Our forum runs best with JavaScript enabled !

Mỳ ăn liền: Phát minh đáng tự hào nhất của người Nhật

View previous topic View next topic Go down

Mỳ ăn liền: Phát minh đáng tự hào nhất của người Nhật Empty Mỳ ăn liền: Phát minh đáng tự hào nhất của người Nhật

Post by LDN Sat Apr 22, 2023 1:44 am

Nghiên cứu quốc tế

Mỳ ăn liền: Phát minh đáng tự hào nhất của người Nhật

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Có lẽ bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết món mỳ ăn liền cả thế giới đang ăn hiện nay chính là kết quả của một sáng chế quan trọng nhất trong công nghệ thực phẩm thế kỷ 20. Tác giả sáng chế ấy là một người Nhật — ông Momofuku Ando, còn gọi là Vua Mỳ ăn liền hoặc Cha đẻ Mỳ ăn liền (Noodles Papa). Một khảo sát năm 2000 của Viện Nghiên cứu Fuji cho thấy nhiều người Nhật chọn Mỳ ăn liền là phát minh đáng tự hào nhất của người Nhật.

VÌ SAO NGƯỜI TA THÍCH MÌ ĂN LIỀN?  

Mỳ ăn liền có lẽ là loại thực phẩm tiện dụng nhất hiện có bán trên toàn thế giới, từ nông thôn hẻo lánh cho tới đô thị phồn hoa. Tất cả mọi người đều ưa thích món ăn này, vì nó dễ ăn và chế biến cực kỳ đơn giản: chỉ việc cho gói mỳ vào bát hoặc ca cốc, đổ nước sôi vào và đậy lại, sau vài phút ta sẽ có một món ăn nóng sốt ngon miệng. Đối với những người lao động chân tay hoặc trí óc ở thời buổi công nghiệp hóa hiện nay, khi thời gian quý như vàng, có được một món ăn như thế thì còn gì bằng. Các bà nội trợ lại càng hoan nghênh, kể cả người phương Tây vốn quen ăn bánh mỳ, nay cũng rất thích làm món mỳ ăn liền cho bữa sáng, là bữa ăn đúng lúc mọi người vội đi làm.

Trong trường hợp không có nước sôi, ta vẫn có thể ăn sống mỳ ăn liền mà không sợ đau bụng. Chính vì thế mỳ ăn liền là loại thực phẩm tốt nhất dùng để cứu tế dân vùng có thiên tai. Trên truyền hình thường thấy cảnh máy bay lên thẳng của quân đội ta thả những thùng mỳ bọc kín ni lông xuống cho đồng bào bị mắc kẹt trong nước lũ; mọi người cứ thế nhai sống mỳ ăn liền, thật tiện lợi biết bao. Lính biên phòng, công an, nhân viên kiểm lâm đi công tác hoặc trực chiến trên núi cao rừng sâu bao giờ cũng mang theo dăm gói mỳ ăn liền thay cho lương khô. Người giàu cũng chẳng chê nó: các bà bô nhà ta đi nước ngoài công cán hoặc tư cán vì sợ không quen món ăn xứ người (hay vì tiết kiệm?) thường mang theo cả thùng mỳ ăn liền, ở lỳ trong khách sạn chẳng cần ra nhà hàng, chẳng cần nồi niêu xoong chảo mà vẫn no bụng… Tóm lại, mỳ ăn liền là thực phẩm ưa thích của tất cả mọi người không kể giàu nghèo.

Thế còn giá trị dinh dưỡng của mỳ ăn liền thì sao? Nếu sản xuất theo đúng tiêu chuẩn của công ty mỳ ăn liền Nissin nổi tiếng nhất thế giới thì bạn có thể ăn món này cả năm mà vẫn khỏe mạnh.

Năm 2004, ông Momofuku Ando Chủ tịch công ty Nissin và Hội trưởng Hội Mỳ ăn liền toàn thế giới đến Thượng Hải theo kế hoạch 4 năm du hành toàn cầu để nếm các loại mỳ ăn liền do thiên hạ sản xuất. Tại Thượng Hải và Nam Kinh, ông đã nếm hơn 300 loại mỳ ăn liền made in China. Trong cuộc họp thường niên của Hội tại Thượng Hải do ông chủ trì, khi thấy ông đã 94 tuổi mà còn hồng hào khỏe mạnh, những người dự họp rất ngạc nhiên hỏi ông có bí quyết gì để sống lâu. Ando nói: “Tôi khỏe thế này là nhờ toàn chén mỳ ăn liền đấy ạ!” Quả thật, chỉ ăn món mỳ độc đáo này mà ông thọ 96 tuổi.

CHA ĐẺ CỦA SÁNG CHẾ MỲ ĂN LIỀN

Momofuku Ando là người Nhật gốc Trung Quốc, sinh năm 1910 trong một gia đình giàu có tại Đài Loan, khi đó là thuộc địa của Nhật. Ando có tên khai sinh là Ngô Bách Phúc. Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, Ando sống với ông bà nội; lớn lên cậu bé bắt đầu làm việc trong cửa hiệu bán vải lụa của ông nội tại thành phố Đài Nam, miền Nam đảo Đài Loan. Năm 22 tuổi, Ando sử dụng tài sản thừa kế từ cha mẹ làm vốn mở một công ty kinh doanh sợi dệt. Hồi ấy, do ít người buôn hàng dệt kim nên công ty của ông có điều kiện ăn nên làm ra. Nhờ thế, một năm sau, Ando đã đủ vốn sang Nhật mở công ty “Nhật Đông Thương hội” ở Osaka, thành phố lớn thứ hai nước này, chuyên kinh doanh hàng dệt kim và thiết bị máy móc. Đồng thời ông cũng theo học khoa kinh tế của trường đại học ở đây.

Cuối thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, các đợt ném bom rải thảm của pháo đài bay quân đội Đồng Minh đã san bằng thành gạch vụn hầu như tất cả các đô thị và cơ sở công nghiệp ở Nhật; trong đó có nhà máy và cửa hiệu của Ando. Nền kinh tế bị tàn phá thảm hại chưa từng thấy, hàng chục triệu người không có việc làm; lương thực và năng lượng như điện, than, dầu đều vô cùng khan hiếm. Khi chiến tranh chấm dứt, Momofuku Ando không chịu bó tay chờ sự cứu tế của người Mỹ, ông chuyển sang kinh doanh bách hóa và thực phẩm.

Năm 1948, ông lập công ty thực phẩm Nissin. Mới đầu, Nissin sản xuất muối ăn theo cách đơn giản: lát các tấm tôn xuống bờ biển làm thành ruộng muối, lấy nước thủy triều vào, phơi nắng cho nước bốc hơi, còn lại muối đọng trên các tấm tôn. Cũng trong thời gian ấy, ông xin nhập quốc tịch Nhật, trở thành công dân nước này.

Hồi ấy, Nhật rất thiếu lương thực, được Mỹ viện trợ nhiều bột mỳ. Chính quyền Nhật đề ra chủ trương dùng bột mỳ làm thành bánh mỳ và phát động phong trào khuyến khích toàn dân làm và ăn bánh mỳ theo kiểu người Âu Mỹ cho nhanh và tiện, đỡ phải đun nấu tốn thời gian và nhiên liệu, là thứ hồi đó rất khan hiếm. Ando phản đối cách làm ấy, ông cho rằng nên khuyến khích dùng bột mỳ làm thành một dạng mỳ sợi ăn liền, vì dân Nhật hàng ngàn năm nay đã quen ăn mỳ rồi. Những khi thấy người ta xếp hàng dài ngoài phố trong tiết trời băng tuyết giá rét để chờ mua một tô mì nóng, Ando cứ băn khoăn với ý nghĩ nếu có thể làm ra một loại mỳ sợi chẳng cần đun nấu lâu, chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được ngay thì tiện biết bao. Ông gặp chính quyền địa phương và nêu ra đề nghị này. Nhưng chính quyền nói họ chẳng làm gì được, tốt nhất ông hãy tự thực hiện ý tưởng ấy. Song vì thiếu vốn nên Ando không biết xoay xở ra sao.

Ngày 4/9/1948, Ando lập Công ty Thực phẩm Nissin, bắt đầu tiến hành thí nghiệm chế thử mỳ ăn liền. Vấn đề khó nhất là làm thế nào để sợi mỳ có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay. Một lần, trong bữa cơm tối, khi thấy bà vợ dùng dầu xào nấu thức ăn, ông nảy ra ý nghĩ mình cũng dùng dầu chiên cho sợi mỳ nở ra thì nó sẽ nhanh chóng hút nước. Nói dễ làm khó, Ando thí nghiệm hàng trăm lần mới thành công. Để sợi mỳ có vị ngon, ông ngâm nó vào loại xúp nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi sấy khô.

Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ngày 25 tháng 8 năm 1958, Momofuku Ando 48 tuổi sản xuất thành công lô Mỳ ăn liền vị thịt gà đầu tiên mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là mì Chikin Ramen (“chikin” là tiếng Nhật phiên âm từ tiếng Anh “chicken”, nghĩa là “gà”). Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, pha nước sôi vào đậy kín, để một lúc là ăn được ngay, rất tiện cho người Nhật thời buổi khó khăn bấy giờ; vì thế bán rất chạy. Hồi ấy, nước Nhật đang gấp rút công nghiệp hóa, ai nấy đều thiếu thời gian, do đó thực phẩm ăn liền ngày càng được tiêu thụ nhiều.

Để sản xuất với quy mô lớn, tháng 12 năm ấy, Ando mở rộng công ty Thực phẩm Nissin. Năm sau, một tập đoàn công nghiệp khổng lồ là Mitsubishi nhảy vào hỗ trợ quảng bá món ăn nhanh này, giúp cho mì Ramen mau chóng tăng sản lượng nhiều lần trong một nước Nhật đang nhanh chóng công nghiệp hóa. Công nghệ chiên dầu của Ando về sau còn được áp dụng cho nhiều loại thực phẩm khác, nhờ thế mà ngày nay trên thị trường có bán đủ thứ trái cây chiên ngon miệng.

KHÔNG CHỈ KIẾM LỢI CHO RIÊNG MÌNH

Có người thấy mỳ ăn liền bán chạy bèn tìm cách làm nhái sản phẩm Ramen. Họ làm ẩu nên có người ăn mỳ hiệu Ramen bị ngộ độc. Để giữ uy tín sản phẩm của mình, Ando chỉ còn cách làm đơn xin đăng ký thương hiệu và bằng sáng chế. Năm 1962, công ty ông được chính thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được cấp bằng sáng chế mỳ ăn liền; sau đó Ando gửi công văn cảnh cáo các công ty làm nhái sản phẩm của ông.

Nhưng đến năm 1964, Ando lại có một cử chỉ hào hiệp là chấm dứt độc quyền sản xuất mỳ ăn liền, thành lập Hội Công nghiệp Mỳ sợi Nhật và công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng công nghệ cho các công ty khác để họ cùng được hưởng lợi.

Về phần mình, ông bắt đầu nghĩ tới chuyện bán sản phẩm ra nước ngoài. Trong chuyến thăm dò thị trường Mỹ năm 1966, Ando phát hiện thấy người Mỹ ăn uống khác với người Nhật, như họ dùng thìa nĩa và đĩa chứ không dùng đũa và bát. Thế là ông nảy ra ý định đóng gói mỳ ăn liền vào trong những chiếc cốc to bằng giấy dày không thấm nước, đổ nước sôi vào một lúc là ăn được, như thế dù không có bát nhưng vẫn ăn được mỳ sợi .

Năm 1970, Nissin mở chi nhánh đầu tiên tại Mỹ. Ngày 18/9/1971, Mỳ ăn liền Nissin đựng trong cốc lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Sản phẩm “Cup Noodles” của Nissin bắt đầu chiếm lĩnh thị trường bên ngoài Nhật Bản, đem lại doanh thu xuất khẩu rất khả quan cho nước Nhật đang cần ngoại tệ để phát triển kinh tế.

Từ năm 1963, Nissin niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo và Osaka, qua đó vốn đầu tư của thiên hạ đổ vào công ty này khiến cho sản lượng mỳ ăn liền tăng lên nhanh chóng, thỏa mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thập niên 2000 toàn thế giới tiêu thụ khoảng 85,7 tỉ gói mì ăn liền mỗi năm, trong đó Nissin chiếm thị phần lớn nhất, với 10 tỉ gói. Tổng giá trị sản lượng mỳ ăn liền toàn cầu năm 2003 lên tới 14 tỷ USD, thực sự là một sản phẩm quan trọng! Hiện nay hàng năm toàn thế giới tiêu thụ hơn 100 tỷ gói mỳ ăn liền! Riêng Nissin Foods hàng năm bán được 5,5 tỷ gói tại nước Nhật.

Năm 1999, thành phố Osaka lập Viện Bảo tàng Mỳ Ramen lấy tên ông (Ando Momofuku Instant Ramen Museum). Trong 6 năm rưỡi đã có hơn 1 triệu người thăm bảo tàng này; điều đó cho thấy thiên hạ coi trọng sáng chế mỳ ăn liền của Ando như thế nào. Trong Viện Bảo tàng có nhà hàng mang tên “My Cup Noodles Factory” bán các loại mỳ ăn liền đựng trong cốc giấy do khách hàng tự làm tại chỗ. Mỗi cốc mỳ có một trong 5460 khẩu vị. Trừ 2 loại mỳ dành cho người ăn chay ra, các loại khác đều có thịt bò hoặc thịt gà hoặc cá rất thơm ngon. Ngoài ra còn có món Kem cốc-Mỳ sợi rất độc đáo. Mỗi cốc mỳ làm và ăn tại chỗ giá 300 Yen, tương đương 2,79 USD. Tại Nhật hiện có 3 Bảo tàng mỳ ăn liền: The Momofuku Ando Instant Ramen Museum, Ikeda, Osaka; The Yokohama Cup Noodle Museum; và Shin-Yokohama Ramen Museum. Hai bảo tàng đầu là do Tập đoàn Nissin lập ra.

Năm 2005, Ando làm món mỳ ăn liền có tên “Space Ram” (Mỳ Vũ trụ) gói trong bọc hút chân không để cung cấp cho nhà du hành vũ trụ người Nhật Soichi Noguchi ăn trong môi trường mất trọng lực trên chuyến bay của tàu con thoi Discovery bay lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS.

Theo thống kê của Hội Mỳ ăn liền thế giới, năm 2013 người Trung Quốc đã tiêu thụ 46,2 tỷ gói mỳ ăn liền. Tuy thế, công luận cho rằng Hàn Quốc mới là quốc gia thích ăn mỳ ăn liền nhất. Vua đầu bếp người Mỹ gốc Hàn David Chang cũng là fan của mỳ ăn liền. Có người Mỹ làm con tính: nếu bữa nào cũng ăn mỳ ăn liền giá 13 xu một gói, thì chi phí ăn mỳ cả năm chỉ hết 142,65 USD, quá rẻ! (ở ta, mỳ Hảo hảo giá 4000 đ/gói, tương đương 0,18 USD).

Tháng 6/2005, Ando ở tuổi 95 quyết định về hưu, chỉ còn giữ chức chủ tịch danh dự của Nissin. Ông còn dự tính họp hội nghị quốc tế về mỳ ăn liền tại Osaka vào năm 2008. Thế nhưng ông không kịp thực hiện nguyện vọng ấy. Ngày 5/1/2007, ông từ trần tại Tokyo do nhồi máu cơ tim.

Sau đó con trai ông là ông Koki Ando lên thay cha làm Chủ tịch Tập Đoàn Thực Phẩm Nissin Fooods. Ngày 02/05/2016, Chủ Tịch Koki Ando thông báo: Nhãn hiệu hàng đầu thị trường của Tập Đoàn Thực Phẩm Nissin là Cup Noodles (Mỳ Cốc) vừa đạt mức 40 tỷ cốc được tiêu thụ trên khắp thế giới kể từ khi ra mắt.

MỲ ĂN LIỀN Ở VIỆT NAM

Từ đầu thập niên 1970, các nhà tư sản người Hoa ở Sài Gòn bắt đầu sản xuất mì ăn liền theo công nghệ của Nissin. Ngày nay mỳ ăn liền nước ta sản xuất đã xuất khẩu đi nhiều nơi. Còn nhớ sau giải phóng Miền Nam, dịp Quốc khánh năm 1975, công nhân viên chức cơ quan, xí nghiệp ở Trung ương và Hà Nội đều được phân phối mỗi người 2 gói “Mỳ Hai Tôm” chở từ Sài Gòn ra. Khi mở cái túi ni-lông xinh xinh thơm phức in hình hai con tôm mập ú đỏ au, ai nấy mừng rơn, coi như một đặc sản. Mọi người khoái trá nhai từng sợi mỳ giòn tan vừa thơm vừa ngon tuyệt. Cho tới nay, dù đã ăn biết bao loại mỳ rồi nhưng có lẽ nhiều người vẫn thấy Mỳ Hai Tôm ngon nhất.

Theo báo cáo của Hiệp hội Mỳ ăn liền thế giới (WINA), với việc tiêu thụ hơn 7,03 tỷ gói mỳ ăn liền trong năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ và Nhật, trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều mỳ gói thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Indonesia. Đến năm 2021, lượng tiêu thụ mì gói của Việt Nam tăng lên 8,56 tỷ gói, cao hơn Ấn Độ (7,56 tỷ gói) và Nhật (5,85 tỷ gói), nhưng vẫn sau Trung Quốc (43,99 tỷ gói) và Indonesia (13,27 tỷ gói).

Việt Nam là quốc gia thứ 19 có nhà máy của Nissin. Tháng 3/2011, Tập đoàn Thực phẩm Nissin Foods lập Công ty Thực phẩm Nissin Việt Nam và mở nhà máy sản xuất mỳ ăn liền có diện tích hơn 60.000 m2  tại khu công nghiệp Việt Nam Singapore 2A tại Bình Dương, và được trang bị công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất từ Nhật.

Thực tế cho thấy sản xuất mỳ ăn liền là ngành công nghiệp có triển vọng phát triển rất sáng sủa. Qua đó ta càng thấy công lao của ông Momofuku Ando thật đáng ngưỡng mộ.

Nhờ kịp thời tổ chức sản xuất mỳ ăn liền ở Nga và Đông Âu những năm 1990, một số doanh nhân người Việt đã giàu lên nhanh chóng, trở thành triệu phú, tỷ phú dollar. Hiện nay họ đang góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum