Our forum runs best with JavaScript enabled !

Cải cách Ruộng đất: ~ trang sử đen tối của Việt Nam

View previous topic View next topic Go down

Sad Cải cách Ruộng đất: ~ trang sử đen tối của Việt Nam

Post by LDN Wed Sep 04, 2024 4:51 am

Cải cách Ruộng đất và sự thay thế bộ tứ lãnh đạo Việt Nam

Ông Hồ Chí Minh (phải) khóc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 1 (29/12/1956-25/1/1957) khi nói về sai lầm trong Cải cách Ruộng đất.
Chụp lại hình ảnh,Ông Hồ Chí Minh (phải) khóc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 1 (29/12/1956-25/1/1957) khi nói về sai lầm trong Cải cách Ruộng đất.
Tác giả,Giáo sư Alec Holcombe
Vai trò,Đại học Ohio, Hoa Kỳ

1 tháng 9 2024 - BBC tiê'ng viê.t

Cải cách Ruộng đất xảy ra trong bối cảnh nào? Tại sao bộ tứ lãnh đạo Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp lại dần bị giải thể, cùng với đó là sự trỗi dậy của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ?

Việt Nam vừa trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực. Vào ngày 19/7, vị tổng bí thư lâu năm của Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng qua đời. Ông Trọng đã già yếu, nên trong một thời gian dài, có rất nhiều suy đoán về việc ai sẽ kế nhiệm ông làm lãnh đạo Đảng.

Như thường lệ đã xảy ra nhiều lần dưới chế độ cộng sản, không rõ việc chuyển giao quyền lực thực sự diễn ra như thế nào. Đã có các cuộc thảo luận không chính thức trên khắp các diễn đàn về những phe phái quyền lực khác nhau trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Tuy nhiên, cuối cùng chúng ta vẫn không biết rõ làm thế nào mà ông Tô Lâm lại trở thành người quyền lực nhất.

Trong bài viết này, tôi muốn quay ngược đồng hồ về một quá trình chuyển giao quyền lực quan trọng của giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam trong quá khứ. Cuộc chuyển giao quyền lực đó chứng kiến sự giải thể dần dần bộ tứ lãnh đạo: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp trong khoảng thời gian ba năm từ 1956 đến 1959.

Quảng cáo

Bốn người này đã thành lập một trong những nhóm lãnh đạo Đảng mạch lạc và hiệu quả nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản. Họ đã lãnh đạo Đảng kéo dài từ năm 1941, khi Hồ Chí Minh chính thức hội nhập trở lại phong trào Cộng sản Việt Nam.

Nhưng mười lăm năm sau, vào năm 1956, một phản ứng dây chuyền xảy ra, chỉ trong vài năm đã dọn đường cho sự trỗi dậy của hai lãnh đạo khác là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Hai người họ sẽ lãnh đạo Đảng trong 27 năm tiếp theo.

Tại sao và làm thế nào việc chuyển giao quyền lực đó diễn ra?

Cải cách Ruộng đất, lịch sử đẫm máu trong sự hờ hững hiện đại
26 tháng 8 năm 2024
Cải cách Ruộng đất 1953-56 và Di cư 1954, những đoạn sử buồn nước Việt
22 tháng 8 năm 2024
Cải cách Ruộng đất 'tác động mạnh' vào xã hội, Đảng Lao động và Quân đội Bắc VN
3 tháng 2 năm 2022
Một số cách giải thích
Lời giải thích điển hình thường có hai phần.

Phần đầu tiên tập trung vào chiến dịch Cải cách Ruộng đất đầy bạo lực được thực hiện từ năm 1953 đến năm 1956 ở miền Bắc Việt Nam. Theo lý thuyết đó, những lãnh đạo Đảng gắn bó chặt chẽ nhất với Cải cách Ruộng đất đều phải bị kỷ luật vì đã để cuộc cải cách diễn ra một cách “thái quá”. Khi Hồ Chí Minh “biết được” những điều xấu xảy ra trong chiến dịch, “Người” đã can thiệp và kỷ luật những người có trách nhiệm.

Có nhiều người nhận án kỷ luật, ở đây tôi chủ yếu nói về Tổng Bí thư Trường Chinh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Văn Lương và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hoàng Quốc Việt.

Khi Trường Chinh bị buộc phải từ chức Tổng Bí thư, Hồ Chí Minh đã lên thay chức vụ của Trường Chinh và chính thức nắm giữ trong 4 năm tiếp theo. Trong khi đó, ông Hồ chắc chắn đã quyết định để Lê Đức Thọ thay Lê Văn Lương làm Trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng. Đó là một vị trí quan trọng để giành quyền lực vì Lê Đức Thọ có ảnh hưởng lớn đến việc ai được đề bạt vào chức vụ cấp cao nào trong Đảng.

Phần thứ hai của cách giải thích tập trung vào yếu tố địa lý. Hồ Chí Minh biết chiến trường lớn tiếp theo của Đảng là miền Nam Việt Nam nên muốn đưa người có kinh nghiệm hoạt động ở miền Nam, nói cách khác là “người từ Nam ra” lên làm lãnh đạo. Lê Duẩn và Lê Đức Thọ phù hợp với yêu cầu đó.

Trong bài viết này, tôi sẽ đưa ra một vài ý kiến khác với cách giải thích trên.

Tôi sẽ lập luận rằng Cải cách Ruộng đất (1953-1956) là điều kiện quan trọng dẫn tới sự chuyển giao quyền lực này nhưng nguyên nhân thực sự của sự thay đổi là do Đại hội lần thứ 20 của Liên Xô.

Đại hội 20 diễn ra vào tháng 2 năm 1956. Đấy là dịp nhà lãnh đạo tương đối mới của Liên Xô Nikita Khrushchev đọc “Diễn văn bí mật” huyền thoại của mình. Trong bài phát biểu nhan đề “Về sùng bái cá nhân và những hậu quả của nó”, Khrushchev đã dành hơn ba giờ để thảo luận về triều đại 28 năm tàn bạo của Joseph Stalin. Đại hội lần thứ 20 cũng chứng kiến sự tiến bộ khi đưa ra ba đường lối chủ đạo dành cho các đảng cộng sản anh em trên khắp thế giới: 1) Chống sùng bái cá nhân 2) Tăng cường dân chủ trong đảng, 3) Áp dụng pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Đối với các nhà lãnh đạo Đảng Việt Nam, bối cảnh diễn ra Đại hội 20 – đầu năm 1956, tức là ngay giữa làn sóng cải cách ruộng đất lớn nhất – là một bối cảnh đặc biệt tồi tệ.

Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev (giữa) vào năm 1960Nguồn hình ảnh,Archive Photos/Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev (giữa) vào năm 1960
Cần khẳng định Cải cách Ruộng đất là một chính sách trong phong trào Cộng sản Việt Nam. Nhiều tài liệu (phần lớn nằm trong bộ Văn kiện đại hội Đảng toàn tập) cho thấy Cải cách Ruộng đất – chính sách cưỡng chế, tịch thu, chia lại ruộng đất để giành sự ủng hộ của nông dân – là khát vọng tiêu biểu của Cộng sản Việt Nam trong suốt phong trào của họ những năm 1920 và 1930. Vấn đề không phải là Đảng có thực hiện Cải cách Ruộng đất hay không mà là khi nào sẽ thực hiện và Đảng sẽ dùng nó làm mục đích tuyên truyền để lôi kéo giai cấp nông dân thế nào.

Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa Lenin chính thống ở chỗ ông tin tưởng mạnh mẽ vào công thức cách mạng hai giai đoạn của Lenin đối với các nước thuộc địa. Cách tiếp cận hai giai đoạn đó cho rằng Đảng Cộng sản trước tiên nên tập trung sức lực vào việc chống lại và tiêu diệt quyền lực thực dân. Để đạt được mục đích đó, những người Cộng sản nên sử dụng lý tưởng của chủ nghĩa dân tộc để chiêu mộ giai cấp tư sản bản địa yêu nước vào sự nghiệp chống thực dân. Đây là giai đoạn chống đế quốc.

Sau khi chính quyền thực dân bị đánh đuổi, người cộng sản sẽ bắt đầu giai đoạn thứ hai. Đó là giai đoạn chống phong kiến, phản tư sản, khi Đảng giám sát đấu tranh giai cấp trong nước, giúp đỡ nông dân và công nhân lật đổ giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp tư sản bản địa.

Khi Hồ Chí Minh trở lại châu Á vào năm 1938 và dần dần tái khẳng định mình là người lãnh đạo phong trào Cộng sản Việt Nam, ông đã tổ chức Đại hội Đảng vào năm 1941. Hồ Chí Minh điều chỉnh cương lĩnh của Đảng theo hướng chủ trương cách mạng phù hợp hơn với công thức hai giai đoạn của Lenin. Do đó, ông đã chỉ đạo các đồng chí của mình như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng loại bỏ hầu hết những đề cập đến đấu tranh giai cấp khi tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh cho dân chúng.

Về cơ bản, ông đã chỉ đạo đồng chí của mình bám sát các khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa cùng một số lý tưởng xã hội tiến bộ cơ bản. Những chính sách và mục tiêu khác vẫn chưa bị bỏ rơi, chỉ là chúng không phù hợp với tình hình lúc đó, khi Việt Nam cần tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Bài toán lương thực
Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chính thức bắt đầu vào tháng 12 năm 1946 khi giới lãnh đạo Cộng sản rời Hà Nội rồi mở cuộc tấn công vào các đơn vị Pháp ở thủ đô và những vùng xung quanh tại miền Bắc. Người Pháp không có đủ binh lính để giành quyền kiểm soát toàn bộ Việt Nam một cách hiệu quả. Phần lớn miền Trung và Tây Bắc bị người Pháp bỏ lại. Đây trở thành những khu vực mà Cộng sản sẽ hoạt động để thành lập bộ máy nhà nước của họ.

Các tài liệu mà tôi nghiên cứu về giai đoạn này cho thấy, tại các vùng do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát, lãnh đạo Đảng rất cần sự đóng góp về lương thực, lao động và binh lính. Trong ba thứ đó, lãnh đạo Đảng gặp khó khăn nhất là vấn đề làm sao để có được gạo.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần một lượng lớn gạo để nuôi các quan chức và quân đội ngày càng tăng của mình. Khi chiến tranh tiếp diễn, nhu cầu về gạo ngày càng tăng và nhiệm vụ thu mua gạo ngày càng khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, những người Cộng sản đã đưa ra đủ loại biện pháp nhằm kích thích tăng sản lượng nông nghiệp. Họ thử nghiệm các chiến dịch thi đua yêu nước – mọi người phải cùng nhau ra đồng và thách thức nhau làm việc chăm chỉ hơn. Họ cố gắng thuyết phục các lãnh đạo Đảng ở địa phương đưa ra một loại hợp đồng nông nghiệp với nông dân địa phương. Về cơ bản, nông dân sẽ nộp kế hoạch canh tác và sau đó ký tên đồng ý sản xuất một số lượng gạo nhất định. Họ cũng chia lại cho nông dân đất đai thu được từ giới thượng lưu đã trốn khỏi nông thôn lên thành phố.

Tuy nhiên, đất đai không hoàn toàn được trao cho nông dân. Nó chỉ được tạm thời trao cho họ và với điều kiện là phần lớn sản lượng canh tác phải được chuyển cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều nông dân phản đối rằng sản lượng từ mảnh đất được chia này không đủ lớn để trang trải chi phí canh tác và đóng thuế nặng nề.

Cuối cùng, đối với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không có biện pháp nào trong số này giải quyết được vấn đề làm thế nào để huy động đủ lượng gạo đóng góp cho chiến tranh.

Chính quyền của ông Hồ Chí Minh cần lương thực để nuôi bộ máy chính quyền và một đội quân ngày một lớnNguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Chính quyền của ông Hồ Chí Minh cần lương thực để nuôi bộ máy chính quyền và một đội quân ngày một lớn
Năm 1949, triển vọng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc chiến đã được nâng cao đáng kể nhờ chiến thắng của phe Cộng sản Trung Quốc (trong Nội chiến Quốc-Cộng) và sau đó là việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được Trung Quốc, rồi Liên Xô và các nước khối Cộng sản khác, công nhận. Stalin quyết định rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ được cố vấn bởi Trung Quốc, nước sẽ điều phối việc cung cấp vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc cho quân Bắc Việt.

Ngay sau đó, các nhóm cố vấn Trung Quốc đã đến cùng với số lượng lớn vũ khí. Không có gì ngạc nhiên khi nhóm cố vấn Trung Quốc kỳ vọng sẽ có quyền kiểm soát lớn đối với các hoạt động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh có lẽ cảm thấy rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc chiều theo những cố vấn kiểm soát viện trợ đó.

Số vũ khí viện trợ lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong Chiến dịch biên giới thu đông (1950). Trận chiến là một chiến thắng vang dội của quân Hồ Chí Minh và khiến quân Pháp rơi vào khủng hoảng tinh thần. Nhưng sau đó, trong khoảng một năm rưỡi, quân của ông Hồ đã bế tắc với quân Pháp và đồng minh tại những vùng do nhà nước Việt Nam cai quản.

Đồng thời, tình hình kinh tế ở các khu vực do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát tiếp tục xấu đi. Chính quyền đã trở nên cực kỳ khó khăn trong việc huy động sự đóng góp vật chất bằng gạo và các thực phẩm cần thiết để nuôi sống năm sư đoàn bộ binh. Và cố vấn La Quý Ba của Trung Quốc đã gây áp lực buộc lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải sử dụng cải cách ruộng đất để giải quyết các vấn đề lương thực.

Tôi nghĩ Hồ Chí Minh có niềm tin thực sự rằng cần phải tuân theo công thức hai giai đoạn chính thống của chủ nghĩa Lenin, rằng cải cách ruộng đất nên được hoãn lại cho đến sau khi chiến tranh kết thúc. Vì vậy, tôi nghi ngờ rằng ông Hồ đã thất vọng khi ông tới Moscow vào cuối năm 1952 và Stalin cũng nói với ông rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải tiến hành cải cách ruộng đất.

Thế là, với mong muốn có thêm viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã đồng ý thực hiện chương trình cải cách ruộng đất của La Quý Ba ngay trong chiến tranh, phản lại hai bước của Lenin.

Vở kịch kinh hoàng
Hình các lãnh tụ cộng sản Georgy Malenkov, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông tại một cuộc đấu tố trong Cải cách Ruộng đất (trái). Bên phải là một vụ đấu tố thời Cải cách Ruộng đất.
Chụp lại hình ảnh,Hình các lãnh tụ cộng sản Georgy Malenkov, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông tại một cuộc đấu tố trong Cải cách Ruộng đất (trái). Bên phải là một vụ đấu tố thời Cải cách Ruộng đất.
Sau nhiều năm suy nghĩ về Cải cách Ruộng đất, tôi thấy chiến dịch này giống như một màn trình diễn kinh hoàng do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp đặt lên toàn bộ người dân nông thôn. Đó là chương trình yêu cầu mọi người trong cộng đồng phải đóng một vai trò nào đó. Để vở kịch có hiệu quả, mỗi làng phải có đủ số đối tượng để tố cáo và trừng phạt. Nói cách khác, phải có đủ số lượng “nhân vật” địa chủ.

Thực tế ở nông thôn Việt Nam không có nhiều người đủ tiêu chuẩn “làm địa chủ”.

Trong nghiên cứu của mình, tôi tìm thấy một cuộc điều tra dân số được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào năm 1951, khoảng một năm rưỡi trước khi bắt đầu Cải cách Ruộng đất. Cuộc điều tra dân số được thực hiện tại hai xã thuộc tỉnh Nghệ An. Số địa chủ ở hai xã điển hình đó chỉ chiếm 0,3% dân số. Trong khi các nhà lãnh đạo Bắc Việt đặt ra hạn mức địa chủ là 5,68% dân số và gây đủ mọi áp lực lên các cán bộ thực hiện Cải cách Ruộng đất để đảm bảo rằng họ tìm được đủ số lượng địa chủ, để chương trình diễn ra như kế hoạch.

Sự kết thúc của Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất gây ra hai khó khăn cho cuộc Cải cách Ruộng đất.

Thứ nhất, Hiệp định Genève rõ ràng cấm cả hai bên thực hiện hành vi trả thù người dân trên lãnh thổ của họ.

Thứ hai, Hiệp định tuyên bố rằng, trong thời hạn 300 ngày, về cơ bản, từ mùa hè năm 1954 cho đến mùa xuân năm 1955, bất kỳ người dân nào ở Việt Nam đều được tự do di chuyển đến khu vực Bắc hay Nam tùy theo lựa chọn của mình.

Để tiếp tục Cải cách Ruộng đất mà không bị gắn mác vi phạm Hiệp định Genève, các nhà lãnh đạo Đảng đã chuyển chiến dịch sang các vùng xa bờ biển hơn, nơi người dân khó trốn vào Nam hơn. Họ cũng điều chỉnh ngôn ngữ chính thức của chiến dịch để nó không trực tiếp nhắm vào những người được xem là chống cộng.

Các nhà lãnh đạo Đảng đã tổ chức Cải cách Ruộng đất thành 5 đợt liên tiếp với quy mô càng ngày càng lớn, đợt sau lại lớn hơn tất cả các đợt trước gộp lại. Điều này có nghĩa là làn sóng thứ năm và cũng là làn sóng cuối cùng, diễn ra từ tháng 1 năm 1956 cho đến mùa hè năm đó, là thời kỳ có số lượng người dân trải qua Cải cách Ruộng đất lớn nhất.

Làn sóng cuối cùng rộng lớn này trùng với Đại hội lần thứ 20 của Liên Xô, được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 25 tháng 2 năm 1956.

Trường Chinh ‘bị tế thần’
Giáo sư Alec Holcombe cho rằng vai trò của Trường Chinh trong Cải cách Ruộng đất có lẽ khác với những gì Đảng Cộng sản Việt Nam đã công khaiNguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Giáo sư Alec Holcombe cho rằng vai trò của Trường Chinh trong Cải cách Ruộng đất có lẽ khác với những gì Đảng Cộng sản Việt Nam đã công khai
Hồ Chí Minh quyết định cử Tổng Bí thư Trường Chinh và Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ dự Đại hội 20. Họ lên đường đến Moscow vào đầu tháng 2 năm 1956. Nói cách khác, Trường Chinh không phải là công cụ quan trọng thực hiện Cải cách Ruộng đất đến mức cần thiết phải ở lại để lãnh đạo chiến dịch khổng lồ khi hơn một nửa dân số miền Bắc bị tiến hành cải cách. Chi tiết này đặt ra câu hỏi về mức độ trách nhiệm sau này của Trường Chinh đối với những “sai lầm” được cho là của chiến dịch.

Tại Đại hội 20, vào tối muộn ngày 24 tháng 2, Khrushchev đã đọc “Diễn văn bí mật” huyền thoại tố cáo tội ác của Stalin. Về cơ bản, mọi điều tồi tệ mà các nước tư bản nói về Stalin - rằng ông là nhà độc tài phù phiếm, hoang tưởng và độc ác - đều được Khrushchev khẳng định.

Đối với Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng Việt Nam khác, có ba khía cạnh đặc biệt đáng lo ngại trong “Diễn văn bí mật”.

Đầu tiên, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rõ ràng đã có sự sùng bái cá nhân toàn diện, điều này là trái ngược với tư tưởng của Marx và Lenin.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo Đảng tại Việt Nam lúc bấy giờ đã tự do phát huy vai trò lãnh đạo vĩ đại của chính mình. Áp dụng vào “Diễn văn bí mật”, họ trông giống như các nhà độc tài hoang tưởng, kẻ giết người, kẻ vụng về tai hại trong những ngày đầu của Thế chiến II.

Thứ ba, “sự vi phạm pháp luật xã hội chủ nghĩa” của Stalin mà Khrushchev mô tả cũng tương tự như những thực tiễn mà các lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam khi đó đã áp dụng trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất. Đó là thúc đẩy quan điểm cho rằng “kẻ thù” rình rập trong mọi cộng đồng, ép buộc nhận tội thông qua đe dọa và tra tấn, từ bỏ những thủ tục tư pháp thông thường và gây áp lực chính thức lên các tòa án Cải cách Ruộng đất để đưa ra các bản án có tội nhanh chóng.

Những thực tế trên đi ngược lại với ba khẩu hiệu mà Khrushchev đã đưa ra để làm kim chỉ nam cho chính sách của khối cộng sản: 1) Không sùng bái cá nhân, 2) Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, 3) Tăng cường dân chủ trong đảng.

Hàng ngàn bản sao “Diễn văn bí mật” của Khrushchev đã được cung cấp cho các chi bộ cộng sản trên khắp Liên Xô và cả cho đại diện các đảng cộng sản anh em tại Đại hội, trong đó có Trường Chinh và Lê Đức Thọ.

Tình hình này gây ra đủ loại bất ổn trong giới lãnh đạo Đảng tại Việt Nam. “Diễn văn bí mật” về mặt lý thuyết được cho là “bí mật”, điều đó khiến các nhà lãnh đạo Đảng có cớ để không nói gì về nó trong một thời gian. Thật không may cho họ, tin tức về nội dung “Diễn văn bí mật” đã nhanh chóng bị rò rỉ ra thế giới không Cộng sản. Báo chí Việt Nam Cộng hòa đã có vài ngày sục sôi với sự kiện này.

Liên Xô giải tán ngày 25 hay 26 tháng 12 năm 1991?
24 tháng 12 năm 2021
'Tôi nhớ lại thời Liên Xô và nghĩ đến xã hội Nga ngày nay'
13 tháng 12 năm 2021
Trận Điện Biên Phủ: 100 phi cơ B-29 của Mỹ sẵn sàng giải vây cho Pháp
3 tháng 5 năm 2020
Trong khi đó, cuộc Cải cách Ruộng đất đang đi những bước cuối cùng, khi làn sóng khổng lồ của chiến dịch được tiến hành. Sự lục đục, thiếu nhất quán của giới lãnh đạo Đảng năm 1956 đã khiến họ chần chừ một chút trước sự xuất hiện của một vài ấn phẩm độc lập, trong đó nổi tiếng nhất là tờ Nhân văn và tạp chí văn học Giai phẩm. Hồ Chí Minh và các thành viên Bộ Chính trị hẳn đã cảm thấy rằng việc đàn áp các tạp chí định kỳ đó có thể bị nhóm cố vấn Liên Xô giải thích là coi thường các chính sách hiện hành của Moscow.

Tại thời điểm nhạy cảm này, các nhà lãnh đạo Đảng đã cho phép một điều gì đó giống như một cuộc thảo luận thực sự về Cải cách Ruộng đất diễn ra. Nói cách khác, lãnh đạo Đảng đã mất quyền kiểm soát thông tin tuyên truyền và không thể tiếp tục giả vờ rằng mọi việc đều ổn.

Vào cuối tháng 10, Hồ Chí Minh đã quyết định rằng cần phải có một số nỗ lực để trấn an công chúng và cứu vãn danh tiếng của ban lãnh đạo Đảng. Do đó, “một câu chuyện” đã được tạo ra, trong đó Ủy ban Cải cách Ruộng đất được miêu tả giống như một cơ quan chính phủ lừa đảo. Và Trường Chinh, với tư cách là tổng bí thư, phải chịu trách nhiệm nặng nề về bạo lực và bất công của chiến dịch. Điều này xảy ra bất chấp thực tế là ông Chinh đã ở Liên Xô để dự Đại hội 20 trong một tháng, cùng thời gian diễn ra đợt cải cách quan trọng và bi thảm nhất của chiến dịch.

Để tránh xa hệ lụy không hay từ Cải cách Ruộng đất, Hồ Chí Minh tuyên bố sẽ giữ chức vụ tổng bí thư, sau khi lôi Trường Chinh ra làm con dê tế thần. Hàm ý là “tôi đây rồi, tôi đã là tổng bí thư rồi, tôi sẽ giải quyết vấn đề, đừng lo, mọi chuyện sẽ ổn thôi”.

Đó là vết nứt lớn đầu tiên trong bộ tứ.

Nhân tố Lê Duẩn
Ông Lê DuẩnNguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Sau Cải cách Ruộng đất, Lê Duẩn bắt đầu trỗi dậy trong chính trường
Trong suốt năm 1957, Hồ Chí Minh quyết định phát huy sự lãnh đạo của Lê Duẩn, người có lợi thế là có mối liên hệ với nửa phía Nam của đất nước, nơi sẽ diễn ra cuộc đại chiến tiếp theo.

Trong khoảng thời gian từ 1957 đến 1958, Lê Duẩn đã có những bước đi vững chắc để tập trung quyền lực vào tay và hóa giải các mối đe dọa. Chẳng hạn, Võ Nguyên Giáp là người có uy tín và được nhiều người biết đến, một “nguy cơ” cho con đường chính trị của Lê Duẩn. Suốt những năm sau đó, Lê Duẩn đã theo đuổi Giáp bằng nhiều cách khác nhau để đảm bảo rằng ông không nắm được quyền lãnh đạo Đảng. Và Lê Duẩn dường như cũng đã làm giảm bớt ảnh hưởng của Hồ Chí Minh. Với Phạm Văn Đồng, người rõ ràng có tính cách mềm mỏng, đã không bị Lê Duẩn coi là mối đe dọa nghiêm trọng nên được giữ lại làm thủ tướng.

Như vậy, nhìn vào quá trình chuyển giao quyền lực của bộ tứ Cộng sản cuối năm 1956, thì “Diễn văn bí mật” của Khrushchev và các chính sách kèm theo của Liên Xô đã tạo điều kiện để một sự kiện lớn như Cải cách Ruộng đất có thể trở thành động lực cho thay đổi.

Trong một vài tháng, các nhà lãnh đạo Đảng đã mất quyền kiểm soát câu chuyện mà họ định tuyên truyền về Cải cách Ruộng đất và do đó buộc phải thực hiện một số nỗ lực để bù lại sự tàn phá mà nó đã gây ra.

Nếu không có “Diễn văn bí mật”, tôi tin rằng Trường Chinh sẽ tiếp tục làm Tổng bí thư Đảng và có thể trở thành nhà lãnh đạo số một của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi tuổi tác và sức khỏe buộc Hồ Chí Minh phải rút lui.

Giáo sư Alec Holcombe đã có nhiều năm nghiên cứu về Cải cách Ruộng đất
Chụp lại hình ảnh,Giáo sư Alec Holcombe (ảnh nhỏ) đã có nhiều năm nghiên cứu về Cải cách Ruộng đất và xuất bản sách về giai đoạn này
Di sản quan trọng của “Diễn văn bí mật” là chỉ ra những mối nguy hiểm liên quan đến tệ sùng bái cá nhân. Việc Khrushchev dỡ bỏ giáo phái Stalin đã gây ra làn sóng chấn động trong khối cộng sản và dẫn đến những thay đổi ở Ba Lan và Hungary.

Trong suốt lịch sử, các nhà lãnh đạo Đảng ở Việt Nam chưa bao giờ nghiêm túc xem xét việc từ bỏ “đạo” Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng họ biết được mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với chế độ của họ nếu từ bỏ nó. Ở thời điểm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 ấy, mặc dù Lê Duẩn và Lê Đức Thọ có lẽ đã gạt ông Hồ ra ngoài lề trong nhiều vấn đề đại sự, nhưng họ vẫn cẩn thận duy trì sự sùng bái “Bác”. Có thể nói, họ đã củng cố một truyền thống quan trọng về bảo tồn tín ngưỡng sùng bái cá nhân mà chúng ta vẫn thấy ở Việt Nam ngày nay.

Tác giả Alec Holcombe có bằng cử nhân văn chương tại Đại học Brown, bằng tiến sĩ lịch sử tại Đại học UC Berkeley, hiện là giáo sư – viện trưởng Viện Lịch sử đương đại của Đại học Ohio. Bản tiếng Việt được hoàn thành với sự giúp đỡ của Miracle Vũ.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Sad Re: Cải cách Ruộng đất: ~ trang sử đen tối của Việt Nam

Post by LDN Wed Sep 04, 2024 11:06 am


Nhìn Lại Lịch Sử

Một phiên xử trong chiến dịch cải cách ruộng đất ở làng Sơn Lũng

Huy Vũ – 3 tháng 9, 2024
Saigon Nhỏ

Làng Sơn Lũng là một làng cùng huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ với làng Bản Nguyên của tôi, và là nơi tôi trọ học trong thời gian học trường Trung Học cấp II Xuân Huy.

Chương trình giáo dục trong vùng kháng chiến lúc bấy giờ, được chú trọng đến hai yếu tố căn bản là “HỒNG” và “CHUYÊN” nên ngoài việc học môn Văn, Sử, Địa, Toán v.v.. học sinh chúng tôi còn phải học khá kỹ về đường lối và chính sách của Đảng và Chính Phủ nữa. Ngoài những giờ học thuộc về môn công dân giáo dục trong trường, học sinh chúng tôi còn phải tham gia gần như hầu hết các sinh hoạt chính trị tại địa phương. Một trong những lần tham gia vào các hoạt động này đã khắc sâu vào tâm khảm tôi là buổi tham dự một phiên xử của Toà Án Nhân Dân (TAND) trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất ở làng này.

Phiên xử ngày hôm ấy tính đến nay đã 70 năm trôi qua, nên tôi không còn nhớ rõ được ngày tháng, nhưng chắc chắn là nó đã được tổ chức sau ngày 27 Tháng Bảy 1954, tức là ngày mà việc ngưng bắn trong Hiệp Định Geneve có hiệu lực trên toàn lãnh thổ miền Bắc.


Sở dĩ tôi tin như thế là vì phiên xử của TAND ngày hôm ấy đã diễn ra giữa ban ngày ban mặt, mà không sợ máy bay của Pháp bắn phá. Khác hẳn với các buổi đấu tố trong chiến dịch Phóng Tay Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh Chống Địa Chủ (PT/PĐQCĐT/CĐC) cũng ở làng này trước đó, đã phải tổ chức vào ban đêm với hàng trăm bó đuốc.

Vì tham dự các hoạt động chính trị ở địa phương là một phần quan trọng trong chương trình học tập của học sinh dưới sự lãnh đạo của Bác và Đảng, nên học sinh trường trung học Xuân Huy hôm ấy được chính thức nghỉ học để tham dự buổi xét xử của TAND. Khoảng 8 giờ sáng hôm ấy học sinh chúng tôi đã tụ tập đông đủ tại trường, rồi được Hiệu Đoàn Học Sinh và Ban Giám Hiệu nhà trường hướng dẫn đến địa điểm tổ chức.

Khi đến nơi, chúng tôi thấy đã có khá đông người, đứng trong những ô hình chữ nhật được kẻ bằng vôi bột dành riêng cho từng cơ quan đoàn thể. Trong mỗi ô, ngoài những lá cờ đỏ sao vàng lớn nhỏ khác nhau, người ta còn thấy những người tham dự mang những tấm biểu ngữ lớn, nào là “Đảng Lao Động Việt Nam Muôn Năm,”“Hoan Hô Cách Mạng Ruộng Đất,”“Hồ Chủ Tịch muôn năm,”“Mao Chủ Tịch Vạn Tuế,”“Đả Đảo Địa Chủ Bóc Lột,”…

Nơi tổ chức phiên tòa là một khu đất trống khá rộng và thoai thoải dưới chân của một ngọn đồi thấp sau làng. Trong những lùm cây quanh khu vực, lố nhố một số khá đông dân quân du kích đã được bố trí để bảo vệ an ninh. Phía sau lưng chúng tôi là một giải thung lũng dưới chân đồi không một bóng người. Có lẽ mọi người trong làng đều được lệnh phải nghỉ việc để tham dự phiên xử của TAND. Trước mặt chúng tôi là một khán đài bằng tre và gỗ cao hơn mặt đất độ nửa mét. Trên khán đài là một dãy bàn dài, và sau khán đài là một tấm phông lớn được dựng lên bằng tre và nứa, và được nối kết lại với nhau bằng những tàu lá dừa, hay lá cọ. Cao hơn hẳn mặt bàn và dính liền vào tấm phông là những bức hình to tướng các vị lãnh tụ vĩ đại của đảng Cộng Sản và Nhân Dân Liên Xô, đồng chí Malenkov; của đảng CS và Nhân Dân Trung Quốc, đồng chí Mao Trạch Đông; và của đảng Lao Động và Nhân Dân Việt Nam, đồng chí Hồ Chí Minh. Cao hơn nữa là những lá cờ đỏ sao vàng và cờ của hai nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Khi mọi người đã đến đông đủ, tiếng loa từ một góc nào đó cất lên, mời các vị chánh thẩm, phụ thẩm và bồi thẩm tiến vào bàn chủ tọa đoàn. Tiếng vỗ tay chào mừng và hoan hô các thành viên của TAND nổ ra như sấm. Tiếng loa một lần nữa lại vang lên, mời mọi người nghiêm chỉnh chào Quốc Kỳ, hát Quốc Ca, và mặc niệm các chiến sĩ đã bỏ mình vì nước. Sau phút chào cờ và mặc niệm, một nhân vật ngồi ở giữa khán đài đứng lên, tự giới thiệu họ tên và cho biết ông ta được Đảng và Nhà Nước bổ nhiệm làm chánh án TAND ngày hôm ấy. Ngẩng cao đầu, với một dáng điệu hết sức tự hào, ông dõng dạc tuyên bố rằng ông xuất thân từ “giai cấp công nhân.” Khi cụm từ “Giai Cấp Công Nhân” vừa thoát ra khỏi miệng của “ngài” chánh án thì tiếng vỗ tay hoan nghênh lại dồn dập nổi lên. Người ta vỗ tay thật lớn vào lúc đó không có ý là hoan nghênh cá nhân ông chánh án, mà là hoan nghênh thành phần ông “xuất thân,” vì theo lý thuyết Marxist thì chỉ có giai cấp công nhân mới hội đủ các đức tính cần thiết trong việc lãnh đạo “Cách Mạng Vô Sản” trên toàn thế giới tới thành công mà thôi. Hơn nữa, cũng theo lý thuyết, thì cuộc cách mạng Cải Cách Ruộng Đất thực chất là cuộc đấu tranh sinh tử về đất đai giữa giai cấp nông dân và giai cấp địa chủ, không liên quan gì đến giai cấp công nhân cả. Do đó, việc bổ nhiệm một “đồng chí” thuộc thành phần công nhân làm thẩm phán phân xử mang một ý nghĩa sâu xa là, Đảng và Chính Phủ không hề “thiên vị” bên nào trong cuộc đấu tranh này.

Cố đứng vươn cao lên, như để cho mọi người thấy được sự quan trọng của mình, song vì vốn quá thấp nên phần nửa người nhô lên khỏi mặt bàn của “đồng chí” chánh thẩm vẫn không cao hơn những người ngồi kế bên là bao. Đầu lại đội chiếc nón cối lụp xụp nữa, nên những người ở dưới khán đài không thấy rõ được mồm ngang mũi dọc của ông chánh án. Tuy trời không có một chút gió nào cả, nhưng ông chánh án vẫn xả quai nón để nó ôm chặt lấy cái cằm ngắn ngủi của ông. Có người bảo, việc ông xả quai nón như thế, không phải vì ông lo ngại một cơn gió chướng bất thình lình nổi lên làm bay đi chiếc nón cối đã phai màu, mà chỉ vì ông muốn có nét “oai phong lẫm liệt” như Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong những bức hình in trên mặt báo hay treo ở những nơi có bộ đội trú phòng. Khoác chéo từ vai phải sang hông trái là một chiếc xắc-cốt bằng da trâu căng phồng. Không ai biết rõ trong chiếc xắc cốt chứa những gì? Có người thì đoán là trong đó chứa đầy những luật lệ liên quan đến việc tổ chức, điều hành và quyền hạn của TAND. Có người lại bảo chẳng có luật lệ gì đâu, mà chỉ là mấy tờ báo Nhân Dân cũ rích, cộng thêm với vài ba chiếc áo thun và quần xà lỏn thế thôi.

Dường như để chứng minh ta đây là công nhân thứ thiệt, ông chánh án còn khoác lên người chiếc áo sơ-mi dài tay màu xanh dương lạt nữa. Với cái áo như thế chắc không một thằng bố láo nào dám bảo ông ta là thứ công nhân giả cầy được. Ngoài ra, người ta cũng không rõ, vị chánh án TAND này có đọc thông viết thạo chữ Quốc Ngữ không? Nhưng với một hàng bút cài trên miệng túi áo ngực của ông cũng đã làm cho nhiều người phải kính nể. Sau khi tự giới thiệu về cá nhân, ông chánh thẩm mới lần lượt giới thiệu đến các vị phụ thẩm, bồi thẩm, và công cáo ủy viên cùng ngồi trên bàn chủ tọa đoàn với ông. Các vị này đều có thành tích đáng nể cả. Nếu không phải là đảng viên thâm niên kỳ cựu thì ít nhất cũng 3 đời bần cố công. Cuối cùng ông tuyên bố phiên xử bắt đầu, và cho lệnh dẫn giải “tên địa chủ đại gian đại ác” Nguyễn Viết Đạo ra trước vành móng ngựa.

Theo lệnh của ông chánh thẩm, hai chú dân quân du kích, súng cầm tay, áp giải một người người đàn ông cao gầy, khoảng 40 tuổi, hai tay bị trói về phía sau lưng, đầu tóc rũ rượi, tới mô đất cao trước bàn thẩm phán đoàn. Trong khi đó tiếng loa gào thét nổi lên: “Đả đảo địa chủ cường hào ác bá NGUYỄN VIẾT ĐẠO.” Rồi những tiếng hô đáp ứng: “ĐẢ ĐẢO! ĐẢ ĐẢO! ĐẢ ĐẢO!” từ đám quần chúng tham dự lại vang lên. Khẩu hiệu “đả đảo địa chủ” thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, dường như đây là một thủ tục đánh phủ đầu hầu áp đảo tinh thần địa chủ trong tất cả các buổi đấu tố hay xét xử.

Sau khi những tiếng đả đảo đã tạm lắng xuống, một người được giới thiệu là công cáo ủy viên của TAND, trong bộ quần áo nâu bạc màu, bước ra bục thuyết trình đặt trên khán đài. Mở tập hồ sơ dày cộm, ông công cáo ủy viên bắt đầu đọc bản cáo trạng về những tội ác “trời không dung đất không tha” mà địa chủ Nguyễn Viết Đạo (NVĐ) đã gây ra trong nhiều năm cho bần cố nông làng Sơn Lũng.

Theo bản cáo trạng (người viết bài này không thể nhớ đúng nguyên văn được mà chỉ nhớ đại cương) địa chủ NVĐ sinh ra trong một gia đình giàu có đã mấy đời. Nhờ vào việc trấn lột nông dân đến tận xương tận tủy mà ông bà nội và bố mẹ của địa chủ VNĐ đã tạo dựng được nhà cao cửa rộng, lắm ruộng, nhiều vườn, của ăn của để, dư tiền dư bạc và đã nuôi Đạo ăn học cho tới lúc giựt được mảnh bằng Tiểu Học Pháp Việt. Khi trưởng thành, Đạo tiếp tục con đường bóc lột nông dân của ông cha, song vì có được đôi chút học thức, nên Đạo đã bóc lột nông dân với những thủ đoạn tinh vi và tàn bạo hơn ông bà và cha mẹ hắn. Đạo chẳng những đã luồn cúi bọn quan lại Việt Nam mà cả bọn quan lại Pháp nữa để được bổ nhiệm làm lý trưởng làng Sơn Lũng. Với chức vụ này, Đạo đã dùng quyền uy có sẵn có trong tay để hà hiếp dân chúng và chiếm đoạt tài sản của nông dân nghèo. Mặt khác, Đạo và tay chân còn vu cáo tội này, tội kia cho những người dân vô tội để đòi tiền hối lộ. Nhiều người trong làng đã bị Đạo và tay chân đánh đập đến tàn phế, và làm tan cửa nát nhà. Nhiều người đã phải bỏ làng ra đi và bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Nhiều gia đình nông dân chất phác bị Đạo và tay chân vu cáo là đã gia nhập các hội kín hay làm cách mạng để lật đổ chính quyền thực dân, rồi bắt giải lên phủ, lên huyện, nên đã phải bàn nhà bán cửa và ruộng đất để lấy tiền đút lót cho Đạo và bọn quan lại mới được tha.

Sau Cách Mạng Tháng Tám, Đạo đã lợi dụng sự dễ dãi lúc ban đầu, để hủ hoá cán bộ còn non trẻ hầu che giấu những tội ác mà hắn đã gây ra trước năm 1945, đồng thời để tìm cách chui vào hàng ngũ chính quyền của ta. Đạo đã hưởng ứng Tuần Lễ Vàng của Hồ Chủ Tịch, đã cung hiến một số ruộng đất trong chiến dịch Hiến Điền, đã tích cực tham gia và đóng góp công của vào các công việc làng xã, đãi đằng và mua chuộc cán bộ. Nhờ những thủ đoạn gian manh này mà Đạo chẳng những đã trở thành cán bộ trung kiên mà còn là đảng viên chính thức của đảng Lao Động nữa. Có một thời gian dài, Đạo đảm nhiệm chức chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến xã Xuân Huy. Trong thời gian này, Đạo cũng đã lợi dụng uy quyền và danh nghĩa đảng viên để tiếp tục bóc lột nông dân nghèo dưới hình thức trả công rẻ mạt và thâu tô cao hơn mức độ mà luật pháp của Nhà Nước cho phép. Đạo cũng đã hà hiếp các gia đình cô thế trong làng để đòi tiền hối lộ.

Trong chiến dịch Phóng Tay Phát Động Quần chúng Đấu Tranh Chống Địa Chủ, Đạo và gia đình đã tìm đủ mọi thủ đoạn gian manh để phân tán tài sản hầu trốn tránh việc thoái tô cho nông dân, chống đối một cách điên cuồng chính sách giảm tô, của Nhà Nước, cụ thể bằng những hành động như mua chuộc, hăm dọa nhưng gia đình nông dân đã bị chính Đạo hà hiếp, đánh đập trong quá khứ, để không hoặc không dám tố cáo tội lỗi của Đạo trước cán bộ và nhân dân. Chẳng những thế, Đạo còn nói xấu cán bộ đội phát động, khen ngợi các gia đình trung nông, chê bai gia đình bần cố nhằm phá hoại chính sách “TAM CÙNG” và “BẮT RỄ XÂU CHUỖI và làm ung thối sự đoàn kết nhất trí của nông dân trong công cuộc đấu tranh chống địa chủ. Nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt và trực tiếp của Trung Ương đảng, cán bộ đội phát động và nông hội đã sớm phát hiện được những hành vi phản động và những thủ đoạn gian manh của Đạo, nên đã phá vỡ được âm mưu đen tối này ngay từ trong trứng nước. Bản thân ông Nguyễn Viết Đạo trong chiến dịch PTPĐ/QCĐT/CĐC đã bị nông dân đấu tố trong nhiều ngày, song đó mới chỉ là phần nhỏ trong muôn vàn “tội ác tày trời.”

Cuối bản cáo trạng, ông công cáo ủy viên nhấn mạnh rằng, dưới ánh sáng công lý của đảng Lao Động Việt Nam và của Hồ Chủ Tịch, tất cả những tội lỗi “Trời không dung đất không tha” của địa chủ Nguyễn Viết Đạo, đều được đem ra xét xử công khai và công minh trước TAND, và ông công cáo ủy viên cũng tin rằng sau khi nghe những lời cáo giác và đối chất đanh thép và cụ thể của các nạn nhân, chắc chắn các đồng chí chánh thẩm, phụ thẩm và bồi thẩm của ông sẽ không cầm được nước mắt, và yêu cầu các vị này tuyên án tử hình Nguyễn Viết Đạo.

Sau khi ông công cáo ủy viên dứt lời, các nạn nhân lần lượt được gọi ra tố cáo các tội ác của địa chủ NVĐ. Trong chiến dịch Phát Động Quần Chúng nông dân tố giác tội ác của địa chủ trước sự chứng kiến chủ tịch đoàn; còn trong Cải Cách Ruộng Đất nông dân vạch trần tội ác của địa chủ trước sự phán xét của thẩm phán đoàn. Một số đông nguyên cáo từ phía sau bàn thẩm phán đoàn bước ra, và một số khác trong đám người tham dự ở phía trước bước tới mô đất mà NVĐ đang đứng, cúi mặt, khom lưng. Vẫn hình thức bổn cũ soạn lại, câu hỏi và cử chỉ mở đầu của những người được gọi ra để vạch trần tội ác của NVĐ, là vừa xỉa xói vào mặt ông ta vừa hỏi: “Bớ tên địa chủ NVĐ. Mày có nhớ ông/bà là ai không?”

Không cần đợi bị cáo trả lời, nguyên cáo tự động xưng họ tên, cùng khoe khoang lý lịch ba đời bần cố, rồi vanh vách như đọc thuộc lòng kể lể về ngày giờ và nơi chốn cùng các hành động mà NVĐ đã gây ra cho chính họ hay thân nhân của họ. Những tội lỗi trời không dung đất không tha của NVĐ lần lượt được tố cáo theo thứ tự thời gian. Sau mỗi lần vạch trần tội ác, nguyên cáo lại hỏi bị cáo: “Mày có nhận cái tội ác tày trời của mày không?” Nếu NVĐ lừng khừng hay do dự, thì lập tức những tiếng “đả đảo địa chủ ngoan cố” lại âm vang. Khẩu hiệu này được lập đi lập lại cho đến khi nào địa chủ NVĐ gật đầu nhận tội mới ngưng. Tôi thấy dường như ông NVĐ, tuy có ngập ngừng lấy lệ, nhưng không hề chối cãi bất kỳ một tội ác nào mà nông dân đã gán ghép cho ông ta cả.

Khi mặt trời đã hơi chênh chếch về tây, nhiều người trong đám đông tham dự mồ hôi đã chảy nhễ nhại, ướt đẫm cả áo, song những người trong danh sách tố cáo và đối chất tội lỗi của địa chủ NVĐ có lẽ còn khá đông. Vì không muốn mất thì giờ quá nhiều cho việc này, vả lại cũng thấy những tội đã được tố cáo cũng quá đủ để tuyên một bản án tử hình cho địa chủ NVĐ, nên ông chánh án thuộc giai cấp công nhân, chẳng những sáng suốt mà lại rất vô tư nữa, đã đứng lên trao đổi ý kiến với các vị phụ thẩm và bồi thẩm một vài điều gì đó, mà những người dưới khán đài không nghe rõ và chỉ thấy các vị này gật đầu lia lịa. Quay mặt xuống đám đông quần chúng tham dự, ông chánh thẩm ngợi khen các ông bà bần cố nông đã buộc tội địa chủ bằng những lời lẽ đanh thép nhất, cùng với những chứng cớ cụ thể nhất, đến nỗi tên địa chủ nổi tiếng là ngoan cố NVĐ không thể mở miệng cãi được một lời nào, mà phải cúi đầu nhận tội. Căn cứ vào những lời tố giác của nông dân lao động lương thiện, căn cứ vào sự nhận tội của địa chủ NVĐ, căn cứ vào luật lệ hiện hành của Đảng và Nhà Nước, cùng với sự nhất trí của các vị Phụ Thẩm và Bồi Thẩm, ông tuyên án tử hình NVĐ. Ông chánh thẩm còn cho biết thêm rằng bản án của Toà Án Nhân Dân vừa tuyên vừa là sơ thẩm vừa là chung thẩm và có hiệu lực tức thì, nghĩa là bị cáo không có quyền xin xét lại, phá án hay xin ân xá.

Hai tên dân quân tự vệ với súng trường cầm tay, và một tên công an với súng ngắn bên hông tiến đến sát mô đất, dẫn địa chủ NVD đi ngang qua khán đài, rồi đi vòng về phía sau đám đông. Mọi người hình như đang được hưởng một phút nghỉ xả hơi, thì bỗng nghe thấy một loạt súng nổ dưới chân đồi. Nhìn về phía sau, người ta thấy những đám khói nhỏ còn lởn vởn ngay trước mũi súng những tên dân quân du kích và địa chủ NVĐ đang lăn lộn trên đám cỏ khô. Tên Công An đến gần hai tên dân quân tự vệ để dặn dò điều gì đó, rồi từ từ đến chỗ địa chủ NVĐ đang giãy giụa để tặng ông phát súng ân huệ cuối cùng. Những tiếng đảo địa chủ gian ác NVĐ lại vang lên như để tiễn đưa linh hồn ông về thế giới không Bác, không Đảng, không tư bản, không địa chủ, không bần cố nông, và đặc biệt là không còn hận thù giũa con người với nhau.

Bọn học sinh chúng tôi nhiều đứa đang mừng thầm là đã đến lúc được “thong thả dang tay ra về” thì lại nghe tiếng loa từ phía khán đài vang lên cho biết là phiên xử của TAND chưa chấm dứt và yêu cầu mọi người trở lại hàng ngũ đồng thời giữ yên lặng và trật tự. Sau đó cán bộ của đội cải cách phân chia đám người tham dự thành từng toán nhỏ, mỗi toán khoảng 200 người, do một vị phụ thẩm TAND lãnh đạo, cùng với đại diện Nông Hội, cán bộ đội cải cách, một số dân quân du kích tiếp tục công tác xét xử và tịch thu tài sản tại chỗ các địa chủ khác trong làng.

Dẫn đầu toán B, trong đó có bọn học sinh chúng tôi, là một tiểu đội thiếu nhi, với cờ quạt, biểu ngữ, và trống ếch “thì thùng.” Quanh co qua những ngõ ngách trong làng, cuối cùng chúng tôi tiến vào một cái sân gạch khá rộng của một căn nhà tuy lợp lá song khá lớn và rất khang trang. Một điều khá bất ngờ đối với tôi là căn nhà toán B vừa đến, lại là nhà của một đình rất tốt bụng, đã cho tôi và một vài người bạn khác, trọ học một thời gian dài mà không lấy một đồng xu, cắc bạc nào cả. Trong đợt PĐQC trước đây nghe nói gia đình ông Tổng Hưng, chủ nhà cũ của tôi, được xếp vào thành phần trung nông lớp trên. Tôi không rõ gia đình ông ta có được bao nhiêu mẫu ruộng, nhưng biết rất chắc rằng gia đình này không đủ thóc lúa để ăn vào lúc giáp hạt. Sở dĩ tôi biết được điều này, là vì bà chủ nhà đã hơn một lần theo về nhà tôi trên đoạn đường dài gần 20 cây số, để mượn lúa. Khi đến mùa lúa mới, bà trả lại cho tôi bằng gạo, căn cứ vào tỷ lệ 2 thóc một gạo. Cách vay mượn này cũng rất thuận tiện, gia đình bà có gạo ăn vào lúc thiếu hụt, và tôi khỏi phải về nhà lấy gạo hàng tuần. Song không hiểu sao trong cải cách ruộng đất gia đình này bỗng được nâng cấp thành địa chủ cường hào ác bá. Có lẽ vì tiêu chuẩn 5% gia đình trong một xã phải là địa chủ của cố vấn Trung Quốc.

Khi tất cả mọi người của toán B đã bước vào hết trong sân, vị phụ thẩm của TAND mới cho lệnh dẫn giải vợ chồng và con cái tên địa chủ cường hào ác bá, cũng là chủ nhân căn nhà ra giữa sân. Khi vừa thấy gia đình địa chủ này ló mặt, lại một màn hô khẩu hiệu đánh phủ đầu: “ĐẢ ĐẢO ĐỊA CHỦ CƯỜNG HÀO ÁC BÁ” được phát ra, và những tiếng hô: “ĐẢ ĐẢO! ĐẢ ĐẢO! ĐẢ ĐẢO!” tiếp ứng tới ba lần lại vang lên.

Sau khi cho phép gia đình này được phép ngồi xuống để nông dân dễ bề nhìn thấy bộ mặt “đại gian, đại ác” của họ, vị phụ thẩm TAND mới đọc bản cáo trạng. Theo đó, người ta được biết ông chủ nhà trọ học cũ của tôi, dưới trào Pháp thuộc đã làm tới chức phó tổng. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ này, ông ta đã lợi dụng quyền thế trong tay để đánh đập và bắt nông dân đóng sưu cao thuế nặng cho thực dân Pháp; dùng những thủ đoạn gian manh để cướp đoạt tài sản của dân nghèo; sử dụng những mánh lới đê hèn để chiếm đoạt ruộng đất của nông dân. Cậy quyền cậy thế để ép buộc các gia đình bần cố nông cấy rẽ cho hắn phải nộp tô tức cao hơn mức cho phép. Bản kê khai tội trạng còn cho biết rõ họ và tên các nông dân bị ức hiếp, thời giờ và nơi chốn tội ác đã xảy ra. Cuối cùng vị phụ thẩm nhấn mạnh rằng, vì chính sách nhân đạo của Đảng và lòng khoan dung của Hồ Chủ Tịch, TAND tha tội chết cho tên địa chủ cường hào ác bá này, song toàn bộ tài sản bị TAND tịch thu.

Để thi hành án lệnh của TAND, một đại biểu của Nông Hội tiến ra, cho lệnh nông dân xông vào nhà tên địa chủ khuân vác hết các đồ đạc trong nhà, từ chổi cùn đến rế rách ra sân. Rút từ trong túi áo trước ngực ra một xấp giấy tờ, vị đại diện nông hội bắt đầu làm công tác tịch thu và chia của. Dường như tất cả của cải và đồ đạc trong nhà của ông phó tổng đã được cán bộ nông hội và cán bộ của đội cải cách ruộng đất kiểm kê, bình bầu và phân chia từ trước cả rồi, nên người ta chỉ việc hợp thức hoá bằng cách đọc tên các gia đình bần cố và tên các món đồ được chia. Tiếng gọi nhau ơi ới. Tiếng đồ đạc va chạm vào nhau lịch kịch, tiếng bàn tán xôn xao. Các gia đình bần cố nông tỏ vẻ rất hồ hởi và phấn khởi khi khuân vác các đồ đạc được chia về nhà riêng của họ, trước những con mắt ngơ ngác và luyến tiếc của các thành viên trong gia đình ông cựu phó tổng.

Cuối cùng trong sân chi còn trơ lại một vài món đồ lổng chổng. Thoạt đầu người ta nghĩ là đó chỉ là những món đồ hư hỏng mà các gia đình bần cố được chia nhưng chê không thèm nhận. Song chỉ một vài phút sau, mới biết là đã lầm. Vị đại diện nông hội lại bước ra ca tụng sự lãnh đạo của Bác và Đảng đã giáo dục nông dân luôn luôn cư xử có tình có nghĩa, ngay cả với kẻ thù là địa chủ, nên đã họ đã nhường nhịn một số của cải và đồ dùng cần thiết để cấp phát cho gia đình địa chủ. Những của cải này gồm có một căn nhà nhỏ ở cuối làng, hai sào ruộng (mỗi sào 360 mét vuông) nằm ở một sườn đồi sau làng, một thúng lúa, một cái cuốc, một con dao, một cái liềm, hai tấm chiếu, một cái chậu sành, một cái rổ, một cái rá, một cái nồi, một cái niêu, một cái chổi, hai cái rế, và sau hết là mỗi người trong gia đình địa chủ được giữ lại hai bộ quần áo… để làm phương tiện sinh sống. Liếc nhìn đống đồ đạc được tập trung “tặng” gia đình địa chủ để biểu lộ lòng “ưu ái” của nông dân và tính “nhân đạo” của Đảng khiến mọi người phải man mác chạnh lòng. Cái cuốc tuy cán còn khá chắc song lưỡi đã mòn vẹt hơn một nửa. Con dao không còn cán. Cái liềm đã rỉ sét. Cái chậu bằng đất nung cũ mèm. Cái nồi và cái niêu tuy bằng đất nung nhưng còn khá mới. Cái rổ và cái rá thì thuộc loại cạp lại nhưng mê còn tốt. Hai bộ quần áo cho mỗi người, bộ mặc trên người thuộc loại tàu tàu, còn bộ để bên ngoài để thay đổi khi cần thuộc loại “áo rách vai quần hai mảnh vá.” Chiếc chổi đã khá cùn. Hai chiếc rế thì một lành một rách. Quay sang bên cạnh tôi thì thầm hỏi nhỏ thằng bạn học cùng lớp là người làng Sơn Lũng về ngôi nhà “tình nghĩa” và hai sào ruộng “thủy chung,” nó ngước mắt nhìn tôi và nhè nhẹ lắc đầu. Về sau gặp riêng tôi, nó mới cho hay là, hai sào ruộng thuộc loại chó ăn đá, gà ăn mối, và căn nhà thì quá “lý tưởng” vì ban đêm có trăng sao làm đèn, ban ngày có trứng gà treo trên vách, lúc mưa không phải ra ngoài hứng nước. Chủ nhân của căn nhà này trước đây là một cố nông nghèo mạt rệp, nhưng trong chiến dịch PTPĐ/QCĐT/CĐC được bắt rễ, xâu chuỗi, rồi trở thành cán bộ nòng cốt của chính quyền vô sản chuyên chính ở nông thôn, nên được chia một căn nhà khang trang do tịch thu của địa chủ.

Khi được phép đứng lên để nhận số đồ đạc do lòng ưu ái của Nông Hội, tôi thấy ông Phó Tổng vẫn còn giữ được nét điềm đạm khi xưa. Ông nhìn căn nhà do cha mẹ ông để lại cho ông nay rơi và tay người khác, lần cuối cùng, vớ lấy chiếc chổi cùn và chiếc cuốc vẹt mỏ đặt lên vai, rồi với một thái độ dứt khoát bước ra đường để tìm về túp lều “lý tưởng” của gia đình ông mới được cấp phát, mà có lẽ ông cũng chưa biết rõ nó nằm ở xó xỉnh nào ở cuối làng. Bà phó tổng, có lẽ tình cảm không được mạnh dạn như chồng, nên không thể giấu giếm được những nỗi niềm uất ức đang trào dâng trong lòng, vừa đi vừa quay lại phía sau với những giọt nước mắt lã chã tuôn rơi.

Trên đường về nhà trọ, hình ảnh ông Nguyễn Viết Đạo quằn quại trên đám cỏ khô khi lãnh những viên đạn của hai tên dân quân du kích, và viên đạn ân huệ của tên công an nơi sườn đồi sau làng Sơn Lũng, và cảnh tượng gia đình ông bà phó tổng buồn bã uể oải khi lượm lặt các vật dụng do lòng nhân từ của nông dân bố thí, cứ khi ẩn, khi hiện trong tôi.

Làng tôi và làng Sơn Lũng tuy cùng thuộc huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ, nhưng làng tôi may mắn hơn là giáp ranh với tỉnh Sơn Tây do Pháp chiếm đóng nên khi làng Sơn Lũng đã trải qua đợt I, Phóng Tay Phát Động Quần Chúng, và đợt II Cải Cách Ruộng Đất, làng tôi mới sắp bắt đầu bước vào chiến dịch PTPĐ/QCĐT/CĐC. Những sự cố đã đến với gia đình ông Nguyễn Viết Đạo và gia đình ông Phó Tổng chắc chắn sẽ đến với gia đình tôi trong thời gian sắp tới, tuy trước sau có khác, song vẫn chỉ là một.

Cho tới lúc này ngồi nghĩ lại, tôi thấy việc tham dự phiên xử của TAND ở làng Sơn Lũng hôm ấy, tuy khá rùng rợn, song cũng là một điều rất may cho cá nhân tôi. Nếu không được chứng kiến những gì đã xảy ra ở phiên toà hôm ấy, thì tôi đã không thấy được tất cả sự dối trá và dã man của cái gọi là Đảng Cộng Sản Việt Nam bộc lộ và thể hiện qua cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Cũng vì thấy rõ được điều này, nên ngay sau khi trải qua giai đoạn đấu tố trong chiến dịch PHÓNG TAY PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG ĐẤU TRANH CHỐNG ĐỊA CHỦ, ở làng tôi, là gia đình tôi đã vội vàng cuốn gói trốn chạy vào miền Nam ngay. Và cũng nhờ đó mà ngày hôm nay tuy đã bước vào tuổi 90, tôi còn có dịp ngồi bên máy vi tính viết lại chuyện này.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum