần qua những xóm làng vào lúc chạng vạng nhuộm toàn thân Lụt thứ bóng tối nhờ nhợ, vài lần nó nhớ chừng này chắc con Lì đã lùa vịt vô chuồng, má cọ rửa mấy cái nồi ngoài cầu ao, và tía nó đang vịn từng cây chuối về nhà, có thể đã qua cầu Chẹt, chửi cha cái bóng chập chờn dưới mặt kinh. Má con nó không bao giờ có thể giải thích nổi, sao một người xỉn mèm lại có thể qua được chục ngoài cây cầu khỉ để về nhà.

Những hồi nhớ đó khiến Lụt muốn lập tức quay về. Nửa hột vịt kia chắc con Lì ăn mất rồi, nhưng má sẽ luộc cái khác, sau đó chia đôi cho hai anh em. Nhưng nó thật sự không biết đi hướng nào, và đi bao lâu thì tới. Nó níu một bà già hỏi xóm Chẹt có gần đây không, nhưng bà kia ngẩn ra hỏi lại xóm Chẹt ở đâu. Rồi bà ghé tai vào ông già đứng kế bên, hỏi như gây lộn, “Xóm Chẹt đó, biết không?”. Ông già cười, “ờ dừa đẹt chỉ cho, không bán”. Có lần gặp người vá lu, ông nói xóm Chẹt nào ông cũng biết, “mà thằng nhỏ mầy ở Chẹt nào?”.

“Xóm tui có sông chảy qua”, Lụt nói, tự thấy vô vọng. Đất này ở đâu mà không có sông nước chảy qua. Nó không nhớ ra đặc điểm nào khác về xóm mình, ngoài con sông trước nhà, đàn ông say trẻ con bị ghẻ và bóng tối, nhiều vô kể.

Thằng Lụt quá giang từ tàu đò tới xe kiếng, xe bò, được người ta cho ăn những thứ ngon hoặc không. Hồi đầu Lụt chỉ việc ăn rồi quẹt mỏ đi, nhưng sau này nó nán lại vác tiếp vài táo gạo, cần xé đường, gánh năm ba đôi nước, lấy công đổi cơm. Làm hối hả không kịp thở, sợ mất dấu ông Sơn Đông.

Nhưng bao giờ cũng vậy, ông chẳng làm thằng Lụt vô vọng, chỉ cần ngó thấy đứa nhỏ đầu đầy ghẻ chốc cầm chong chóng tre chơi trước nhà, mớ ghẻ bôi thuốc tán đã khô mài, nó biết ông Sơn Đông vừa qua đây. Bất giác, Lụt rờ đầu mình, trên đó giờ tóc đã mọc rồi lại cạo trọc nhiều bận, không biết ghẻ đã hết từ hồi nào.

Nhưng Lụt vẫn đi tìm ông Sơn Đông, chừng gặp được ổng mua thuốc ghẻ xong, có thể nó sẽ biết làm gì kế tiếp. Một bữa, qua xóm Mù Khơi gặp hai cha con ông nọ đang lội mé rạch đốn lá lợp nhà, Lụt đứng coi, nhớ má hay đốn lá một mình. Ông kia ướt ngoi, thấy có thằng chỉ đứng trên bờ thừ ra không làm gì, tưởng ngắm con gái mình, lúc này cũng ướt. Nghĩ tới chuyện chỉ hai cha con chẻ lá, phơi phóng, lợp nhà thì ngại quá, ông biểu con gái kéo lá lên bờ. Lụt nhìn cái bắp vế trắng lộ ra dưới lớp vải nâu xoăn quá gối, nuốt nước miếng nói để tui tiếp một tay.

“Anh đi đâu mà qua đây?”, cô gái hỏi, dạn dĩ ngó thẳng vào mắt Lụt. Nghe về ông Sơn Đông, cô nói luôn trong lúc cúi xuống vắt nước đôi vạt áo bà ba, “ổng mới ngang đây, tía tui kịp mua mấy gói thuốc đau lưng. Anh đi lẹ là kịp ổng”.

“Phải ông chín ngón không?”.

“Chớ ai”, cô gái thở hắt ra, người gì chỉ thở thôi mà lúm đồng tiền sâu hút. Lụt suýt té vô đó mấy lần.

Lụt nhìn ra con đường xóm nhỏ xa mờ trước mặt, rồi ngó lại đường xóm nhỏ xa mờ sau lưng, nghĩ ông Sơn Đông giờ chắc nghỉ chân chỗ nào đó, chờ nó. Dợm bước đi thì ông già dưới kinh kêu vói lên: “Ở chơi, nay mai gì thằng chả cũng đi ngang đây”.

“Phải ông chín ngón tui mới chịu nghen”, Lụt nói, mắt không rời khỏi dòng nước lắt rắt chạy trên người cô gái.

“Bao nhiêu ngón cũng có. Xứ này Sơn Đông thiếu cha gì”.

Ông già không nói dóc. Có nhiều ông Sơn Đông đi qua xóm, lúc Lụt ở lại với ông suốt mùa khô năm đó, lợp lại mái nhà. Họ múa kiếm hoặc múa thương, đầu đội mão lông trĩ hoặc không, bán mọi thứ cao đơn hoàn tán. Chỉ có thuốc ghẻ là không, hoặc có thì cũng đã bán hết sạch trước khi tới chỗ Lụt.

“Thuốc đó sư huynh ta còn”, họ nói, bằng cái giọng lơ lớ, “chú mầy chịu khó chờ huynh ấy”.

Lụt chờ tới mùa mưa thì ông già đi vắng, để cô con gái lại một mình, Lụt không nỡ bỏ đi theo dấu chân ông Sơn Đông vừa để lại trên con đường xóm. Những dấu chân còn ướt, mới tinh. Chắc là lúc nó ôm cô gái ứ hư ừ hư, ông đã đi ngang qua cùng với đám chó động kinh. Giống như hồi nào Lụt lang thang tìm ông, đã tình cờ ngang qua mà không nhận ra người đàn ông kia đang nằm vắt vẻo trên nhánh me tây cạnh mái đình.

Sau này trở về nhà, Lụt nói chắc ông Sơn Đông chín ngón đã ngang qua nhà lúc nó đang quạt mẻ than cho vợ nằm cử, lúc cõng đưa con bị sốt đi kiếm ông y sĩ vườn, hay lúc đi làm chủ lễ cho mấy đám cưới trong xóm, lúc ngồi tàu đi hỏi vợ cho thằng con cách bảy vạt đồng. Lụt về, thấy cỏ cụt ngọn, mùi thuốc hăng hăng trên những tàu chuối khô và mấy con chó trong nhà nằm dưới gầm giường sủa mãi vào cái bóng trong đầu chúng. Lụt cứ chờ đợi tìm kiếm rồi bỏ lỡ người đàn ông đầu mọc lông chim trĩ ấy.

Một bữa đi nhà thương thăm cháu nội mới sinh, Lụt gặp một người đàn bà luống tuổi nuôi cháu ở giường bên. Bà kể về một ông Sơn Đông chín ngón bán thuốc thần sầu.

“Cậu con chạy theo mua thuốc ghẻ tới giờ chưa về chớ gì”, con dâu bà chặn họng luôn, như thể nó nghe chuyện này phát chán.

Bà già không tỏ ra phật lòng, nắn gót chân trắng hồng của đứa trẻ sơ sinh, thở hắt.

“Đời con người ta thấy vậy mà ngắn thiệt, cậu Lụt tụi bây đi mua thuốc ghẻ thôi cũng mất mấy chục năm”.

Anh em Lụt nhận lại nhau trong căn phòng đó. Cô em mếu máo kể đã từng đi kiếm thằng anh mua thuốc ghẻ mãi không về, cô đi ra bến tàu, họ nói thằng nhỏ ghẻ lầy lội đó ra chợ rồi, Lì nhảy xe bò ra chợ, người ta nói anh đã xuống đò đuổi theo ông Sơn Đông.

“Cứ kiếm ông Sơn Đông là gặp thằng anh mầy thôi”, người ta nói.

Tới đây chắc bạn nổi khùng, tưởng câu chuyện đang lặp lại buồn chán không chịu nổi, cái vòng luẩn quẩn người tìm người, người trôi dạt trên những nẻo đường vô tận. Nhưng bạn ngồi một chỗ thì không biết được, người đi đường luôn bị mê dụ bởi bao nhiêu thứ lạ lùng. Một ông già cưỡi cá sấu đi giăng câu. Một con chó đá bị chim ó cắp đi chục ngoài cây số. Ai đó bị chém đứt đầu mà miệng vẫn chửi leo lẻo.

Và ở cái miền sông ấy người lỡ đường, nhất là một đứa trẻ, không thể đói lạnh được, nó luôn tìm được miếng ăn, chỗ ngủ ở bất cứ đâu. Quan trọng là cuộc tìm người của nhỏ em cũng chưa được bao xa, thì có xe đò chặn đường nhắn rằng má hấp hối mau về.

“Phải không về chịu tang má là tui đuổi theo anh tới ổ rồi” - Lì mếu máo.

Bữa cơm sum họp của hai anh em ê hề thịt cá, nhưng Lì luộc thêm cái hột vịt, đem xẻ đôi dầm nước mắm. Hỏi tía đâu, Lì ngưng tay cạo cháy nói vói ra: “Chừng này chắc ổng đang níu tay chuối lần về”. Lụt dựng đũa nhìn nửa cái hột vịt dầm nước mắm nằm gọn trong đáy chén, vách chén dính mấy hột cơm khô, nghĩ sao giống mơ quá. ■

🍀NGUYỄN NGỌC TƯ
Đại Ngu

Đại Ngu


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum