Boitelle - Guy De Maupassant
Page 1 of 1 • Share
Boitelle - Guy De Maupassant
Boitelle
(Boitelle)
Tặng Robert Pinchon
Lão Boitelle chuyên nghề làm những công việc dơ bẩn trong cả vùng này. Mỗi lần người ta cần dọn một cầu tiêu, một chuồng phân, một hố chứa nước bẩn, khơi một cái cống, một hố bùn nào đó, thì người ta tìm đến lão.
Lão ta đến, mang theo những dụng cụ của nghề hót phân, chân lê một đôi guốc cáu bẩn, và lão vừa làm vừa luôn mồm than vãn về cái nghề của mình. Khi người ta hỏi thế tại sao lão đã chọn cái nghề dơ bẩn đó, thì lão trả lời một cách nhẫn nhục rằng:
“Chà, vì phải nuôi đàn con. Nghề này kiếm ra tiền hơn cả.”
Quả thật lão ta có mười bốn con. Nếu người ta hỏi thăm đàn con của lão nay ra sao, thì lão hờ hững trả lời:
“Còn tám đứa ở nhà. Một đứa tòng quân và năm đứa đã lấy vợ lấy chồng.”
Khi người ta muốn biết chúng lấy vợ lấy chồng có vui vẻ không, thì lão hăm hở đáp:
“Tôi là không có ngăn cản chúng. Tôi không ngăn cản chúng một tý gì cả. Chúng lấy vợ lấy chồng thế nào, mặc ý chúng. Về cái thích của con người ta là không có nên cưỡng ép, như thế sẽ không hay. Tôi có phải làm nghề hót phân này cũng chỉ vì bố mẹ tôi đã ngăn cản ý thích của tôi. Nếu không thì tôi cũng đã làm thợ, đường hoàng, như ai.”
Sau đây là câu chuyện bố mẹ lão đã ngăn cản cái ý thích của lão như thế nào.
Khi xưa, bấy giờ hắn còn là lính tại ngũ, đóng ở Le Havre, người không đến nỗi đụt hơn ai, mà cũng chẳng tinh khôn hơn ai, có phần chất phác. Những thì giờ nhàn rỗi, cái thích thú nhất của hắn là dạo chơi ngoài bến tàu, ở đó có những hàng bán chim tụ tập. Khi một mình, khi cùng một người đồng hương, hắn đi thong thả dọc theo dãy những lồng chim. Có những con vẹt lưng xanh đầu vàng của miền Amazon, những con vẹt lưng xám đầu đỏ của xứ Sénégal, những con vẹt dài đuôi to lớn có vẻ chim nuôi trong nhà kính, với bộ lông hoa hoét, những chùm lông tua, lông mào, những con vẹt đủ các loại to nhỏ hình như do một đấng tạo hoá làm nghề tiểu họa nào tô màu một cách tinh vi, và những giống chim nhỏ, nhỏ xíu, nhảy nhót, màu đỏ, màu vàng, màu xanh lơ và sặc sỡ. Chúng hoà tiếng hót với tiếng động trên bến, cùng với tiếng những tàu dỡ hàng ầm ầm, tiếng người qua lại và xe cộ, gây thành một sự ồn ào dữ dội, inh tai, ríu rít, ầm ĩ của một khu rừng xa xôi và lạ lùng.
Boitelle dừng lại, mắt giương to, mồm há hốc; hớn hở và nhe răng cười với những con vẹt có mào bị nhốt; chúng xòe màu trắng hay vàng ra hoan nghênh màu đỏ chói trên chiếc quần và bộ khoá đồng ở chiếc thắt lưng của anh lính. Khi bắt gặp một con chim biết nói thì hắn hỏi chuyện, và, nếu hôm đó con vật lại vui lòng bắt chuyện và đối đáp với hắn, thế là cả ngày hắn phởn phơ thoả lòng lắm. Hắn cũng lấy làm khoái trá được ngắm những con khỉ, và tưởng tượng đối với một người giàu thì không gì sang trọng bằng nuôi những con vật đó như ta nuôi mèo và chó vậy. Cái sở thích đó, cái tính ưa của lạ ngoại lai đó, hắn sẵn có ở trong máu như người ta thích đi săn, thích làm nghề thuốc hay thích tu hành. Mỗi khi cửa trại mở là hắn không thể nhịn đi dạo ngoài bến được, dường như có một sự thèm khát nào thu hút hắn.
Thế rồi có một lần, hắn dừng chân ngây ngất trước một con anh vũ quái dị đang xù lông, nghiêng mình xuống rồi lại đứng thẳng lên, kiểu như nó làm lễ triều kiến theo phong tục xứ sở loài vẹt. Vừa lúc đó hắn thấy cửa một hiệu cà phê nhỏ tiếp giáp với ngôi hàng bán chim mở ra, và xuất hiện một cô gái người da đen, đầu trùm một chiếc khăn quàng đỏ, đang quét những nút chai và bụi từ trong nhà ra phố.
Lập tức Boitelle từ con vật chuyển sang chú ý một phần tới cô gái, và thật sự khó mà nói được giữa hai vật ấy hắn ngắm vật nào một cách ngỡ ngàng và thích thú hơn.
Cô gái da đen quét xong rác ra ngoài thì ngẩng mặt lên, và đến lượt cô ta choáng mắt trước bộ quân phục của anh lính. Nàng đứng ngây người ra trước chàng, cái chổi nắm trong tay như bồng súng chào, trong khi đó con anh vũ vẫn tiếp tục làm lễ triều kiến. Nhưng anh lính chẳng mấy lúc thấy ngượng vì sự chú ý của cô nàng, và anh ta bỏ đi, bước chân thong thả để khỏi lộ ra vẻ rút lui.
Nhưng rồi hắn trở lại. Hầu như ngày nào hắn cũng đi qua trước cửa hiệu cà phê Thuộc địa, và qua cửa kính hắn thường nhìn thấy cô gái da đen phục vụ các thuỷ thủ ở bến uống bia hay rượu mạnh. Còn cô ta thì thường khi thoáng thấy hắn là đi ra ngoài cửa, rồi chẳng bao lâu, dù chưa bao giờ nói với nhau một lời, họ đã mỉm cười với nhau như người quen vậy. Riêng Boitelle cảm thấy quả tim hồi hộp mỗi khi chợt nhìn thấy giữa hai làn môi xám của cô gái chói lọi hàng răng trắng. Rồi một hôm hắn bước vào hiệu và rất ngạc nhiên thấy cô gái da đen cũng nói tiếng Pháp như mọi người. Cô ta nhận cùng uống với hắn một cốc nước chanh, làm cho mãi mãi trong trí nhớ của anh lính còn giữ cái hương vị nước chanh ngon tuyệt. Thế là hắn đâm ra quen thói đến hiệu cà phê nhỏ ngoài bến để uống đủ các thứ nước ngọt tuỳ theo túi tiền của hắn.
Đối với hắn là cả một niềm vui, một hạnh phúc mà hắn luôn luôn mơ tưởng, mỗi khi được trông thấy bàn tay đen của cô hầu bàn rót các thứ vào cốc của hắn, trong khi đó răng cô ta nhe ra cười, sáng hơn cả đôi mắt. Sau hai tháng gặp gỡ, họ trở thành đôi bạn chí thiết, và Boitelle, lúc đầu ngạc nhiên thấy cô gái da đen ấy tâm hồn cũng chất phác hiền hậu chẳng khác gì những thiếu nữ ở quê hương mình, thấy cô ta cũng cần kiệm, ngoan đạo và nết na, đâm ra càng thêm yêu, yêu mê mệt đến mức muốn lấy cô ta.
Hắn ngỏ ý đó với cô làm cô ta nhảy lên vì vui mừng. Vả chăng cô ta cũng có ít vốn liếng do một bà bán sò để lại cho, bà này đã đem cô về nuôi khi một viên thuyền trưởng người Mỹ bỏ cô lại ở bến Le Havre. Cô gái bấy giờ còn là một đứa bé sáu tuổi, viên thuyền trưởng đã tìm thấy nó nằm trên những kiện bông trên hầm tàu vài giờ sau khi tàu rời bến New York. Đến Le Havre viên thuyền trưởng đem con vật bé nhỏ đen đủi đó mà không biết kẻ nào đã giấu ở trong tàu, trao cho bà bán sò, bà này động lòng thương nhận về nuôi. Bà bán sò chết đi, cô gái da đen trở thành người hầu bàn ở hiệu cà phê Thuộc địa.
Boitelle nói thêm với cô gái:
“Chúng mình sẽ lấy nhau, nếu thầy bu tôi bằng lòng, tôi chẳng bao giờ làm trái ý thầy bu cả, em ạ! Nay mai về quê, tôi sẽ ngỏ ý với hai cụ.”
Quả nhiên tuần lễ sau được phép nghỉ hai mươi bốn giờ, hắn về gia đình, nhà làm ruộng ở một trại nhỏ thuộc Tourteville, gần Yvetot.
Hắn đợi sau bữa cơm, lúc uống cà phê pha rượu ngà ngà làm cho con người ta cởi mở, để báo tin cho bố mẹ hắn đã tìm ra một cô gái hoàn toàn hợp với sở thích của hắn, hợp về đủ mọi mặt đến nỗi trên trần này không thể tìm đâu ra một người đàn bà hợp với hắn như thế.
Hai ông bà lão nghe nói thế thì đâm ra dè dặt và hỏi gặng để hắn nói rõ thêm. Thật ra hắn cũng chẳng giấu giếm điều gì, trừ cái màu da của cô gái.
Cô ta làm hầu bàn, không có vốn liếng gì nhiều, nhưng đảm đang, tằn tiện, sạch sẽ, nết na, lại thêm lanh lợi. Tính nết như thế, thật đáng giá hơn là tiền bạc ở trong tay một người nội trợ hư hỏng. Của đáng tội cô ta cũng có ít vốn, do một người mẹ nuôi để lại, cũng khá, ngon ngót một món hồi môn nhỏ, nghìn rưởi quan gửi ở quỹ tiết kiệm. Hai ông bà lão bị hắn thuyết phục, và cũng tin ở sự đánh giá của con trai, dần dần ngả ý. Vừa lúc đó thì hắn nói đến cái điểm gay go nhất. Hắn cười hơi có vẻ gượng và nói:
“Chỉ có một điều chẳng biết có vừa ý thầy bu không. Chả là cô ta không được trắng lắm.”
Hai cụ không hiểu và hắn phải giải thích một cách dài dòng, rào đón trước sau để hai cụ khỏi sinh ác cảm, rằng cô ta thuộc về giống người da đen mà các cụ chỉ nhìn thấy trên tranh vẽ.
Thế là hai cụ đâm lo lắng, hoang mang, sợ hãi, dường như hắn xin kết duyên với yêu tinh.
Bà mẹ nói:
“Đen à? Đen nhiều hay ít? Chỗ nào cũng đen thế à?”
Hắn đáp:
“Đúng thế đấy. Chỗ nào cũng thế, thì như bu chỗ nào mà không trắng!”
Ông bố hỏi lại:
“Đen à? Đen có bằng trôn nồi không?”
Anh con đáp:
“Có lẽ kém một tí! Đen thì đen thật, nhưng không đến nỗi ghê người đâu. Thì chiếc áo dài đen của cha xứ đen như thế, nhưng nó có xấu hơn chiếc áo lễ trắng của cha đâu.”
Ông bố hỏi:
“Ở nước nó còn có ai đen hơn nó không?”
Anh con ra vẻ hiểu biết kêu lên:
“Chắc có.”
Nhưng ông lão lắc đầu:
“Thế thì khó coi lắm nhỉ.”
Anh con:
“Cũng như mọi người thôi, chẳng có gì là khó coi, chỉ vài bữa là quen mắt thôi mà.”
Bà mẹ hỏi:
“Da với dẻ thế mà lại không làm bẩn thêm quần áo ra à?”
“Không, cũng như da của bu ấy, đã gọi là màu da mà lại.”
Hỏi đi hỏi lại mãi, mọi người thoả thuận rằng hai cụ hãy đợi trông thấy cô gái thế nào đã rồi mới quyết định sau. Còn anh con trai thì trong tháng tới, mãn hạn lính, sẽ đưa cô ta về nhà để mọi người xem mặt và xét xem cô ta có đen quá không, và có thể về làm dâu họ Boitelle được không.
Thế là Boitelle báo tin đúng ngày chủ nhật 22 tháng năm, ngày hết hạn lính, hắn sẽ về Tourteville với cô bạn thân của hắn.
Để về thăm bố mẹ người yêu, cô nàng đánh bộ quần áo đẹp nhất và sặc sỡ nhất, nổi lên các màu vàng, màu đỏ và xanh lơ, khiến cho cô ta có vẻ trang hoàng trong một ngày quốc khánh.
Ở nhà ga từ Le Havre đi, người ta nhìn cô nhiều lắm, và Boitelle lấy làm hãnh diện được khoác tay đi cùng một nhân vật mà thiên hạ chú ý đến thế. Rồi, trong toa xe lửa hạng ba, nơi hai anh chị cùng ngồi, cô gái làm cho các bác nông dân kinh ngạc đến nỗi những người ở toa bên cạnh đứng cả lên ghế nhòm qua phía trên vách gỗ ngăn toa để xem cô ta. Một đứa trẻ trông thấy cô sợ thét lên, một đứa khác chúi mặt vào váy mẹ.
Tuy vậy mọi sự đều yên lành cho đến ga tới. Nhưng khi gần đến Yvetot, tàu đi chậm lại, thì Boitelle thấy dấm dứt như anh lính không thuộc lý luận lúc vào khảo sát. Rồi, nhô người qua cửa sổ, hắn nhận ra ở đằng xa ông bố đang nắm cương con ngựa kéo chiếc xe, và bà mẹ đến chờ tận bên hàng rào chắn người.
Hắn xuống xe trước, giơ tay lên đỡ cô bạn thân và người ngay ngắn như đi hộ vệ một ông tướng, hắn đi về phía người nhà.
Bà mẹ chợt nhìn thấy cái bà da đen mặc loè loẹt ấy sánh vai cùng với con trai, thì thất kinh đến nỗi không há được mồm ra nữa, và ông bố thì ra sức kìm con ngựa nó cứ lồng lên vì sợ cái đầu máy xe lửa hay sợ cô gái da đen. Nhưng Boitelle bỗng quýnh lên mừng rỡ vì gặp bố mẹ, hắn nhảy xổ đến, dang tay ôm hôn mẹ, hôn bố mặc cho con ngựa sợ hãi. Và rồi, quay về phía cô bạn mà mọi người qua lại đều lạ lùng dừng lại để xem, hắn phân bua:
“Đây cô ta đây! Tôi đã bảo thầy bu rằng mới nhìn thì cô ta cũng hơi khó coi đấy, nhưng khi đã biết rõ cô ta thì thật là trần đời không có gì đáng yêu hơn. Thầy bu hỏi cô ta đi một tí cho cô ta khỏi ngượng.”
Bà mẹ Boitelle hoảng sợ như người mất hồn, lập tức nghiêng mình làm điệu chào, còn ông bố thì cất cái mũ lưỡi trai lên, miệng lẩm bẩm: “Xin chào cô về chơi.” Rồi người ta vội vã trèo lên xe, hai người đàn bà ngồi đằng sau, trên những chiếc ghế dựa cứ nảy bắn người lên mỗi khi đường xóc, hai người đàn ông ngồi ở chiếc ghế dài nhỏ phía trước.
Không ai nói điều gì cả. Boitelle lo lắng, huýt sáo miệng theo một điệu nhà binh, ông bố ra roi quất ngựa, còn bà mẹ thì cứ lấm lét đưa mắt nhìn trộm cô gái da đen, vầng trán và hai gò má cô ta lấp loáng dưới ánh nắng như những đôi giày đánh xi bóng nhoáng.
Để phá tan bầu không khí lạnh nhạt, Boitelle quay lại hỏi:
“Thế nào, sao không nói chuyện đi?”
“Cũng phải có thời giờ để làm quen,” bà lão trả lời.
Hắn lại nói:
“Thôi, bu kể cho cô ta nghe cái chuyện con gà của bu đẻ tám trứng đi.”
Đó là một câu chuyện buồn cười thường kể trong gia đình. Nhưng bà mẹ vẫn im lặng vì bị xúc động, cho nên hắn đành tự kể lấy câu chuyện, vừa kể vừa cười như nắc nẻ. Ông bố cũng thuộc lòng câu chuyện nên vừa nghe đã tươi hẳn mặt lên; bà mẹ chẳng bao lâu cũng cười theo, mà ngay cả cô gái da đen mỗi khi nghe kể đến đoạn ngộ nghĩnh nhất cũng phá ra cười, một chuỗi cười ồn ào, cuồn cuộn, như thác đổ, đến nỗi con ngựa bị kích thích phóng lên một hồi.
Thế là họ quen nhau, và chuyện trò.
Vừa về tới nhà, mọi người xuống xe; sau khi hắn đưa cô bạn thân vào buồng cởi áo ngoài để cô ta đi nấu một món ăn ngon lấy lòng hai ông bà cụ, hắn liền kéo bố mẹ ra cửa để hỏi, tim hắn đập mạnh:
“Thế nào, thầy bu bảo sao?”
Ông bố im lặng. Bà mẹ, mạnh dạn hơn, tuyên bố:
“Phải cái nó đen quá! Không, thật đấy, đen quá lắm. Tao cứ rợn cả người lên thế này này.”
“Rồi mẹ sẽ quen đi,” Boitelle nói.
“Ừ có nhẽ thế, nhưng cứ như bây giờ thì chịu thôi.”
Họ quay vào trong nhà, và bà lão thấy cô gái da đen nấu bếp thì cảm động. Thế là bà cũng giúp một tay, váy xắn lên, nhanh nhẩu mặc dầu tuổi tác.
Bữa cơm ngon, kéo dài, vui vẻ. Sau đó, khi mọi người cùng đi dạo quanh làng thì Boitelle kéo bố ra hỏi riêng:
“Thế nào thầy, thầy bảo sao?”
Ông lão không bao giờ muốn lôi thôi đến mình.
“Tao chẳng có ý kiến gì sất. Hỏi bu mày ấy.”
Thế là Boitelle lại chạy tới mẹ kéo lại đằng sau:
“Thế nào bu, bu bảo sao?”
“Con ơi, nó đen quá thật. Của đáng tội, chỉ bớt đi một tí là tao chẳng phản đối đâu, nhưng đen quá. Trông cứ như quỷ dạ xoa ấy!”
Hắn ta không gặng thêm một lời, vốn biết tính bà lão rất ương ngạnh, nhưng tự nhiên hắn cảm thấy nỗi buồn phiền như cơn bão tràn ập vào lòng. Hắn đã tìm đủ mọi cách, bày ra đủ mọi thứ, mà lạ làm sao là cô gái vẫn không chinh phục nổi hai ông bà lão như trước kia cô đã làm cho hắn ta xiêu lòng. Cả bốn người đi thong thả qua những thửa ruộng, ai nấy lại dần dần im lặng. Khi họ đi tới chỗ dọc theo một hàng rào thì những nông dân ở đâu hiện ra bên giậu, lũ trẻ nhãi leo lên bờ đường, tất cả đổ xô ra đường cái để xem cô “đầm đen” mà cu cậu Boitelle dẫn ở đâu về. Đằng xa nhiều người chạy tắt qua đồng tới như mỗi lần có tiếng trống khua lên để quảng cáo những con vật kỳ lạ. Hai ông bà lão Boitelle thấy bọn mình đi đến đâu là gieo rắc thêm sự tò mò trong dân xóm đến đấy thì đâm hoảng, vội rảo cẳng đi trước, cách thật xa anh con trai, bấy giờ cô bạn đang hỏi hắn xem bố mẹ nghĩ thế nào về mình.
Hắn ngập ngừng trả lời rằng hai cụ chưa quyết định gì cả.
Nhưng khi họ đi đến nơi công cộng của xã thì ở đâu ào ào đổ tới tất cả mọi nhà. Thấy quần chúng tụ tập càng ngày càng đông, hai ông bà lão Boitelle bỏ chạy trốn về nhà, còn anh chàng Boitelle thì cáu tiết lên, khoác tay cô bạn yêu, đường hoàng tiến bước trước những con mắt trố ra vì kinh ngạc.
Hắn ta hiểu rằng thôi thế là hết, không còn hy vọng gì nữa, không thể kết hôn với cô gái da đen của mình được; cô ta cũng hiểu như thế; và cả hai cùng oà lên khóc khi về gần tới trại. Về đến nhà, cô ta lại cởi áo ra giúp việc bà mẹ; cô ta theo sát bà khắp mọi chỗ, nơi vắt sữa, chuồng bò, chuồng gà, giành lấy phần lớn công việc để làm, luôn mồm đon đả: “Bà để con làm cho, bà ạ”, đến nỗi tối đến bà lão, cảm động nhưng lòng vẫn không chuyển, nói với con trai:
“Của đáng tội, con bé cũng ngoan đấy. Chỉ phiền một nỗi là sao nó đen thế, thật đấy, đen quá. Tao không làm sao quen được đâu, thôi để cho nó về, nó đen quá!”
Rồi Boitelle nói với cô bạn thân yêu:
“Bu không bằng lòng, bu thấy em đen quá. Thôi đành quay về vậy. Tôi sẽ đưa em ra tận ga. Mặc dầu vậy, em đừng ngã lòng. Khi nào em đi rồi, tôi sẽ nói lại với thầy bu.”
Thế là hắn tiễn cô gái ra ga, khuyên cô cứ hy vọng. Sau khi ôm hôn bạn, hắn đỡ cô lên toa rồi nhìn theo con tàu chạy ra xa, mắt nhoà nước mắt.
Hắn hết sức van xin bố mẹ nhưng không được, không đời nào hai ông bà lão bằng lòng.
Và rồi mỗi khi kể xong câu chuyện trên đây mà tất cả mọi người trong vùng ai cũng biết, Boitelle nói thêm:
“Từ đó trở đi tôi chẳng còn thiết đến một cái gì nữa. Tôi không để tâm được vào một nghề nào cả, và ngày nay tôi trở thành một anh hót phân.”
Người ta bảo hắn:
“Nhưng rồi anh vẫn lấy vợ kia mà.”
“Đúng thế, mà tôi cũng chẳng có thể bảo rằng tôi không ưng vợ tôi vì tôi đã có với mụ ấy mười bốn con. Nhưng dù sao mụ ấy cũng không phải là cô kia, không phải, không! Cô kia, anh biết không, cô gái da đen của tôi, cô ta chỉ nhìn tôi một cái là tâm hồn tôi lên mây…”
Trọng Đức dịch
LDN
Similar topics
» Món gia tài - Guy De Maupassant
» Con Quỷ - Guy de Maupassant
» Bà Hermet - Guy de Maupassant
» Cái Thùng Con - Guy de Maupassant
» Đi Ngựa - Guy de Maupassant
» Con Quỷ - Guy de Maupassant
» Bà Hermet - Guy de Maupassant
» Cái Thùng Con - Guy de Maupassant
» Đi Ngựa - Guy de Maupassant
Page 1 of 1
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum
|
|