Our forum runs best with JavaScript enabled !

Trại Tập Trung - Duyên Anh

View previous topic View next topic Go down

Trại Tập Trung - Duyên Anh  Empty Trại Tập Trung - Duyên Anh

Post by LDN Sun Jan 01, 2023 2:22 pm

Trại Tập Trung - Duyên Anh

PHẦN I: VÀNG ỬNG NGẬM NGÙI (SA ÁC TH6)

CHƯƠNG 1

Có kẻ mê giang-hồ đến độ thèm được lột da mình bọc ngoài chiếc va-ly của một lãng-tử nào đó, khi mình chết. Để mãi mãi ngày tháng là những chuyến đi. Nếu ông ta tiên-tri cuộc đời sẽ còn những tuyến đường Moscou – Goulag Sibérie, Suối Máu – Phước Long, Kà-Tum- Bù-gia-mập, Long Giao – Sơn Ca, Trảng Lớn – Hà Nam Ninh,Gia Lai – Vĩnh Phú, Washington – Hà-nội Hilton, Nhà Mình – Sở Công An, Đề-lao Gia Định – Chí Hòa…. di chúc của ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu ông ta biết cuộc đời sẽ còn những chuyến xe lửa ngừng lại chẳng cần kéo còi, chẳng cần đợi đến ga nhỏ, lãng-tử chạy xuống vũng trâu đầm, múc nước uống ừng-ực ngang họng súng AK canh chừng, ông ta, chắc chắn, sẽ chán chuyện lãng-du. Ở thời đại tôi và trên quê-hương tôi có những chuyến đi đã trùm lấp định-nghĩa vô-định và thống-khổ mà tôi không sợ lộng-ngôn bảo rằng đó là những chuyến đi định-nghĩa làm người. Rồi sẽ có hồi-ký của một tù-nhân viết chính-xác về chuyến đi Sài gòn – Hà nội được chào mừng bằng những trận mưa máu đá củ đậu củ khoai. Rồi sẽ có hồi-ký của một tù-nhân viết chính-xác về chuyến đi Sài gòn – Phú Quốc trên chiếc tầu HQ 501 khởi hành từ bến Tân Cảng.

Chẳng bao giờ anh được đi chiếc 501
Ba nghìn tù-nhân bó gối dưới hầm ngồi
Chuyến tàu đi Phú Quốc
Chuyến tàu đi theo định-mệnh nổi trôi
Chẳng bao giờ anh được đi chiếc 501
Ba nghìn tù-nhân một nắp nhỏ thông hơi
Chuyến tầu đi Phú Quốc
Chuyến tàu đi thám-hiểm vực đời
Chẳng bao giờ anh được đi chiếc 501
Ba nghìn tù-nhân ba triệu tấn mồ-hôi
Chuyến tầu đi Phú Quốc
Chuyến tầu đi rúng-động đất trời
Chẳng bao giờ anh được đi chiếc 501
Ba nghìn tù-nhân chờ từng giọt nước rơi
Chuyến tầu đi Phú Quốc
Chuyến tầu đi cháy tiếng khô lời
Chẳng bao giờ anh được đi chiếc 501
Ba nghìn tù-nhân ba nghìn thú vật rã rời
Chuyến tầu đi Phú Quốc
Chuyến tàu đi định-nghĩa con người
Duyên Anh, (Thơ Tù, Nam Á Paris-1984)

Thơ không đủ định-nghĩa con người và sức chịu đựng phi thưởng của nó 2 ngày 3 đêm bó gối nhịn đói, nhịn khát dưới hầm tầu há mõm. Hãy hình tưởng một nắp thông hơi thường xuyên những họng súng chúc xuống đe-dọa. Hãy hình tưởng tù-nhân chen lẩn cầm ca đi hứng nước nhỏ giọt ăn bao nhiêu đấm đá của “chiến-hữu” – vì xô đạp lên người ngồi – mới đến “nguồn hạnh phúc”, và uống một hơi, không dám uống hết đem về. Về chỗ khốn-khổ như rời chỗ, nước đã bị tung-tóe hết. Hãy hình tưởngg 2 ngày 3 đêm ỉa đái không tụt quần. Và, hãy hình tưởng, khi ghé bờ, cái tầu há mõm ra, phân tiểu cũng ùa ra. Tù-nhân “đổ bộ” theo phân; có người ngụp lặn cho sướng, ngoi đầu lên phân cả đống! Đó là sự thật rực-rỡ dưới ánh mặt trời mà bất cứ người tù Việt Nam nào tham dự chuyến đi trên hai chiếc tầu HQ 501 và HQ 503 đều không phủ-nhận. Có lẽ, người ta sẽ đính chính. Rằng, nó còn thê-thảm gấp bội. Nỗi đau đớn chưa ngưng ở đó.

Hai ngày ba đêm dưới hầm tầu
Mắt còn thèm ngủ bụng đói lả
Thân xác còn như cái mền tã
Sáng sớm vác xẻng đào giếng khơi
Đất biển không chìu theo ý người
Càng sâu bao nhiêu càng lún rã
Mấy nghì tù-nhân khát khô cổ
Nhìn nhau muốn nói chẳng nên lời
Hạnh-phúc bây giờ là nước lã
Đội đá, lên núi hề đội đá
Đường đi- về ba cây số ngàn
Năm trăm tù-nhân xếp thành hàng
Đi thì hồn khói hun bốc toả
Về thì hồn cháy thiêu tàn-tạ
Chuyến đầu cố gắng vượt gian-nan
Chuyến sau gối mỏi đầu đau ran…
Duyên Anh, (Thơ Tù, Nam Á Paris-1984)

Những kẻ chịu đựng hình phạt của thù hận một cách can-đảm và kiên- nhẫn, khinh-thường hình-phạt của thù-hận, bước qua nó mà đi mà tồn-tại để tặng nhân-loại một định-nghĩa làm người, nhân-loại đã không thấy hình ảnh tuyệt-vời của những kẻ ấy ở những cuốn sách viết về họ, nói về họ. May mắn, nhân-loại không đọc nổi chữ Việt Nam, thành ra, họ chưa nhăn mặt biết tù-nhân chính-trị của chúng ta “ăn giun, ăn cắp cháy, ăn vụng thịt, ăn tranh cơm với heo”! Hơn mười năm nghẹn-ngào của dân-tộc, của tù-nhân lao-cải, nhân-loại đã được mở mắt những điều gì? Một cái xó xỉnh đề lao Gia Định khu Cl của Đoàn văn Toại chưa biết ghẻ tù thêu dệt ngu-xuẩn, bịa đặt gian-dối đã rằng “Goulag Vietnamien” ư? Muốn viết quần-đảo tù-ngục cộng-sản ở Việt Nam sau 1975, phải viết những trại tập-trung lao-động khổ-sai tại Sông Bé. Những đảo Bù Nho, Bù-gia-mập, Phú Văn, Phước Long, Hớn Quản, Đồng Xoài đã tạo thành một quần đảo biểu tượng. Có trại lao-cải của đàn bà tư-sản, vượt biên, phản-động. Có trại lao-cải của vũ-nữ, gái điếm. Có trại lao-cải của thanh-niên xì-ke, ma-túy. Có trại lao-cải của con nít. Có trại lao-cải của phế-binh. Có trại lao-cải của sĩ-quan chế-độ cũ. Có trại lao-cải của trộm cướp… Chỉ cần một cuốn sách viết chính xác về Quần-đảo Sông Bé, thế-giới sẽ thẩm-định giá trị phát triển của nền tù ngục cộng-sản Việt Nam. Nhưng chúng ta rất thờ-ơ trong sứ-mạng gây xúc-động và phẫn-nộ cho thế-giới. Chúng ta có nhiều tù-nhân khắp miền đất nước đang hiện diện ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc. Chúng ta, thay vì có nhiều người viết hồi-ký tù ngục, càng nhiều càng tốt – để các nhà văn lớn cô- đọng, tổng-hợp, nhuận-sắc văn-chương thành một Goulag Vietnamien vĩ-đại, đúng nghĩa, làm bàng hoàng thế-giới – thì chúng ta lại chỉ có vài cuốn. Thành thử, Goulag Vietnamien mới là cái đống rác Đoàn văn Toại, nơi đó, tù-nhân đầy đủ tự-do lập kiến-nghị và ký tên vào kiến-nghị! Thành thử, đại-diện của tù-nhân cải-tạo tư-tưởng ở Việt Nam, nhân danh tù-nhân đi họp-hành, kiện-cáo, tranh-đấu cho tù-nhân, toàn các vị ở Tây 30 năm, các vị di-tản sang Mỹ trước 30-4-1975. Bọn cai-thầu nỗi khổ này chịu khó vác bị gậy đi ăn mày sự hứa hẹn của thiên hạ. Chúng nó đã trúng mối, cả danh lẫn lợi. Và tù-nhân của chúng ta vẫn vô-vọng ngày về. Thể thì tiếng nói đích-thực của thống-khổ đâu? Tiếng nói không ai dám ngờ-vực của các ngục-sĩ đâu? Họ đã bị chụp mũ “ăng ten” cả rồi. Bị chụp mũ từ chân ướt chân ráo đặt lên đất quê người. Họ chán nản, im lặng. Để mặc cai thầu độc-quyền đấu thầu nỗi khổ. Như bọn thống trị luồn cúi đã loại bỏ những người yêu nước chân-tình để độc-quyền làm đầy-tớ cho ngoại-bang, ở đất nước chúng ta. Cho nên tôi nghĩ: những chuyến đi của tù-nhân Việt Nam trên quê-hương mình, những chuyến đi định-nghĩa con người: định-nghĩa làm người như chuyến đi Sài gòn – Phú Quốc, ngay cả trong chúng ta, vẫn còn mơ hồ, xa lạ.

Chuyến đi của tôi tầm thường. Năm mươi tù-nhân công-kênh hành-lý nhồi nhét trên chiếc xe vận-tải chuyên chở heo, bò. Không ai dám ngồi. Tất cả đứng. Bạn tù của tôi báo cáo lộ trình. Xe đã qua cầu xa-lộ. Qua ngã tư Thủ Đức – Trường Võ Bị. Nhiều anh em hồi -hộp chờ qua cầu sông Đồng Nai. Không, nó rẽ lối đi Vũng Tầu. Qua Long Thành, nó chạy thẳng. Một anh mau miệng:

- Mình vào Xuyên Mộc đất đỏ, các ông ạ!

Chúng tôi bắt đầu khó chịu vì con đường này đã bị lồi-lõm nhiều, không kịp tu sửa. Sau ngày 30-4-1975, đường-xá kể như không tu sửa. Nhà nước xã-hội chủ-nghĩa đẻ ra chính-sách “dưỡng đường”nhưng ngay ở thành-phố Hồ Chí Minh “rực rỡ tên Người”, chính sách “dưỡng đường” đã trở thành “chuyện tiếu lâm Việt- cộng”. Người ta múc nhựa đun sôi đổ đầy ổ gà rồi rắc cát lên. Xe hơi chạy qua, lôi luôn cả tảng nhựa’! Có nhiều con đường được “dưỡng” bằng cát xịt nước. Nắng Sài gòn đã làm cát bay tung mù phố-phường. Đường thành-phố đã “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã-hội chủ-nghĩa”, quốc-lộ và tỉnh-lộ còn tiến vọt theo “ba luồng sóng cách-mạng” bạo hơn.

Xe tới thị-xã Bà Rịa thì rẽ vô con đường đất. Tốc-độ giảm xuống. Nó ì ạch nuốt những bậc thang. Chúng tôi dồn lên, xô xuống liên tục. Nằm chuồng gà lâu ngày, chúng tôi đâm ra yếu ớt. Lục phủ ngũ tạng đảo lộn với đường-xá gập-ghềnh. Nhiều anh em ói mửa. Bụi đỏ luồn qua những khe bạt hở khiến chúng tôi ngộp thở. Cộng thêm mùi ói mửa chua lòm. Chúng tôi choáng-váng mặt mày. Chẳng ai bảo ai, cả làng ngồi hết. Ngồi lên cả hành-lý. Ngồi lên cả những bãi nôn mửa mà chịu đựng xe nhồi. Khi sức nóng hấp chúng tôi, bắt mồ-hôi chúng tôi tuôn chảy ướt nhèm quần áo, xe qua Bầu Lâm, Bà Tô. Hai địa danh này, ít nhất, có bốn trại lao-cải dành cho các ông trong ủy-ban xã, ấp, khóm, phường của chế-độ cũ, dành cho những người vượt biên thiếu may-mắn, dành cho tù-nhân hình-sự chế-độ cũ và “đệ-tử tiên nâu tiên trắng”. Ngọc Thứ Lang, tên cúng cơm Nguyễn Ngọc Tú, hỗn-danh Tú Lệch, dịch giả Bố Già tài tình, đã chết nơi đây vì can tội “chống chủ-nghĩa mác-xít bằng chủ-nghĩa choác-hít”.

Đúng trưa, xe chở sức-vật tới đích. Nó ngừng ở sân phía ngoài trại. Tấm vải bố che kín phía sau được lột lên và cửa sắt mở tung. Chúng tôi đứng dậy chờ lệnh.

- Tôi gọi tên anh nào, anh ấy hô có rồi nhẩy xuống khẩn-trương. Rõ chưa?

Chúng tôi đồng thanh đáp:
- Rõ.

Ba lô may ở Chí Hòa máng hai vai, tay xách giỏ thực-phẩm, chúng tôi chuẩn bị một “saut tù”, chắc chắn, lâm ly hơn “saut đêm” của thi sĩ Hà Huyền Chi.

- Trần Duy Cát.

Đằng Giao len ra và nhẩy…dù! Người lính nhẩy dù bất-đắc-dĩ ngã chúi. Vệ-binh ôm súng cười khoái-chí. Gã công-an dục:
- Ngồi dậy khẩn-trương! Ra xếp hàng chỗ kia!

Đằng Giao đứng dậy thật nhanh, sửa lại hành-lý và bước đến chỗ ngồi chỉ-định.
- Nguyễn Mạnh Côn.

Tác-giả Ba người lính nhẩy dù lâm nạn… lâm nạn thật sự. Đằng Vân Hầu 1 không thề đằng vân giá vũ. Cái tước hầu của anh đã bị xóa bỏ. Anh ta ném hai cái bị xuống trước rồi “bông nhông” sau. Như vậy, anh ta chỉ bị…khuỵu.

- Vũ Mộng Long.

Tôi nhẩy… kiểu thế vận hội lao-cải! Kiểu này khác Tango, Rumba, Valse. Càng khác Twist, Disco. Có lẽ nó là kiểu à gâu gâu. Nhưng mà vẫn ngã bổ nhoài. Tôi ngậm-ngùi đứng dậy và lặng-lẽ bước đến ngồi cạnh Đằng Giao. Huyết-thống tổ-tiên tôi không có “anh-hùng-tính” và tôi đã không có tinh-thần “uy-vũ bất-năng- khuất”. Phải chi tôi di-tản qua Mỹ trước 30-4-1 975 hay chẳng hề bị tù-đầy, tôi sẽ viết báo chửi tôi khiếp-nhược đầu-hàng cộng-sản”. Phải hét lớn: “Bố quốc-gia đây, bố đếch nhẩy, các con cộng-sản làm gì bố thì làm”, rồi có bị bọn chăn trâu cắt cỏ, bị đục sưng phổi, dập lá lách, tôi sẽ phong tôi làm anh-hùng tù ngục. Tuy nhiên, sẽ không anh nào gửi về an-ủi tôi một lọ dầu cù-là… Mỹ! Vậy thì tôi hèn và tôi khước-từ làm anh-hùng đào-ngũ ngồi viết sử đấu-tranh.

- Ông thầy, ngậm ngùi quá hả? – Đằng Giao thầm-thì hỏi tôi
.
- Hãy còn xanh, nó sẽ chín vàng, chín vàng ửng, vàng như ước mơ.

Cái động đầu tiên của trại tập-trung đấy. Nó là tiếng ngã huỳnh-huỵch. Chúng tôi đã biến thành chìa khóa mở một kho cười no-nê cho đám công-an coi tù. Trẻ nhẩy. Già nhẩy. Màn nhẩy dù kéo dài cả tiếng đồng-hồ. Chúng tôi ngồi giữa nắng chang-chang, đầu trần. Nô-lệ thời Trung-cổ còn sướng hơn chúng tôi. Công-an thì tà-tà. Công việc tiếp-nhận tù có chi gấp-gáp. Nắng làm chúng tôi hoa mắt và khát khô họng. Chúng tôi há hốc miệng, chứ chưa thè lưỡi thôi. Lệnh bắt chúng tôi ngồi yên tại chỗ. Tôi bỗng tương-tư Chí Hòa. Châm ngôn của tù-nhân cộng-sản là “Nơi sắp đến khốn nạn hơn nơi đã đến. Ngày mai thê thảm hơn hôm nay”. Biết thế mà vẫn thèm thay chỗ, đổi không khí và rồi chán ngán.

- Ông thầy!
- Gì?
- Mình bỏ xác tại đây mất.
- Bậy nào.
- Mình tù lâu quá rồi.
- Một vụ nghỉ hè trong đời sống. Vài tháng nữa, mình về. Hè của học trò ba tháng. Hè của tù-nhân ba năm.
- Ông lại tin nó.
- Tôi tin tôi. Vẽ ra niềm tin mà sống chứ.

Công-an đã kê bàn trước mặt chúng tôi. Họ bắt chúng tôi kê-khai lý-lịch. Từng người lên bàn. Đứng nghiêm và đứng cách xa cán-bộ ba thước. Luôn luôn, cộng-sản cảnh-giác cao độ. Lớn cảnh-giác lớn. Bé cảnh-giác bé. Cảnh-giác mọi lãnh-vực. Cảnh-giác làm việc và cảnh-giác rong chơi. Bài học cảnh-giác được thi-hành triệt-để. Từ trên xuống dưới. Học tập dài dài. Thời chiến và thời bình. Cảnh-giác địch và cảnh-giác ta.

Chúng tôi lại phải làm công việc kê khai tên tuổi, chỗ sinh, chỗ sống, nghề-nghiệp cũ: can tội gì, bị bắt ngày nào, cơ-quan nào bắt vân vân… Tôi đã khai đến nát bét lý-lịch. Có một lần, ở khu Cl đề-lao Gia Định, Hai Phận đã làm tôi sửng-sốt về tội-trạng của tôi. Họ cầm tờ khai lý-lịch của tôi đứng ngoài cửa phòng gọi tôi:
- Vũ Mộng Long.

- Tôi là Trưởng khu, anh phải dạ vâng.
- Dạ.
- Anh can tội gì?
- Nhà văn chế-độ cũ.
- Sai. Anh viết lại đi.
- Thưa ông Trưởng khu, viết thế nào ạ?
- Vũ MộngLong can tội Duyên Anh!

Hai Phận vĩ-đại đã tặng cả phòng một trận cười khi hắn khuất dạng. Tôi cũng cười ra nước mắt. Về sau, suy nghĩ kỹ tôi mới thấy Hai Phận vĩ-đại hơn Hồ Chí Minh. Vũ Mộng Long có tội gì đâu. Duyên Anh gây ra đủ thứ tội. Thế nên, tôi đã yêu Vũ Mộng Long mà ghét Duyên Anh thậm tệ. Ở đây, ở cái trại tập-trung khổ-sai lao-động tôi chưa biết tên này. Người ta chấp nhận Vũ Mộng Long, bút hiệu Duyên Anh, can tội nhà văn phản-động, dẫu hồ-sơ Trung-ương ghi rõ tôi can tội “Đảng viên Duy Dân trốn trình-diện học-tập, trong tổ-chức chống phá cách-mạng hiện-hành”.

Phải mất thêm hai tiếng đồng-hồ phơi nắng nữa thủ-tục nhập trại mới của chúng tôi mới xong. Rồi chúng tôi được tách thành hai nhóm và được dẫn vào trại, chỉ-định nơi ăn chốn ở.

° ° °
Trại tập-trung khổ-sai lao-động này có Hòm-thư mang bí số TH6 Xuyên Mộc, Đồng Nai. Nghĩa là trại TH6 thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai. Riêng huyện Xuyên Mộc đã vượt chỉ tiêu 6 trại lao-cải. Cả tỉnh Đồng Nai nhân lên bao nhiêu lần?

TH6, khi tôi tới, chưa nhốt tù-nhân sĩ-quan Quân-lực Việt Nam Cộng-hòa. Mà chỉ toàn sĩ-quan cảnh-sát đặc biệt, cảnh-sát tư-pháp, sĩ-quan, hạ sĩ-quan Phủ đặc-ủy Trung-ương tình-báo, vài ông thẩm-phán và tù-nhân hình-sự đa-số mang tiền-án du-thủ du-thực dưới chế-độ cũ. Khoảng mười dẫy nhà mái tôn, nền đất, tường ghép bằng cây dài, to cỡ cánh tay, chôn sâu chẳng mấy hứa hẹn an-ninh cho những tay thích trốn trại. Mỗi dẫy nhà chứa trên dưới 150 tù-nhân gồm 3 đội. Nhà “kiến trúc” hai tầng, do tù-nhân xây cất.
Tầng dưới phải khom lưng, đứng thẳng người sẽ đụng đầu. “Sàn gác” cũng ghép bằng cây nhỏ còn nguyên vỏ, nằm ê ẩm mình mẩy. Một cái cầu tiêu ba chỗ ngồi đại-tiện phía sau và ở ngay trong nhà. Cầu tiêu “kiến trúc” rất ly-kỳ xứng đáng đoạt giải Roma, nếu dự thi như kiến-trúc-sư Ngô Viết Thụ. Ngó xuống lỗ cầu sẽ thấy cái máng gỗ chứa phân. Không nên để nước tiểu và nước rửa đít chảy vào máng chứa phân. Như thế, nước tiểu sẽ ngấm qua phân, rỉ xuống đất qua kẽ hở của máng chứa phân và tạo thành mùi thối… trường-kỳ. Trường-kỳ kháng-chiến nhất-định thắng-lợi nhưng trường-kỳ thối sẽ hủy diệt khứu-giác. Do đó, “kiến-trúc-sư” tù của Đội xây cất mới dùng tôn mỏng sáng-chế một kiểu ống máng rất hiện-thực xã-hội chủ-nghĩa. Ống máng nầy nghiên-cứu kỹ-lưỡng trước khi thiết-kế. Nó vừa đúng tầm phóng ngắn của “vòi nước”. Nhỡ phóng mạnh: văng ra ngoài không sao, đừng ào ào xuống máng chứa phân là hợp tiêu chuẩn cải tạo. Ống máng chạy về phía sau lưng tù-nhân ngồi đại tiện thì rộng ra để tù-nhân thiếu giấy chùi, có thể, đem bình nước, ca nước lết lùi vài bước mà rửa hậu-môn. Nước rửa và nước tiểu trôi qua cái ống mà tuôn vào cái hồ chứa có nắp đậy, bên ngoài bức tường cây ghép. Nước tiểu sẽ dùng để tưới rau xanh. Đội rau xanh sẽ lo múc gánh đi, mỗi sáng. Và, mỗi sáng. khi các đội đi lao-động hết, trừ những ai khai ốm nằm nhà, tù-nhân thuộc Tổ vệ-sinh kéo các thùng phân đã đầy có ngọn ra, xếp lên xe cải-tiến. Xe cải-tiến là thứ xe ba-gác, lốp đặc. Miền Nam đã chê bỏ từ lâu. Nhưng, ở miền Bắc, xe cải-tiến là cuộc cách-mạng vĩ-đại nhằm giải-phóng đôi vai phụ-nữ nông- thôn. Phụ-nữ nông-thôn miền Bắc gánh gồng vất-vả. Đảng sáng-tạo xe cải-tiến. Thay vì gánh, phụ-nữ kéo xe cải-tiến oằn vai như bò, như ngựa vậy. Để hợp nếp- sống văn-hóa mới, tù-nhân đậy lá chuối kín các máng chứa phân. Rồi anh ta xối nước rửa máng tiểu, rửa phân dính quanh lỗ cầu, rửa sàn cầu. Anh ta lại kê máng chứa phân mới đã lót sẵn mạt-cưa. Trại có xưởng cưa, tha hồ nhiều mạt. Công việc xong xuôi, anh ta kéo xe phân tới kho phân của đội rau xanh mà đổ. Rồi kiếm suối rửa xe, rửa máng. Rồi chọn khúc suối trên nước chảy róc-rách mà tắm gội, xát xà-phòng thơm vài lần. Rồi kéo xe về trại. Rồi nghỉ ngơi. Rồi lo ca cóng cải- thiện bữa ăn. Một ngày lao-động có một giờ, nhàn quá.
Tù-nhân đặc-trách vệ-sinh nhà-cầu nhiều đặc-quyền, đặc-lợi. Có quyền đi vung-vít trong, ngoài trại. Có quyền nhận riêng thực-phẩm của nhà bếp để nấu nướng riêng. Có quyền nấu nướng hai bữa. Có thể xin rau của Đội rau xanh và câu cá, mò cua, xúc tép. Có thể nuôi gà nữa. Chỉ thiệt thòi một tí là mũi sẽ điếc, sẽ hết đánh hơi thấy “thoảng hương thơm một da thịt đàn bà!.

Hai tù-nhân tình-nguyện làm công việc phu đổ thùng là hai vị thẩm-phán của Tòa Thượng-thẩm Sài gòn. Nhưng phu đổ thùng, bạn biết chưa? Lịch-sử đổ thùng như vầy: Trước cách-mạng 19-8-1945, dân chúng Hà nội 2 đã chơi cái trò đại-tiện kiểu đại-tiện của tù-nhân ở các trại lao-cải. Dĩ nhiên, nhà xí thuộc phạm vi gia đình nên nó văn-minh hơn. Năm giờ sáng, các ông phu đổ thùng chở thùng mới vào thành phổ bằng đôi bồ có nắp đậy và gánh hai thùng phân ra tận ngoại-ô bán cho nông-dân. Thuở ấy, làm nghề thầu phân béo bổ, lại không thất đức như thầu vé chợ. Nhà thầu thuê phu đổ thùng. Phân bắc quý lắm. Bởi vậy, có khối bà địa-chủ, khuyên vàng, xà-tích rủng-rỉnh mà dám xắn ống tay áo lên cao, đưa cánh tay trần chạm đáy thùng xia khoắng kỹ xem thùng xia nhiều giấy hay ít để định giá. Sau cách-mạng 19-8-1945, phu đổ thùng vẫn đeo nhãn hiệu phu đổ thùng. Mãi sau cuộc cải-cách ruộng đất 1956, vô-sản vùng lên dữ-dội thì phu đổ thùng hóa kiếp “công-nhân vệ-sinh đặc-trách” đổ thùng. Phùng Quán tả sự ghê rợn của đổ thùng:

Tôi đã gặp
Chị em công-nhân đổ thùng
Yếm rách chân trần
Quần xăn quá gối
Run lây-bẩy chui vào hầm xia tối
Vác những thùng phân
Ta thuê một vạn một thùng
Có người không dám vác

Hà-nội từ 1973 đã được mệnh-danh là “thủ-đô của phẩm-cách con người”. Và, mặc dù, chủ-tịch Hồ Chí Minh ba-hoa “Đánh xong giặc Mỹ ta sẽ xây-dựng bằng mười năm xưa”, bi-cảnh đổ thùng còn tiếp diễn và muôn đời tiếp nối. Sự nghiệp đổ thùng của nhân-dân sống mãi trong chủ-nghĩa cộng-sản Việt Nam như “Bác Hồ vĩ-đại sống mãi trong sự-nghiệp” đổ thùng của nhân-dân vậy.

Tôi không hiểu tại sao hai vị thẩm-phán của Toà Thượng-thẩm Sàigòn 3 lại dám làm công-việc mà, đói rã họng “Ta thuê một vạn một thùng, Có người không dám vác”? Nghe một vị thẩm-phán có vợ bác-sĩ y-khoa thuyết-trình công-tác lao-động đổ thùng, Đằng Giao khoái quá, hỏi tôi:
- Hay là ông thầy và tôi tình nguyện đổ thùng nhé!

- Cảm hứng nào thế?
- Mình ngu, ở lại để đi tù là đáng ăn một thùng cứt.Mình không dám ăn thì đi đổ vậy.
- Rất đúng.

Vị thẩm-phán nói tình-nguyện đổ thùng sẽ bị nghi ngờ. Phải phấn-đấu cam-go vô cùng. Nhờ đó, tôi tìm được câu trả-lời tại sao hai vị thẩm-phán anh-dũng đổ thùng. Ông Trưởng Công Cừu thuyết trình về “triết học” Tam- túc cộng với Tam-giác cộng với Tam-nhân thành Nhân-vị ở một khoá học-tập Ấp Chiến Lược năm 1962 đã phán một câu chí-lý: “Người trí -thức muốn làm đẹp xã -hội, cần phải xông vào những nơi nhơ bẩn nhất để làm cho nó sạch-sẽ, thơm tho”. Đã chẳng một trí-thức nào xông vào những nơi nhơ-bẩn mà chỉ thấy trí-thức xông vào những nơi ăn-bẩn! Trí-thức, nhất là trí-thức khoa-bảng, vốn sợ khó, sợ khổ. Hôm nay bị cộng-sản nó cưỡng-bức lao-động, vẫn cố cách xoay sở chỗ nhàn-hạ, dẫu có bị ngửi phân tiểu đến điếc mũi hết ngửi nổi mùi da thịt của vợ mình.

- Anh ạ, vợ tôi sợ tôi chết khứu giác, đã mua cái mặt nạ chống hơi ngạt gửi cho tôi.
- Ông có đeo mặt nạ đổ thùng không?
- Có!
- Rồi sao?
- Cán-bộ tịch thu.
- Vô lý!

- Vâng, thật vô lý. Cán-bộ bảo tôi thiếu thiện-chí…đổ thùng, chưa tiến-bộ còn nặng đầu óc tiểu-tư-sản trí-thức.

Thôi, tôi quên cái cầu tiêu và sự tiến-bộ đổ thùng của hai vị thẩm phán mà những ai đã ở TH6A trước và sau tôi đều thuộc tên nhớ mặt.

Tôi tả tiếp sinh-hoạt của “cái nhà”. Ở trại tập-trung, người ta không gọi “phòng” mà gọi “nhà”. Tù-nhân chịu trách-nhiệm vệ-sinh, trật-tự toàn nhà gọi là Nhà-trưởng! Nhà-trưởng bắt buộc phải làm Đội-trưởng. Vì nhà có hai tầng nên thường xuyên xẩy ra cãi-cọ. Thí-dụ trên gác vô ý đánh đổ nước uống, nước mắm, lau nước điếu xuống dưới. Thí dụ quét bụi, giũ bụi không báo trước.Vân vân.

Sinh-hoạt của các trại lao-cải rập theo một chính-sách, một tổ-chức. Mỗi trại, thông thuờng có bây nhiêu đội:

1- Đội cấp dưỡng: Phụ-trách công-tác ăn uống cho tù-nhân toàn trại.
2. Đội xây cất: Phụ-trách xây dựng nhà cửa cho tù-nhân và các công-trình xây cất của trại.
3. Đội lâm-sản: Phụ-trách công-tác chặt cây, chặt tre, cung-cấp cho đội xây dựng và chặt củi cho đội cấp dưỡng.
4. Đội vận-chuyển: Phụ-trách kéo, đẩy xe cải-tiến chuyên-chở thực-phẩm, hàng-hóa.
5. Đội rau xanh: Phụ trách trồng rau cung-cấp cho nhà bếp.
6. Đội nông-nghiệp: Phụ-trách trồng khoai, sắn, bắp, lúa…
7. Đội chăn nuôi: Phụ-trách nuôi heo, nuôi bò.
8. Đội văn-nghệ: Phụ trách ca múa, đàn sáo…
9. Đội linh-tinh: Đội này gồm nhiều tổ như Tổ y-tế, Tổ vệ-sinh, Tổ thiết-kế, Tổ trật-tự, Tổ thông-tin văn-hóa, Tổ thăm nuôi…

Nếu trại chứa 1000 tù-nhân, ít nhất, có 4 Đội rau xanh, 3 Đội lâm sản. Đội nông nghiệp thì trại nào cũng đông cả. Một đội không quá 50 người. Đội trưởng, Đội phó, Thư-ký do Ban giám-thị chỉ-định. Tổ trưởng do cán-bộ quản-giáo chỉ-định. Đội trưởng được miễn lao-động 100 phần 100. Đội phó được miễn 50 phần 100. Thư-ký lao-động huỳnh-huỵch. Quản-giáo là ông thầy của lớp học lao-cải. Ông thầy săn sóc cả phần tư-tưởng lẫn phần lao-động. Khi dẫn đội ra hiện-trường lao-động, ông thầy quản-giáo đeo súng ngắn. Hai vệ-binh đeo súng AK. Đội trưởng là một chức vụ não-nề nhất của thân-phận tù. Chỉ những thẳng ngu-si, đần-độn mới ham làm Đội trưởng và chức-sắc trong tù. Miễn lao-động nhưng Đội trưởng phải đôn-đốc tù-nhân của đội lao-động tích-cực. Nội cái khoản đôn-đốc lao-động đã bị chửi xéo, chửi thầm mục mả rồi. Chưa kể, Đội trưởng “phải thay mặt cán-bộ kiểm-soát tư-tưởng của đội khi không ở hiện-trường lao-động, phải báo cáo cán-bộ mọi diễn-biến tư-tưởng của đội”. Cái khoản này hãi-hùng cao độ, dễ đưa nhau vào thù hận. Hai khoản cộng lại, dồn Đội trưởng vào thế trên đe dưới búa. Ù-lỳ thì bị quản-giáo “giáo-dục” tơi-bời, bị làm tự kiểm, bị gọi lên Ban giám-thị. Tích cực thì bị anh em thù ghét, nguyền-rủa. Đó là thân-phận Đội trưởng. Đổ thùng yên ổn nhất, không ai thích hít phân nên chẳng ai thèm chú ý thằng đổ thùng. Khổ nỗi, ở tù là phi-ní tự-do, không có quyền chọn lựa công-tác lao-động. Muốn đổ phân lại bị làm…văn-nghệ! Không muốn làm Đội trưởng mà Ban giám-thị chỉ-định làm Đội trưởng, Nhà trưởng vẫn cứ đau khổ “hồ-hởi phấn-khởi”. Từ-chối đồng nghĩa với chống đối cách-mạng. Quan-điểm chính-trị bị nâng cao vút. Anh khinh-nhờn sự chiếu-cố của cách-mạng là anh không thích tiến-bộ, là anh nuôi dưỡng tư-tưởng phản-động, là anh cầm chắc sự khốn-nạn suốt quá-trình lao-cải.

Người cộng-sản dùng câu Tư-Tưởng Thể-Hiện Hành-Động làm khuôn vàng thước ngọc đề đo tâm-hồn con người. Khuôn vàng này là bảo-sinh-viện của gian dối. Con người cộng-sản và con người trong chế-độ cộng-sản suốt đời đóng kịch giả vờ. Buồn phải giả vờ vui. Đói phải giả vờ no. Đau khổ phải giả vờ hạnh-phúc. Chổng-đối phải giả vờ ủng-hộ. Đả-đảo phải giả vờ hoan-hô. Ghét phải nói yêu. Tí-hon phải nói vĩ-đại. Thua phải nói thắng. Vân vân. Chân-lý là xa-xỉ-phẩm dưới vòm trời cộng-sản. Thi-sĩ Phùng Quán đã khao-khát sự chân-thật. Ông tuyên-chiến với chủ-nghĩa cộng-sản chỉ vì “Tôi muốn làm nhà văn chân-thật, chân-thật trọn đời”. Những kẻ chân-thật trọn đời không có đất sống dưới ánh mặt trời Đảng. Họ sẽ bị hủy-diệt hoặc sẽ bị tẩy não để đồng-hóa với gian dối.

Ở trại cải-tạo, giáo điều Tư-Tưởng Thể-Hiện Hành-Động được các bậc thẩy quản-giáo ranh con suy-diễn thêm: “Hành-động tốt thì tư-tưởng tốt. Tư-tưởng tốt do lao-động tích-cực. Lao-động chính là thước đo giá-trị con người. Nhưng muốn tư-tưởng tốt, cần triệt-để thi-hành đúng Nội- quy, Tiêu-chuẩn cải-tạo và Nếp sống văn-hóa mới”. Những tù-nhân khôn ngoan nhất, thông-minh nhất là những tù-nhân quán-triệt cái võ-đạo của nhà Mộ Dung. Mày muốn tư-tưởng thể-hiện hành-động thì ông thể-hiện hành-động. Ông giả vờ khiếp-nhược, ông nín thở qua cầu. Tâm-sự của ông, ông dấu kỹ đáy tim, mày sao biết nổi. Những tù-nhân thích chân-thật, thích khoe móng vuốt thích thể-hiện sự chống đối, đều bị rơi vào bẫy…cải-tạo. Hiển nhiên, họ bị chặt hết nanh vuốt, bị đầy đoạ tới mức bị cô- lập. Cuối cùng, họ trở thành những người khiếp-nhược hơn cả những kẻ đã bị họ miệt thị khiếp-nhược.

Cộng-sản độc-quyền anh-hùng. Phải nhớ kỹ điều đó! Họ tự nhận họ ưu-việt, ”cái nôi của loài người đỉnh cao của trí tuệ”. Sự ngạo-mạn phát-xít đó không cho phép những kẻ chống đối họ làm anh-hùng trong thế-giới của họ. Cộng-sản lại không ngu-si đần-độn như đa số những người chống họ tưởng-tượng. Họ rất giỏi sự quản-lý con người và kiêu-ngạo.

Cho những anh trung-sĩ giáo-dục đại-tá, nhà văn, nghệ-sĩ, thẩm-phán, bộ trưởng, bác-sĩ của chúng ta, họ quả là kiêu-ngạo xấc-xược, thứ kiêu-ngạo đầy mặc-cảm. Vị đại-tá Quân-lực Việt Nam Cộng-hoà có nên anh-dũng chống đối thằng trung-sĩ chăn trâu cắt cỏ về tư tưởng không nhỉ? Thế thì giả vờ và gian dối là triết-lý sống tuyệt hảo ở trại lao-cải cộng-sản. Tiếc thay, người ta đã không đủ kiến-thức cộng-sản, không có kinh-nghiệm cộng-sản để đương đầu cộng-sản trong nghịch-cảnh. Nhưng trách chi? Hai mươi năm chống cộng-sản, chúng ta có nghiên-cứu chủ-nghĩa cộng-sản đâu? Chúng ta chỉ hô to một khẩu-hiệu “Đả đảo cộng-sản”!
--------------------------------
1 Một bút hiệu ký ở mục Bẩy Ngày Đêm Tính Quẩn Chuyện Đời trên tuần-báo VNTP của Nguyễn Mạnh Côn.
2 Và các thành phố, các thị-xã miền Bắc luôn.
3 Xin miễn nêu tên.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Trại Tập Trung - Duyên Anh  Empty Re: Trại Tập Trung - Duyên Anh

Post by LDN Mon Jan 02, 2023 4:10 pm

Trại Tập Trung

CHƯƠNG 2

Chúng tôi sống chung nhà với các đội cảnh-sát đặc-biệt và trung-ương tình-báo. Chiều qua, Đằng Giao và tôi đã chứng-kiến sinh-hoạt ca-cóng ở bếp ngoài trời sát hàng rào kẽm gai. Thấy anh em xào nấu thức ăn, chiên lạp-xưởng thật hấp-dẫn. Chúng tôi ra đi, kể như giỏ thực-phẩm đã xác-xơ, đành đứng xem mà học-tập kinh-nghiệm ca-cóng. Ở TH6, lửa chỉ được phép nổi buổi chiều khi các đội tan lao 1 về trại. Tù-nhân, mỗi người một bếp, nhóm lửa vội-vàng, nấu-nướng thật lẹ để kịp đem vào nhà. Rồi rửa mặt rửa tay chờ điểm danh. Một tiếng đồng-hồ cho các dịch-vụ lấy cơm, chia cơm, ca-cóng. Những tù-nhân không ca-cóng thì ăn cơm ngoài sân, ca-cóng thì đem vô, đợi cửa tù khóa sau lúc điểm danh mới thong-thả ăn uống. Chủ nhật được nghỉ, tù-nhân sinh-hoạt ca-cóng hai lần. Tha hồ nấu chè, nướng bánh và tụ tập enioy, đàn sáo, nhạc vàng…

Ca là cái ca, ai cũng biết. Ca nhôm, ca sắt, ca nhựa vẫn là ca. Cóng người miền Nam gọi là lon. Kỳ thủy, hộp sữa bò đặc uống hết mở nắp vất đi, người miền Bắc gọi là cái ống bơ. Có nơi gọi là ống bơ. Ống bơ dùng để đong gạo. Riết rồi, bất cứ một hộp sắt, hộp thiếc nào to nhỏ, đều được gọi là ống bơ. Ống bơ rỉ thì chán lắm. Hát như ống bơ rỉ! Cái lon sữa bột Guigoz cũng là…ống bơ, là cóng bơ. Dưới chế-độ cộng-sản, vì toàn dân đói nên thiếu hơi, nhiều danh-từ được giản-lược half and half. Cóng bơ còn một tiếng cóng. Bơ ở thiên đường mù-mịt, bỏ bơ đi là đúng. Bỏ bơ là loại bỏ tư-bản, là chống đế-quốc, là vô-sản khoai sắn “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”… Cái cóng đa-dụng và đa-năng ở trại lao-cải là cóng Guigoz.

Hãng chế-tạo sữa bột Guigoz đã đi vào lịch-sử đấu-tranh của hai miền Nam-Bắc. Trên thế-giới, có lẽ, chỉ có nước Việt Nam bốn nghìn năm văn-hiến giầu và nghèo bình-đẳng… lon Guigoz. Nhà nào cũng có lon Guigoz. Vì lon Guigoz bán ngoài thị-trường vỉa hè. Đựng đường, đựng mỡ, đựng bột thật an toàn. Đựng cà-phê thì khỏi lo bay mất hương thơm. Thuở ta học đòi Mỹ, công-chức làm việc thông-tằm, lon Guigoz biến thành thứ gà-mèn lý-tưởng, đủ bữa cơm trưa ăn ngay tại cơ- quan. Sau 30-4-1975, lon Guigoz đắt giá. Một cái trị-giá hai lá cờ đỏ sao vàng tặng thêm chân-dung Bác, Mác và Lê. Lần đầu tiên trong lịch-sử cộng-sản, lon Guigoz hạ chủ-nghĩa và lãnh-tụ. Vì chủ-nghĩa và lãnh-tụ bắt quá nhiều tù. Và tù-nhân cần lon Guigoz làm cóng. Ca cóng, tôi không hiểu chính-xác xuất-xứ của nó. Người nói: Anh em cải-tạo miền Bắc đem về Nam. Kẻ bảo: Việt cộng nó gọi vậy mình hài hước gọi theo, riết đâm quen. Điều buồn cười là, khi nổi lửa nấu bếp: đa-số tù-nhân nấu bằng nồi. Vậy thì ca-cóng là một bí số- như TH6- là bí danh của Nấu Nướng, như Lý Thụy, Anh Ba, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, Nguyễn Tất Thành, là bí danh của Nguyễn Sanh Cuông.

Tù-nhân kiếm giây kẽm làm cái quai cho cóng. Tùy theo sự khéo tay của mỗi người. Dở nhất là đục lỗ luồn giây rồi bẻ quặp lại. Ra hiện-trường lao-động, mỗi tù-nhân xách một cái cóng đựng nước đun sôi. Ở TH6, cóng không được phép nấu ngoài bãi. Tù-nhân nấu bằng cóng thường là tù-nhân ăn một mình. Ăn chung thì vui nhưng nếu trong đám bạn ăn chung có người trốn trại, sẽ gặp cơ-man rắc rối, sẽ tự kiểm, tự khai mệt phờ. Cóng nấu nướng, nắp phải đục vài cái lỗ bốc hơi. Buổi chiều, anh em vất-vả kiếm củi, nổi lửa, ta chỉ việc đổ lưng cóng nước, bỏ vô dúm tôm khô, chút bột ngọt, tí nước mắm và thả vài lá mồng tơi, nếu ta kiếm được, rồi đậy chặt nắp, ta dùng sợi giây kẽm dài móc cái quai lon, nấu nhờ ngọn lửa tạt ra của thiên hạ. Đợi nó sôi tan nhừ tôm, ta mở nắp cóng, thẩy nắm mì vụn vào. Thế lả ta có cóng mì cải-thiện bữa ăn.

Sinh-hoạt ca cóng thật sinh-động ở những chiều tù. Tôi sẽ quan-sát kỹ-lưỡng hơn. Để sáng-tạo một phương-pháp nấu-nướng thích-ứng với thời-gian hạn-hẹp của trại. Sáng nay, chúng tôi được dẫn đi tắm. Rồi về nhận quần áo tù, viết lý-lịch. Lại lý-lịch! Mỗi tù-nhân viết một lý-lịch mới. Lý-lịch này đầy đủ chi tiết. Buổi chiều, chúng tôi lên hội-trường học-tập Nội-quy trại, Bốn tiêu-chuẩn cải-tạo và hai mươi nếp sống văn-hoá mới. Nhờ học-tập, tôi biết TH6 có hai khu. Khu A là nơi tôi đang ở 2. Khu B chả rõ nơi nào. Nội-quy trại có nhiều điều khác hẳn Nội-quy nhà tù. Một điều đáng suy-nghĩ:”Cán-bộ không được phép đánh đập trại viên và cấm-chỉ trại viên nịnh hót, mua chuộc cán-bộ”. Người lên lớp chúng tôi là Trưởng trại A (Phó giám-thị TH6) Nguyễn Xuân Bến. Chúng tôi học-tập hai ngày liên tiếp. Học xong, chúng tôi sẽ được biên-chế đội và sẽ cuốc xẻng, dao búa lao-động trả nợ… đời ngụy! Nhưng, buổi chiều ngày thứ tư của trại-viên mới, xẩy ra một vụ trốn trại ngoạn-mục. Bốn sĩ-quan cảnh-sát đặc-biệt đã biến dạng khi đội điểm danh về suối tắm. Súng nổ báo động. Vệ-binh toàn trại súng ngắn, súng dài lao vào cuộc săn đuổi. Các đội tan lao về sớm đang nổi lửa ca-cóng bị dập tắt lửa, xua hết vô nhà. Người ta nhắm hướng núi Mây Tào mà truy-lùng kẻ trốn trại.

Lần đầu tiên, từ thành-lập TH6, tù-nhân chính-trị trốn trại. Chỉ có hai loại tù, ở trại cải-tạo: Tù chính-trị và tù hình-sự. Tù chính-trị gồm sĩ-quan quân-đội và cảnh-sát, hạ-sĩ-quan Trung-ương Tình-báo, an-ninh quân-đội, công-chức cao cấp, nghị-sĩ, dân-biểu, nghị-viên, thẩm-phán, phản-động, vượt biên, nhà văn, nhà báo. Tù hình-sự gồm lưu manh, trộm cắp, lường gạt, hiếp-dâm và tiền-án bất hảo. Đã xẩy nhiều vụ trốn trại thành-công ở TH6 A và những kẻ liều mạng đều là du-đảng. Có một vụ hi-hữu được tù kể lại như huyền-thoại. Một tên du-đãng trốn trại khác đời. Nó tới chuồng gà bóp cổ hai con, vào bếp trại nhóm lửa đun nước làm lông rồi luộc cả hai con gà. Nó ăn hết một con, vất lại cái đầu và cặp chân. Nó ra vườn rau xanh nhổ thêm ba cây cải bẹ rồi mới dông tuốt. Nhưng hình-sự trốn trại không quan-trọng bằng chính-trị trốn trại. Lực-lượng võ-trang TH6 truy-lùng suốt đêm. Chúng tôi chưa biết kết-quả thì, ngay sáng hôm sau, chúng tôi nhận lệnh tập-trung ngoài sân với tất cả hành-lý.

Và chúng tôi rời TH6 A. Người ta không muốn chúng tôi dao-động chuyện trốn trại.

° ° °
Ra ngoài cổng trại, có hai lối. Rẽ trái thì về Bà Rịa. Rẽ phải thì sang Long Khánh. Chúng tôi xếp hàng đôi, rẽ phải. TH6 B nằm trên đường qua Long Khánh. Người ta bảo chúng tôi vào khu B. Qua chiếc cầu gỗ bắc ngang dòng suối, chúng tôi đi lung-tung. Vệ-binh áp tải và quản-giáo dẫn độ không chú-ý đến sự vô trật-tự của tù-nhân. Chúng tôi không bị còng tay vì đi bộ và lưng đeo nặng ba-lô, tay xách trĩu giỏ. Tôi chợt nhớ bài hát Sơn La của Đỗ Nhuận diễn tả cảnh tù-nhân bị phát-vãng thời nô-lệ Pháp. “Sơn La âm-u, núi khuất trong sương mù. Lá rơi xuống suối, gió đưa vù….Đoàn tù tha-hương, cất bước đi trên đường…” Chúng tôi đang là “đoàn tù tha-hương, cất bước đi trên đường, đi trên đường cách-mạng vô-sản thành-công, đi trên đường giải-phóng nô-lệ, đi trên đường ưu-việt của chủ-nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng, đi trên đường dẫn đến đỉnh cao của trí-tuệ, dẫn đến cái nôi của loài người.

Đã tới khúc cổ-thụ bị chôn mìn, nổ bật gốc, cây lớn bị cưa gãy nằm rạp chắn lối. Chúng tôi phải gỡ cành, dọn đường rồi leo qua các thân cây mà đi. Mỗi quãng bị khai quang, chúng tôi tháo bỏ hành-lý. Khai quang xong, lại mang hành-lý lên đường. Xuyên Mộc mang một ý-nghĩa nào? Nếu là xuyên qua gỗ, chúng tôi đã xuyên qua gỗ. Bài học lao-động thứ nhất toát mồ-hôi, rời tay, rã cẳng. Hai cây số rừng 3 cho tù-nhân Chí Hoà thật thấm-thía. Khi mặt trời cao gần đỉnh đầu, chúng tôi ra khỏi quãng đường thử-thách lao-cải đầu tiên. Và đi một khúc đường quang, chúng tôi đến TH6 B.
TH6 B là mật-khu của Việt cộng suốt cuộc chiến-tranh xâm-lăng miền Nam. Người dân thiểu-số đã có sẵn cái tên cho vùng này: Sa Ác. Sa Ác là rơi vào chỗ ác độc, rơi vào chỗ chết. Trần Bạch Đằng, tên cúng cơm Trương Gia Triều (đã bỏ Kỳ, thực ra là Trương Gia Kỳ Triều), bí danh Tư Ánh, tác giả Chân dung một quản-đốc, ký bút hiệu Nguyễn Hiểu Trường (Hưởng Triều đó), đăng theo kiểu feuilleton trên nhật-báo Sàigòn Giải Phóng, đã hồi tưởng khá nhiều về những tháng ngày chuyên chở vũ-khí từ Vũng Rô vào Nam, qua các nhánh sông để ghé sông Ray. Sông Ray nằm sát Sa Ác, TH6 B. Nó là biên-giới Xuyên Mộc – Long Khánh. Tôi không biết chính-xác nó bắt nguồn từ đâu. Có người bảo nó là nhánh nhỏ của sông La Ngà. Có người bảo nó khởi nguồn từ chân núi Mây Tào. Chắc chắn nhất, nó chẩy qua Sa Ác TH6 B. Mà TH6 B là mật-khu an-toàn của Việt cộng. Vũ-khí Hà-nội tiếp tế cho các lực-lượng võ-trang miền Đông đã đổ vào mật-khu này. Do đó, TH6 B đã là vùng oanh-kích tự-do của không-lực Việt Nam Cộng-hoà và Mỹ. Quân-đội Úc-đại-lợi đặc-trách an-ninh tỉnh Phước Tuy đã thả vô TH6 B những toán biệt-kích thám-báo. Dấu chân của Kangourou vẫn còn khi tôi tới (xin đọc những trang sau).

Sông Ray đầy vơi theo hai mùa mưa nắng. Mùa mưa, nước đỏ ngầu, chẩy xiết và dâng cao mấp-mé sân trại. Mùa nắng, nước trong vắt, chỗ sâu nhất khoảng nửa thước, chỗ nông nhất xe hơi có thể vượt qua. Trại lao-cải TH6 B bên bờ sông Ray, chung-quanh chằng chịt hố bom lớn và những trái bom chưa kịp nổ. Nhiều cánh rừng xơ-xác vì bom lửa. TH6 B “kiến-trúc” sơ-sài hơn TH6 A. Có hai khu-vực. Khu của công-an coi tù và khu của tù-nhân. Biên-giới hai khu là con đường chạy thẳng sang Long Khánh. Khu của công-an gồm ba dẫy: Dẫy của vệ-binh, dẫy của quản-giáo và dẫy của các chức-sắc lãnh-đạo trại và văn-phòng hành-chính. Sau ba dẫy là nhà bếp, nhà kho và nhà ăn của toàn bộ cai tù lớn nhỏ. Khu của tù-nhân mới lèo-tèo ba căn nhà và một căn đang xây cất. Hàng rào kẽm gai vây quanh khu này còn thấp và thưa. Tù-nhân vỏn-vẹn bốn đội, một rau xanh, một nông-nghiệp, một lâm-sản, một xây cất. Tất cả thuộc tù hình-sự. Chúng tôi là tù chính-trị trước tiên của TH6 B. Tôi nhớ ở Chí Hoà ra đi, tôi đếm đúng 5 chiếc xe chở heo. Đến TH6 A chỉ còn 2 chiếc. Vậy thì, chúng tôi, 100 tù-nhân chính-trị “tiền-phong” của trại TH6 đã được dẫn qua cổng đoạn-trường có cái biển gỗ nền đỏ chữ vàng treo cao, bên ngoài viết: Không có gì quý hơn độc-lập tự-do, bên trong viết: Lao-động là vinh-quang!

Chúng tôi bị tách thành hai nhóm, ngồi xếp hàng đôi giữa sân nắng, hành-lý để một bên. Lại khai sơ-yếu lý-lịch. Thủ-tục nhập trại mới mà. Tôi đã quá quen thủ-tục này. Quen đến độ, có thể, thuộc lòng lý-lịch của mình cả trong chiêm-bao. Phơi nắng gần say nắng thì chúng tôi “khăn gói quả mướp nối nhau vào một căn nhà…mới. Từ nắng chói chang vào bóng râm, tôi không nhìn thấy gì, ít nhất, một phút. Tôi hiểu cơ-thể tôi đã hao mòn tháng năm tĩnh ở nhà tù. Tôi nhà văn 42 ký lô, được độc-giả yêu mến tặng biệt danh Tăm Tre Việt Nam, đã trải tấm thân còm-cõi của mình trên những tuyến đường Nhà Mình – Sở Công An, Sở Công An – Đề-lao Gia Định. Đề-lao Gia Định – Chí Hòa ngót nghét ba năm. Ba năm- đường rầy – tôi nằm bất-động chịu đựng từng chuyến xe lửa oan-nghiệt kéo dằng-dặc những toa thù-hận nghiến lên. Chưa chết, dĩ-nhiên. Cái hình hài xơ-xác, bấy nát, lỗ-chỗ những vết đâm ấy, tôi lết vào cái động của trại tập-trung Sa Ác. Mắt tôi bị quáng tưởng chừng đã bị mù. Không, không nên mù, không thể mù. Cần sáng, cần rực sáng để chiếu rọi những tia lửa tím vào cái bóng tối âm-u của thù-hận với ước-mơ khám-phá niềm bí-ẩn của đời sống.

Tôi đã hết hoa mắt. Căn nhà tôi vừa vào tiến-bộ hơn các căn nhà ngoài TH6 A. Cũng hai tầng, nhưng sàn bằng gỗ xẻ ghép khít và cột lớn cách các khoang đục những bậc thang để lên xuống dễ dàng. Lối “kiến-trúc” y hệt nhà khu A. Giữa là hành-lang trống, nền đất. Tường nhà khu B đan bằng tre và trét đất đỏ trộn mạt-cưa. Cầu tiêu chưa…tiến bộ. Nghĩa là, nó đứng riêng rẽ với ba nguồn thác cách-mạng văn-hóa, nông-nghiệp và khoa-học kỹ-thuật. Chúng tôi “hồ-hởi phấn-khởi” khắc-phục” bữa bo-bo buổi trưa. Nhà bếp đã không được báo trước có tù mới. TH6 B chưa có Đội cấp-dưỡng. Tù-nhân phụ-trách bếp-núc hơn 10 người hợp thành một tổ. Thêm Tổ vệ-sinh và Tổ thông-tin văn-hóa. Tổ thông-tin văn-hóa vỏn-vẹn hai mạng, kiêm-nhiệm cả trật-tự. Vậy văn-hóa là Sanh, trật-tự là Hoa, hỗn danh Hoa-nẫu. Cả hai đều can tội trộm cắp.

“Nhà” thông-tin văn-hóa Sanh (tôi không biết họ của nó) nhỏ thó. Khuôn mặt nó gồ-ghề, lồi-lõm. Cặp mắt nó sâu hoắm, trắng rã. Đằng Giao ví bọn công-an coi tù là quân dữ. Gặp thằng văn-hoá Sanh, Đằng Giao lại ví công-an coi tù là phát-xít Đức để gọi thằng văn-hoá Sanh là Pháp-gian. Nó giống hệt bất cứ một tên Pháp-gian nào trong các phim diễn-tả thời Đức chiếm đóng Pháp. Trông nó gian-manh ra mặt. Nó chỉ-huy Hoa-nẫu (dân Quảng Ngãi). Sanh-gian và Hoa-nẫu đại-diện cán-bộ trực trại giáo-dục chúng tôi bài học “nhập gia tùy tục”. Chúng tôi được hân-hạnh sống chung phòng với Đội rau xanh mà đội trưởng là Hoàng xì coọc, đội phó là Hoàng nham, những hỗn danh bụi đời. Đội rau xanh khá đông du-đãng có tiền-án và bị đi cải-tạo vì tiền-án. Tôi bỗng trở thành “nhân-vật hàng đầu của tù-nhân hình-sự TH6 B. Ở đây, có nhiều đàn em của “tứ-linh” Đại, Tì, Cái, Thế. Đại Ca-thay đã chết năm 1968. Huỳnh Tì (James Dean Hùng trong Điệu ru nước mắt của tôi) còn nằm ở Phước Long. Cái và Thế đã chết thảm tại Bù-gia-mập. Đại-bàng gẫy cánh hết. Còn mỗi Hùng-phốc, đàn em Huỳnh Tì, sống-sót về Sa Ác. Và Hùng-phốc lãnh đạo đám bụi đời nhỏ tản-mạn khắp các đội của khu B.

Những công-chức cao cấp, dân-biểu, thẩm-phán đã từng “cải-tạo” ở Long Thành đều biết và đều có thể làm nhân-chứng về những chuyến xe chở tù-nhân từ Bù-gia-mập về Long Thành. Đó là tù-nhân can tội tiền-án du-đãng trộm cắp Những người này đã trả nợ cho những tội-lỗi và tội-ác của họ. Và chế-độ mới, họ chưa hề gây một tội-lỗi tội- ác nào mà họ vẫn bị bắt nhốt và bị đầy-đọa thê-thảm. Con người, dẫu con người tiền-án, con người vô-án, con người hình-sự hay con người chính-trị vẫn là con người và phải được đối xử như con người sống hay chết, tù đầy hay tự-do. Nhưng, nhân-danh chủ-nghĩa ưu-việt của mình, người cộng-sản đã hạ giá những người mang tiền-án xuống quá hàng súc-vật đã đánh đập họ đã bắt họ lao-động quá mức, đã cho họ ăn ít, đã mặc họ chết bệnh-hoạn. Cuối cùng, 1000 tù-nhân còn có 100 được di-chuyển từ Bù-gia-mập về Long Thành và được mô-tả như “những bộ xương biết đi”! Bồi-dưỡng một thời gian, đám tù-nhân sống sót này được liệng vào Sa Ác. Họ đã cùng những tù-nhân mang tiền-án dưới chế độ cũ, đến từ khắp nơi, hợp thành “thế-hệ tiên-phong” xây dựng trại tập-trung khổ-sai lao-động TH6 B. Hùng-phốc ở trong đám Bù-gia-mập sống sót.

Mấy ngày ở khu A, tôi đã được “giang-hồ” chiêu-đãi tận-tình. Tôi giao-du với vài tay du-đãng gộc thôi song Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng con ngựa hoang của tôi đã giao-du thân-mật với du-đãng cả nước. Ở đâu có du-đãng đọc sách tôi, ở đó tôi được đền ơn như một luật-sư biện-hộ vô-vụ-lợi cho những kẻ bị xã-hội khinh-bỉ, bị luật-pháp đánh dấu. Hiển-nhiên, tôi ca-ngợi du-đãng hào-hiệp. Bởi vì tôi thấy Đại Cathay cao-cả hơn Nguyễn văn Thiệu; bởi vì tôi thấy những tay anh chị đẹp-đẽ hơn bọn tướng-lãnh, bộ-trưởng, nghị-sĩ; bởi vì du-đãng nhận mình là du-đãng còn bọn Nguyễn Văn Thiệu, thì ăn cắp, bịp bợm mà cứ nhận mình là ái-quốc? Kể cho tôi nghe, ai ở cái xã-hội miền Nam cũ đã xứng đáng được ví với nhân-vật tiểu-thuyết thần tượng Trần Đại? Cao văn Viên hay Đặng văn Quang. Phạm văn Đang hay Nguyễn Cao Kỳ? Hoàng Đức Nhã hay Nguyễn Ngọc Nghĩa? Thẩm-phán sạch-sẽ Đào Minh Lượng, người đã ghê tởm một số tù-nhân thư-lại Long Thành nói với tôi ở TH6 A: “Tôi thèm được sống chung với đám hình-sự. Họ không bần-tiện, ích-kỷ như tù-nhân chính trị thư-lại”… Chưa một nhà chống cộng nào chào mừng tôi một ly bia ở Paris, nhưng du-đãng đã nồng-nhiệt chúc tụng tôi còn sống bằng những chai champagne tình-nghĩa. Những người du-đãng không chụp mũ tôi vì không đố-kỵ tài-năng với tôi. Muốn hiểu du-đãng để ngưỡng-mộ họ và để tin-tưởng một cuộc cách-mạng Tây Sơn mới sắp xẩy ra ở Việt Nam, hãy tìm đọc Hồn say phấn lạ. Đó là trường-thiên tiểu-thuyết vinh-tôn trước những Nguyễn Nhạc mới. Nguyễn Nhạc cũ, tay du-đãng bất hủ đất Bình Khê. Kẻ nào dám làm cách-mạng chuyển-vần thời-cuộc, nước non bằng cách liều-lĩnh chui vào cũi nạp mạng cho kẻ thù? Khi tâm-hồn du-đãng dậy bất-bình vì dân-tộc, vì tổ-quốc, họ sẽ thành anh-hùng. Không ai dám nhắc đến dĩ-vãng du-thủ du-thực của tên đình-trưởng đất Cối Kê. Vì hắn diệt Tần Thủy Hoàng. Không ai dám nhắc đến dĩ-vãng rượu chè bê- bết của biện Nhạc. Vì ông ta gây cảm-hứng cho Nguyễn Huệ.

Tôi nên trở về TH6 B. Sanh-gian bảo chúng tôi tạm cất hành-lý ở những khoảng trống, đợi biên-chế đội xong cán-bộ trực trại sẽ chỉ-định chỗ nằm riêng biệt. Trước khi kẻng điểm tan lao, chúng tôi được lệnh ra tập-họp tại sân ngay cạnh nhà. Sự tổ-chức của TH6 B như sau:

1 Phó giám-thị, còn gọi là Trưởng trại B. Nhiệm-vụ của y bao quát cả tư-tưởng của công-an coi từ lẫn thực-thi chính-sách học-tập cải-tạo.

2. Chính-ủy. Nhiệm-vụ của y điều-hành công-an trách-nhiệm vấn-đề giáo-dục tư-tưởng tù-nhân.

3. Công-an trực trại. Nhiệm-vụ của y là điểm số tù-nhân xuất trại lao-động và nhập trại tan lao cùng kiểm-soát an-ninh toàn trại ban ngày. Có hai công-an trực trại.

4. Vệ-binh. Nhiệm-vụ của vệ-binh là canh gác trại ban đêm, canh chừng tù-nhân ngoài hiện-trường lao-động.

5. Quản-giáo. Nhiệm-vụ của quản-giáo là theo dõi đội về lao-động và tư-tưởng.

6. Giáo-dục. Nhiệm-vụ của công-an giáo-dục là...dạy dỗ tù-nhân và đưa tù-nhân ra gặp thân-nhân ở phòng thăm nuôi.

7. An-ninh. Nhiệm-vụ của công-an an-ninh là…đánh tù-nhân!
Còn có công-an đặc-trách hồ sơ tù-nhân, công-an nấu bếp... Bất kể công-an già hay trẻ, cấp bậc hạ-sĩ hay đại-úy, giám-thị hay coi kho, tù-nhân đều phải gọi là cán-bộ. Vậy thì cán-bộ trực trại, cán-bộ quản-giáo, cán-bộ giáo-dục đã đến làm việc với chúng tôi.

- Theo quyết-định của Ban giám-thị, hôm nay các anh được chính-thức biên-chế thành hai đội. Tôi gọi tên anh nào anh ấy hô có rõ-ràng và đứng dậy ngồi ra góc sân.

Cán-bộ giáo-dục nói xong thì nhìn danh-sách mà đọc.

- Trần Duy Cát.
- Có
- Đặng Hải Sơn.
- Có.
-Nguyễn mạnh Côn.
- Có.

Đọc đủ tên 50 tù-nhân, cán-bộ giáo-dục ngưng lại. Hắn nói:
- Những anh còn lại ở chung một đội.

Hắn ra lệnh hai đội tập-họp gần nhau.
- Theo quyết-định của Ban giám-thị, Trần Duy Cát làm Đội trưởng; Đặng Hải Sơn, Đội phó; Nguyễn văn Thương, Thư ký. Anh Cát đâu?

Đẳng Giao dơ tay:
- Có tôi

Cán-bộ giáo-dục gật đầu:
- Tốt. Đội của anh là Đội 21 nông-nghiệp.

Bước sang đội của tôi,cán-bộ giáo-dục hỏi:
- Anh Vũ Mộng Long đâu?

- Có.

- Theo quyết-định của Ban giám-thị, anh là Đội trưởng, Nguyễn văn Thạch, Đội phó, Phạm Kim Sơn, Thư-ký. Đội của các anh là Đội 17 rau xanh. Ai thắc-mắc gì không?

Đằng Giao dơ tay:
- Thưa cán-bộ, tôi không biết làm Đội trưởng.

Cán-bộ giáo-dục nghiêm nét mặt:
- Anh khước-từ sự chiếu-cố của Ban giám-thị hả? Học tập sẽ làm được. Làm sĩ-quan ngụy tiêu-diệt Việt cộng chắc anh làm giỏi đấy nhi?

Đằng Giao nín thinh. Tôi tưởng Đằng Giao thành-công, sẽ bắt chước theo. Ai ngờ…
Trại Tập Trung - Duyên Anh  3547501583
- Khước-từ sự chiếu-cố của Ban giám thí là khước-từ sự khoan-hồng của cách-mạng, là chống Đảng và nhân-dân.
Hoạ sĩ Đùa Dzai 4 vừa thấy bị đùa dai một trò đùa nâng cao quan-điểm. Dằn mặt thế gọi là giáo-dục. Ông thầy của chúng tôi tên Đương. Thầy Đương đeo quân-hàm chuẩn-úy.
Thầy xoa dịu trò Đằng Giao:
- Phấn-đấu lên, anh Cát. Không dễ gì ai cũng được làm Đội trưởng đâu.
Thầy Đương ngó thầy Hưng, cán-bộ trực trại:
- Dạy họ báo-cáo xuất trại, nhập trại.
Thầy Hưng, đeo quân-hàm trung-sĩ, dạy Đằng Giao và tôi bài học báo-cáo quân-số và dạy toàn thể anh em cách đi đứn, cầm nón mũ chào kính vân vân…

-Nàm thử xem sao, anh Cát!

Đội trưởng Đằng Giao vẫy tay bảo đội ngồi xuống. Anh ta đếm số đội viên một lượt rồi bước lên cách đội ba bước. Anh ta hô “Đứng dậy, nón mũ bỏ ra. Nón mũ cầm tay phải, lật ngửa. Chú ý: Nghiêm! Hai hàng dọc nhìn đằng trước…thẳng? Thôi…” Đằng Giao bước xuống, đứng cạnh hàng đầu, quay mặt về phía điếm canh tưởng tượng, dõng dạc báo-cáo:
- Báo-cáo cán-bộ, Đội 21 nông-nghiệp tổng số 50, lao-động 50, hiện-diện đủ, chờ lệnh cán-bộ.

Thầy Hưng vẫy tay:
- Cho đi!

Trò Đằng Giao đáp:
- Rõ.

Tôi muốn cười quá mà không dám cười. Giá tôi được tự-do cười tôi đã cười một trận nghiêng-ngửa nhất đời tôi. Đến lượt tôi “nàm thử”, thầy Hưng ra lệnh cho 4 đội-viên của tôi bước khỏi hàng. Tôi cũng “nàm” như Đằng Giao đã “nàm”. Cám ơn tổ-tiên tôi đã khóa cái sự thèm cười của tôi đúng lúc diễn-xuất…căng.

- Báo-cáo cán-bộ. Đội 17 rau xanh tổng số 50, lao-động 46, 4 bệnh nằm nhà, chờ lệnh cán-bộ.

- Cho đi!

Thầy Hưng khen:
- Được Nhưng đó là xuất trại. Còn nhập trại thế lào?

Tôi biểu-diễn:
- Báo-cáo cán-bộ, Đội 17 rau xanh lao-động 46, về đủ, xin nhập trại, chờ lệnh cán-bộ.

Thầy Hưng tấm-tắc:
- Chính-trị dễ tiếp thu hơn nà hình-sự

Cái sự vô-phúc thiếu âm-đức của tôi không dừng ở chức-vụ Đội trưởng. Màn thực-tập vừa dứt, thầy Đương thăng thêm cho tôi chức Nhà trưởng “theo quyết-định của Ban giám-thị”. Tôi phải học bài học nhân-danh Nhà trưởng báo-cáo thầy trực trại buổi sáng mở cửa nhà và buổi chiều đóng cửa nhà và điều khiển tù-nhân cả nhà tập thể-dục. Kệ mẹ nó, đến đâu hay đó. Ít ra, tôi đã hách hơn Hồ Chí Minh. Vì, Ngục trung nhật ký Hồ chủ-tịch không được khoe mình làm Đội trưởng, Nhà trưởng trong tù. Chúng tôi nhận lệnh giải-tán rồi vào nhà nhận chỗ nằm theo sự chỉ-định của cán-bộ trực trại. Đội của tôi ở 5 khoang đầu nhà. Thu xếp hành-lý, tranh nhau nằm trên nằm dưới, dàn xếp ổn-thỏa xong thì các đội cũ tan lao nhập trại. Tôi cắt cử người xuống bếp lấy cơm canh, chia cơm canh. Ấm lòng ngay lập tức nhờ các cháu du-đãng hình-sự tặng “hai chú” Đằng Giao và Duyên Anh, cháu thì tô mì vụn nấu tôm khô rau cải xanh, cháu thì miếng thịt vừa nhận thăm nuôi, cháu thì con cá kho câu dưới sông…

Thi-sĩ Trần Tuấn Kiệt, trong cuốn sách viết về nhà văn nhà thơ Việt Nam, có nhã-ý viết về tôi. Anh ta kể lại kỷ-niệm ở quân-lao. Vì anh ta khoe là bạn của Nguyễn Thụy Long và Duyên Anh nên anh ta được tù-nhân du-đãng chiều-chuộng hết mình. Anh ta bảo, nếu tôi vào tù, tôi sẽ sướng hơn vua! Tôi đã vào tù, không thấy sướng hơn vua mà chỉ thấy khổ như chó. Nhưng nếu tình-cảm là cái gì quý nhất, tôi đã được hưởng cái quý nhất của những độc-giả, đặc-biệt những độc-giả bụi đời dành cho tôi.

Cơm nước xong chúng tôi ngồi tán gẫu chờ điểm danh buổi chiều. Kẻng vừa điểm, tù-nhân vội-vã xếp hàng mười trước của nhà, ngồi ngay ngắn. Tôi đã hỏi quân số Đội 3 rau xanh của Hoàng xì coọc. Tôi phải đếm lại cẩn-thận. Tù-nhân nào ốm không ra điểm danh, phải báo-cáo và trật-tự Hoa-nẫu vô nhà kiểm-soát rồi xác- nhận với cán-bộ trực trại. Nhà của tôi mang số 1. Đáng lẽ, đội của tôi số 5 hoặc số 6, vì TH6 B mới có 4 đội. Chắc chắn, trại sẽ tiếp-nhận thêm nhiều tù-nhân những tháng sắp tới. Thầy trực trại Hưng đã đến, theo sau là Sanh- gian và Hoa-nẫu. Tôi thực-hành bài học báo-cáo…nhà.

~ Anh em chú ý…im lặng! Báo-cáo cán-bộ, Nhà 1 tổng-số 150, tập-họp đủ, chờ lệnh cán-bộ.
Thầy Hưng đếm hàng. Thầy hất tay:
- Cho vào.
- Rõ

Từng hàng đôi, tù-nhân vô nhà. Tôi sau chót. Hoa-nẫu cài thanh gỗ lớn chắn ngang cửa và khóa lại. Sinh-hoạt ồn-ào thả-giàn cho tới khi kẻng báo ngủ. Lúc đó là 9 giờ.

° ° °
TH6 B chưa có điện. Trại tân-lập mà. Mỗi nhà thắp hai ngọn đèn dầu chế bằng keo thủy tinh không có bóng. Một ngọn để ở sà trên cửa ra vào, một ngọn trên lối vào cầu-tiêu. Điểm danh xong trực trại giao trách-nhiệm cho vệ-binh. Hai vệ-binh canh một nhà suốt đêm. Súng AK sẵn sàng khạc đạn vào kẻ trốn trại. Hai ngọn đèn lù-mù, có khi tắt một, có khi tắt hết nên vệ-binh khó kiểm-soát sinh-hoạt của tù-nhân. Bèn thêm mệnh lệnh không ghi ở Nội-quy, Tiêu-chuẩn cải-tạo và Nếp- sống văn-hoá mới: Đi ỉa, đi đái phải báo-cáo! Thế là tù-nhân sáng-tạo chuyện hài-hước đen.

- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi đái.
- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi đái xong rồi, tôi về chỗ ngủ.
- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi ỉa.
- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi ỉa xong rồi, tôi về chỗ ngủ.
- Báo-cáo cán-bộ, tôi đi ỉa nữa.

Có tù-nhân chơi bạo:
- Báo-cáo đái!

hoặc:
- Cán-bộ ỉa!

Nếu vệ-binh tìm chỗ ngồi đốt lửa sưởi lạnh với nhau, không nghe thấy thì không sao cả. Nó đi tuần, nghe thấy là réo Nhà trưởng, đánh thức cả nhà dậy nghe nó giáo-dục sỉ-vả hoặc nó bắt tìm ra ai…lạc-hậu, đầu óc nặng tư-tưởng đồi-trụy và ảnh-hưởng văn-hoá Mỹ-Ngụy sâu đậm. Giả đò không báo-cáo nó nghe tiếng chân đi, nó cũng hô-hoán ầm-ỹ. Cái chức Nhà trưởng coi bộ nguy-hiểm. Ngủ chỉ sợ có bố nào cao-hứng đạp tường mò về sum-họp gia-đình, nó sẽ đổ vạ mình đồng-lõa, mình làm ngơ và sẽ còng tay xích chân mình. Khổ nhất vẫn là màn nửa đêm bị vệ-binh thèm thuốc gọi dậy xin một điếu. Nhưng khổ hơn cả mọi nỗi khổ là Nhà trưởng phải thắp đèn và bảo-quản bình dầu. Trật-tự Hoa-nẫu đã tính-toán kỹ-lưỡng. Nó phát dầu đủ thắp một tuần: hết dầu ráng mà chịu bị vệ-binh “lên lớp”. Tù-nhân nghiện thuốc lào thường thích có đèn riêng cho đỡ tốn xăng đá lửa. Quý vị ấy che đèn và xin dầu kiểu “thông-cảm”. Nhà trưởng không dám cho, sợ hết dầu và sợ bị “nâng quan-điểm” giúp tù-nhân phương-tiện trốn trại hay đốt trại! Thì bị quý vị ấy chửi bới. Quý vị ấy công khai sớt dầu ở đèn tập thể. Nằn nì quý vị ấy thông- cảm, quý vị ấy không thông-cảm. Cấm-đoán, ngại quý vị ấy xỏ xiên “giữ 1. cho chúa”. Từ cái nhỏ hóa thành cái lớn. Nhà trưởng biến thành cái đích của thị-phi. Chỉ vì sợ hết dầu trước hạn kỳ. Chỉ vì anh em tiếc rẻ xăng, đá lửa. Chỉ vì anh em lười châm lửa ở đèn tập thể. Chỉ vì anh em khoái đèn cá nhân.

Đêm đầu tiên nhậm chức Nhà trưởng của tôi thật não-nùng. Tôi không ngờ nổi. Những tiếng báo-cáo “đi đái, đi ỉa” liên tục đến gần sáng. Tôi bắt đầu chán ngán cái động của trại tập-trung. Dường như, cái động hứa hẹn vang vọng một niềm bất-hạnh. Đêm cuối năm ở rừng già Sa Ác lạnh vô cùng. Tôi đã quên cái lạnh mùa đông miền Bắc hơn hai mươi năm nay nhớ lại và thấm rét mướt. Sự rét mướt chẳng còn ở ngoài da nữa. Nó đã thấm buốt cả thân-phận tôi. Tôi xoayngười úp bụng xuống sàn gỗ, ngẩng đầu nhìn qua chấn song gỗ của khung cửa ọp-ẹp. Đêm tối. Thân-phận. Đất nước. Dân-tộc. Thân-phận tôi là đồ bỏ. Nhưng đất nước tôi, dân-tộc tôi? Trong cuộc chạy đua việt-dã mấy chục năm giữa bọn ăn cướp và bọn ăn cắp, sự thắng bại đã rõ rệt. Chính-nghĩa của bọn ăn cắp là đào-ngũ, đào-nhiệm chạy dài. Chính-nghĩa của bọn ăn cướp là hồ-hởi phấn-khởi trả thù vặt. Ba mươi năm chính-nghĩa thổ-phỉ và chánh nghĩa “phi-lu” nhân danh hai chủ-nghĩa ưu-việt nhất của loài người, vô-sản và tư-bản; nhân danh hai quyền-lực vĩ-đại nhất và thô-bạo nhất của loài người, Liên xô và Hoa kỳ, đấm đá và tranh giành sự-nghiệp nô-bộc, đất nước tôi rách mướp, dân-tộc tôi đói rách, ngu dốt, lạc-hậu. Chiến-tranh bẩn thỉu toa rập giữa tư-bản Hoa kỳ và vô-sản Liên xô đã tàn-sát đến cả cây cỏ, muông thú của quê-hương tôi, đã đẩy dân-tộc tôi vào cuộc phiêu-lưu thù-hận, đã tạo dựng bọn tướng cướp bản-xứ khát máu và bọn trùm trộm cắp hèn-mọn, trơ-tráo. Hạnh-phúc mà vô-sản chủ-nghĩa đem từ thiên-đường Liên xô sang đất nước tôi là gì? Hỏa-tiễn, súng đạn, giáo-điều mác-xít, lê-nin lỗi thời. Chủ-nghĩa cộng-sản có khả-năng tiêu-diệt 1 triệu 500 ngàn dân Việt Nam mùa cải-cách ruộng đất năm 1956, có khả-năng nướng thiêu 1 triệu thanh niên miền Bắc dọc đường mòn Hồ Chí Minh và các chiến trường miền Nam. Chủ-nghĩa cộng-sản có khả-năng làm bé nhỏ cả dạ-dầy lẫn tim óc của dân miền Bắc. Nhưng, chủ-nghĩa bách-chiến bách-thắng ấy chưa giải-phóng nổi chế độ đổ thùng ở riêng thủ-đô Hà-nội “thủ-đô của phẩm-cách con người”. Khi còn công-nhân vệ-sinh đặc-trách đổ thùng, còn phu đổ thùng, còn con người tăm-tối chui rúc vào cầu-tiêu vác những thùng phân đổi miếng cơm hẩm, chủ-nghĩa cộng-sản chỉ được định giá như một thùng phân lúc nhúc ròi bọ.

Hạnh-phúc mà tư bản chủ-nghĩa đem từ thiên-đường Hoa-kỳ sang đất nước tôi là gì? Bom lửa, xe tăng, thuốc khai quang, phi-tiễn, lựu đạn cay và lý-tưởng khai- phóng tự-do, dân-chủ chó đẻ. Chủ-nghĩa tư-bản có khả-năng đẩy hai thế-hệ thanh-niên miền Nam xuống vực thẳm chiến-tranh cho tham-vọng khốn-kiếp của nó, có khả-năng làm đảo tung đạo-nghĩa và tình-nghĩa Việt Nam; có khả-năng xúi dục đảo-chính, chỉnh-lý; có khả-năng giật giây tôn-giáo thù nghịch lẫn nhau; có khả-năng đưa những thằng vô-lại lên ngôi tổng-thống, thủ-tướng, bộ trưởng, tướng tá, nghị-sĩ, dân-biểu. Chủ-nghĩa ấy còn có khả-năng mầu-nhiệm tạo đĩ điểm thành mệnh-phụ phu-nhân, ma-cô thành lãnh-tụ dân-tộc và biến con người thành công-cụ của đô-la, nô-lệ của vật-chất; biến con người thành ký-sinh-trùng ăn bám, ươn- hèn, vọng ngoại. Nhưng, chủ-nghĩa chói-chang ấy chưa tẩy xóa nổi dấu-tích ô-nhục của phản-bội đê-tiện. Khi còn còng made in USA còng tay những người Việt Nam chân-chính chống đối chủ-nghĩa cộng-sản phi nhân ở Việt Nam sau 1975, chủ-nghĩa tư-bản Hoa Kỳ cũng chỉ được định giá như một thùng phân lúc nhúc ròi bọ.

Rốt cuộc, quá độ chiến-tranh ý-thức-hệ thùng phân là đất nước héo úa, dân-tộc chia lìa, tổ-quốc gầy mòn. Những thằng ăn cắp bỏ chạy không quên mang theo tài-sản ăn cắp. Và chúng nó đang phè phỡn ở Hoa kỳ, miền đất hứa có chủ-nghĩa được định giá như một thùng phân. Chủ-nghĩa này tạo ra những nhà lãnh-đạo lỗi-lạc để thi-triển những chính-sách đối với các nước nhỏ và các nước dưới quyền…viện-trợ. Những thằng ăn cướp được dịp tuyên-bố chiến-thắng những thằng phản-bội và những thằng ăn cắp. Và chúng nó bảo cách-mạng thành-công. Và chúng nó lùa những người Việt Nam vào nhà tù, trại tập trung. Tôi cũng bị lùa vào nhà tù 3 năm. Bây giờ, tôi bị ném ra trại tập-trung. Tôi mang cái tội gì nhỉ?

Thoạt đầu, phỉ-quyền (bọn ăn cướp) chụp lên đầu tôi cái tội ngớ-ngẩn: Nhà văn chế-độ cũ. Tôi không phải là người của chế-độ nào cả. Tôi là người của tôi, của gia-đình tôi, của bằng-hữu tôi, của độc-giả tôi và lộng ngôn một tí tôi là người của dân-tộc tôi. Không một chế-độ nào chấp-nhận những người nghệ-sĩ phản-kháng cả. Tôi là nhà văn, nhà báo phản-kháng, và có chính-kiến rõ rệt. Tôi đứng về phía những người bị trị chống đối kẻ thống-trị. Sự chống đối của tôi, tùy theo cường-độ chính-trị của thống-trị. Khi thống-trị bình-thường, sự chống đối của tôi hiểu theo nghĩa đối-lập. Khi thống-trị đàn áp, sự chống đối của tôi là phản-kháng quyết-liệt. Bằng văn-chương và tư-tưởng. Tôi đã thường xuyên quyết-liệt phản-kháng bọn thống-trị Sàigòn vì tôi muốn không còn, không có nữa phỉ-quyền hiện diện ở Hànội và âm-mưu thôn-tính quê-hương tôi. Phỉ-quyền lên án tôi từ năm 1970. Hẳn nhiên, phỉ-quyền Hà nội thù hận tôi. Nhưng ngụy-quyền Sàigòn (bọn ăn cắp) ưa gì tôi? Nó cũng thù hận tôi. Tôi thực sự sống bằng ngòi bút từ tháng 1-1964. Tôi viết nhật-báo từ đó. Và từ đó, tôi tuyên-chiến với bọn thống-trị Sàigòn, đứng hẳn về phía bị trị vì những người bị đàn áp bị bóc lột; vì những người nghèo khổ nhất miền Nam; vì những người lính hy-sinh nhất miền Nam, bị bạc đãi nhất miền Nam; vì cô-nhi, quả-phụ; vì danh-dự của tổ-quốc mà lên tiếng. Ngụy-quyền Nguyễn Văn Thiệu chưa dám bắt tôi bỏ tù. Nó tin tử-vi. Và nó sợ phản-ứng độc-giả tuổi trẻ của tôi. Nó sợ cộng-sản lợi-dụng cơ-hội nhập cuộc. Nếu quốc-gia là những ai phò Nguyễn văn Thiệu, suy-tôn nó, ủng-hộ nó, còn kỳ vọng nhiều ở nó; nếu quốc-gia là Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang, Cao văn Viên…và các vệ-tinh, tôi khước-từ thứ quốc- gia đó. Và tôi thẳng-thắn nói: Tôi là người cộng-sản không tha, quốc-gia không dung.

Không thể là quốc-gia ăn cắp, lừa bịp, tôi phải chấp-nhận mọi hệ-lụy ngoài đời, trong tù; trong nước, ngoài nước. Tôi hiên-ngang chấp-nhận. Để tôi là quốc-gia của tôi. Chỗ “tựa vào” của tôi chỉ là dân-tộc Việt Nam đau-khổ. Tôi đã “tựa vào”, đang “tựa vào” và “tựa vào” đến khi nhắm mắt.
Quốc-gia của tôi là quốc-gia chân-chính, quốc-gia của những người lương-thiện sáng chói. Tôi phủ nhận ngụy-quyền, phỉ quyền. Với tôi, ròng rã ba mươi năm, đất nước ta chưa có chính-quyền. Dân-tộc ta đang mơ ước một chính-quyền tạo dựng bởi người quốc-gia chân-chính trong và ngoài nước. Chỉ khi nào đất nước ta có chính-quyền, dân-tộc ta mới có ấm no, hạnh-phúc, đoàn-tụ, thương yêu, tự-do là dân-chủ thực sự. Phỉ-quyền Hà-nội và ngụy-quyền Sàigòn đã bất lực mưu cầu hạnh-phúc cho dân-tộc. Phỉ-quyền chỉ biết ăn cướp. Ngụy-quyền chỉ biết ăn cắp. Thổ-phỉ và đạo-tặc đều thờ chủ riêng. Phỉ là đầy-tớ Liên xô. Ngụy là đầy-tớ Hoa Kỳ. Bây giờ, thêm bốn hạng ngụy nữa: Ngụy kháng-chiến bịp-bợm, ngụy giải-phóng đội đít Tầu, ngụy cứu quốc bám chân Tây, ngụy phục-quốc chờ đèn xanh ảo tưởng Mỹ.
Từ hơn 100 năm rồi, tinh-thần dân-tộc đã bị các thứ giáo-hội đè nặng trĩu, đè ngóc đầu lên không nổi. Các thứ giáo-hội đã chi-phối tinh-thần dân-tộc một cách nghiệt-ngã. Đất nước lạc-hậu của chúng ta có tới hai chục giáo-hội. Giáo-hội và tổ-quốc chứ không tổ-quốc và giáo-hội. Thứ giáo-hội mạnh nhất, thô-bạo nhất hôm nay là giáo-hội cộng-sản. Dân-tộc ta đã ủ-ê vì các giáo-hội, đang ủ-ê vì các thứ ngụy. Vậy làm cách nào phục-hưng tinh-thần dân-tộc và tinh-thần quốc-gia, dĩ nhiên, quốc-gia chân-chính? Vấn đề này nhà văn không đủ tư-cách giải-quyết. Bổn phận của y chỉ nhằm gợi ý.

Tôi đã trải qua một đêm TH6 B.
--------------------------------
1 Tan lao: Tan lao-động.
Vào lao: Vào giờ lao-động.
Giải lao: Nghỉ lao-động
2 Khu A có xưởng cưa máy. Đầu năm 1979, các Nhà cũ bị phá để xây cất Nhà mới khang-trang, cầu-tiêu xối nước. Dĩ nhiên, Nhà nhiều hơon vì tù nhiều hơn và sự quản-lý chặt-chẽ hơn. Sĩ-quan quân-đội từ các trại miền Tây dồn hết lên miền Đông.
3 Về sau, chính Đằng Giao đặt mốc cho đoạn đường…vào Ba Thục này.
4 Vẽ tranh hí-hoạ, Đằng Giao ký tên Đùa Dzai.
Chương trướcMục lụcChương sau

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Trại Tập Trung - Duyên Anh  Empty Re: Trại Tập Trung - Duyên Anh

Post by LDN Sat Jan 14, 2023 12:05 pm

CHƯƠNG 3

Kẻng báo thức đã gầm-gừ. Cả Nhà thức giấc. Đèn phòng được thổi tắt. Các quan-viên thuốc lào rít điếu cầy xòng-xọc. Sinh-hoạt ồn-ào trong cầu-tiêu. Màn thuốc lào, đái ỉa buổi sáng coi như chào mừng một ngày lao-động khốn-nạn. Bên ngoài còn nhá-nhem và sương mù dầy đặc. Tù-nhân thu dọn chỗ nằm thật ngăn-nắp. Thuốc lào đã sang tua rít thứ mấy. Khối anh phê, đáp dài trên phi-đạo sàn. Phải phê. Không phê sẽ một ngày vô-nghĩa. Những tù-nhân mới tập hút thuốc lào, chưa dám kéo hơi dài. Thành thử, rít đến khi khói vô đẫy phổi mới lăn kềnh, mắt lim-dim, tim đập mạnh, thân thể lạnh giá, tay chân quơ cào. Thuốc lào mau say mà cũng mau tỉnh. Tù lao-cải gắn bó với thuốc lào y hệt tù nhà-lao gắn bó với ghẻ. Phi thuốc lào bất thành cải-tạo. Thuốc lào là cái gì mà ghê thế? Ca dao có câu:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên

Từ câu này, Nguyễn Tuân mới đặt cho thuốc lào cái tên thật văn-chương: Tương-tư-thảo. Nhưng tương-tư-thảo có vẻ Tầu quá. Mà Tầu không hút thuốc lào.Vậy gọi thuốc lào là cỏ nhớ. Miền Bắc hút thuốc lào trước khi hút thuốc lá, hút ống vố. Câu nhại lời bài Giải-phóng Miền Nam quy-định rõ-rệt sự hút của dân ta:

Miền Bắc hút thuốc lào, miền Trung hút thuốc rê, miền Nam thì hút Capstan, Con Mèo ….

Thuốc lào thượng-hảo hạng miền Bắc là thuốc lào Vĩnh Bảo. Cách gói và bán thuốc lào ở miền Bắc rất… cổ-truyền. Người bán thuốc lào gánh đôi khạp gỗ đậy nắp kín đến các chợ phiên. Một bên là thuốc đã gói sẵn vào cái bao giấy mầu có in nhãn-hiệu bằng con dấu khắc thô-sơ. Một bên là thuốc nguyên bánh và thuốc rời. Gói có hai loại, to và nhỏ. Thuốc rời bán lạng. Cũng có ba hạng thuốc: thượng-hảo-hạng, ngon nhất và ngon vừa phải. Người bán thuốc bầy thuốc trên nắp khạp, châm đèn và kê điếu bát. Khách hút thử thuốc rồi mua. Ở thị-xã người ta cũng bán theo cung cách ấy. Thuốc lào đem giống vô Nam ngon nhất là thuốc Cái Sắn, hút phê lăn cù mèo. Trước 1975, có các nhãn hiệu thuốc lào Say, thuốc lào 888. Về sau thuốc 888 nổi tiếng, bèn đẻ thêm thuốc lào 555, thuốc lào 999. Sau 1975. thuốc lào 888 giả hiệu đầy thị-trường.

Ông đây đã bỏ thuốc lào,
Thấy ba số 8 lại đào điếu lên

Câu thơ ảnh-hưởng ca-dao nặng-nề này in trên bao gói thuốc lào 888. Theo đà văn-minh lãng nhách, thuốc lào gói bằng bao ni lông, mất hết 99 phần 100 tính chất cổ-truyền dân-tộc.

Thuốc lào rất khó trồng. Nó kén đất và phân bón. Trồng, tỉa, bắt sâu thuốc, phơi, thái, ủ thuốc là một nghệ-thuật. Thuốc ngon nhờ giống, nhờ đúng thời-gian và nhờ bí-quyết riêng của người sản-xuất. Xin miễn bàn-luận về chuyên-môn. Thuốc đi với điếu. Điếu kêu ròn-rã nhờ cái guốc. Điếu tráp của các nhà quyền-quý thì khảm xà-cừ, xe điếu bằng cành trúc dài, đầu bịt bạc. Điếu bát của giới trung-lưu thì đặt trong chiếc bát cổ, đồ thông uốn bằng giây đồng tỉ-mỉ, của bình-dân thì đặt trong bát gỗ đơn-sơ. Điếu cầy của nông-dân thì làm bằng ống tre mật. Điếu tốt cần đóm tốt. Đóm bị tắt ngang xương, điếu thuốc vô vị. Thường, người ta chẻ tre thật mỏng, ngâm nước rồi phơi khô đóm cháy bền. Những tay chơi đóm, chặt luôn cây đu-đủ đã sinh trái, liệng xuống ao. Thân cây đu-đủ chìm dưới bùn và bị “cháy ngầm”. Chừng nó nổi lềnh-bềnh, vớt lên phơi nắng cho khô. Rồi tước ra. Thế là có đóm tuyệt-diệu, bảo-đảm hút cú đúp, đóm vẫn cháy, chấp gió thổi mạnh. Điếu và đóm cộng lại thành một thành-ngữ ám chỉ bọn hầu-hạ. Nhà quyền-quý bẻ cong cái xe điếu trúc. Gã bưng điếu hiểu ý ngay. Bèn vo dúm cỏ nhớ đặt thật khéo trên miệng nó. Gã khác châm đóm. Ông chủ hít một hơi, chiêu ngụm trà tầu, nhả khói đê-mê. Sau này có điếu đóm chính-trị bỉ-ổi hơn điếu đóm thuốc lào.

Nước điếu của những tay chơi thuốc lào cũng công-phu lắm. Có ông dùng nước mưa kinh-niên. Có ông lại sắc nước cam-thảo. Nước đổ vào bình phải chạm đúng mức nào của guốc điếu. Ôi, lỉnh-kỉnh lắm. Thuở nhỏ, tôi sợ nhất cái xe điếu bằng song. Bị quất xe điếu vào mông là lươn nổi ba ngày. Điếu đóm ngoài đời nếu luận tới mức, phải viết hai chục trang sách.

Tôi nói về điếu đóm nhà tù. Cái thứ điếu “poọc-ta-típ” to bằng gói thuốc, chế-tạo bằng plastic, ống nhựa ngắn chút xíu, hút chỉ tổ phí thuốc. Tù-nhân đề lao Gia Định gửi mua khá nhiều. Đóm nhà tù là diêm Samasa… quốc-doanh, quẹt 3 cây cháy l; là giấy gói mì Con Cua, mì Ba Con Tôm. Những tù-nhân điệu-nghệ sáng-tạo điếu bát đặc biệt. Cái can nhựa chứa nửa lít tầu-vị-yểu là bình. Vỏ kem đánh răng Hynos gò làm guốc điếu. Ống nhựa bọc giây kẽm quai xô nhựa rút ra làm xe điếu. Nước nhiều thì khói dịu, vô tận phổi mới đã. Tiếng điếu kêu xòng-xọc nặng âm-điệu tù đầy. Tù-nhân cải-tạo không chơi điếu can nhựa tầm-thường. Điếu cầy là nguồn thác cách-mạng thứ tư sau ba nguồn thác cách-mạng văn-hóa, nông-nghiệp, khoa-học kỹ-thuật. Vậy tù-nhân lấy điếu cầy làm “sự-nghiệp vĩ -đại sống mãi” với thuốc lào cải-tạo.

Nông-dân miền Bắc không cầu-kỳ lắm về hình-thức cái điếu cầy. Chỉ cần cái nõ điếu cho kêu thôi. Điếu cầy của nông-dân vạt nhọn phía dưới. Để tiện cắm xuống bờ ruộng. Nhà quê Bắc-kỳ nghèo, chẳng có diêm, bật lửa. Vậy phải bện bùi-nhùi rơm mang theo với đóm. Nông-dân hút ra sao? Vê thuốc nhét kín miệng nõ, thổi bùi-nhùi, châm lửa. Bập bập ba cái, đưa ngón tay nhấn chặt thuốc rồi kéo một hơi dài đến trôi tuốt cả tàn vào nước. Rồi thổi phụt cho nước điếu bắn ra một vòi ngắn. Rồi kéo tiếp để nghe tiếng điếu ròn-rã. Rồi mới nhả khói. Cao-thủ điếu cầy phải hút như thế. Sáng sớm tinh mơ chưa ăn gì, hút một điếu Vĩnh Bảo thượng-hảo-hạng kiểu cao-thủ điếu cầy, chỉ có té bật ngửa “mắt lim dim, tim đập mạnh, lạnh tứ-chi, sùi bọt mép”… Tù-nhân cải-tạo khối người đạt chỉ-tiêu hút cao-thủ điếu cày. Hút điếu cầy phải hút ngoài bãi mới tự-do phụt nước điếu. Điếu cầy đẹp nhất, công-phu nhất là điếu cầy của sĩ-quan cải-tạo ở Sơn La đem về. Ống tre dài, nõ điếu bằng đá mài, khoét tài tình. Nhưng chiếc điếu cầy cải-tạo đi vào lịch-sử điếu cầy dân-tộc là điếu cầy của tù-nhân Lê văn Minh tự Minh-suyễn.
Minh-suyễn, con trai ông chủ hàng bánh ngọt nổi tiếng đường Nguyễn Thiệp, Sài gòn 1, đi làm phản-động trong tổ-chức Binh-đoàn Lê văn Duyệt. Tổ chức này do Mai Chí Thọ nặn ra cùng 51 tổ chức khác. Mục đích của Thọ là giăng lưới bắt hết những người yêu nước chống cộng. Minh-suyễn sa bẫy luật-sư nằm vùng Đỗ Hữu Cảnh, bí-danh Ba Sơn 1. Minh-suyễn bị suyễn nặng, thường xuyên có 4 cái bình xịt tối tân Huê kỳ, xịt hết thuốc là vất đi mà khoái hút thuốc lào… phê. Anh ta thửa cái điều cầy trị giá 10 gói mì Con Cua, thuê một tù-nhân lâm sản tìm ống tre dài, bóng. Minh-suyễn nhờ Đằng Giao vẽ thiếu-nữ khỏa thân, tóc xõa, chân và tay bị trói chặt quanh ống điếu. Hai trái đào tiên căng nổi. Cái hoa quý của thiếu nữ, đúng cái ái ân huyệt đó, Minh-suyễn dùi lỗ để…cắm nõ. Anh ta tô mực xanh lên những nét khắc của Đằng Giao. Điếu cầy của Minh-suyễn nổi tiếng, ai cũng xin hút một điếu. Cuối cùng, điếu cầy của Minh-suyễn bị tịch thu, Minh-suyễn bị làm tự kiểm nhận tội tuyên-truyền văn-hóa đồi-trụy. Điếu cầy ấy về sau, cán-bộ giáo-dục giữ làm của riêng.

Tiếng điếu cầy rít liên tục làm sinh-động buổi sáng ở Nhà 1 của tôi. Tôi đã hiểu sự cần-thiết của thuốc lào. Có lẽ tôi sẽ tập hút thuốc lào. Trật tự Hoa-nẫu đã mở cửa. Chúng tôi ùa ra hít khí trời giây lát rồi ngồi xếp hàng như chiều qua. Đội trưởng Đội 3 rau xanh đã cho tôi biết trước đội của anh ta có 2 người bệnh nặng không thể ra điểm danh. Tôi cần nói thêm: Mỗi thư-ký đội được cấp dầu thắp đèn cá-nhân cho mỗi sáng đội-viên của mình khai bệnh và mỗi tối thứ sáu họp đội. Bệnh nhân được nghỉ lao-động hay phải đi lao-động là do quyết định của Y-tế. Y tế của Sa Ác B do một y tá 2 tù-nhân đảm-trách dưới quyền chỉ-huy của một cán-bộ y-tế mà trình-độ là biết phát thuốc…Xuyên Tâm Liên! Sa Ác B chưa có bệnh-xá, chưa có cả phòng y-tế. Y-tá làm việc ngoài sân, trước giờ tập họp lao-động. Y-tá can tội hình sự rất dễ-dãi nhưng e-dè. Anh ta không dám cho tù-nhân nằm nhà nhiều. Bởi vậy, có xổ số bệnh nặng! Tù-nhân bệnh nặng thật sự có khi, đi ra ngoài lồng cầu. Tù-nhân cảm xoàng lại trúng số độc-đắc. Tôi đã trải qua ba nhà tù. Cả ba nơi, tù-nhân đều không được chích thuốc ngừa các thứ dịch hạch, dịch tả, thương-hàn, phong đòn gánh, đau màng óc… Ở trại tập- trung cũng vậy. Tôi nghĩ, Bộ chính-trị trung-ương Đảng cộng-sản Việt Nam quan-niệm rằng, chỉ có một thứ vi-trùng chế ngự tất cả vi-trùng là vi-trùng cải-tạo. Đã được tiêm “vác-xanh” cải-tạo, kể như miễn dịch.

Cán-bộ trực trại đã tới.
-Anh em chú ý… Im lặng! Báo-cáo cán-bộ. Nhà 1 tổng-số 150, 2 bệnh nặng nằm trong nhà, hiện diện l48 đủ, chờ lệnh cán-bộ.
Trật-tự-viên Hoa-nẫu chạy vô nhà, la lối:
- Ai nằm trong lên tiếng?
Hai bệnh-nhân lên tiếng. Hoa-nẫu chạy ra báo-cáo:
- Thưa cán-bộ, hai đau nặng.
Trực trại đã đếm xong tù-nhân, hất đầu:
- Cho tập thể-dục.
Tôi đáp:
- Rõ.

Thế là tôi, Nhà trưởng kiêm thêm chức-vụ huấn-luyện-viên thể-dục, điều-khiển cả Nhà vừa chạy tại chỗ vừa hét “một hai ba bốn” và vài động-tác vớ-vẩn. Những ông già được miễn thể-dục. Màn thể-dục… tù chấm dứt, Tổ trực của đội lo cơm sáng và nước sôi. Anh em khác đánh răng, rửa mặt. Cơm sáng đúng nghĩa là cơm lót dạ, một chén bo-bo nhỏ. Bo-bo nhập-cảng từ Ấn độ. Có người bảo bo-bo là lúa miến. Con gái tôi viết thư cho tôi: “Bố ạ, nhờ giải-phóng con biết nhiều địa-danh mà những bài học địa-lý đã không dạy. Thí dụ: Kàtum, Trảng Lớn, Vườn Đào, Bà Tô, Bù Nho, Sa Ác, Gia Trung… Con cũng biết thêm nhiều thực-phẩm như gạo Đại Mễ 3, bo-bo, sắn lát là những thức ăn ngon lạ hơn gạo nàng Thơm chợ Đào”…

Bo-bo, tôi đã thưởng-thức ở Chí Hòa. Sau những ngày ăn bột mì luộc là những tháng, những năm bo-bo. Bo-bo từ nhà tù ra trại cải-tạo. Bo-bo mầu như mầu gạo lức rất dẻo và dai. Muốn thực hiện cách-ngôn “Ăn có nhai, nói có nghĩ” thì nên ăn bo-bo. Các nhà tư-tưởng cần ăn bo-bo vì phải nhai thật lâu mới nuốt nổi. Các nhà lãnh-tụ kháng-chiến Hamburger cần ăn bo-bo. Để vừa nhai vừa nghĩ mà chấm dứt những trò lạc-quyên bịp-bợm. Các nhà văn, nhà báo di-tản trước 1975 cần ăn bo-bo. Để vừa nhai vừa nghĩ mà chấm dứt những bài viết chụp mũ a-dua bôi bẩn thiên-hạ và đố-kỵ hèn-mọn. Bo-bo có thể ăn 6 bữa 1 ngày. Vì ăn đầy ca vừa uống nước xỉa răng xong là đã tiêu hóa 3 phần 4 ca bo-bo. Bo-bo hỗ trợ chính sách cải-tạo của nhà nước cộng-sản. Phải rửa ruột trước khi rửa óc. Bo-bo có mày rất sắc cạnh và rất “kiên trì”. Nó mà dính kẽ răng thì “bám chốt”, thì “nằm vùng” kỹ lắm. Tăm tre mới trục xuất nổi mày bo-bo. Tăm gỗ ba Tầu bất lực. Mày bo-bo cơ hồ ám-khí phóng ngập hàm, lợi. Thò hai ngón tay nhổ nó ra, máu ra theo. Mỗi cái mày bo-bo là một giọt máu. Mỗi bữa bo-bo thường bị vài cái máy cắm sâu vô lợi. Máu đó nhắc nhở miếng ăn tù đầy nhục-nhằn. Máu đó làm khôn lớn những ai biết suy-tư trong thống-khổ. Những kẻ học đòi cạp Hamburger, Macdonald từ 29-4-1975 chưa được ăn bo-bo, không bị ăn bo-bo – chẳng dám ăn bo-bo, nên không thấy thảm-cảnh mày bo-bo đòi máu tù-nhân. Và họ thản-nhiên. Rất bình thường. Những những kẻ tự nhận là nhà văn, là kỹ-sư của linh hồn, hơn cả thản-nhiên trước một rung-động làm nên văn-chương, tư-tưởng đã vận-dụng ngòi bút cắm sâu những cái mày bo-bo vào lợi của tù-nhân đồng-nghiệp của họ. Bằng bình-phẩm và bằng vu-khống đê-tiện những gì mình không nhìn thấy. Đôi khi, cũng có “nhà văn” có cơ-hội ăn bo-bo. Tiếc rằng, thay vì ăn bo-bo để khôn lớn, để sáng-suốt, để biết thù-hận đúng chỗ, ông ta lại chỉ “ăn vụng thịt nhà bếp, ăn cắp cháy, ăn tranh phần cơm heo” nên ông ta đã tự đồng hóa với đồ ăn cắp, tự xếp hàng với súc vật. Vì ông ta còn là “nhà vẽ” nên ông ta đã vẽ một bức tranh đầy mầu vàng của phân. Mầu vàng này đã trùm lên sự thật. Và đó là lập-thể. Rốt cuộc sự-nghiệp vẽ của ông ta là những bức chân-dung Hồ Chí Minh “vĩ-đại”, và sự-nghiệp văn-học nghệ-thuật của ông ta – ông này thích văn-học nghệ thuật lắm – rực rỡ nhất ở bài nhận vơ làm “biệt-kích văn-nghệ”. Chưa thấy nhà văn nào viết bài báo tồi đến thế. Tư-tưởng thì rặt “phân tiểu”, hành văn thì câu bất thành cú, chấm than thì bỏ bừa bải, lập-luận thì dựa…tin đồn. Đó là tại ham “ăn vụng thịt, ăn cắp cháy cơm” mà chê ăn bo-bo. Người như vậy, tôi nghĩ, nên thắt cổ tự tử, vì sống vô-tích-sự. Sống bám welfare nhà nước Mỹ đã nhục, bám welfare mà chẳng sáng-tạo nổi một truyện ngắn sạch nước cản nào, càng nhục. Rõ là ký-sinh-trùng, là sán sơ-mít trong ruột Mỹ! Thánh-kinh, theo Matthew, Chúa Jésus dạy: “Cây tốt sinh trái tốt. Cây xấu sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu. Cây xấu cũng không thể sinh được trái tốt”. Một nhà văn-học nghệ-thuật “ăn cắp, ăn vụng, ăn tranh phần khoai và cơmcháy của heo” không thể làm nổi những việc gì tốt đẹp. Chúa là chân-lý. Ngài đã phán xét đúng.

Nhưng làm sao hạng người có huyết thống “ăn vụng thịt, ăn cắp cơm cháy” dám ăn bo-bo? Bo-bo nó vào dạ-dầy nó cũng phóng mày bám chặt lấy dạ-dầy. Do đó, tù-nhân cải-tạo đa số đau răng và đau bao-tử. Dạ-dầy là cái máy nghiền nát các loại thức ăn. Vậy mà không nghiền nát được mày bo-bo. Bo-bo tiêu hóa, chất bã đem theo mày bo-bo ra ngoài. Đội 17 rau xanh của tôi, sau này, phải làm một cái cầu-tiêu “dã-chiến” để Đội phát quang có chỗ đại-tiện. Chúng tôi cần phân bón rau. Tôi đã quan-sát cái cầu-tiêu chưa kịp “tiếp thu” phân sau ba ngày “hành quân” ngang qua của Đội phát quang. Toàn bộ phân bị đế quốc Bọ Hung thôn-tính hết. Một đống mày bo-bo còn nguyên. Bọ hung cũng không dám ngốn mày bo-bo. Vậy mà tù-nhân cải-tạo đã nuốt mày bo-bo vào dạ-dầy! Tôi không hiểu các “sử gia” nghiên-cứu lịch-sử hiện-đại Việt Nam có chịu nghiên-cứu mày bo-bo để viết những trang lầm-than của dân-tộc. Xin lưu ý các “tiến-sĩ, sử gia” bỏ chạy trước 30-4-1975: Cả nước Việt Nam đã bị ăn bo-bo suốt hai năm 1979 và 1980. Riêng tù-nhân, ăn bo-bo từ 1979 đến…hôm nay. (khi tôi viết trang này là 1987).

Bình, cóng đựng nước và ca, bát đựng bo-bo bầy hai chỗ. Đội nào chia cơm nước đội ấy. Nhà bếp cấp-phát nước mỗi ngày ba lần, sáng và trưa, trước giờ đi lao-động, và chiều. Ngoài bãi lao-động, đội có người đặc-trách nấu nước sôi cấp riêng để uống lúc giải-lao. Lưng ca bo-bo, tù-nhân ăn lót dạ và lao-động 4 tiếng, giải-lao 15 phút. Không có cà-phê, dù cà-phê cá-nhân. Ở Sa Ác B, người ta bắt chúng tôi “quân-sự-hóa” mọi việc.

Quanh năm tích-cực, bốn mùa khẩn-trương
Vượt nắng, thắng mưa, đạt chỉ-tiêu lao-động sản-xuất
Hai khẩu hiệu này chưa đủ thấm-thía kiếp người lao-cải. Bạn đọc thêm hai khẩu hiệu nữa.
Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm
Vượt cờ xanh, giành cờ đỏ, bỏ cờ trắng, thắng cờ vàng

Cái gọi là học-tập lao-động cải-tạo tư-tưởng của chúng tôi nằm trong bốn khẩu hiệu oan nghiệt đó. Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm. Nghe mà ngậm-ngùi, mà phẫn-nộ. Tôi chợt hiểu vì sao Nhân-văn giai-phẩm đã tư-tưởng dấy động, đã chủ-nghĩa xung-kích. Thời của văn-chương viễn mơ, của văn-chương chẻ sợi tóc làm tám, của tùy-bút miêu-tả cách ăn, lối mặc, kiểu uống đã đóng băng.Ở bài Những tín-hiệu sáng-tạo giới-thiệu thi-phẩm Đời bỗng dư thừa của Hà Huyền Chi, tôi đã viết như sau:
“Quê hương câm nín đang réo gọi nh
ững lên tiếng cần-thiết của văn-chương, của thi-ca, của âm-nhạc, của tư-tưởng lưu đầy. Nỗi réo gọi bi thương ấy, cơ hồ, đã chìm vào cái hoang-vu ngậm-ngùi của chữ nghĩa. Đó đây, chỉ còn là tiếng thở dài áo-não của hồi-tưởng, chỉ còn là những lượm nhặt bụi nắng hoàng-hôn của dĩ-vãng.

Không-khí và thời-tiết xứ người, xem chừng, hết thích-hợp với người cầm bút đã có hào-quang hai mươi năm phồn-vinh văn-học miền Nam. Chúng ta đầy đủ tự-do để viết. Nhưng chúng ta chóng quên niềm bất-hạnh, lười biếng truy-nã thân-phận mình, thân-phận dân-tộc mình. Nên sáng-tạo hiu-hắt. Thỉnh thoảng, cũng vài lên tiếng ném vào sự ồn-ào chạy đua leo dốc vật-chất. Thì lại là tiếng nói chết hay tiếng nói bêu riếu chữ nghĩa. Của những kẻ tự nhận mình đứng hàng đầu, thống-lĩnh ngọn núi này, chặn lấp cửa biển kia. Rốt cuộc, mươi năm mất nước, văn-nghệ sáng giá và văn nghệ dẫn lối đã biến thành những ngọn hải-đăng mù. Và thành-tích ô-nhục của nó là “áo thụng vái nhau” và “áo thụng tự vái”. Mọi vinh-quang sáng-tạo dành hết cho những người cầm bút trẻ dẫu chưa điêu-luyện và dẫu bị nhấn chìm tội nghiệp. Hà Huyền Chi thoát bung ra cái nghĩa-địa văn-nghệ biệt xứ. Anh không thích đào mộ chôn mình hoặc để người khác đào mộ chôn mình. Hà Huyền Chi làm thơ, làm thơ và làm thơ… Thơ của anh không bị đồng hóa với
thứ thơ văn nghìn năm không dấy động

thơ văn cột rỗng
lớp son mầu-mè tỉa-tót công-phu
thứ thơ văn tửu hậu trà dư
thơ văn chết khi cuộc đời căng nhựa sống
thơ văn ngồi khi Việt Nam khốn quẫn
thơ văn nằm khi bạo-lực diễn-hành
thơ văn tô móng tay khi dân-tộc đói nhăn răng
thơ văn nhẫy-nhụa môi son vênh-vang trưng diện.
Thơ Độc Ngữ

Hà Huyền Chi ngậm thống-khổ của dân-tộc anh, của chiến-hữu anh, của bằng-hữu anh, của bản-thân anh. Anh đã biết khôn lớn từ kinh-qua thống-khổ, từ phù-ảo sau cơn lốc nghiệt-ngã 30-4-1975. Thống-khổ tạo ra lửa. Lửa rực thơ anh. Lửa bập bùng. Lửa thắp sáng những bùi-ngùi những xao-xuyến, những rung động nguyên khối. Lửa thiêng Hà Huyền Chi khác hẳn lửa thiêng Huy Cận. Lửa thiêng Hà Huyền Chi soi tỏ một nhận đường trong mù khơi tuyệt-vọng. Lửa ấy rạng-rỡ một bóng tối dầy đặc u-mê. Nó gợi ý một thành-khẩn trả lời cho bất cứ ai tha-phương cầu-thực ở thời-đại khốn khó hôm nay: Tôi là ai, đang ở đâu, làm gì? Khi người ta trả lời câu hỏi này với cả tâm-hồn người ta, mọi dấu tích ô-nhục ở mọi lãnh-vực sẽ được xóa sạch và sẽ chẳng bao giờ còn dấu tích ô-nhục mới. Người Việt Nam sẽ thương yêu nhau bằng tình-nghĩa Việt Nam. Không còn ai bần-tiện nữa.

Đừng tranh-chấp nghệ-thuật-vị nghệ-thuật hay nghệ-thuật-vị-nhân-sinh. Văn-học, văn-hóa và văn-hiến Việt Nam vĩnh cửu. Chớ dối gạt nhau sợ hãi nó mất mà bảo-tồn theo cung-cách ăn cắp hay chọc mắt mù để khỏi nhìn thời-đại mình mà luận về miếng ăn, miếng uống, manh áo, manh quần, cách ăn, lối mặc. Tất cả sẽ chỉ chứa-chan ý-nghĩa nếu chúng ta giải-thoát được dân-tộc để còn có tổ-quốc và quê hương”.

Theo tôi, những tác-phẩm trước 1975 của Sài gòn, những tác-phẩm gọi là tiền-chiến cũ mèm hết hơi thở, những văn-học-sử quá sớm, những ký-sự khuôn mặt văn-nghệ mọi người đều biết, những tùy-bút thu góp tái-bản bừa bãi, xuất-bản lai rai, chỉ là hồi trống thu không báo hiệu một hoàng-hôn tím lạnh. Nó chẳng có tác-động gì ở thời-đại mê sảng, thời-đại của bọn phu đào huyệt. Nó không thể bắt câm họng những con chó điên tru-tréo bạo-lực và hình-phạt thù-hận. Chẳng còn gì trơ-trẽn hơn phải đọc một tùy-bút uống trà tầu khi mình biết chính-xác hàng trăm ngàn tù-nhân cải-tạo uống nước chùm-bao, nước hà-thủ-ô. Và, ở những trại tị-nạn, đồng-bào mình uống trà cám bằng lon coca cola mài nhẵn nắp. Nhà văn có thể rửng-rưng với chập-chùng thống-khổ của thời-đại mình, của dân-tộc mình đến thế ư?
Người ta đã chê tôi viết những tiểu-thuyết thoát-ly rung cảm cũ. Người ta muốn tôi như Hoa thiên-lý, như Cầu mơ… Người ta cứ chê và tôi nhất-định không trở lại kỷ-niệm cũ. Bởi vì, tôi đã ăn bo-bo. Bo-bo là cảm-hứng mới của tôi. Bo-bo là biểu-tượng nhục-nhằn của dân-tộc tôi. Đó là trái cô-đơn tôi tình-nguyện ngậm suốt quãng đời văn-chương còn lại. Có lẽ, nên dạy ông nhà văn “ăn cắp, ăn vụng” một bài học về trái cô-đơn khi ông ta hỏi: “trái cô-đơn hay là trái cật?” một cách ngu-xuẩn. Tôi nghĩ chả nên dạy ông ta. Một nhà văn “ăn vụng thịt”, ngậm miếng thịt đầy họng thì sẽ chỉ tưởng-tượng trái cô-đơn là miếng thịt “ăn vụng”. Và, vì ở trại cải-tạo, những ngày lễ lớn tù-nhân được ăn thịt lợn nhưng không được ăn lòng lợn nên ông nhà văn “ăn cắp, ăn vụng” cứ mơ-ước “ăn cắp” một trái cật mà ngậm! Trái cô-đơn, dễ gì ai cũng hái được để ngậm. Ít ra, người ta phải kinh-qua 40 ngày đêm tự khai rã rượi linh-hồn, phờ-phạc thể-xác; người ta phải nghe báo-cáo chết-chóc ở Chí Hoà; người ta phải khiêng bom chưa kịp nổ, lấp hố bom đã nổ; người ta phải nhìn rõ cái sinh-động quán rượu văn-học nghệ-thuật Hamburger viết bằng mõm, đôi khi, viết theo cung-cách gầm-gừ của bầy chó câm. Và nữa, người ta nghe rõ tiếng sủa thô-bỉ của các lãnh-tụ Mặt-trận chửi bới lẫn nhau vì tiền lạc-quyên “giải-phóng dân-tộc” chia-chác không đồng đều. Còn nhiều lắm…

Chia bo-bo, nước sôi xong, các đội cũ khẩn-trương nhai, khẩn-trương nuốt và khẩn-trương tập-họp chuẩn-bị lao-động. Hai đội mới ở lại. Khoảng nửa giờ sau, hai ông thầy quản-giáo đến nhận học-trò mới. Thầy của Đội 17 rau xanh là Để, thầy của Đội 21 nông-nghiệp là Bản. Thầy Để mang quân-hàm thượng-sĩ, thầy Bản hạ-sĩ. Thầy Để phát cho mỗi tù-nhân một tờ giấy, bảo khai lý-lịch. Lại lý-lịch! Thầy muốn nắm thật vững đội. Thầy giao nhiệm-vu cho tôi gom hết lý-lịch của đội, kiểm-soát lại rồi góp “bài” cho thầy, khi thầy hỏi. Nhờ vậy, tôi cũng “nắm” đội. Đội của tôi có 50 người thì 44 người sinh-quán và hộ-khẩu thường-trú ở Bình Chánh, đa-số là nông-dân, vài người đã đi lính, đã làm cảnh-sát, thợ nhà in. Tất cả đều trẻ, từ ông Quản già, đều can tội phản-động chung một vụ.

Ban giám-thị chọn lựa dân làm rẫy vào đội rau xanh là sáng-suốt. 44 tù-nhân phản-động Bình Chánh có cha con ông Quản (người con tên Học), ba anh em ruột thằng Lợi, hai anh em ruột thằng Huỳnh được kể như “đoàn-tụ gia-đình” trong một đội. Sáu người không thuộc thành-phần nông-dân còn lại là:

1- Phạm Kim Sơn. Anh này ở BC Chí Hoà khoe rằng anh là hải-quân Trung-úy, trốn trình-diện học-tập, đi làm phản-động và bị bắt trong một trận đánh. Lý-lịch anh ta khai với quản-giáo Để thì anh là Trung-sĩ, can tội vượt biên.
2- Trần Quang Thạch. Anh này lớn tuổi, khai là y-sĩ thiếu-tá bị đuổi khỏi quân-đội VNCH, can tội lý-lịch mơ-hồ, nhà ở đường Công Lý gần trường Marie Curie.
3- Đặng Hoàng Hà. Can tội phản-động hiện-hành.
4- Nguyễn Trường Thanh, giáo viên. Can tội phản-động hiện-hành, tính nết bất-thường.
5- Lê Văn Hoán, lớn tuổi, can tội phản-động hiện-hành, bố vợ của Thanh.
Và… tôi.

Đội 21 nông-nghiệp của Đằng Giao nhiều “hào-kiệt” hơn. Trung sĩ Phạm Kim Sơn thích tỏ ra …trí-thức và ưa lý-luận. Anh ta còn trẻ lại ham nói những điều mình chưa hề biết. Trần Quang Thạnh nghệ-sĩ lắm, đàn nguyệt tà-tình, từng là tình-nhân của Út Bạch Lan, vui tính và cởi mở. Đặng Hoàng Hà, em ruột Đặng Hải Sơn, giao-du với Phạm Kim Sơn là một cặp.

44 người Bình Chánh hiền-lành. Chỉ có 2 làm phản-động thật sự, còn bị tình-nghi. Đảng CSVN thực thi châm-ngôn:”Giết oan hơn tha lầm”. Và họ đã nâng tỷ-lệ tù chính-trị lên mức kỷ-lục.

Chúng tôi làm quen nhau, trao đổi chuyện gia-đình…

° ° °
Hôm sau, chúng tôi vào lao-động. Tập họp ở sân trại với các đội cũ, tôi mở to mắt nhìn khẩu-hiệu Lao-động là vinh-quang treo cao trên cổng trại. Đằng sau cái bảng gỗ, phía bên ngoài, bạn đã biết rồi, danh-ngôn Hồ chủ-tịch Không có gì quý hơn độc-lập, tự-do. Khi bước vào Sa Ác, bạn được nhắc-nhở lời Bác “Không có gì quý hơn độc-lập, tự-do”. Định-nghĩa của danh-ngôn Hồ chủ-tịch là căn nhà, cái cầu-tiêu, hai ngọn đèn và những câu báo-cáo đi đái, đi ỉa. Và cửa nhà tù khép lại, chặn then và khoá kỹ. Sự mỉa mai không dành cho chúng ta. Nếu biết suy-luận, danh-ngôn Hồ chủ-tịch ngoài cổng nhà tù là ý-chí chiến đấu của ta. Phải, không có gì quý hơn độc-lập, tự-do; không có gì quý hơn tự-do khi ta vào tù, khi dân-tộc ta mất nó. Không biết suy-luận thì bạn sẽ cặm-cụi vẽ chân-dung Hồ Chí Minh, sẽ “ăn cắp cháy, ăn vụng thịt” như ông nhà… văn-học nghệ-thuật Tạ Tỵ. Lao-động là vinh-quang. Để xem, vinh-quang của chúng tôi nó ra sao.

Đội 21 nông-nghiệp của Đằng Giao xuất trại đầu tiên. Tổng-thư-ký nhật-báo Sống, cha đẻ của hai nhân-vật hí-hoạ Hách-xì-xăng và thằng Ngọng, biểu-diễn báo-cáo.
- Chú ý. Đứng dậy. Nón mũ dở ra cầm tay phải lật ngửa. Ca-cóng cầm tay trái. Hai hàng dọc nhìn đằng trước …thẳng. Thôi.

Đằng Giao xoay người, ngẩng mặt ngó về phía điếm gác:
- Báo-cáo cán-bộ, Đội 21 nông-nghiệp tổng-số 50, lao-động 50, hiện diện đủ, chờ lệnh cán-bộ.
- Cho đi.
- Rõ.

Quân-sự-hoá mà. Ra khỏi cổng mới được đội nón mũ. Văn-hào Nguyễn Mạnh Côn le te theo sau, bị gỡ luôn kính cận khi qua điếm gác. Tác-giả Hoà-bình, nghĩ gì làm gì? đã được trả lời câu hỏi dầy ngót 500 trang sách.

Đến lượt đội của tôi xuất trại. Đội-trưởng đi sau cùng. Tôi thấy trực-trại Hưng đếm tù và kiểm-soát ca-cóng tù mang theo. Trực-trại có…trực-giác công-an. Hắn mà bắt đội nào dừng lại, y rằng phát-giác được tù-nhân bỏ gạo vào cóng hay nhét áo không đóng dấu trong xô. Tù-nhân này sẽ bị hạch hỏi gạo và áo không đóng đấu âm-mưu gì? Thường là âm-mưu trốn trại. Trốn trại có nhiều cách. Hoặc đêm khuya khoét tường vượt ngục. Hoặc đợi một đêm mưa tầm-tã dỡ mái tôn đào-tẩu. Hoặc ra đi ngay ở bãi lao-động. Cách đi này, muốn chắc ăn, phải chuẩn-bị kỹ-lưỡng. Nghĩa là tìm chỗ dấu quần áo, thực-phẩm ngoài bãi. Mỗi ngày đem theo một chút. Trại nào cũng đóng dấu lên hết quần áo của tù-nhân, bất kể quần áo lao-động hay quần áo… để diện khi về, quần áo trại phát hay quần áo gia-đình gửi. Dấu của Sa Ác mang bí-số hòm thư TH6, chiều ngang 8 phân, chiều dài 20 phân. Dấu đóng ở lưng áo hai cái, ngực áo hai cái; ở quần bốn cái, bằng thứ mực xà-phòng giặt không phai. Tù-nhân nào bỏ sót quần áo không chịu đóng đấu, trực trại khám hành-lý, sẽ bị làm kiểm-điểm và bị “đánh dấu” có âm-mưu trốn trại. Muốn vượt ngục thành-công, cần có bộ quần áo không bị đóng dấu và thực-phẩm đề-phòng lạc trong rừng vài hôm. TH6 B chưa hề có tù-nhân nào trốn trại.
Quản-giáp Để đợi chúng tôi ngoài cổng trại. Ông thầy dẫn chúng tôi tới hiện-trường lao-động. Hai vệ-binh canh gác chúng tôi. Ở trại lao-cải, thằng công-an nào cũng có thể “giáo-dục” tù-nhân. Vậy chúng nó là thầy hết trọi. Hiện-trường lao-động của chúng tôi sát khít cơ-quan và cách bờ sông Ray 30 thước. Đó là khoảng đất có nhiều cây cháy vì bom lửa và năm bẩy hố bom lớn, sâu trũng. Cỏ gai và cỏ nhỏ chằng-chịt. Chúng tôi sẽ trồng rau ở đây. Thầy Để gom 50 tờ khai lý-lịch, thầy gọi riêng từng tù-nhân “làm việc” rất khẩn-trương rồi thầy chọn 10 người đi lấy dao, cuốc, xẻng, búa chim, xe. Xe là miếng tôn rỉ sét, hai mép dọc bọc lấy hai khúc cây dài, đóng đinh cho khỏi tuột, dùng để khiêng đất. Còn là tre đan khổ miếng tôn, luồn qua hai khúc cây. Và cộng-sản gọi rằng “cái xe”! Chúng tôi phải phát quang và làm phẳng phiu khu đất này rồi mới vỡ đất, lên luống trồng rau.

Tôi quên chưa kể chi-tiết này: Ra tới hiện-trường lao-động, đội phải tập-họp “hai hàng dọc, nhìn đằng trước thẳng, nghiêm” để Đội-trưởng báo-cáo với vệ-binh.

- Báo-cáo cán-bộ, Đội 17 rau xanh tập-họp đủ 50, chờ lệnh cán-bộ.

Vệ-binh sẽ phán:
- Cho phép lao-động.

Bấy giờ tù-nhân mới cất ca-cóng, cởi quần áo, mình trần xà-lỏn “đóng góp cho sự phồn-vinh của tổ-quốc”. Sau mỗi buổi tan lao, Đội-trưởng tập-họp đội, báo-cáo vệ-binh. Vệ-binh cho phép đi tắm. Tắm xong, Đội-trưởng tập-họp đội, đếm đủ người, báo-cáo vệ-binh. Vệ-binh cho về trại. Vệ-binh đứng canh cho đến khi đội nhập trại. Đội-trưởng miễn lao-động chân tay nhưng lao-động… mắt. Cứ khoảng 20 phút lại đếm tù và đứng cách vệ-binh 3 thước báo-cáo quân-số đang lao-động. Tù-nhân trốn trại, Đội-trưởng lãnh búa tạ. Đi cải-tạo, bị chỉ-định làm Đội-trưởng là ôm tai-hoạ chưa hiểu ngày nào nó giáng xuống số-phận mình. Vệ-binh không thể đứng 8 tiếng đồng-hồ, lại không thích ngồi dưới gốc cây, trên gò mối nên mỗi đội đều có hai cái ghế đẩu thấp dành cho vệ-binh. Nhiệm-vụ của Đội-trưởng là bưng ghế cho vệ-binh ngồi và cất ghế lúc tan lao.

Khi bưng ghế cho vệ-binh ngồi, tôi lại nhớ người bạn đạo-diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Tôi quên mất năm nào của thập-niên 70, hãng phim Giao Chỉ tiếp-tân ở Majestic giới-thiệu truyện phim Người tình không chân-dung mà hãng sắp thực-hiện. Buổi tiếp-tân có Tổng-trưởng Ngô Khắc Tỉnh. Ông ta được mời phát-biểu về truyện phim mà ông có vinh-hạnh đọc trước. Vì cái bục cao mà Ngô Khắc Tỉnh lùn nên ông khó lòng đọc bài phát-biểu viết sẵn đặt mặt bục. Hoàng Vĩnh Lộc nhanh chân kiếm cái két nước ngọt đem tới cho Ngô Khắc Tỉnh bước lên. Tôi vỗ vai Hoàng:

- Phim của mày có quanh cảnh …bưng két này không?
Hoàng chửi tôi:
- Đ.m…, mày chơi ông đau quá!

Rốt cuộc thì tôi cũng lại bưng ghế. Kẻ dám lên Đài truyền-hình Huế năm 1972 cùng Phạm Duy, Tô Thùy Yên nhắn giùm lời hạ-sĩ Sứt, thủy-quân lục-chiến điều-khiển hoả-tiễn Tow, thách-thức Võ Nguyên Giáp hãy cho tăng Liên-xô vào, ai ngờ có ngày lãnh cái tát của cai ngục Phách và bưng ghế cho vệ-binh chăn trâu cắt cỏ. Có lẽ, người ta đánh giá tôi khiếp-nhược và đầu hàng cộng-sản qua cái bi-hài-cảnh này. Tôi chưa biết, nếu Tố Hữu bắt tôi bưng ghế, thái-độ của tôi sẽ ra sao. Chữ nếu không bao giờ có. Người cộng-sản kiêu-ngạo lắm. Họ đã chỉ để bọn chăn trâu cắt cỏ, bọn nhãi ranh trên dưới 20 tuổi giáo-dục chúng ta. Tôi sẽ chẳng có phản-ứng gì với đối-tượng chăn trâu cắt cỏ. Đối-tượng chiến-đấu của tôi là chủ-nghĩa cộng-sản và lãnh-tụ cấp ủy-viên Bộ Chính-trị trung-ương Đảng. Rõ rệt nhất, tôi không thèm rên-rỉ, bất-bình những hình-phạt của thù-hận giáng xuống thân-phận tôi. Tôi chưa quên lời khuyên tâm-cảm của người chấp-pháp miền Nam ở Sở Công An: “Có nhiều vị anh-hùng không chết ở chiến-trường mà bị chết nhục ở cái lỗ chân trâu. Anh chớ dại chết vì cái lỗ chân trâu.” Tôi chưa quên lời khuyên tâm-cảm của người cai ngục khác thường tên Vũ, Trưởng-khu A4 Chí Hoà: “Các anh không ở đây lâu. Tôi cũng không ở đây lâu. Tôi không thích công-tác quản-giáo tù-nhân. Tôi ít tuổi hơn các anh, xin các anh một điều: Đừng chống đối cán-bộ quản-giáo, bất cứ nơi nào. Họ không có quyền bắt các anh, không có quyền tha các anh, nhưng có quyền hành-hạ các anh, đầy-đọa các anh vào chỗ chết thảm”.

Sự nổi tiếng của tôi là một bất-lợi lớn, một bẽ-bàng cho tôi khi tôi vào tù. Tôi đã tạo ra những nhân-vật thần-tượng, những mẫu người hùng lý-tưởng trong tiểu-thuyết của tôi. Độc-giả say mê nhân-vật thần-tượng rồi gán-ghép cho tôi ngôi vị thần-tượng của họ. Trước 1975, đã nhiều lần tôi khước-từ ngôi vị thần-tượng phù-ảo mà độc-giả của tôi phong tặng cho tôi. Người nghệ-sĩ sáng-tạo khác người nghệ-sĩ trình-diễn. Nhà văn không có thần-tượng và không thích làm thần-tượng. Thần-tượng của nhà văn là nỗi cô-đơn. Bởi vì, cô-đơn soi sáng sáng-tạo cho nhà văn. Ở bài Một chút tâm sự của người làm thơ trong tù, tôi viết: “Tôi làm thơ để quên mệt mỏi, để chống ngủ sầu. Nhưng đúng nhất, tôi làm thơ để tồn-tại. Sự tồn-tại khác với sự sống. Một số ít, trong chúng ta, quan-niệm sự sống và sự tồn-tại giống hết. Do đó, nẩy sinh ra nhiều mâu-thuẩn, ngộ-nhận chua xót. Tôi cho rằng con người tồn-tại. Và tôi không thù-hận con người. Thời-đại tôi, nhất là trong cảnh-ngộ tôi, tín-đồ bắt buộc thần-tượng của họ phải thực-hiện ý muốn của họ. Họ độc-tài, quá-khích, muốn thần-tượng của họ thù-hận những kẻ đầy đọa họ như họ thù-hận. Thần-tượng trái ý. Họ đạp đổ thần-tượng, bài-bác và bôi bẩn. Họ thù thần-tượng cũ hơn cả kẻ thù của họ nữa”.

Người ta trông đợi ở tôi một sự chống đối quyết-liệt bọn công-an coi tù, tôi lại … cam đành vác ghế! Tôi không thể chống đối bọn cộng-sản giẻ rách này. Thứ nhất, họ không phải đối-tượng của tôi. Thứ hai, tôi không thích chết dại ở lỗ chân trâu. Thứ ba, tôi thương họ hơn là thù-hận họ.
Chưa bao giờ tôi thấy triết-lý Nguyễn Du tuyệt-diệu trong câu:”Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Tôi muốn nhắc lại câu nói bất-hủ trước khi bay đầu của người đồng-bóng Tang Môn:”Tài-năng là cứu-cánh, đồng thời, cũng là tai-hoạ của con người.” Cứ lèng-mèng lại khá. “Ngu-si hưởng thái-bình” là vậy. Tài-năng của tôi còn dẫn tôi đến tai-họa khác. Và tôi nằm bẹp dí giữa sức ép của phỉ và ngụy. Một số thư-lại Long Thành, khuyển mã của Nguyễn Văn Thiệu, một số sĩ-quan văn-phòng, khuyển mã của Cao Văn Viên vấn nạn tôi và quy tội “làm mất nước” cho tôi. Vì tôi đã đối-lập Nguyễn Văn Thiệu bằng cách đi … ăn mày! Đối-lập, với nhà văn là phản-kháng, là nghĩa-vụ của người cầm bút, trừ những anh ký-giả nhà nước, những ông nhà văn giám-đốc, chánh sở…. Ở Nhà tù, tôi đã viết rõ sự cần-thiết phản-kháng để làm thăng-hoa đời sống. Tôi xin ghi lại những câu thơ Trần Dần mà tôi coi như kim-chỉ-nam của tất cả những người cầm bút:

Chẳng thể rúc kèn cũ rích
vác loa mồm kêu:
“Hiện tại rất thiên-đường!”
Không
Thiên-đường chúng ta
là nối đuôi nhau
vô tận triệu thiên-đường
Đi mãi
chẳng bao giờ thoả.

Đối-lập một chế-độ không bao giờ là đối-lập tổ-quốc. Chống đối, loại bỏ một chế-độ khốn-kiếp lại là yêu-cầu cần-thiết của dân-tộc. Còn đi ăn mày vào cái ngày báo-chí Sàigòn xuống đường đi ăn mày thì tôi đã, chẳng những không đi mà còn chống đối. Người cầm bút chiến-đấu bằng tư-tưởng, chống đối bằng tư-tưởng. Người cầm bút phẫn-nộ bằng chữ-nghĩa, không phẫn-nộ bằng bị gậy đi ăn mày, diễn trò hề rẻ tiền dưới mắt báo-chí thế-giới. Những kẻ không biết viết và viết chẳng ra gì mới đối-lập kiểu ăn mày bệ-rạc.

Ăn mày là ai?
Ăn mày là ta,
Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày.

Cũng thế, đói tư-tưởng, rách chữ-nghĩa thì hoá ra nhà văn, ký-giả ăn mày. Hình-tưởng tác-giả Cậu chó đi ăn mày phản-kháng đi! Tôi e rằng không có tác-dụng gì cả. Tuy nhiên, ký-giả ăn mày vẫn còn một điểm để đề-cao cái nền dân-chủ què-quặt của Nguyễn Văn Thiệu. Dẫu sao, người ta vẫn được quyền biểu-diễn trò chơi dân-chủ rất hạ-cấp ấy. Và tôi là nạn-nhân khi nằm tù. Người ta mỉa mai tôi “Bây giờ dám đối-lập, dám đi ăn mày không?”! Tôi im lặng. Cái bọn vấn nạn và kết tội tôi không có kiến-thức. Họ thua cộng-sản xa. Người cộng-sản mới hiểu nổi nhà văn chống đối họ.“Bọn nhà văn là bọn biết dấu-diếm những điều cần dấu-diếm kỹ trong đầu óc của chúng” 4. Cựu-ước-kinh viết: “Có một thời im lặng và một thời lên tiếng”. Thời lên tiếng không phải là thời nằm ở nhà tù, trại tập-trung. Lên tiếng chống đối ở nhà tù là dại, lên tiếng chống đối lũ cai tù chăn trâu cắt cỏ là ngu. Lên tiếng tranh-chấp với bạn tù hẹp-hòi, thiển-cận là xuẩn. Vậy “xếp tàn lại để dành hơi” cho một lên tiếng trong tương-lai.

Và bình-thản bưng ghế. Vì “trại-viên cải-tạo phải triệt-để tuân-hành mệnh-lệnh, chỉ-thị của cán-bộ”, Nội-quy ghi rõ. “Hùm thiêng khi đã sa-cơ cũng hèn”. Bưng ghế không nhục bằng “Để chúng dắt đi tựa trâu bò” như Hồ Chí Minh tự thú và không bỉ-ổi bằng “ăn cắp, ăn vụng”. Thoạt đầu, tôi rất khó chịu sự vinh-quang của “lao-động” bê ghế. Chúa ơi, Ngài dạy rằng:

“Đừng chống cự kẻ ác. Trái lại, hễ ai vả má hữu ngươi, hãy đưa má kia cho họ luôn. Hoặc ai muốn kiện ngươi để lấy áo trong, hãy để họ lấy luôn áo ngoài nữa. Hay là hễ ai muốn bắt ngươi đi một dặm, hãy đi hai với họ. Ai xin, ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi thì đừng làm ngơ. Các ngươi đã nghe phán rằng: “Hãy yêu người lân cận và ghét kẻ thù nghịch”. Nhưng ta nói cùng các ngươi, hãy yêu kẻ thù nghịch các người và cầu nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi hầu cho các ngôi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời. Bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho người công-chính cùng kẻ bất-nghĩa. Nếu các ngươi yêu kẻ yêu mình thì có được phần thưởng gì đâu? Kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi chỉ chào anh em mình mà thô, thì có lạ gì hơn ai?” 5
Con đã tuân lời Ngài, không “chống-cự kẻ ác”, con đã bê ghế cho “kẻ thù nghịch”, con chưa thấy mặt trời soi trên kẻ thiện, mưa xuống người công-chính. Mà chỉ nghe những lời nguyền-rủa nghiệt-ngã, mà chỉ chịu đựng những vu oan giáng họa tối tăm mặt mũi. Nhưng, Chúa ơi, hơi may cho con là những kẻ nguyền-rủa con không phải là “kẻ yêu mình”. Họ là khuyển mã của Nguyễn Văn Thiệu, Cao văn Viên, là đám quốc-gia bần tiện, nhơ bẩn, con có nên yêu họ, có nên đưa má hữu cho họ tát thêm sau khi họ đã tát má tả?

Quốc-gia bẩn kết tội tôi làm mất chế-độ khốn-kiếp của chúng nó, thù-hận tôi, chụp lên đầu tôi chục kiều mũ đê-tiện.

Cộng-sản ác kết tội tôi kéo dài chiến-tranh, đầy-tớ Mỹ ngụy, biệt-kích văn-nghệ, giam nhốt tôi, đầy-đọa tôi.
Tôi kẹt giữa hai sức ép ròng-rã tháng ngày lao-cải. Cai tù nhìn tôi như một tội-đồ nguy-hiểm. Tù-nhân bị cộng-sản tước-đoạt đặc quyền đặc-lợi chế-độ cũ nhìn tôi như một kẻ phá hoại. Tù-nhân độc-giả của tôi nhìn tôi như một tên khiếp-nhược. Họ trông đợi hành-động ngoạn-mục của tôi trong tù như hành-động ngoạn-mục của nhân-vật thần-tượng của tôi trong tiểu-thuyết. Cuộc đời có bao giờ là tiểu-thuyết? Tiểu thuyết đã được hiểu như cuộc đời! Họ chờ đợi tôi phẫn-nộ. Tại sao họ không chờ đợi văn-hào Nguyễn Mạnh Côn cùng trại với tôi, lỗi-lạc hơn tôi? Họ bảo ông Côn già rồi, lờ-mờ rồi, hết sáng-suốt vì đói thuốc phiện rồi. Họ muốn tôi làm vật tế thần, làm kẻ hy-sinh. Để họ hoan-hô và nếu tôi chết, họ tưởng-niệm. Còn họ, họ thụ-động.
Không, tôi không khoái làm liệt-sĩ hay dũng-sĩ. Tôi không thích chết sảng: không thích vào cachot vì bị xúi dục. Tôi hết là “thần-tượng” của những người cổ ý gán ghép tôi tước-vị thần tượng. Và bất hạnh xẩy đến cho tôi. Dài dài. Cái đám nhân-loại ích-kỷ trong nhà tù cộng-sản chỉ muốn tôi chết-. Mà tôi, tôi cần sống để viết và để tồn-tại. Vậy thì tôi bưng ghế như mọi tù-nhân bị cưỡng-bức sai vặt những công việc ngoài ý muốn.”Ở đời trăm sự đều cay đắng Cay đắng đâu bằng mất tự-do, Mỗi lời mỗi việc không tự chủ. Để chúng dắt đi tựa trâu bò” 6. Hồ Chí Minh chấp nhận bị “dắt đi tựa trâu bò” để trở thành chủ-tịch Hồ Chí Minh “vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp” cộng-sản. Những thằng cộng sản cắc ké khác đã “bất khuất”, đã chết ngu. Để chỉ là liệt-sĩ chẳng có cái gì đề lại và chẳng ăn cái giải gì. Tôi yêu câu thơ của Nguyễn Bá Trác: “Chí ta ta biết, lòng ta ta hay”. Cái chí của tôi, rồi người ta sẽ biết, là những gì tôi để lại sau khi tôi nhắm mắt.

Tâm sự của tôi, ở tù và ra tù, tôi gửi trong bài Gọi Tự Trường.
Tử Trường, Tử Trường, ơi Tử Trường
Xưa hay là sau đều thê-lương
Xưa chịu nhục-hình cho sử-ký
Sau làm sáng tỏ nghĩa yêu thương
Đã thiết-tha nhiều chuyện Lý Lăng
Tiếng than sĩ-khí buốt cung đàn
Ai dám vì ông mà chuộc tội
Cõi đời ngu-muội phán lăng-nhăng
Ông đau vết hoạn lưỡi dao hèn
Từ đó cung giương một mũi tên
Theo hồn tài-tử, tên bay vút
Ngạo-nghễ hành hình Tư Mã Thiên
Cái bọn chê ông chết hết rồi
Nhưng ông sống mãi như mây trôi
Hai nghìn năm ngỡ chừng gang tấc
Mảnh đất oan này lại có tôi
(Thơ Tù – Nam Á Paris, 1984)

Tôi đã đọc một điều tuyệt diệu trong Luận Báo Vương Tam Muội “Oan ức không cần biện bạch vì biện bạch thì hèn nhát mà trả thù thì oán đối tăng thêm”. Thế mà tôi đã phải biện-bạch. Bởi vì cả phỉ lẫn ngụy vây hãm tôi, cùng chơi tôi một đòn quyết-liệt: Bôi bẩn, nhục mạ tôi để vô-hiệu-hóa uy-tín và khả-năng chiến-đấu chống cộng-sản bằng tư-tưởng của tôi.

Tôi đã biết một phái-đoàn Amnesty International từ Luân Đôn sang Việt Nam, xin vào được Chí Hòa thăm Cao Dao và tôi, năm 1978. Tôi bị khước từ gặp AI 7. Trực-giác của tôi cho tôi biết tôi sẽ được cứu. Vì phải thả Cao Dao và tôi ra để “thể-hiện tình-nghĩa anh em quốc-tế” đánh đổi sự tự-do cho vài nhà văn, nhà báo cộng-sản Nam Dương bị chế-độ Suharto giam nhốt, cộng-sản mở chiến-dịch hạ gục Cao Dao và tôi, trước khi họ tha cho làm phúc. Cao Dao bị gán nhãn-hiệu thảm hơn, “ăng-ten trong trại cải-tạo”. Cộng sản nửa kín nửa hở phụt tin rỉ tai cho tù-nhân. Họ chọn những đối-tượng ghét chúng tôi. Họ bịa đủ mọi chuyện, tù-nhân thêu dệt thêm. Ông “nhà văn lão thành” Toan Ánh, ký Lã Vi, không hề bị bắt. Biết gì mà phao tin bẩn? Hồ sơ của công-an đâu phải thông-cáo dán tường mà ai cũng đọc, cũng biết. Đến như ông Tạ Tỵ đã học tập cải tạo, vẫn vô lý như vầy: “Nếu cách-mạng tha tôi, tôi tình-nguyện báo-cáo hết những tên làm văn-nghệ CIA ở Sàigòn”. Vẫn ông Tạ Tỵ: “Câu này do chính tên công-an nói lại cho tù nghe, xong nó mỉa-mai: Chúng tôi đâu có cần anh Duyên Anh chỉ-điểm. Chúng tôi đã “nắm vững”. Nghề của chúng tôi mà”! 8
Nói ông Tạ Tỵ vô-lý ác ý vì:

1. Các nhà văn quân-đội đi trình-diện từ tháng 6-1975. Tôi bị bắt tháng 4-1976.
2. Các nhà văn, nhà báo bị bắt trong chiến-dịch 2-4-1976 1976 vào tù cả làng, có cần ai chỉ-điểm.
3. Không có nhà văn-nghệ nào là CIA cả. Ông Tạ Tỵ bịa ra và đã làm giảm tư-cách của văn-ghệ Sàigòn. Chỉ có công-an đổ tội văn-nghệ Sàigòn làm việc cho CIA.
4. Ông Tạ Tỵ ngoan-ngoãn nghe và tin tên công-an cộng-sản tiết-lộ những điều nhằm bôi bẩn tôi. Ông ta ngu quá không biết lý-luận và cũng không tự hỏi công-an bôi bẩn tôi nhằm mục-đích gì.
5. Công-an coi tù không có ngôn-ngữ “Nghề của chúng tôi mà”. Coi tù là coi tù, nó mù tịt những gì tù-nhân khai với chấp-pháp.

Cái đắc chí của ông Tạ Tỵ là ông dẫn chứng “chính tên công an nói lại cho tù nghe” những lời bêu nhục tôi là bằng-chứng cụ-thể rằng cộng-sản đã mở chiến-dịch hạ gục uy-tín chống cộng tự nguyện của tôi trước khi tha tôi. Nó đánh tôi trong tù, ngoài đời; trong nước ngoài nước. Nó muốn tư-tưởng chống cộng của tôi tê-liệt, tôi về cũng như tôi chết. Bây giờ, chiến-dịch ấy trở thành lố-bịch. Công-cụ của nó rách bươm. Bây giờ, những con chó điên đã hết sủa bậy. Bây giờ là thời lên tiếng của người công-nghĩa. Bây giờ còn là thời của phu đào mồ phản tỉnh khơi sâu nấm huyệt tập-thể chôn vùi những tên điêu-ngoa, bịa đặt, gian dối, a-dua toa rập. Bây giờ, trên nước Mỹ tự-do, nước Mỹ không có nhà tù cho những người đối-lập tư-tưởng, nước Mỹ không có nhà tù của những thằng quốc-gia bẩn nhãn hiệu Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên, nước Mỹ không có trại tập-trung của cộng-sản, người ta định-nghĩa anh-hùng và khiếp-nhược ra sao về thái độ của vài nhà văn Hamburger đối với lũ quyền-uy ảo-tưởng?

--------------------------------
1 Minh-suyễn được tha năm 1982. Năm 1985 Minh-suyễn chết. Gia-đình chôn cất hòm đắt tiền, phu nhà đòn quốc-doanh đào mả, lấy hòm, vất xác Minh-suyễn trên miệng huyệt. Minh-suyễn được chôn lần thứ hai (Theo tin của bạn tù mới qua Paris)

2 Ở tù cũng như ở trại cải-tạo, y-tá không cần-thiết phải là y-tá tốt-nghiệp ở một trường nào, chỉ cần đọc được tên vài thứ thuốc và cách trị bệnh thông-thường. Thí-dụ: y-tá Đoàn Văn Toại, Lý Sen…

3 Thứ gạo Trung-quốc viện-trợ để lâu mục nát, vo là tan thành bột.

4 Huỳnh Bá Thành. Vụ án hồ Con Rùa, nhà xuất-bản Tuổi Trẻ, 1982.

5 Tân-ước, theo Matthew, ấn bản của The Gideons International, trang 11.

6 Hồ Chí Minh, Ngục trung nhật-ký.

7 Năm 1984, nhân-viên của AI trung-ương ở Londres viết thư cho tôi có nhắc vụ không được gặp tôi ở Chí Hoà.
8 Tạ Tỵ, báo đã dẫn.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Trại Tập Trung - Duyên Anh  Empty Re: Trại Tập Trung - Duyên Anh

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum