Our forum runs best with JavaScript enabled !

Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông

Page 2 of 2 Previous  1, 2

View previous topic View next topic Go down

Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông  - Page 2 Empty Re: Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông

Post by LDN Mon Oct 17, 2022 9:26 am

Mừng cho Tấm, nói với Tấm, Cúc Hoa thì mình cũng như tự vỗ về mình “khổ trước, sướng sau” như để kết thúc “có hậu” cho câu: “Đời hiếm hoi những lần Bụt hiện. Cho nên đoạn kết thảm vô cùng”. Thật ra, nếu câu “khổ trước, sướng sau” đúng như vậy chúng ta thà “sướng trước” để rồi bị đày xuống 18 hay 36 tầng địa ngục cũng cam lòng!

Người ta cũng thường nói: Những tâm hồn lớn hay gặp nhau. Đúng hơn, những tâm hồn có “nỗi u uất” thường gặp nhau. Cô Tấm của Duyên Anh gặp cô Tấm của Trần Mạnh Hảo và đó cũng là hình ảnh của “Tổ Quốc”, hình ảnh quê hương:

Trăng liềm như cô Tấm trèo cau

Phải sắc đẹp là lưỡi dao chặt gốc.

Hỡi câu ca dao mọc đình làng khó nhọc

Cho ta chết rồi về lại Thăng Long.

(Tổ Quốc)

Giọng thơ hai kẻ: Một già, một trẻ sinh trưởng cùng nơi nhưng sống dưới hai chế độ khác nhau lại gặp nhau ở một ý: Nhạc phá cung điện, sắc đẹp là lưỡi dao! Lưỡi dao chặt gốc của Trần Mạnh Hảo tàn nhẫn như “vết chém ngang lưng con ngựa” của Duyên Anh dẫn tới “thân tàn ma dại”. Ca dao là loại dễ phát sinh trong dân gian mà không “mọc” nỗi ở chốn đình làng dân gian? Có phải “phép vua thua lệ làng” ở Thăng Long – thủ đô ngàn năm văn vật ngày xưa, là nơi mà sự bảo tồn văn hóa được coi trọng? Ước vọng này của Trần Mạnh Hảo khi nào mới là sự thật? Ước vọng của Duyên Anh về lại dòng sông ngày cũ, nhìn lại bến bờ đã đi trước Trần Mạnh Hảo mà vào nghìn thu vĩnh biệt! Chao! Đời muôn hình muôn vẻ nên thơ cũng thiên biến vạn hóa. Ta lạc vào rừng thơ ấy thấy ngất ngây mà tiếc thay cõi lòng ta tối tăm quá, hiểu không hết nghĩa người làm thơ muốn nói cũng như:

Có những chuyện nghe hoài không biết chán

Bắt đầu là ngày xửa, ngày xưa…

(Nhớ cổ tích)

Quê hương trong cổ tích của Duyên Anh cũng như của Tế Hanh cũng nhớ một dòng sông cũ:

Dòng sông cũ làm sao anh quên được

Tuổi thơ anh theo con nước vui buồn



Con cá măng trườn mình lên bãi cát

Anh ngày xưa trần trụi tắm hoa niên.

(Sông lấp)

Ai một lần trong đời được “trần trụi” ngụp lặn dưới con sông, con lạch, cái bàu ở quê mình mà không nhớ những buồn vui thời thơ ấu? Riêng Duyên Anh đã chớm cái vui buồn sớm của tuổi thơ. “Biết buồn sớm hèn nào đời chẳng khổ, không khổ tình yêu cũng lận đận tình trường!”. Tôi “phán” đại một câu “xanh rờn” y như thật mà ngẫm nghĩ đời mình sao cũng đúng gớm, đúng ghê! Duyên Anh đâu có ngờ:

Ru đời anh câu lục bát vuông tròn

Khi bước xuống đu leo dây cuộc sống.

Trót ngã đau, anh buông đời lêu lõng.

Con người chưa “trang bị” cho mình đầy đủ “thủ tục” nhất là “lý lịch đỏ” nên khi bước vào đời giống như kẻ không biết bơi sẽ chết đuối giữa dòng, như kẻ không biết ảo thuật xiếc mà đu dây xiếc! Sao không rớt bịch, sao không ngã đau? Với Duyên Anh đâu phải “trèo cao, té nặng” gì đâu, chỉ ao ước đời thường như một võ sĩ bọ ngựa mà không xong! “Ngã đau” từ này dùng vẫn còn nhẹ “đô”, tôi cho là ngã một cái “chõng gọng” từ khi bị “treo bút” vĩnh viễn, Anh… cùi tay luôn! “Tàn phế” mất rồi, sức còn gì đâu mà “buông đời lêu lõng”. Hoàng Cầm và nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” không bị “treo bút” ba mươi năm là gì? Đó cũng chỉ là một cách nói “an ủi” mà ai đó khi bức xúc đều “phản ứng” như vậy cả! Cuộc sống con người như một trò chơi đu dây dễ bị vuột tay theo Duyên Anh. Thật ra, cuộc sống còn là một trò chơi “bập bênh, bập bênh, anh lên, tôi xuống, anh xuống, tôi lên”! Chán quá, không thể không buông một lời tâm sự với ai đó? Duyên Anh đã tìm một chỗ để bày tỏ nỗi lòng:

Anh, bây giờ trên cạn bủa mùa sương

Sông đã lấp tìm ai về xưng tội?

Con sông của Duyên Anh đã bị lấp, con đường của Tế Hanh bị bỏ quên. Duyên Anh muốn tìm về “xưng tội”. Tế Hanh có nhà không dám vô cứ đi, đi mãi:

Đi mãi không hề biết mỏi xa

Đi suông không dám ngó vô nhà.

(Có những con đường)

Một người “đi mãi” chẳng biết đi đâu đấy mới là “buông đời lêu lõng”. Duyên Anh buộc phải đi, muốn về, về không được đấy mới là “cắt đứt dây chuông”. Duyên Anh “trót ngã đau”. Anh ngã thật nhưng hình ảnh con bọ ngựa chống kiếm mơ màng kia không phải là Anh sao? Anh không phải tự an ủi: “Khổ trước rồi sau hết xót xa” sao? Anh không phải đã muốn mượn cổ tích xua đi huyền thoại sao? Dòng sông quê hương đã lấp rồi (lấp thật cũng được, lấp trong tưởng tượng cũng được) làm sao được một lần xưng tội? Cái tội đã tự cho mình “buông đời lêu lõng”.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông  - Page 2 Empty Re: Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông

Post by LDN Mon Oct 17, 2022 11:53 am

Bài thơ mang âm hưởng như một bản tự kiểm “rươm rướm máu” sao mà đầy u ẩn”! Tiếng lòng này đáng cho ta trân trọng. Nó được phát ra tự một tâm hồn nặng nợ văn chương nhưng văn chương ấy lại là văn chương kiếp bèo bị dạt như “con cá măng” mắc mớ gì “trườn mình lên bãi cát” để: “Tỉnh mê hoang thì hỏng vốn hư lời”. Mất trắng!

Dòng sông của Duyên Anh:

Dòng sông êm đềm, dòng sông màu mỡ

Vun bồi anh mật ngậy sữa phù sa.

Dòng sông mà “êm đềm, màu mỡ” đầy ắp phù sa là dòng sông bình thường mà thơ ca cần có nhưng cái “phù sa” của Duyên Anh lại là “mật ngậy sữa” ăn được, uống được. Thậm chí nó làm cho ta muốn lăn vào lòng mẹ tìm dòng sữa ngọt ngào một thời mẹ chắt chiu nuôi ta khôn lớn. Với Duyên Anh, kỷ niệm đó dùng từ gì khác hơn, “công suất” hơn từ “gắn bó sâu sắc”? Một con người biết trân trọng kỷ niệm thơ ấu với dòng sông ngàn năm miên man chảy thì con người đó sẽ quý cái hiện tại và mơ ước cho tương lai. Duyên Anh bị cắt ra một nửa (chém ngang chưa lành) nên hiện tại bế tắc, tương lai chằng chịt. Những điều “quý” và “mơ ước” đành dồn hết về cho kỷ niệm “nên kỷ niệm như mũi tên phiêu bạc” cho con bọ ngựa chống gươm mơ màng… cổ tích!

Con sông của Duyên Anh thời “anh nào biết có hoàng hôn”:

Sông dài bao dung, sông rộng vị tha

Sông không chìu anh ngủ vùi sung sướng.

Ai “bao dung”? Ai “rộng vị tha”, Ai “nuông chìu”? Là sông hay là mẹ là quê hương? Trước đã bao dung sao nay không bao dung lần nữa? Duyên Anh một lần nữa lại “chơi chữ” với cả tên mình trong “Ai tín” (Ru tín) năm 1983 với nỗi niềm riêng vì con sông không “dẫn độ” Anh về quê hương:

Tổ quốc anh đâu, tổ quốc nghìn xưa
Tiếng anh gọi đã sương mù vĩnh quyết
Tiếng anh gọi đã nghĩa trang đào huyệt
Nghĩa là anh mất hết tự đêm nào
Giòng sông đưa anh ra biển ngập sao
Giòng sông không dẫn anh về quê hương anh nữa
Em,
Anh đã đến Paris
Mùa thu đầy xác lá
Xác lá mùa thu, xác lá duyên anh

Với Duyên Anh dù “dòng sông không dẫn anh về quê hương anh nữa” nhưng “dòng sông cũ làm sao anh quên được” đã khép lại những dòng chảy cuộc đời vẫn mãi lặng lẽ trôi. Đến Paris thì phải ở lại nơi “mùa thu đầy xác lá, xác lá duyên anh” vì Anh không còn con đường lựa chọn nào khác. Trời thu đầy xác lá. Lòng người cũng xác xơ. Đời tơi tớt với lá thu khô rơi xiết quanh trời! Cô đơn đến nơi. Trong nỗi niềm riêng, Duyên Anh vẫn dành cho tình yêu một khoảng trời xanh biếc.

* Duyên Anh: Tình yêu theo năm tháng.

Người ta cho Xuân Diệu là đỉnh cao của “Thơ mới”, là đỉnh cao của thơ tình yêu nhưng cái gì cũng có thời gian, khó có ai giữ mãi huy chương vàng suốt cuộc đời mà không “vui lòng” nhường lại cho những “hậu sinh khả uý”. Tình yêu của Duyên Anh da diết và đằm thắm hơn Xuân Diệu nhiều. Tình yêu của Duyên Anh là tình yêu theo tháng năm từ tháng giêng đến tháng mười hai, là tình yêu chờ đợi mỗi ngày mỗi da diết trong “Niên thiếu”:

Nụ hôn mừng tuổi ngon mùi tết

Anh bảo em rằng mới tháng hai



Khi về hoa bưởi thơm mùi nhớ

Anh bảo em rằng qua tháng ba.

Xuân Diệu làm sao mà chờ đợi nổi kiểu tình yêu nay bởi dù:

Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất

Anh cho em nên anh đã mất rồi.

(Tình yêu thứ nhất)

Xuân Diệu lao vào yêu cuồng nhiệt, yêu “vội vàng”. Kiểu tình yêu này nóng bỏng thật nhưng vỡ tan nhanh chóng. Ta đọc những dòng thơ tình yêu của Bích Khê, Hồ Dzếnh sinh cùng năm với Xuân Diệu cũng yêu “lắm lắm” mà hình như “vắng em” là anh cũng “tiêu” luôn, cũng “thiu” luôn:

Trăng nay không nàng như trăng thiu

Đêm nay không nàng như đêm hiu.

(Tỳ Bà)

Yêu không được thì “chết” như trong “Xuân ý” của Hồ Dzếnh:

Mày ai bán nguyệt, người ai nhỏ

Em ạ! Yêu nhau chết cũng đành.

Không ai có thứ tình yêu mà Duyên Anh đã có. Nó thắm quyện giữa con người với “cái tuổi ngon mùi Tết” với cái “hoa bưởi thơm mùi nhớ”. Thật háo hức làm sao! Trẻ trung làm sao! Tinh khiết biết dường nào! Hoa cau người ta nói nhiều nhưng hoa thơm nhất, không sao quên được vẫn là hoa bưởi. Tình yêu đậm mùi hoa bưởi mộc mạc gắn liền với quê hương là tình yêu bất diệt. Thơ Duyên Anh chỗ nào cũng đầy hình ảnh sâu sắc, đọc tới đọc lui mới tìm ra, phát hiện ẩn ý mà tác giả. Rồi thời gian qua đi, tình yêu hồn nhiên “rất mềm”, “đủ mộng, sương mơ” ấy vượt cả không gian làm người trong cuộc thắc tha, thắc thỏm:

Chửa chiều đã ngỡ sao quên mọc

Anh bảo em rằng sắp tháng năm.

Đọc qua câu thơ “Chửa chiều đã ngỡ sao quên mọc”, Duyên Anh bỏ luôn chữ “ngỡ” vào người đọc ngỡ như đơn giản mà đầy ngụ ý. Từ “ngỡ” cho ta cảm giác thời gian như chững ra, dừng lại. Không chờ đợi thì làm sao biết thời gian nhanh, chậm như thế nào? “Sao quên mọc” nhắc chừng một cái hẹn hò ban đêm đó! Nhưng “chửa chiều”: Cái chưa đến làm sao mà đợi cái tiếp theo? Tình yêu của chàng coi bộ đã tăng theo từng cấp số. Nụ “hôn” từ đoạn mở đầu bài “Niên thiếu” cũng chỉ là nụ hôn “mừng tuổi ngon mùi Tết” thôi. Rồi một đêm “thức trắng canh tam cúc” giữa hai người nảy nở một “tình yêu hoa bưởi”. Chàng khôn ngoan “vẽ hẹn hò” với nàng trên đường quê. Chao! Mới quen nhau chưa lâu thì đi dạo lòng vòng, nói lóng ca, lóng ngóng, hồn đi đường hồn, xác đi đường xác thấy mà… run, tim nện bịch bịch… e ấp làm sao! Thần tiên quá chừng! Đột nhiên thấy giật nẩy:

Vô tình tay nắm tay khắng khít

Anh bảo em rằng đang tháng tư.

Thật ra, câu thơ lập đi lập lại mãi một điệp khúc: “Anh bảo em rằng…” chỉ mình chàng ngầm hiểu để cho nàng biết rằng chàng yêu nàng không “vội vã” như Trảo Nha – Xuân Diệu, không mồm mép ca tụng nàng như Hồ Dzếnh, Bích Khê như Lưu Trọng Lư, Huy Cận kiểu ngoa dụ:

Em lùa gió biếc vào trong tóc

Thổi lại phòng anh cả núi non.

(Áo trắng)

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông  - Page 2 Empty Re: Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông

Post by LDN Mon Oct 17, 2022 12:05 pm

Cử chỉ nắm tay” “vô tình” ấy hóa ra “có tình” làm ngọn cỏ cũng bồi hồi xúc động. Hai luồng điện nối kết như người ta nối mạng trên Internet với nhau để rồi đầy quá, tràn ra ngoài. Duyên Anh không nói đến từ xao xuyến mà ta thấy một trời xao xuyến. Nếu ta không chút động lòng nào khi đọc những dòng thơ này để nhớ lại cái tình “thuở ấy làm sao quên” thì quả ta mắc một chứng mà bác sĩ tâm lý học gọi là “lãnh cảm’!
Các dòng thơ viết về tình yêu loại này đều bày tỏ tấm lòng, khẳng định mình nhớ thương người yêu ngay và hay dùng chữ “thương”. Diệu Thanh trong “Yêu thương” bày tỏ:

Thương nhớ hơn ngàn mây ấp núi

Hơn thuyền ru bóng giữa dòng sông.

Trong khi đó, Nguyễn Đình Thư khẳng định rằng:

Một thương là sự đã liều

Thì theo cho đến xế chiều chứ sao.

(Đến chiều)

Bàng Bá Lân trong “Chưa bao giờ thương thế” thì kêu to:

Ôi thương em, thương em

Chưa bao giờ thương thế.

Ta thấy cái “thương” của Trần Dạ Từ hồn nhiên mà đậm đà hơn:

Hôm nay chợt nhớ thương người

Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh.

(Nụ hôn đầu)

Nhưng cái “thương” của Duyên Anh mặn mòi nhất. Tình yêu của Duyên Anh đặc biệt theo từng tháng, từng mùa nóng, lạnh, bão giông. Tình ấy mới nồng. Tình ấy mới không “chót lưỡi đầu môi”. Tôi bỗng “thèm” cái yêu rất đổi nhẹ nhàng của Anh:

Anh bảo em nhiều đếm hết hông

Những lời tháng sáu có mưa giông.

Những câu tháng bảy heo mây lượn

Tháng Tám tình xanh, tháng chín hồng.

Tháng “tình xanh” tháng “tình hồng” nghĩa là tình yêu đã đi vào mùa kết nụ. Duyên Anh không như Đinh Hùng đã ngây ngất:

Anh say ngất tình em trong khóe mắt

Say hương thầm trên mái tóc nhung tơ.

(Ân tình dạ khúc)

Duyên Anh không nói “say ngất”, không nói yêu nàng vì “mái tóc nhung tơ” hay giống như Nguyên Sa yêu “nhan sắc”:

Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân

Vì anh gọi tên em là nhan sắc.

mà như đã lột hết cái tình ngất ngây qua ngôn ngữ cực tình tinh tế “đếm hết hông”. Cụm động từ “đếm hết không” với “đếm hết hông” chỉ khác một mẫu tự K mà nội dung khác hẳn. “Không” chững chạc hỏi một phát một và cần trả lời phát một. Nó được dùng trong trường hợp dùng để hỏi, tự khẳng định bởi phủ định và mang tính nghiêm túc. Ví dụ Tế Hanh dùng “không” để khẳng định trong “Ước ao” cái tình của mình

Anh không uống, anh không ăn, không ngủ

Anh khóc than, than khóc đến bao giờ.

Với T.T.Kh – Nàng thơ bí ẩn trong lịch sử văn học trong bài “Bài thơ cuối cùng” sử dụng 4 từ “không” cũng để khẳng định một tình yêu tuyệt vọng mà vô cùng tha thiết:

Đi nhớ người không muốn nhớ lời

… Nếu không yêu được thì tôi chết

… Giận anh không nỡ! Nhớ không thôi!

Nguyên Sa dùng “không” để hỏi: “Paris có gì lạ không em?” Từ “không” trong “Hai sắc hoa Ti-Gôn” của T.T.Kh một lần nữa vang giữa thinh không đau xé:

Nếu biết rằng tôi đã có chồng

Trời ơi! Người ấy có buồn không?

Thay những từ “không” bằng từ “hông” vào đây, các bài thơ trên coi như… hỏng! Bỗng nhiên từ “hông” của Duyên Anh trở thành “độc bá võ lâm” từ năm 1974 cho tới 12 năm sau có một người nhỏ hơn Duyên Anh 29 tuổi đã tình cờ để rớt từ “hông” vào bài thơ “Tháng sáu – Tình xa”:

Ve khao khát gọi người qua bụng õng

Tháng sáu ngoài kia nhớ tháng sáu này hông?

“Hông” của hai người đều mang tính cách nhẹ nhàng, nũng nịu có hàm ý hỏi mà như tự trả lời. Chính từ “hông” được gói ghém trong chín tháng đó đã đẩy tình yêu bùng vỡ vào tháng mười và kết tụ vào tháng mười một:

Anh vỡ lòng yêu cuối tháng mười

Đóa hôn mười một cháy bùng môi.

Cụm động từ “vỡ lòng” ở đây còn mang tính chất “chơi chữ”. Một, lòng vỡ yêu tức là lúc này “tá hỏa” ra mình yêu. Chàng trai của Duyên Anh (may mắn hơn vì nàng còn sống chứ không như cô hàng xóm của Nguyễn Bính mất, lúc ấy, Nguyễn Bính mới thấy rằng “quả tôi yêu nàng”) phải mất tới chín tháng mới khẳng định sự bùng nổ đó. Hai, “vỡ lòng” còn mang một ý nghĩa “mối tình đầu của tôi” giống như bài học “vỡ lòng” mà Đỗ Trung Quân ngụ ý trong “Quê Hương” tức là sự “đầu tiên”.

Bài thơ “Niên thiếu” có 7 khổ thơ. Khổ đầu và khổ sau mở và kết bằng từ “hôn” nhưng khác nghĩa bởi từ đi kèm. Khổ đầu là “nụ hôn mừng tuổi” có tính cách một tình cảm chớm nở như “nụ”. Hình như còn ám chỉ cô bé còn nhỏ lắm, vậy nên “hôn” chỉ là món quà mừng năm mới thay vì “lì xì” tiền. “Đóa hôn” như nụ kia đã nở chút ít tạo ra hình dáng một bông hoa. Bạn đừng hỏi bông hoa gì vì tôi làm sao mà biết? (Có người thích mỗi hoa Ngọc Lan trong khi tôi yêu hoa hồng)! Nụ hôn tết thì chắc chàng chẳng gởi lên môi cô bé đâu mà cái nụ hôn sau muời tháng kiểm tra tình cảm, rồi cân, đo, đong, đếm đâu đó chàng mới trao trên môi nàng. Dĩ nhiên một “đóa hôn” được ban ra phải có sự đồng ý của người nhận. Nếu không, hậu quả gì sẽ xảy ra? Ai biết!

Sau cái hôn cháy bùng, chàng trai của Duyên Anh dừng lại nhưng Tế Hanh trong “Ước ao” đã thấy:

Rồi anh chết, anh chết dần, chết héo

Linh hồn anh thất thểu dõi hồn em.

Duyên Anh yêu cũng đắm say nhưng rất tỉnh táo, giữ gìn:

Anh đắm say nhiều nhưng chưa hối tiếc

Treo cây đời trái cấm vẫn còn nguyên.

(Sông lấp)

Tình yêu ấy thiệt làm ta hâm mộ quá! Chàng trai tháng mười một hôn “cháy bùng môi” đến cuối năm thì “nhật thực”:

Tháng mười hai gọn vòng tay ấm

Ấy lúc hồn anh biết rã rời.

Từ “gọn”, tôi muốn thử từ “trọn” vào nhưng chữ “gọn” bao hàm sự nhỏ nhắn của nàng trong Duyên Anh. Từ “trọn” có vẻ “chiếm hữu”. Nó thiếu sự “che chở” của chàng với nàng. Tình yêu thiếu đi sự tin cậy, chở che của chàng đối với nàng thì cũng là tình sáng đến, chiều đi mà thôi! Chao! lãng mạng như thuở hai mươi! “Rã rời” na ná như “đã đời” nhưng từ “đã đời” ý diễn đạt sự bạo dạn của tình “chiếm đoạt” mạnh lấn át cái thấm thía len lõi tận cùng, máu thịt. Nó còn hay như thế nào nữa mời độc giả thử yêu rồi bình xem sao!

Tình yêu có hương vị quê hương là nền. Có thời gian là thước đo ân tình thì mãi mãi là một tình yêu bất tử. Nó chỉ có trong giấc mơ cho người ta ước ao để người yêu thầm nhớ như Duyên Anh đã nhớ trong “Bấy giờ em ơi” năm 1984:

Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu
Có bao giờ em nói
Lời tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau

Mùi hương nào gợi nhớ
Vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu đòi gió
Gửi nhạc sáo lên cao
Nhịp võng trưa mùa hạ
Ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa
Tiểu thuyết trên lụa đào

“Hương cau, mưa ngâu, sữa lúa, vườn trăng, lụa đào, con diều, nhịp võng” là tất cả hồn thơ, là cái nhụy của tình yêu vĩnh cửu của bài thơ, là quê hương của tác giả.

Trang Châu đã từng có “Ba điều ước” :

Em hãy đến rồi đi

Hãy ở xa và nhớ

Hãy muôn thuở là của anh mà không phải của anh.

Một tình yêu thần thánh chỉ để tôn thờ. Một tình yêu chỉ đẹp khi còn dang dở? Yêu như Duyên Anh, thiết nghĩ “trên đường tình ta đi” chẳng mấy ai! Có chăng cũng như Duyên Anh mơ màng… cổ tích! Hai từ cổ tích cũng khép lại dòng sông tình yêu êm đềm, sâu lắng của Duyên Anh để mở ra một ngã rẽ đau lòng khác trong “nỗi niềm riêng một đời dấu kín” của Anh.

* Duyên Anh: “Cám ơn em đã yêu anh” và xin “Hôn em kỷ niệm” với nỗi niềm tha hương:

Sau biến cố 1975, Duyên Anh cùng những người viết văn có tính chất “chống cộng” đã bị chính quyền mới cấm viết lách và bị giam không xét xử trong sáu năm tại các trại tập trung. Duyên Anh được trả tự do nhờ tổ chức quốc tế Amnesty International và Pen Club International can thiệp. Sau đó, Duyên Anh rời Việt Nam đến Pháp bằng chuyến vượt biển. Duyên Anh đã viết lại 20/50 tác phẩm và nổi danh nhanh chóng trên đất người. Đó cũng là câu trả lời vì sao, vị giáo sư Pháp lại ca ngợi nhà văn lão luyện vì thời cuộc mà trở thành nhà thơ nổi tiếng này!

Nghe từ “chép lại” đã ớn lạnh mà thêm “viết lại” thì ai mà chẳng nổi da gà. Phục quá!

Nhưng dù những hào quang quay quanh (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, nhà xuất bản Pháp xúm đưa tin, nói, viết, in sách Duyên Anh) mà tác giả này vẫn cảm thấy cô đơn, hiu hắt:

Ta đến một mình không có ai

Gập ghềnh địa nạn, dốc thiên tai…

Ta đến một mình ta với ta

Bỗng dưng thương ngục đá đêm già.

Cuối đường hiu hắt chiều giăng mắc

Thấp thoáng hồ ly đóm lửa xa.

(Ta và ta -1986).

Một câu mà gieo tới ba từ “ta” sao mà lẻ loi. Hình ảnh “ngục đá đêm già” lại bắt ta động não rồi đây! Nếu ngục đá mà có dấu phẩy đằng sau “ngục đá, đêm già” thì chì là một ngục đá tầm thường như bao cái nhà tù khác. Còn cụm danh từ “ngục đá đêm già” dính chùm với nhau thì thành ra nhân hóa nỗi cô đơn lạnh lẽo của đá ra của người! “Điện từ cùng dấu thì đẩy nhau” vật lý so sánh trong lĩnh vực văn học coi bộ trật lất! Với Duyên Anh, ta một mình cô đơn nên ta xót, ta thương cái ngục đá cũng cô đơn lạnh lẽo như ta. Câu “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” bỏ vào chỗ này chắc không lộn chỗ! Thành ngữ “Ở trong chăn mới biết chăn có rận” thêm vào chắc cũng không lầm đường!

Lòng trống vắng lòng thêm cay đắng

Mới xót xa trái khổ qua già.

Chàng võ sĩ bọ ngựa thôi chống gươm mơ màng cổ tích, thôi cỡi trần tắm vũng hoa niên. Chàng bỏ dòng sông tình yêu mười hai tháng mà đi:
Ta đến một mình không có em

Mùa tàn, đất nẻ, bắt lời tim.

(Ta và ta)

Quê người, đất khách làm sao không thở dài: “Ta đến một mình không có em”! Bài thơ 4 khổ lập lại từng câu đầu “Ta đến một mình” nghe cô đơn lắm, buồn lắm! Người ra đi nếu là sự tự nguyện với mục đích nào đó thì không thể nói lời hối tiếc, buồn thương, cô đơn nhiều như vậy!

Cao Bá Quát chỉ rời làng Phú Thị (Gia Lâm – Bắc Ninh) “Đến làng Đông Du, đêm ngủ đỗ” mà đã buồn vì nhớ nhà:

Đầu song đứng ngóng quê hương

Quê hương đâu phải dặm trường xa xôi.



Biệt ly biết đến bao giờ

Vẫn còn nấn ná quê người một thân.

Đã “biệt ly” là phải nhớ nhung. Cung Tiến có bản “Biệt ly” nổi tiếng thập niên 60 cũng là gởi lòng ngậm ngùi xa cách mà thôi! Càng xa cách càng nhớ nhiều. Nỗi nhớ nhà sẽ là con mối gậm nhấm cho kẻ đi xa. Huy Cận cũng từng trào xúc cảm trong “Tràng giang”:

Lòng quê dờn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Hai câu thơ này bao nhiêu người đã thuộc, bao nhiêu người nhớ nó trong cái phảng phất hơi thơ Đường hoài cổ và nó “đại diện” cho dòng thơ Huy Cận.

Với Duyên Anh, Paris buồn vì Duyên Anh đang thất thơ, thất thưởng. Không khí phồn hoa của “kinh thành ánh sáng”, “ngàn năm văn vật” này không đủ sức quyến rũ họ Vũ này như đã làm Nguyên Sa chết mê, chết mệt:

Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn hơn người yêu yêu một người yêu.

(Paris)

Nguyên Sa đã quay về sao thời gian du học. Duyên Anh thì không còn chỗ mà về (dòng sông đã lấp). Anh không còn sống để mà về. Một đi không trở về này là viên đá tảng đè trên ngực đến phút cuối cùng và cũng là dòng thơ u ẩn như Duyên Anh đã viết, đã tâm sự, đã trăn trối:

Rượu xuân mừng chén lênh đênh

Nghìn năm sau vẫn một mình, mình thôi.

(Khai bút)

Nỗi niềm cô đơn cũng là nỗi lòng của tất cả những văn thi nhân đang vất vưỡng nơi xứ người. Thanh Nam trong “đêm cuối năm uống rượu một mình” để nhìn ánh “Tà dương cuối đời” mà u hoài với cái Tết tha hương:
Chín năm đón Tết quê người
Vẫn ta ở tạm, vẫn đời ghé qua
Chín năm thương tuổi thêm già
Cành Xuân đã ngã qua bờ Thu Đông.

Mượn cảnh tả mình, mượn hình tả bóng, mượn đàn bà tả đàn ông, mượn không nói có, mượn gió nói mây… là nét đặc sắc của dòng thơ Duyên Anh. Kẻ tha phương không có gì vui thật sự cả. Bốn câu trong bài “Tha phương” năm 1987 đã kết thúc dòng thơ Duyên Anh hết sức “tự trọng”
Nỗi em thẹn phấn son người

Bước vui hụt hẩng rã rời phồn hoa.

Soi gương mất dạng kiêu sa

Giật mình bỗng thấy cái ta bẽ bàng.

Chính “cái ta bẽ bàng” đó lại làm cho ta kính trọng. Với một người mà tâm hồn đã thuộc về thế giới của người cầm bút đúng nghĩa thực thụ của nó thì làm gì “già” đâu mà biết cái kiêu sa, thẹn son phấn? Bản tự kiểm này đáng giá quá. Đôi khi, ta hãy soi vào đây để xem ta đã đánh mất ta chưa. Nếu chưa thì cũng là “sắp sửa” đó thôi:
Thoáng ban mai, vội chiều tàn

Mới hay hồn đã úa vàng kiếp xưa.

(Phù ảo)

“Thoáng ban mai” của Duyên Anh đã nhập vào “một tâm khúc” của Du Tử Lê. Tình yêu của em với sự ly loạn chia cắt đã thành một nỗi nhớ khi em cũng là… quê hương:
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi có người hồ như hạt sương.
Có bông hoa đỏ chiều tâm khúc
Tôi thấy từ em một quê hương.

(Bài nhân gian thứ nhất)

Quê hương đã bỏ lại sau lưng với những người vượt biển trong một hành trình đi tìm tự do. Người còn sống sau những vật lộn với thủy thần với hải tặc đã thực sự nhận ra giá trị của sự sống sau một lần… chết là một đêm định mệnh “thầm thầm tiếng sóng oan khiên” trong “Đêm im lặng” của Vũ Thùy Hạnh:
Tôi về nơi trú ẩn

Một mình

giữa cõi lòng riêng

Nghe gió vi vu một miền hiu quạnh

Có vì sao lấp lánh mắt nhìn

Xin cám ơn đất trời vô lượng

Đã cho tôi

Còn

Cõi lặng im.

Với Thùy Hạnh, “một mình” sống trong “một cõi lặng im” đã là niềm hạnh phúc và niềm hạnh phúc may mắn sống còn đó đã, đang và vẫn chôn giấu một nỗi niềm riêng trong “nỗi sống vô cùng”! Nó cũng tan vào “Phù ảo” của Duyên Anh. Nếu như Nam Lộc hay những người cùng tương ý sau biến cố 1975 đã… khóc SàiGòn “SàiGòn ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời” thì Duyên Anh trong các bài “SàiGòn trường ca”, “SàiGòn ra đường”, “SàiGòn trong nhà”, “SàiGòn thanh niên” vẫn khẳng định “SàiGòn không mất” với một điệp từ như một khúc ca quê hương:
Sàigòn tình thơ anh
Sàigòn ấu thơ anh
Sàigòn mưa tâm tư
Sàigòn nắng tâm tình
Sàigòn mênh mông
Sàigòn vời vợi
Sàigòn rất tươi
Sàigòn thật mới
Thế giới ơi, tôi không mất Sài gòn
(Sa Ác, 30-4-1979)

Với Quách Xuân Sơn, SàiGòn muôn đời vẫn là “SàiGòn nỗi nhớ”:

SàiGòn ta chẳng quên

Xin hẹn ngày gặp lại.

Với Duyên Anh, SàiGòn muôn đời là những tách cà phê ngọt lịm tình quê chứ không phải là những cốc cà phê “bấm nút” thời điện tử ở Paris kiêu sa lộng lẫy. Mất SàiGòn về tay kẻ ngoại bang mới gọi là mất, còn mất về một phiá bên kia thì làm sao mà gọi là mất quê hương? Đó cũng là cách nhìn nhận trung thực, công bằng dù còn nhiều điều mất mát u ẩn! Đó cũng còn hơn những kẻ có tổ quốc lại manh tâm xé nhỏ để bán rẻ tổ quốc mình? Lời chỉ trích này, con cháu ta cần học đến muôn đời! Duyên Anh với những niềm riêng một đời khó giải đã theo Người xuống cửu tuyền đài với niềm tiếc thương cho những người đồng cảm. Người đồng cảm là những người biết đau với nỗi đau thế thái nhân tình của người thất cơ lỡ vận
II. Kết:

Tập thơ “Em, Tôi, SàiGòn và Paris” gồm 49 bài thơ có ghi ngày tháng năm rõ ràng (quan trọng để tìm hiểu tác giả – thời đại) với các thể loại ngũ ngôn, thất ngôn, tự do, trong đó, lục bát chưa chín tới về nghệ thuật (chiếm 26/49) nhưng nội dung bao gồm những ẩn dụ sâu sắc về cuộc đời như “Sắt thép đau”, “Khai bút”, “Địa ngục trần gian”, “Cái bang”, “Trần thế”, “Nghịch thiên”… Có thể nói đây là một tập thơ trong sạch về nghĩa khí, chín mùi về thế thời, sâu lắng về kỷ niệm, đột phá về tư tưởng, hiền lương về nhân cách, nghiệt ngã về số phận, chân thành về tình yêu, nặng nghĩa về tình bạn, tha thiết về tình quê. Tập thơ không đụng chạm mà trúng đích, không chỉ trích mà ám thị, không mạ lỵ nhưng khinh mạn, không than vãn mà ngạo đời, cam chịu số phận nhưng tự trọng trong nhân cách hiếm có trong văn học người Việt hải ngoại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Duyên Anh với những niềm riêng một đời giấu kín (quê hương, tình yêu và tha phương) đã lặng lẽ ra đi “ai nhớ và không cần ai nhớ”. Thế giới thứ ba sẽ không còn chia cắt, không còn hận thù. Kính nễ Anh chính là sự kính nễ một kẻ biết làm “NGƯỜI”. Từ nỗi đau “tàn phế” tinh thần (cấm viết) đến “tàn phế” thể xác (liệt nửa người vì bị kẻ thù hèn hạ tấn công) nhưng Anh không buông bút. Anh vẫn viết bằng tay trái và viết hơn một thời Phùng Quán quyết liệt trong “Lời mẹ dặn” năm 1957:

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Theo người bạn thân thiết của Duyên Anh là Vũ Trung Hiền tổng kết, với bàn tay trái, Duyên Anh đã thêm “14 quyển sách, tính đến lúc qua đời năm 1997. Tổng cộng, suốt cả cuộc đời cầm bút, Duyên Anh đã viết đến hàng ngàn bài báo, phiếm luận, 82 quyển sách, 3 tập thơ và hơn 100 bản nhạc. Ba tác phẩm của ông đã được dịch ra Pháp Văn, trong đó quyển La Colline de Fanta được phóng tác quay thành phim” (“Duyên Anh và tôi”, hungviet.com).

Nhân bản đâu chỉ ở thương người là cho người tiền bạc, cơm áo? Nhân bản chính là ở lương tri. Lương tri của tri thức khi tri thức thuộc về nhân dân. Kêu gọi người sống thế là cho có “nhân cách”, đó cũng chính là thuộc tính “Nhân bản”. Kẻ làm chí sĩ thời nào, chế độ nào không chết sống cho chế độ đó, thời đại đó thì làm sao mà trở thành “chí nhân”. Họ sẽ là những con… chí ẩn núp trên tóc người để hút máu mà thôi. Alexander Pope – nhà thơ nổi tiếng của Anh từng nói: “Fools rush in where angels fear to tread” (chỉ có người dại mới vào nơi mà thiên thần không dám đến). Duyên Anh đã đi vào làng văn và đã dám sống và chết vì nó. Đó là cái chết của những con thiên nga trên hồ văn học chứ chẳng phải là cái chết của con cò trên cánh đồng đã khô cạn nghĩa nhân.

Với Duyên Anh, những cái tên Thương Sinh, Thập Nguyên, Mõ Báo hay Đồng Nai Tư Mã, hoặc Độc Ngữ đã “tử chiến” trên sa trường văn học, báo chí một thời gian dài mang lại vinh quang và cả những tàn phế cho nhà văn cũng trôi theo dòng chảy thời gian. Có còn chăng là Duyên Anh của một thời “Tuổi ngọc”, là Duyên Anh với những bài thơ sau biến cố 1975 giàu lòng vị tha, đầy tình yêu thương quê hương qua những ẩn dụ buốt lòng, sâu sắc, đượm buồn trong tháng ngày tiếc nuối… Ta đã hiểu vì sao sau những biến cố tàn phế, Duyên Anh tìm về những sáng tác “rất quê hương” như “Vỡ lòng ca dao”, “Về với ca dao”… . Đánh giá về người đàn anh này, Phạm Anh Dũng nhận xét: “Những văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ… nổi tiếng, tài giỏi, nghệ sĩ đến đâu thật ra cũng chỉ là người, không phải là… thánh. Cũng vậy, Duyên Anh chỉ là một người có những tính tốt đáng khen phục và những tính xấu cần phải chê trách. Vũ Mộng Long đã có những hận, thù, ghét và nhưng cũng đã có những yêu thương, tha thứ như mọi người. Duyên Anh được nhiều người mến thích và cũng lắm kẻ ghét không đội trời chung.” (“Duyên Anh và tôi” dactrung.net).

Sách “Lễ Ký” có nói: “Sa chân thì chết đuối, sẩy miệng thì chết oan”. Điều này thể hiện rất rõ trong giới giang hồ và trong việc thanh trừng các phe phái đối lập về chính trị. Chết oan là cái chắc! Duyên Anh thoát chết vì “sẩy miệng” nhưng tàn phế vì “sa chân” thì có khác gì sống không bằng chết? Trong ba cái kiêng nhất ở đời như Lã Khôn đã chỉ rõ thì Duyên Anh “quơ trọn” ít nhất là một trong ba: Đó là chữ “tài”:

1. Khí kiên nhất là hung hăng.

2. Tâm kiên nhất là hẹp hòi.

3. Tài kiên nhất là bộc lộ

Không ngẫu nhiên, Duyên Anh lại từ nhà văn chuyên nghiệp trở thành nhà thơ của lương tri và từ nhà thơ nhân bản. “He is truly wise who gains wisdom from another’s mishap” (Người khôn học hỏi từ lỗi lầm của người khác). Anh đã trở thành… nhạc sĩ không chuyên với “Ru đời phù ảo” và dòng nhạc này đã ru hồn Duyên Anh ở lại với núi sông khi một lần nằm xuống! Lời hát: “Bạn bè còn đó anh biết không anh”, Trịnh Công Sơn viết “Cho một người nằm xuống” nhưng đã không chỉ dành cho một người… đang từng bước thầm về phía quê hương. Anh đã tha thứ cho kẻ thù và đó cũng là cách duy nhất tự hoàn thiện mình. Muốn cai trị người khác, trước hết, tự biết cai trị bản thân mình. Vậy mới nói chiến thắng bản thân mới là chiến thắng vĩ đại nhất chứ không phải là chiến thắng của những viên đạn mù, những nhát dao hèn hạ đâm từ phía sau lưng. Không chiến đấu trực diện, chẳng có kẻ thắng nào được coi là anh hùng! Duyên Anh đã là người hiểu biết lẽ đời. Trong “Cuồng ngâm”, Anh than:

Thời thế thế thời thê thảm thật
Thế thời thời thế thế thời thôi!

Ta nghe như một Ngô Thời Nhậm thời Tây Sơn hào khí: “Gặp thời thế thế thời phải thế” để chết vì đòn da hèn hạ của Đặng Trần Thường thời Gia Long!

Thế giới thứ nhất của con người là cuộc đời với thiên đàng và địa ngục trần gian. Thế giới thứ hai là về với cát bụi. Thế giới thứ ba “cổ tích” mới là thế giới của những nhà văn, nhà thơ, những chí nhân! “Em, Tôi, SàiGòn và Paris” là cây cầu nối nhịp cho những ai yêu thơ, thương “ngựa về vết chém ngang lưng” từ bến bờ bên kia nhìn lại bên này.

Thơ Duyên Anh với hình ảnh tinh tế và ẩn dụ ngụ ngôn sâu sắc là nghệ thuật. Duyên Anh – nỗi buồn “tàn phế”, nỗi “hoài cổ”, cái tôi ngạo trời, một nỗi niềm riêng là nội dung. Thơ Duyên Anh đã tổng hợp cả hai mặt nội dung và nghệ thuật nét cuồng ngông của kẻ có tài nhưng thất thế của Cao Bá Quát, có triết lý “thói đời” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, mang tính dân tộc khinh ghét kẻ hèn bán nước, “mượn râu hùm nhát khỉ” của Phan Văn Trị, thể hiện khí phách “trèo thông trong tuyết” của Nguyễn Công Trứ, ẩn nhẩn với “khôn – dại” của Nguyễn Khuyến, âm hưởng khí chất kẻ sĩ chẳng gặp thời của qua chén rượu cạn một mình của Lý Bạch. Khi mượn cổ tích để khẳng định công lý, lẽ đời, thơ Duyên Anh bao trùm hồn thơ ẩn dụ, đậm sắc thái ngụ ngôn của La Fontaine. Chính vì vậy mà tập thơ này của Duyên Anh sẽ là “người bạn đồng hành” của những người một mai té ngựa! Ai có chắc ta sẽ là vĩnh viễn cỡi trên lưng con ngựa chứng thế thời? Không có ai!

Một tác giả lớn như vậy mà trong tuyển chọn 158 tác giả của nhóm Trương Đình Nho đã không có bóng dáng Duyên Anh! Vì thế, cuốn sách “20 năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995” cần xem xét lại tư cách đại diện cũng như khả năng đóng góp văn học của các tác giả và mục đích của nhóm tuyển chọn. Ngay cả Nguyễn Hưng Quốc là một nhà giáo có đầy đủ tư cách pháp nhân, tư cách văn học để phê người và giới thiệu người cũng không hề nhắc đến cái tên Duyên Anh trong bài khái quát “Hai mươi năm văn học Việt Nam ở hải ngoại” mở đầu cho cuốn sách của Trương Đình Nho. Một người chống Cộng lại không giới thiệu nổi một nhà văn chống Cộng “nguy hiểm nhất” của Cộng sản?? Nguyễn Hưng Quốc viết “Bức tranh văn học hải ngoại chỉ thực sự hừng sáng nhờ một biến cố, vẫn là một biến cố không có quan hệ gì đến văn học: phong trào vượt biển” (20 năm văn học VN hải ngoại 1975-1995, trang 17). Duyên Anh không từ kẻ vượt biển mà ra hay sao? Một loạt những cái gọi là “nhà văn, nhà thơ…” được xướng danh trong cuốn sách nói trên cũng có thể nói là sự cố gắng tìm kiếm thi nhân, thi văn của nhóm chủ trương nhưng thật sự mà nói, những cái tên ấy so với bút hiệu Duyên Anh thì chỉ đứng sau lưng ông ta hàng trăm cây số! Vậy thì tất cả những lời phán xét, nhận định về Duyên Anh cần phải đọc tác phẩm mới tìm ra ngọn nguồn “vì sao có sự bất thường? Vì sao có sự ghét thương lạ kỳ?” này đối với nhà văn, nhà thơ Duyên Anh?

Văn học không của riêng ai thì đừng vì những chút riêng tư, vị kỷ mà lãng quên nhân tài! Duyên Anh đã đặt một viên đá vào trụ đồng văn học. Có đặt trật hay không, người đời sau sẽ là những tình nguyện viên đặt lại để bàn tay Anh không chạm vào vết thương trên lưng ngựa lần nữa. Dòng sông xưa của Anh không hề lấp bao giờ: “Sông dài bao dung, sông rộng vị tha”. Chúng ta hãy để cho tâm hồn mình thành “sông dài”, “sông rộng” mà cùng Duyên Anh “Nhìn Lại Bến Bờ”! Một bến bờ ẩn dụ tu từ học sâu sa…

Tháng 02/06/ 2000

Ngọc Thiên Hoa

TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG:

1. Tập thơ “Tôi, Em, SàiGòn và Paris” (Duyên Anh, vantuyen.net, luongsonbac.com).

2. Thơ Thanh Nam, Trang Châu, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Nguyễn Tất Nhiên, Cung Trầm Tưởng, Hoàng Xuân Sơn… (vietbay.com, thoivan.com, vantuyen.net), Vũ Thùy Hạnh, Huỳnh Liễu Ngạn (“20 năm văn học VN hải ngoại 1075-1995”, Nxb Đại Nam 1995)…

3.“Duyên Anh và tôi” (Phạm Anh Dũng, dactrung.net).

4.Tiểu sử Duyên Anh (vantuyen,net, luongsonthidan.com).

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông  - Page 2 Empty Re: Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông

Post by LDN Mon Oct 17, 2022 12:12 pm

DUYÊN ANH QUA CÁI NHÌN CỦA MỘT NGƯỜI ĐỌC

(Nguyễn thị Hải Hà)
Posted on January 29, 2021

Tôi bắt đầu đọc truyện của Duyên Anh vào giữa thập niên 60 cho đến năm 75. Thời ấy các môn giải trí cho tuổi trẻ không có nhiều. Trẻ con ở thành phố thỉnh thoảng đựoc xem phim cao bồi võ hiệp ở các rạp xi nê Kim Đô, hay Hồng Bàng. Truyền hình chỉ có màn ảnh trắng đen và chỉ các nhà khá giả trong xóm có truyền hình. Đôi khi muốn xem truyền hình có người phải xách ghế con qua nhà hàng xóm xem ké. Cách giải trí giản dị nhất, rẻ tiền nhất, và ít làm phiền đến ai nhất là đọc sách, nếu người ta có thể tìm sách để đọc. Có lẽ nhờ thế mà chúng tôi đọc sách nhiều.

Nhà tôi ở Khánh Hội khu ổ chuột, sau trận cháy lớn năm 1963, dân nhà cháy được dời về Tân Qui Đông, ngoại ô của Sài Gòn, cách thành phố lớn nhất Việt Nam chỉ có một con sông nhưng sao quê mùa hoang dã quá. Muốn đọc sách báo phải đi bộ hàng mấy cây số, ra bến đò qua sông tìm sạp báo. Tôi đọc bất cứ cái gì tôi vớ được, ngay cả giấy gói thịt mua ngoài chợ. Tôi không nhớ rõ vì duyên cơ nào, tôi đọc Hồ Biểu Chánh khi tôi còn học lớp tư (còn gọi là lớp hai).

Có lần chị Tiền hàng xóm bắt gặp tôi đang đọc bà Tùng Long và Mạnh Lệ Quân, chị quát cho bảo là trẻ con thì không nên đọc thứ của người lớn đọc. Tôi lờ đi vì làm gì có báo trẻ con mà đọc. Nhưng may làm sao, ít lâu sau ông Nguyễn Vỹ làm báo Thằng Bờm, rồi sau đó có báo Tuổi Hoa, rồi Ngàn Thông của Quyên Di và Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Hầu hết chúng tôi thời ấy đều đọc và mê truyện của Duyên Anh có khi hơn cả Kim Dung, hay Quỳnh Dao cũng là những tác giả ăn khách thời bấy giờ. Tôi đọc ngốn ngấu hầu hết mọi tác giả Việt Nam cùng chung nhóm Báo Tuổi Ngọc với Duyên Anh như Từ Kế Tường, Đinh Tiến Luyện. Có thể nói từ Duyên Anh tôi khám phá ra thêm Đinh Hùng, Mai Thảo, Nguyên Sa hay Tạ Tỵ là những tác giả Duyên Anh hay nhắc đến trong truyện của ông. Và cũng từ Duyên Anh tôi ngưỡng mộ và yêu mến một số tác giả trẻ như chị Nguyễn Thị Ngọc Minh và Duy Nguyên là các cây viết thường xuyên của Tuổi Ngọc.

Tôi đọc hầu như toàn bộ tác phẩm của Duyên Anh, nhưng ngay lúc này thì không còn nhớ được nhiều những gì trong tác phẩm của ông mà tôi đã từng đọc và say mê bởi vì luật thời gian và giới hạn của trí nhớ. Các bài viết về ông trên internet thì khá nhiều nhưng tác phẩm của ông nhất là những tác phẩm rất thành công trước năm 75 thì chỉ có một phần rất nhỏ được sưu tầm. Tôi rất muốn được đọc lại Điệu Ru Nước Mắt, Ngựa Chứng Trong Sân Trường, Vết Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang là những tác phẩm rất được giới trẻ yêu chuộng, yêu chuộng đến nỗi được viết thành phim, được viết thành nhạc. Đọc lại để tìm kiếm, để xác định, cái mãnh lực gì đã thu hút tôi, một bạn đọc thời bấy giờ. Tôi muốn đọc lại để xem sau mấy thập niên, thêm tuổi đời và kinh nghiệm sống, mức độ quyến rũ truyện của Duyên Anh còn quyến rũ tâm hồn tôi đến mức độ nào. Rất tiếc, số tác phẩm của ông trên internet lại không có những tác phẩm cũ mà tôi muốn tìm. Những tác phẩm mới như Đồi Fanta tôi chưa có dịp đọc. May mắn sao tôi tìm được một phần trong tập truyện ngắn Hoa Thiên Lý, Con Ốc Nhỏ Trong Lòng Đại Dương, và Con Sáo Của Em Tôi.

Đây là những tác phẩm đầu tay của Duyên Anh mà cũng là những tác phẩm đã đưa những nhân vật của Duyên Anh vào tâm hồn, và ở lại trong tâm hồn người đọc. Có rất nhiều bạn hữu của Duyên Anh nhận xét là truyện của Duyên Anh thu hút bạn đọc là vì ông văn của ông rất trong sáng giản dị. Duyên Anh thì lại cho rằng người ta phê bình văn ông viết theo kiểu Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Có người nhận định rằng Duyên Anh hấp dẫn bạn đọc vì ông viết về những đề tài nóng bỏng hiện thời, thí dụ như quyển sách Ngựa Chứng Trong Sân Trường dựa theo chuyện học trò đánh thầy giáo ở Nha Trang. Tôi không biết tôi sẽ nhận định ra sao nếu tôi đọc lại những tác phẩm này. Nhưng khi tôi đọc lại ba truyện ngắn mà tôi nhắc đến trước đây, cộng thêm chút trí nhớ còn sót lại về những tác phấm của Duyên Anh mà tôi có thời đọc say mê, tôi nghĩ Duyên Anh thành công nhờ văn của Duyên Anh có những điểm đặc biệt như sau:

1. Duyên Anh rất nhạy bén, am hiểu cách thu hút người đọc qua cách xây dựng nhân vật.

a. Người đọc không thể không thương xót những trẻ em bất hạnh của Duyên Anh.

Các nhân vật chính trong ba truyện Hoa Thiên Lý (Long), Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ , và Con Sáo Của Em Tôi (hai anh em Hữu và Mai) đều rất nhạy cảm, có cuộc đời bất hạnh, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình thương, bị cuộc đời hất hủi. Thông thường người ta dễ có cảm tình với trẻ em bất hạnh thiếu tình thương của cha hay mẹ. Cứ nhìn trong văn học Việt Nam Nghi Xuân Tấn Lực, cô Tấm trong truyện dân gian, cô bé Gigi trong Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến được thương xót đến ngần nào, và nhìn ra văn học nước ngoài ai mà chẳng yêu Oliver Twist của Charles Dickens hay cô bé Annie của Thomas Meehan, rồi Snow White và Cinderella. Và gần đây nhất là Harry Potter. Có lẽ tâm lý con người vốn nhiều lòng nhân đạo dễ thương xót những trẻ em mồ côi khốn khổ hơn mình.

b. Thấp thoáng trong tâm hồn của những nhân vật của Duyên Anh luôn có những mơ ước, mong mỏi về hình ảnh một người cha và những xâu xé biến động trong nội tâm, và những tình yêu thương không nói nên lời như những nghẹn ngào nuốt vội vào trong lòng.

Nhân vật của Duyên Anh là những người giàu tình cảm, nhạy cảm, mơ mộng, luôn luôn tìm kiếm một tình yêu hay một lý tưởng tuyệt đối. Họ biết yêu và yêu rất nhiều. Họ hiền lành, chịu tai ương, giỏi chịu đựng. Họ hiền nhưng không hèn và luôn hy sinh cho những người họ yêu. Những nhân vật của Duyên Anh luôn cố gắng ngoi đầu lên cho dù cuộc đời dìm đầu họ xuống. Nhân vật của Duyên Anh bị dằn xéo khổ ải trong tinh thần vì khi yêu họ làm những việc trái với lương tâm của họ. Tôi muốn nói đến nhân vật Hữu cái cậu bé đã làm tôi rơi biết bao nhiêu nước mắt trong truyện Con Sáo Của Em Tôi.

JK Rowling cho Harry Potter phép thuật để chống trả với cuộc đời, (gia đình người dì rất khắc nghiệt và pháp thuật của Voldermore) trong khi cậu bé Hữu hoàn toàn không có một thứ gì để bảo vệ đứa em gái bé bỏng của mình, thương em không muốn em bị đói thèm mà phải giết con sáo mà em rất yêu. Và tôi cũng muốn nói đến người cha bất hạnh trong truyện Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ. Cái hình ảnh của người cha thất thời lỡ vận này đã theo đuổi dai dẳng trong trí nhớ tôi nhất là những năm 1975 cho đến 1985 khi mức sống ở Việt Nam đã xuống thấp cùng cực. Có lần đi trên dường phố Sài Gòn khỏang cuối năm 79, có rất nhiều người trước là công chức hay giáo viên vì thời thế ra ngôi lề đường sửa xe đạp. Tôi bùi ngùi nhớ đến hình ảnh người cha trong truyện của Duyên Anh và đoạn văn sau đây:

“. . . Cha tôi sắm ít dụng cụ chữa xe đạp. Người ta đặt tên mới cho cha tôi: ông Phó. Cha tôi sửa chữa, lau dầu, vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay. Nếu ai cần tô điểm xe mình thì cha tôi cũng biết sơn xì, sơn hấp, mạ kền bằng… ngân nhũ. Nhiều lần nhìn cha tôi nghiến răng vặn cái ốc lâu ngày thiếu dầu mỡ, lòng tôi thắt lại. Tay cha tôi mạch máu nổi bật, chằng chịt. Có khi “lắc lê” nhờn, tuột mạnh bật tay ra. Cha tôi mất đà, chúi về một bên. Thường thường, tay cha tôi bị xước da, máu chảy ri rỉ. Cha tôi mải mê công việc không để ý, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán. Máu ở vết thương được dịp hòa với mồ hôi… Nhưng cha tôi nín lặng không kêu ca, không than vãn, không kể lể với vợ con. Sự nín lặng đó tôi đã khổ tâm học hỏi song tôi thấy tôi thất vọng. Vì, cho tới ngày nay, hễ gặp bất cứ con rắn độc cuộc đời nào, dù lớn dù nhỏ, cắn đau hay cắn hụt, tôi vẫn thích tìm người băng bó hộ.”

Câu văn cuối trong đoạn văn tôi vừa mới trích là một trong những câu văn của Duyên Anh mà tôi rất yêu thích. Ông không múa chữ như Mai Thảo. Văn của ông cứ như một ngọn “dao nhọn, dao vết ngọt đâm, ta chết trầm ngâm, quỵ té trên đường rồi. . . ”

Trong rất nhiều truyện, những nhân vật của Duyên Anh luôn tìm kiếm bóng dáng của một người cha như bóng dáng một cây cổ thụ che chở cho loại cỏ leo yếu mềm. Người cha vắng bóng được thay thế bằng hình ảnh người chú (chú Nghị), người thầy giáo (Trên Sông Tình Thương, Ngựa Chứng Trong Sân Trường), Cha Sở (Đêm Thánh Vô cùng), người anh-Hữu (Con Sáo Của Em Tôi), người lãnh tụ (ông Hiển, Ảo Vọng Tuổi Trẻ), người đỡ đầu (chú Tường, đồi Fanta)

2. Trong cả ba truyện ngắn Hoa Thiên Lý, Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ, và Con Sáo Của Em Tôi Duyên Anh xử dụng một cách tài tình và rất thành công kỹ thuật bộ ba chân vạc.

a. Người kể chuyện (narrator), dễ diễn tả tình cảm, và người đọc có cảm tưởng đang chia xẽ những tâm tình của Duyên Anh. Tác giả dùng nhân vật tự truyện này để diển tả cuộc sống nội tâm của những nhân vật khác. Nhân vật tự truyện này là một chân trong bộ ba chân vạc trong truyện ngắn của Duyên Anh.

b. Một chân vạc khác trong bộ ba này có khi là một người đàn ông có tài, nghệ sĩ tính, cố ngoi lên trong cuộc đời với những mơ ước không tròn, những dằn vặt khắc khoải của một người chồng người cha không gồng gánh nỗi những trách nhiệm trong đời là nuôi vợ nuôi con (Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ). Có khi lại là một người đàn bà yếu đuối mỏng manh sống với nỗi đợi chờ khắc khoải một người chồng biền biệt chịu đựng miệng tiếng nghiến ngầm nguyền rủa của người chung quanh (Hoa Thiên Lý). Có khi là đứa em xinh xắn ngây thơ thiếu thốn nghèo nàn, trò chơi đồ chơi chỉ là một con chim sáo (Con Sáo Của Em Tôi).

c. Duyên Anh tài tình dùng hoa thiên lý, chim sáo, và con ốc như một chân trong bộ ba chân vạc đi vào tâm hồn người đọc. Đây là những biểu tượng, những hình ảnh dễ nhớ, dễ thấm sâu vào trong lòng người đọc. Có thể nói đây là những hình ảnh mà tôi mang theo từ trong lòng từ lúc rời Việt Nam suốt hơn hai mươi năm qua.

Người miền Nam ít người biết đến hoa thiên lý. Truyện của ông làm người ta tưởng tượng đến một miền đất xa xôi, với chùm hoa dìu dịu hương thơm. Có lần tôi đứng dưới giàn hoa thiên lý tìm hoài chẳng thấy hoa đâu vì hoa lẫn vào và hầu như cùng màu của lá. Năm 2005 về thăm Việt Nam, có người cho tôi ăn hoa thiên lý xào tỏi, tôi nghĩ ngay đến Duyên Anh và truyện ngắn Hoa Thiên Lý của ông.

Con sáo là một loại chim mà dân miền Nam ai cũng biết và yêu. Yêu sáo là vì chim sáo rất khôn, biết hót, và nhại cả tiếng người. Người ta yêu chim sáo cho nên có cả những bài ca của người Nam gọi là Lý Con Sáo. Ai đem con sáo sang sông. Để cho con sáo sổ lồng bay xa. Yêu sáo đến thế mà phải giết sáo đi để lấy thịt cho em. Duyên Anh khéo quá nên người đọc choáng váng mặt mày, bị ông thu hết cả hồn phách không ai hỏi vặn lại là tại sao chú bé Hữu không bắt cá bắt tôm nấu cháo cho em ăn, hay chỉ nấu cháo với xu hào, cớ gì phải làm thịt sáo cho đứt cả tay cho máu mình hòa với máu sáo. Nhưng ông viết như thế thì chao ôi, tôi khóc hết cã nước mắt.

Có lần tôi đi chơi biển Atlantic City, New Jersey, tiểu bang tôi đang ở. Có một cậu bé cầm một con ốc khá to đặt vào tai của cậu ấy. Tôi hỏi cậu bé ấy có nghe gì không. Cậu bé ấy nói rằng nghe như có tiếng sóng. Tôi chợt nghĩ ngay dến nỗi buồn câm nín của người cha trong Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ:

“. . . Bóng cha tôi gầy gò in hình trên bức tường vôi loang lở. Có ai ngờ cái thân thể gầy gò kia lại bọc nổi tình thương yêu rộng lớn như con ốc nhỏ thu gọn cả đại dương trong lòng mà vẫn câm nín. Câm nín suốt đời.”

Nguyễn thị Hải Hà

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông  - Page 2 Empty Re: Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông

Post by LDN Mon Oct 17, 2022 1:19 pm

Ông Duyên Anh thuyết trình về chủ đề Mẹ

https://youtu.be/4uuBd8C-4gs

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông  - Page 2 Empty Re: Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông

Post by LDN Mon Oct 17, 2022 1:34 pm

Bài viết này hay, hồi hộp và có ~ điều đáng học hỏi ở ~ nhân vật trong chuyện kể. Tôi google thì ra đây là 1 cuốn sách với hơn chục chương có tựa là: Duyên Anh và tôi của ông Vũ Trung Hiền. Vì vậy sẽ 0 đăng tiếp trong thread này mà mai này có thể sẽ đăng trong forum truyện dài

Duyên Anh và tôi 4


Vannhactrieuchau

Sau buổi gặp Duyên Anh lần đầu tiên ở quán Anh Thy, Nguyễn Kim Dung gọi lên nhà tôi, xin được lên thăm và nói chuyện với Duyên Anh. Tôi cho Duyên Anh biết. Anh bằng lòng mời Nguyễn Kim Dung lên chơi. Dung cận thị nặng, không lái xe ban đêm được, nên tôi bảo Dung rủ Nguyễn Đức An lên luôn. Tối hôm ấy, quanh bàn đá ở chòi Duyên Anh, có cả CBG, lần đầu tiên gặp lại Duyên Anh sau hai mươi năm. CBG là một nhân vật khá đặc biệt: Trước 75, sinh hoạt nhiều, giao thiệp rộng trong làng văn nghệ. Qua Mỹ, anh giới hạn mọi giao tiếp đến mức tối thiểu, tập thiền, và bắt đầu chữa bệnh bằng phương pháp bí truyền học được từ một đạo sĩ nào đó. Chúng tôi ngồi nhậu ở vườn sau. Riêng CBG chỉ ngồi góp chuyện, không ăn uống như bốn kẻ phàm tục kia.

Duyên Anh quay sang tôi:
- Anh vừa nói với Nguyễn Kim Dung, là nhà văn cô đơn lắm. Khi họa sĩ sáng tác, anh ta có đủ mọi thứ mầu sắc, để cho anh ta vui vẻ mà sáng tác. Là thi sĩ, anh ta có thể ngâm nga những vần điệu vừa dệt nên. Là nhạc sĩ, anh ta có cung đàn phụ họa. Nhưng nhà văn, khi sáng tác, thì chỉ có đất với đá thôi. Cứ ngẫm thử xem, trong các thứ nghệ sĩ, có ai cô đơn hơn nhà văn không. Bây giờ, thì tự hỏi “Tại sao mình lại nhận mình là thợ viết?” Đừng tưởng rằng thợ viết đã đáng cười hay đáng chê trách gì đâu.

Duyên Anh ngừng một giây, rồi cười phá lên:
- Thực ra, khi nhận là thợ viết, tức là mình đã kiêu căng thấy mẹ mình đi rồi! Trên đời đã có thợ hồ, thợ mộc, thợ chọi, và thợ hút cầu tiêu, thêm thợ viết nữa, đâu có gì là quá đáng?

Nguyễn Kim Dung cao giọng:
- Ngay từ hồi ở Việt Nam, em đã đọc hết các tác phẩm của anh rồi. Có nhiều đoạn thích quá, em đọc đi đọc lại, rồi thuộc lòng luôn. Vợ em người Thái Bình. Cô ấy đọc Hoa Thiên Lý và Nhà Tôi còn trước em nữa. Em thấy lúc nào anh cũng quan tâm đến tuổi trẻ. Em thích nhất câu anh viết trong Một Người Tên Là Trần Văn Bá, nếu em nhớ không lầm thì là “ Đã hết rồi, cái giai đoạn tuổi trẻ làm giầy dép cho các thứ gọi là lãnh tụ mang dưới chân. Bây giờ là lúc người tuổi trẻ phải làm mũ đội trên đầu mình.”..

Nguyễn Đức An nói tiếp:
- Cả trong thơ Độc Ngữ cũng có câu đó nữa.

Duyên Anh gật gù:
- Hôm nọ gặp cậu ở quán Anh Thy, rồi bữa nay cậu lên đây thăm tôi nữa, mới quen cậu chưa lâu lắm, mà tôi đã thấy quý cậu như tôi đã quý thằng Nguyễn Đức An vậy.

Dung cảm động:
- Em cám ơn anh. Em mong ước, những năm tháng sắp tới, anh sẽ là người hướng dẫn em trên bước đường tranh đấu…

Duyên Anh ngắt lời Dung:
- Anh cũng cám ơn em đã nghĩ về anh như vậy. Làm đàn anh, không phải dễ đâu. Thế hệ nào cũng thế, đàn anh luôn luôn bị chê trách. Khi còn trẻ tuổi, anh đã từng oán trách các thế hệ đàn anh của anh. Mà rồi, chẳng được cái gì cả. Bây giờ, và trong tương lai, biết đâu các em cũng lại oán trách anh?

Nguyễn Kim Dung:
- Anh nói thế, chứ theo em biết, trong ba mươi năm bể dâu thăng trầm, có người đàn em nào dám phản đối anh đâu? Các em của anh chỉ sợ không biết thể hiện lòng quý mến anh cách nào thôi.

Duyên Anh:
- Ngay từ thuở mới viết văn, anh đã viết về tuổi trẻ rồi. Mà đến bây giờ, vẫn còn viết. Hôm qua, lúc Đinh Quang Anh Thái tiễn anh ra về, anh đã bảo nó “Em yên chí, anh vẫn là anh thôi. Đối với tuổi trẻ, anh vẫn là Duyên Anh, với tâm hồn của ba mươi năm về trước.” Chắc ít người biết, anh vốn con nhà bần nông, tuy có chút ít tư sản. Thế mà tại sao, anh lại đi chống đối cộng sản? Và chống đối họ ghê thế! Anh nghĩ, tuổi trẻ chúng ta, ở hai miền Nam Bắc, đều heo hút cả. Miền Bắc cũng vậy, và miền Nam cũng thế thôi. Chúng nó xúi giục và lừa gạt tuổi trẻ vào chỗ chết. Thằng nào cũng nói về tuổi trẻ “tuổi trẻ là rường cột của quốc gia; tuổi trẻ là sức sống của dân tộc”. Nhưng chúng nó chỉ lợi dụng tuổi trẻ thôi, hết việc này đến việc khác. Cuối cùng, khi người tuổi trẻ hiểu ra, thì tàn phế hết cả rồi. Cuộc đời coi như hỏng cả rồi. Nói như Trịnh Công Sơn, thì “Nhìn lại mình, đời đã xanh rêu” mất rồi. Thành ra, bao nhiêu chuyện khốn nạn đã xảy ra trên quê hương mình. Cho nên, anh muốn Dung, khi có dịp quy tụ những người tuổi trẻ lại, không cần nhiều đâu, sáu bảy chục là đủ. Em hãy hỏi họ những câu này “Tuổi trẻ chúng ta đang nghĩ gì?”, “ Chúng ta đang thích gì?”, và “ Chúng ta đang muốn làm cái gì?” Anh nghĩ, chẳng có mấy ai hỏi tuổi trẻ những câu này. Vì thế, người tuổi trẻ hôm nay, cũng cô đơn ghê lắm.

Nguyễn Kim Dung:
- Theo em nhớ, anh đã từng nói “Người đi làm cách mạng, cũng phải gậm nhấm nỗi cô đơn của mình, thì mới làm cách mạng được”.

Duyên Anh cảm khái:
- Thi sĩ Hoàng Cầm kể lại lúc hai người bộ đội chống Pháp gặp nhau. Một người hỏi “Anh từ phương nào lại?”; người bộ đội kia trả lời “Tôi từ đất dấy lên”. Từ trên đất quê mẹ mình, khi những đau khổ đã tràn ứ, thấm xuống lòng đất, người mẹ nói với các con mình “Các con phải đi làm cách mạng, thì bấy giờ, tuổi trẻ sẽ vùng lên, đi làm cách mạng” Cái triết lý cách mạng, trong thơ Hoàng Cầm, từ năm mươi năm nay, chẳng ai làm theo cả. Hoàng Cầm cũng cô đơn như chúng ta thôi. Ông ấy ở lại miền Bắc, và bị trù dập tơi bời. Chúng nó cứ bắt ông ấy, nhốt một thời gian, rồi lại thả ra. Rồi lại bắt, lại thả. Hoàng Cầm có công với đất nước biết bao nhiêu! Sở dĩ, ông ấy theo ông Hồ, vì thuở ấy, ông ấy nhìn thấy ông Hồ đẹp lắm. Nhưng khi sự thật đã lộ rõ về tính cách vô nhân trong cái Đảng của ông Hồ, thì Hoàng Cầm, với lương tâm trong sáng của một nghệ sĩ sáng tạo, phải từ bỏ cái tổ chức gian trá ấy chứ. Nếu con người, nhất là con người nghệ sĩ, không dám sống thật với lòng mình, thì cuộc sống có còn ý nghĩa gì nữa đâu?

Nguyễn Kim Dung:
- Em nhớ, anh cũng đã viết “Bom đạn của cả cộng sản lẫn tư bản đã cày nát đất nước ta từ mấy chục năm nay rồi. Tất cả đều vì chiêu bài độc lập dân tộc. Người tuổi trẻ sẽ chiến đấu vì tự do, độc lập thực sự của quê hương, và khi ngày ấy đến, chúng ta mới có thể xây dựng một Việt Nam hùng mạnh được”. Đọc các tác phẩm của anh, em không dám chắc là mình đã hiểu thấu hết được tư tưởng của anh, nhưng điều gì em hiểu được, em sẽ cố gắng thực hiện hoài bão của anh cho quê hương mình. Còn những gì em chưa hiểu cặn kẽ, anh sẽ chỉ dạy cho em…

Duyên Anh cảm động:
- Em cứ cố gắng đi. Như thế là anh cũng sung sướng lắm rồi…
- Như em đã nói với thằng An nhiều lần, và thưa với anh Hiền hôm nọ, em rất ngưỡng mộ lòng tự hào dân tộc và tinh thần quốc gia mãnh liệt thể hiện trong các tác phẩm của anh…

Duyên Anh ngắt lời Dung:
- Anh thân với thằng An từ trước khi gặp nó. Anh bảo An “Mày phải chịu khó viết đi. Phải luôn luôn hướng về sự thật và lẽ phải. Mày phải nhớ, ở trên đời này, những kẻ thích đi theo sự thật và lẽ phải, thì hiếm lắm”. Anh thấy, có những nhà tư tưởng, như Jean Jacques Rousseau, Montesquieu, chẳng hạn, họ đâu có cần dấn thân đi làm cách mạng. Họ chỉ cần viết sách, trình bày tư tưởng của mình thôi. Nhưng chính tư tưởng của họ đã dẫn đến cuộc cách mạng Pháp 1789. Nghĩ như vậy, mình cũng được chút an ủi. Sách mình viết, người ta đọc, biết đâu đọc rồi, người ta lại chẳng làm cách mạng?

Tôi hỏi:
- Anh muốn nói đến cuộc cách mạng Tân Tây Sơn như trong Hồn Say Phấn Lạ?
- Ừ. Thế nào, anh cũng phải cho in cuốn này. Nhưng để xong bốn cuốn của mình đã.

Duyên Anh cười:
- À, các cậu đọc Bầy Sư Tử Lãng Mạn chưa? Lương Việt Cương mới sang đây rồi. Thời gian tù tội, nó cực khổ lắm. Phải công nhận, thằng này thuộc loại gan dạ và bất khuất!

Tôi hỏi:
- Lương Việt Cương hiện giờ ở đâu?
- Nó đang ở San José.

Duyên Anh chợt nói chuyện khác:
- Các cậu biết không, có hồi, tôi khổ ghê lắm. Sau rồi, mình cũng trở thành một thứ best seller, kiếm được nhiều tiền. Nhưng mình cũng chẳng thấy vui gì cả. Thế rồi, cộng sản nó vào; và mình lại nghèo thôi. Tôi như một thằng phải sống ở thùng rác và phải ngoi lên; rồi lại sụp xuống. Nhưng rồi lại phải ngoi lên chứ. Nhưng mà lần ngoi lên này sẽ không khổ như lần trước, vì ít nhất, mình cũng đã có một tên tuổi, là Duyên Anh rồi. Thành ra, cũng đỡ ngán. Cho dù đã mất hết tất cả, nhưng còn Duyên Anh, là vẫn còn làm lại được. Cũng như Trương Nghi, tổ sư thuyết khách thời Chiến Quốc, sau khi thất bại bao nhiêu lần, trở về nhà hỏi vợ “Lưỡi ta còn không?” vợ gật đầu, bảo “còn”. Trương Nghi nói “Còn thì sẽ có ngày…”

Duyên Anh quay sang Nguyễn Đức An:

- An, mày phải nhớ lấy chuyện tao vừa kể. Đừng vì thất bại vài lần và đòi bỏ cuộc.

Trước đó gần mười năm, Nguyễn Đức An rất thành công trong nghề bán xe hơi. Đã có một thời gian, báo chí Orange County quảng cáo nhiều về “ông vua xe hơi Nguyễn Đức An” . Nhưng mấy năm sau, vì một số lý do, An thất bại, và dự tính vĩnh viễn bỏ nghề này. Nghe Duyên Anh nói, An yên lặng, có vẻ suy nghĩ.

Duyên Anh quay sang ông bạn cố tri CBG:

- Thuở ấy, chúng mình hay gặp nhau nhỉ? Tao thường đến Juspao tìm mày. Có số cả, mày ạ. Mày định kéo tao đi theo. Rốt cuộc, mày đi thoát, tao ở lại. Và bây giờ, tao cũng sang đến đây rồi. Cũng là cái số thôi. Nhưng lại cũng thấy cay đắng nhiều hơn. Tưởng rằng sang Mỹ, mình sẽ có cơ hội làm lại tất cả, làm những cái mà nếu còn ở Sài gòn, sẽ chẳng bao giờ mình làm được. Nhưng mà sang đến đây rồi, nhìn lại cung cách chúng nó làm việc, từ văn nghệ, âm nhạc, cho tới chính trị, cộng đồng, tao thấy chán quá đi thôi! Tao nghĩ, lúc này, mình phải chiến đấu mạnh bằng tư tưởng; chứ đừng mong có ngày thằng Mỹ nó giúp cho mình trở về. Mong mỏi như thế là khôi hài không thể tưởng tượng được! Cái đau của tao là, tám chín năm trước đây, tao đã nói trước những cái gì sẽ xảy ra hôm nay. Chính vì thế mà tụi chúng nó sai người đánh tao. Bây giờ, tao hỏi mày, những việc tao nói hồi đó, có đúng không nào? Tất cả đúng hết thôi. Mày cứ xem, đã có những thằng điên thành lập chính phủ lưu vong, gồm đủ các chức vụ thủ tướng, bộ trưởng này nọ. Những thằng điên này ở Mỹ, ở Pháp đều có cả. Những đứa chạy theo mấy thằng điên này, lại còn điên kỹ hơn. Ở bên Pháp, chúng nó hứa “Anh cứ về nước hoạt động đi, rồi anh sẽ là bộ trưởng”. Ba thằng điên nghe lời, về Việt Nam. Vừa xuống máy bay, Việt Cộng nó thộp luôn. Mấy thằng điên bên Tây hô hoán ầm ĩ lên, nhờ Amnesty International can thiệp. Chúng nó rặt một lũ ngu! Chẳng hiểu gì Việt Cộng cả! Cộng Sản Hà nội đã chiếm được cả nước rồi, nó sợ chó gì quốc tế chứ? Nó chỉ sợ, và sợ nhất là tư tưởng thôi. Phải lấy tư tưởng, và chủ thuyết dân tộc làm vũ khí đánh lại nó, thì mới mong sớm có ngày trở về. Chứ bảo lấy tổ chức quốc tế này nọ, đem ra hù dọa nó, thì nó chỉ cười vào mũi mình thôi. Tại sao nó cho tướng lãnh và sĩ quan VNCH đi HO hết? Đó là vì nó khỏe rồi. Nó không cần phải giữ các anh nữa. Hai mươi năm nay, phe chúng ta sang đây chống đối nó, chống đối kiểu gãi ghẻ, mà lại chỉ gãi một chỗ thôi, nó có hề hấn gì đâu? Ở châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, nó có hàng chục tòa đại sứ và tổng lãnh sự, có bao giờ chúng ta dám chơi những thằng đại sứ, lãnh sự, và nhân viên ngọại giao của nó hay chưa? Chưa, phải không? Không dám chơi nó một quả nào để chứng tỏ sự hiện diện và sức mạnh của chúng ta, thì nó có thèm coi chúng ta ra gì? Đối với kẻ thù, không dám đụng tới lông chân của nó! Nhưng mà, với anh em trong nhà, thì ghê quá! Người ta đã bắn chết Đạm Phong, Lê Triết, và cũng đã bắn không chết Trần Trung Quân, Cao Thế Dung. Vẫn chẳng chết thằng nào ở Hà Nội cả. Thế thì, có bảo chúng ta chỉ đang gãi ghẻ cho kẻ thù, cũng đúng thôi. Ngay cả thằng Mỹ, mới đây, đặt điều kiện, trước khi bang giao, Cộng Sản Hà nội phải cho thấy đã cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước. Nó bảo “Không nhân quyền nhân kiếc gì cả. Các ông có bang giao với chúng tôi thì bang giao; đó là chuyện giữa hai quốc gia có chủ quyền. Còn nhân quyền là chuyện nội bộ của chúng tôi.” Rốt cuộc, cũng vì quyền lợi thôi, tư bản Mỹ đã bỏ cấm vận, vui vẻ bang giao với nó! Mấy anh gọi là quốc gia ở đây đã có làm gì để ngăn cản Mỹ được không, ngoại trừ màn nằm ăn vạ?

Ngưng lại một vài giây, Duyên Anh tiếp:

- Cộng Sản Hà Nội quỷ quyệt lắm, có khi còn quỷ quyệt hơn thầy của nó là hai thằng Nga Tầu nữa. Hồi Lư Hán sai Tiêu Văn sang Việt Nam, tước khí giới quân Nhật và cầm chân Việt Minh, Hồ Chí Minh muốn đuổi quân Tầu về để dễ bề thanh toán phe quốc gia. Nên ông ta bày đặt ra cái trò bịp, gọi là Tuần Lễ Vàng, và cho đàn em chế ra mấy câu

Đeo hoa chỉ tổ nặng tai
Đeo kiềng nặng cổ, hỡi ai có vàng
Làm dân một nước vẻ vang
Đem vàng cứu nước, giàu sang nào tày
Đổi vàng lấy súng cối xay
Bắn tan giặc Pháp, dựng ngày vinh quang

Nhưng mà, có đi đổi lấy súng đạn đâu? Hồ Chí Minh đem vàng dâng cho Tiêu Văn, để Tiêu Văn mang về cúng cho Lư Hán. Đợi quân Tầu rút về nước xong, Hồ Chí Minh mời ngay quân Pháp vào Hải Phòng, Hà Nội. Rồi ông ta dùng chiêu bài Toàn Quốc Kháng Chiến để dễ bề tiêu diệt phe quốc gia. Phía chúng ta, người nào nhanh chân, thì chạy sang Tầu, hay trốn vào vùng Tề. Người nào chậm chân, bị chúng nó xịt hết… Đến bây giờ, sau hơn bốn mươi năm cai trị theo lối Nga Tầu, nó lại quay sang làm thân với Mỹ, mới lạ chứ! Làm thân với tụi thực dân, phát xít, thì nó đã thân được rồi. Nay thì chỉ còn phải mon men xin cầu cạnh với Mỹ nữa thôi. Bao nhiêu năm nay, nó đã làm gì được cho dân tộc mình? Thế thì, đ.m, phải nhân danh quyền lợi của dân tộc, nói cho nó biết rằng, dân tộc chúng tôi khổ quá rồi. Trước hết chỉ cần nhắc cho nó một câu ca dao thôi. Và Duyên Anh cao giọng :

Khi nên, tay kiếm tay cờ
Không nên, cũng chẳng cậy nhờ tay ai

Lịch sử đã cho thấy có những người tự mình tay kiếm tay cờ, như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, mà thành công. Ngược lại, Lê Chiêu Thống và Gia Long, hai người cậy nhờ tay ngoại bang, rồi cũng chẳng ra gì cả. Nó không biết học hỏi gì ở lịch sử, cứ nhắm mắt cậy nhờ người ngoài, làm cho dân tộc mình đã đói khổ, càng thêm đói khổ. Vậy thì, những người quốc gia chúng mình nghĩ sao? Đ.m, buồn ghê lắm!”

Mọi người yên lặng. Duyên Anh nâng ly uống một hơi rồi tiếp:

- Có tư bản, là phải có cộng sản. Hai thằng đó như là âm và dương vậy. Chúng nó dựa dẫm vào nhau mà tồn tại. Bây giờ thằng cộng sản xuống thớ rồi. Thằng tư bản nếu muốn, chỉ quất một cú là thằng con kia xụm ngay thôi. Nhưng nó không muốn cho thằng kia chết, lại còn cho vay tiền và viện trợ nữa chứ.

Nguyễn Kim Dung hỏi:

- Anh có viết về lãng mạn cách mạng, nghĩa là thế nào?

- Làm cách mạng là phải biết mộng mơ. Không biết mộng mơ, không thể làm cách mạng được.

Nguyễn Đức An xen vào:

- Cũng như anh đã nhắc đến trong Mơ Thành Người Quang Trung…

Duyên Anh hăng hái:

- Làm cách mạng, phải biết mơ thành người Quang Trung. Chỉ cần làm một người lính đứng trong hàng quân của Quang Trung thôi, là đủ sung sướng rồi!

Nguyễn Kim Dung:

- Hôm nay, được lên đây nghe anh nói, em sung sướng lắm…Không phải đợi gặp anh, em mới nói điều này đâu. Khi đọc tờ Ngày Nay, bài anh viết về các bí danh trong Mặt Trận, em nhớ anh đã viết như thế này “Cái điều thê thảm cho Mặt Trận Hoàng Cơ Minh là kể từ đây về sau, có bất cứ chuyện khủng bố, tống tiền, ám sát, v. v. ; thì người ta đã có sẵn cái thùng rác Mặt Trận để đổ vạ vào.”…

Duyên Anh cười vang, ngắt lời Dung:

- Thì đúng vậy, chứ còn gì nữa. Bây giờ, thì nó trở thành cái thùng rác rồi! Còn cậu Dung, nhớ rõ những câu tôi viết như thế, cậu xứng đáng là em của tôi rồi. Hôm thằng An nói về cậu, rằng cậu là đoàn viên nòng cốt của Mặt Trận, mà lại muốn gặp tôi, tôi bảo nó “ đừng ngại gì cả. Thằng Dung muốn gặp tao, cứ cho nó gặp”. Ở ngoài, chúng nó đồn “ Mẹ, tụi kháng chiến đánh thằng Duyên Anh đó!” Nếu như người khác, thì họ đã bảo “Tôi đ. chơi với kháng chiến”. Đêm nay gặp cậu, tôi có thể coi cậu là tri kỷ của tôi rồi đó. Mà tôi nói thật, tôi không có thù ghét gì Mặt Trận của cậu hết. Tôi chỉ không ưa những thằng nói phét, và những thằng vô liêm sỉ đã dối gạt đồng bào thôi…

Nguyễn Kim Dung:

- Em kết anh từ khi đọc bài đó. Em thấy một người đã bị mất hoàn toàn khả năng viết bằng tay phải như anh, mà vẫn thừa nghị lực vươn lên, dám đi lại từ đầu bằng cách tập viết tay trái, và đã viết ra những ý tưởng thật nhân bản như thế. Em khâm phục lắm!

Duyên Anh:

- Tôi phải nói thêm với cậu rằng ngay cả Hoàng Cơ Minh hay Phạm Văn Liễu, tôi cũng chẳng thù ghét gì họ hết. Đã là một thằng suốt đời cô đơn, tôi thù các anh làm gì?

Nguyễn Kim Dung:

- Dư luận vẫn cho rằng anh thù ghét Mặt Trận lắm…

Nguyễn Đức An:

- Em đi nhậu nhiều nơi, gặp một số kẻ chặn em lại nói “Ê, đ.m, bộ hết người chơi rồi sao mà mày chơi với Duyên Anh?” Em chỉ cười, trả lời họ thế này “Nếu có mặt Duyên Anh mà ông dám hỏi tôi câu đó, thì tôi sẽ phục ông lắm. Còn bây giờ thì, xin lỗi ông nghen” Như thế, là đủ cho họ biết em khinh thường họ rồi. Còn thằng Dung, thì tuần trước, lúc nghe tin nó tới Anh Thy uống rượu với Duyên Anh, nhiều người trong Mặt Trận giật mình luôn…

Nguyễn Kim Dung tiếp lời An:

- Bắt đầu từ nay trở đi, em sẽ cố gắng thực hiện đường lối mà anh đã vạch ra trong các tác phẩm của anh, dù em còn ở trong Mặt Trận hay không.

Nguyễn Đức An nói:

- Em chưa có dịp đọc Mối Tình Mầu Hoa Đào của Nguyễn Mạnh Côn, nên không biết nó hay ở chỗ nào.

Duyên Anh:

- Mối Tình Mầu Hoa Đào còn sót nhiều điều ông ấy muốn khai triển thêm, mà chưa làm được…

Nguyễn Kim Dung, vốn rất khâm phục tư tưởng Nguyễn Mạnh Côn, và đã đọc hết, đọc rất kỹ các tác phẩm của nhà văn này, xen vào:

- Sau này, ông ấy còn viết thêm Hòa Bình, Nghĩ Gì Làm Gì để khai triển thêm. Ông ấy hứa sẽ viết xong cuốn Tân Trung Dung.

Duyên Anh:

- Tân Trung Dung, thì ông ấy viết xong rồi. Ông ấy đưa cho Hoàng Hải Thủy xem. Hoàng Hải Thủy là người đọc nhiều lắm. Đọc xong, Thủy nói với ông Côn “Chết rồi! Quyển này, em đã thấy một người Tầu viết. Em sẽ đưa quyển sách chữ Hán ông này viết cho anh xem”

Nguyễn Kim Dung:

- Em không nghĩ ông Côn dịch cuốn sách của ông Tầu ra đâu. Tư tưởng lớn gặp nhau là chuyện thường. Có lẽ cả hai người đều muốn triển khai thuyết trung dung của Khổng Tử.

Người bạn hỏi:

- Thằng Thủy nói có đúng không?

Duyên Anh :

- Thằng Thủy nói đúng chứ. Cũng có mấy người khác nói y hệt như thằng Thủy. Vì thế ông Côn ngưng, không cho phổ biến cuốn ấy nữa. Ông Côn tưởng với cuốn Tân Trung Dung ra đời, ông ấy sẽ là một người lập thuyết. Nhưng chưa chứng tỏ được mình là người lập thuyết, ông Côn đã thất bại rồi…Rốt cuộc, chính thuốc phiện đã giết ông ấy.

Nguyễn Kim Dung:

- Một người bạn em, chứng kiến cái chết của Nguyễn Mạnh Côn ở Xuyên Mộc, nói rằng ông ấy bị hoại thể. Lúc lên xe, cả thân thể ông ấy chảy nước hết. Vì ông ấy bị chúng nó nhốt conex hai tuần lễ, không cho ăn uống gì cả…

Duyên Anh nói ngay:

- Không, không, bạn em kể sai rồi! Khi ông Côn đứng lên nói “Tôi không đi lao động hôm nay, vì tôi đã được ba năm. Tôi ở lại trại, chờ lĩnh giấy về”, thì thằng cán bộ nói “Được, anh Côn ở lại.” Buổi trưa, chúng tôi đi làm về, Đằng Giao, con rể Chu Tử, thấy ông Côn không ăn cơm. Nó hỏi: “ Anh không ăn cơm sao?” Lúc ấy, Đằng Giao đang làm đội trưởng. Ở trong tù, đội trưởng khổ như con chó. Ông ấy trả lời “Tôi không ăn cơm!” Đằng Giao nói “Anh không ăn cơm, thì cho em biết, em phải báo cho nhà bếp.” Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục đi làm. Ở nhà, không biết lúc chúng nó gọi ông Côn ra, ông ấy cãi nhau hay chửi bới chúng nó cái gì, chúng nó giam riêng ông ấy vào một căn nhà chưa có tù đến ở. Chứ có phải biệt giam hay nhốt conex gì đâu? Xế chiều, chúng tôi đi làm về, thấy ông ấy mặc quần đùi xắn lên, đứng bám trên thành cửa sổ. Đằng Giao và vài thằng tù nữa ra cửa xem. Có đứa nói “Lạy trời, lạy trời nhé. Anh Côn ơi, anh chết đi, thì lỗi lầm của anh, chúng em sẽ bỏ qua hết. Đằng nào anh cũng chết. Anh phải chết đi!” Ông ấy lại không chết, mới đau chứ! Sáng hôm sau, ông ấy làm đơn, xin ăn cơm trở lại. Ở trong buồng, vài đệ tử của ông Côn vẫn không tin. Chúng nó bảo “Người như ông Côn, đâu có bao giờ thèm làm đơn xin ăn cơm.” Cho đến khi một thằng trật tự, vốn là tù hình sự, mượn cán bộ được tờ đơn của ông Côn đem xuống cho cả bọn xem, nét bút và chữ ký của chính ông ấy, đệ tử mới tin là đúng. Tụi công an cũng ác! Làm đơn xin ăn, thì chúng nó cho ăn. Nhưng mà không cho uống. Ông ấy lại phải làm đơn xin uống, chúng nó mới cho uống. Mấy hôm sau nữa, chúng nó đem ông ấy nhốt ở khu tù hình sự. Được mấy bữa, thì ông ấy chết. Chúng nó cho đóng hòm, chở ông ấy bằng xe cải tiến ra nghĩa địa. Mộ ông ấy nằm gần mộ ông Nguyễn Bá Lương, chủ tịch hạ viện. Chuyện ông ấy bị nhốt trong conex chỉ là tin đồn thôi. Cũng như tin đồn “Trần Dạ Từ bị bắt đem đi mất tích” hay “Hoàng Hải Thủy tự tử trong tù” là sai tất cả…

Duyên Anh nói sang chuyện khác:

- Đối với những người ở bên này, rồi mình cũng phải hòa đi thôi. Bởi vì, chính mình đây này, lắm khi mình viết chửi thiên hạ, mà sau mới biết là mình chửi sai. Thôi, hòa đi. Cứ tiếp tục gây thêm căm thù làm chó gì nữa. Bởi vì chỉ có mười năm nữa thôi, ta sẽ tịch. Hoặc là năm năm nữa thôi, thì không biết được. Nhưng mà, cái chính là, trong năm năm, mười năm nữa, mình phải làm sao viết được những truyện hay. Phải để thời gian mà làm việc. Hơi đâu mà cứ nghĩ đến chuyện thù hận làm đ. gì chứ? Nhưng mà, các cậu nên nhớ, chính tôi là thằng đã hai lần chửi PVL tơi tả. Vì hắn đã ra khỏi Mặt Trận, lập một đảng khác; rồi quay lại chửi Hoàng Cơ Minh và chính cái tổ chức mà hắn đã dây máu ăn phần. Anh chửi chúng nó, là chính anh đã bẩn rồi. Cả PNL nữa. Đâu có phải cứ đi quyên góp của đồng bào cho đã đời, đem tiền về cho anh em chúng nó; rồi khi biết chúng nó bịp, chỉ cần viết tâm thư “ bắt đầu từ giờ phút này, tôi không còn liên hệ gì đến cái Mặt Trận ấy nữa” là đủ đâu? Nếu là người có trách nhiệm và liêm sỉ, trước hết, ông L. phải tạ lỗi cùng đồng bào. Rồi đưa cho chúng nó bao nhiêu, ông L. phải cho đồng bào biết, và đòi chúng nó số tiền ấy, trả lại cho đồng bào. Đằng này, ông ta chỉ thân ái kính chào đồng bào như một cách phủi tay, chạy làng. Làm vậy đâu có được!

Duyên Anh ngưng một lát, rồi nói:

- Khi viết hai bài về PVL, HCM và PNL, có phải là tôi chửi kháng chiến đâu.

Tôi hỏi:

- Bây giờ, thí dụ thôi nhé, nếu có nhân vật lãnh đạo nào đó của Mặt Trận đến gặp anh, và nói “Ông Duyên Anh, chúng tôi muốn nhờ ông làm cố vấn cho mặt trận trong vấn đề làm thế nào để đánh cộng sản cho hữu hiệu hơn”, thì anh có nhận không?

Duyên Anh hơi khựng lại một chút:

- Ờ, nếu mà thế…thì anh phải nhận chứ. Có gì mà không nhận đâu? Những ai chống cộng chân chính, và vì dân tộc, thì thuộc tổ chức nào, mình cũng phải giúp họ hết. Nhưng mà, các anh mặt trận cũng phải nhìn Duyên Anh như đám Nguyễn Văn Thiệu đã nhìn. Hồi đó, anh chửi chúng nó tơi tả. Chúng nó ghét anh lắm, nhưng không bắt, vì chúng nó biết sau lưng anh, trước mặt anh, không có thế lực nào hết. Thế thì, Mặt Trận cũng phải hiểu, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái Duyên Anh không có ai hết. Mãi mãi, anh chỉ một mình một ngựa thôi.

Người bạn hỏi Duyên Anh:

- Mày say rồi, phải không?

Giọng nói Duyên Anh, quả thực, đã nhừa nhựa:

- Đ.m, say thế đ. gì được. Có điều, tao chỉ muốn bắt chước ông Mai Thảo, uống vào rồi bắt đầu lè nhè thôi. Để tao nói cho chúng mày nghe, mấy hôm nay, các em cứ gọi đến đây, rủ tao đi chơi tưng bừng cả lên. Chúng mày có đi moi khắp thế giới di tản, đố chúng mày tìm được ai như thằng Duyên Anh này đấy. Đ. có một Duyên Anh thứ hai đâu.

Nguyễn Kim Dung:

- Em đã nói với thằng An, em khâm phục cái nghị lực vươn lên từ thống khổ của anh. Em bảo nó “Mày vẫn nhận mày là thằng em của Duyên Anh, ít ra, mày phải có một phần mười cái nghị lực của anh ấy chứ.”

Duyên Anh quay sang Nguyễn Đức An:

- Thằng An, mày phải nhớ điều đó. Không được buồn phiền. Không được thất vọng nữa. Mày phải nghĩ, và tin chắc, là có ngày mày sẽ vươn lên, và thành công như mấy năm trước. Có vậy, mới xứng đáng là em của tao chứ…

Nguyễn Đức An, sau gần bốn năm làm đủ các thứ việc, chẳng có công việc nào lâu bền, cuối cùng, đã trở lại nghề cũ, và hiện đang làm Fleet Manager cho một hãng bán xe hơi FORD ở Orange County.

*

* *



-
Duyên Anh nói:

- Ra mắt sách ở đây vui lắm. Có khoảng một trăm người tham dự. Ba bốn đại tá, trung tá dù, trước đây là độc giả của anh, cũng tới dự. Có ông bảo “tưởng không bao giờ còn được gặp ông nữa chứ.” Cảm động nhất, là có một thằng bé chừng hai mươi tuổi. Nó sang Mỹ khi mới ba bốn tuổi gì đó. Vậy mà nó tập đọc tiếng Việt, đọc được các truyện thiếu nhi của anh. Nó bảo nó thích nhất Giặc Ô Kê, vì ở trong đó, anh cho mấy đứa bé bụi đời quay về trường học. Nó bảo “đọc truyện nào của chú, cháu cũng thấy chú đều nói về tình người.” Anh nói “thế thì cháu còn giỏi hơn chú rồi!”

Rời chỗ ra mắt sách, Duyên Anh đi thăm đài truyền hình Việt Nam ở Colorado, do Nguyễn Ngọc Bích và mấy người trẻ tuổi thực hiện. Anh kể:

- Mình phải cảm phục sự thông minh và cách làm việc của tụi nó. Chỉ có vài ba đứa trẻ trên dưới hai mươi tuổi, mà cũng thành được một đài truyền hình. Chính bọn chuyên viên đài truyền hình 41 của Mỹ ở đây cũng phải nể phục bọn trẻ. Đến nỗi, tụi chủ đài phải phước thiện luôn, không lấy tiền thuê đài của nhóm trẻ Việt Nam này. Mà chúng nó có tiền mua dụng cụ chuyên môn và đầy đủ đâu? Cái gì cũng vá víu cả. Vậy mà chúng nó làm được, mới hay chứ! Thế nào, về Cali, anh cũng phải viết một bài ca tụng chúng nó mới được. Bọn trẻ này, thực là nhất thế giới đấy!

Tôi hỏi:

- Hôm nay, anh có vẻ vui hơn mấy bữa trước?

Duyên Anh cười :

- À, anh vừa đi ăn với thằng TVM về. Nó học trường Trần Lãm ở Thái Bình với anh từ gần năm mươi năm trước. Đ.m, vui lắm! Hai thằng cứ cười ngất ngưởng khi nhắc những kỷ niệm thơ ấu của nhau. Cười bò cả ra bàn. Cười phụt cả cơm ra ngoài nữa. Cười quá đi mất thôi! Nó bảo “Tao không ngờ mày lại trở thành một thằng nhà văn, mà lại là một nhà văn nổi tiếng nữa!” Chắc đã ba mươi năm rồi, mới gặp lại nó. Thành ra, ngồi chơi nói chuyện với nó lâu lắm. Bây giờ mới về đến tòa soạn của thằng Bích đây. Bên trong, chúng nó đang đàn địch, hát xướng ghê quá. Anh thấy, đời sống ở Denver này cũng tốt lắm, vì có nhiều người thương mình. Em cứ yên tâm về anh. Lúc nào anh cũng cố giữ, để mọi người thương mình. Bây giờ, chả hơi đâu mà hung hăng chửi bới thiên hạ nữa.

Trước khi cúp máy, Duyên Anh dặn tôi cố gắng dịch cho xong tiểu thuyết Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu, để anh nhờ người đưa vào thị trường xuất bản Mỹ...

Hôm sau, tôi bàn chuyện ra mắt sách Duyên Anh với Tư Đầm Đầm, chủ nhiệm tuần báo Con Cò. Tư Đầm Đầm đề nghị ra mắt ở một vũ trường. Tôi nghĩ, sách viết về kho tàng ca dao của dân tộc mà ra mắt ở tiệm nhảy, e không được thích hợp cho lắm. Nên tôi không nhờ anh xúc tiến việc này nữa. Tôi nói chuyện với N. Anh đề nghị dùng “trụ sơû” của văn bút miền Tây, một địa điểm nhỏ hẹp và hơi xập xệ, chưa đủ tiêu chuẩn tối thiểu của một hội trường. Cho Duyên Anh ra mắt sách ở đó, là thiếu sự trang trọng đối với anh, tôi nghĩ vậy.

Tôi gọi điện thoại đến Người Việt, hỏi Tống Hoằng, tôi có thể mượn, hoặc thuê hội trường của Người Việt không. Tống Hoằng vui vẻ cho mượn ngay, và bảo tôi nói chuyện với Trần Đại Lộc để giữ chỗ. Trần Đại Lộc và tôi bàn qua bàn lại vài ba ngày, chúng tôi quyết định từ 2 giờ đến 5 giờ chiều thứ bảy 4 tháng 11, 1995, sẽ dành hội trường cho buổi ra mắt bốn tác phẩm của Duyên Anh. Tôi gọi cho Nguyễn Thiện Cơ, chủ bút Người Việt, hỏi Cơ có thể cho tôi ghi trên thiệp mời, Người Việt là một trong số những cơ quan truyền thông bảo trợ buổi ra mắt không. Nguyễn Thiện Cơ bảo, không có gì trở ngại cả. Sơ hở của tôi, là tôi đã quên khuấy mất linh hồn của Người Việt, Đỗ Ngọc Yến. Nguyễn Thiện Cơ, trong tình bạn thân thiết đối với tôi, cũng đã sốt sắng nhận lời, không kịp hội ý với Đỗ Ngọc Yến.

Mấy hôm sau, Nguyễn Thiện Cơ điện thoại cho tôi, cho biết Đỗ Ngọc Yến rất không hài lòng việc anh và Tống Hoằng cho Duyên Anh ra mắt sách ở Người Việt. Cơ nói, Người Việt sẽ không thể đứng tên trên thiệp mời, như anh đã nhận lời với tôi hôm trước được. Cơ đề nghị tôi tìm một địa điểm khác. Tôi khá ngỡ ngàng, vì tôi đã thông báo trên chương trình phát thanh VOV của Đỗ Sơn, tức Tư Đầm Đầm, về ngày giờ buổi ra mắt bốn tác phẩm Duyên Anh tại hội trường Người Việt rồi.

Tôi hỏi, và được Nguyễn Thiện Cơ cho biết, lý do chính Đỗ Ngọc Yến không hài lòng là bài viết của Duyên Anh trên Con Cò năm 1991 về Lê Đình Điểu.

Tôi phải công nhận, bài viết đó nặng nề quá! Nhóm Người Việt có giận Duyên Anh cũng không có gì là lạ cả.

Tôi gọi cho Đỗ Ngọc Yến, đề nghị với anh, tôi sẽ làm gạch nối, để tái lập mối giao hảo giữa Duyên Anh và nhóm Người Việt. Đỗ Ngọc Yến đồng ý với tôi, phải bắt đầu với Lê Đình Điểu trước tiên.

Mấy hôm sau, Duyên Anh trở về Los Angeles, sau khi đã ghé qua Wichita nhận lại va li bản thảo trước đây nhờ Vũ Băng Đình giữ hộ. Lúc này, anh không còn ở nhà tôi nữa. Duyên Anh đến tạm trú ở nhà NN. Hằng ngày, chúng tôi nói chuyện điện thoại ít nhất cũng vài lần. Một buổi chiều, trên đường từ sở về, tôi ghé thăm anh và ở lại đó ăn cơm luôn. Sau bữa cơm, trong lúc NN rửa bát phía sau, Duyên Anh và tôi ngồi nói chuyện ngoài phòng khách.

Tôi biết tính Duyên Anh, cao ngạo và tự ái nhiều. Nếu nói thật với anh mọi chuyện, Duyên Anh sẽ nổi nóng ngay. Anh sẽ bắt tôi tìm một địa điểm khác, hoặc bỏ luôn chuyện ra mắt sách ở Cali. Mối bất hòa giữa Duyên Anh và nhóm Người Việt, không những không được giải tỏa, sẽ còn nặng nề hơn. Cho nên, tôi mở đầu bằng cách báo tin vui:

- Trong lúc anh còn ở Wichita, em đã tìm được hội trường để anh ra mắt sách rồi. Chỗ này không rộng lắm, nhưng ấm cúng và thân mật. Âm thanh và ánh sáng cũng rất tốt.

- Chỗ nào vậy?

- Hội trường báo Người Việt. Nguyễn Thiện Cơ, bạn em, hiện làm chủ bút Người Việt. Anh còn nhớ Nguyễn Thiện Cơ chứ? Hồi anh xuống Long Xuyên nói chuyện ở trường Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Thiện Cơ và em tổ chức buổi nói chuyện ấy, để anh ra mắt cuốn Phượng Vĩ đó.

- À, anh nhớ ra rồi.

Tôi tiếp tục nói về liên hệ thân hữu giữa tôi và Người Việt, đặc biệt với Nguyễn Thiện Cơ và Lê Đình Điểu (Cơ và tôi học cùng lớp ở ĐH Sư Phạm Saigon; anh Điểu cũng học ở đó, trước chúng tôi sáu năm). Tôi cũng cho Duyên Anh biết, trong nhiều năm qua, tôi vẫn nhận được báo của Người Việt gửi tặng, tuy thỉnh thoảng mới đóng góp một bài. Nhất là khi tôi ngỏ ý muốn dùng hội trường để ra mắt sách Duyên Anh, Tống Hoằng vui vẻ bằng lòng ngay. Tôi đề nghị với Duyên Anh, kết lại mối thân hữu với Người Việt, vì anh em ở đó đối với tôi rất tốt. Nhắc lại bài viết về Lê Đình Điểu trên Con Cò năm 1991, tôi hỏi:

- Anh căn cứ vào đâu để viết bài đó?

- Lúc ấy, anh đang ở Texas. Thằng Đ. gọi sang, cho anh biết.

- Bài đó có những điều không đúng sự thật. Anh nghĩ, có nên nhân dịp này, nói lại với Lê Đình Điểu một vài câu, cho vui vẻ cả không?

Duyên Anh nói ngay:

- Được chứ. Mình viết sai, thì phải xin lỗi người ta chứ.

Hôm sau, tôi gọi điện thoại, báo tin vui cho Đỗ Ngọc Yến. Tôi cũng gọi cho Lê Đình Điểu, hỏi anh có bằng lòng nói chuyện với Duyên Anh không, để tôi nói Duyên Anh gọi cho anh. Lê Đình Điểu bảo “ Duyên Anh muốn nói chuyện, Hiền cứ cho anh ta số điện thoại của tôi.” Ngay hôm ấy, Duyên Anh gọi cho Lê Đình Điểu.

Buổi chiều, tôi hỏi Duyên Anh, anh đã nói gì với Lê Đình Điểu. Duyên Anh trả lời:

- Thì anh nói “nếu những gì tôi viết đã làm ông buồn, thì tôi xin lỗi ông.”

Hôm sau, tôi gọi cho Lê Đình Điểu. Thời gian này, anh phụ trách đọc báo Mỹ, và dịch trực tiếp những tin quan trọng cho thính giả VNCR nghe, khoảng 15, 20 phút mỗi sáng, từ 6giờ 15 trở đi. Tôi thường nghe Lê Đình Điểu nói, trên đường lái xe đi làm. Gần 7 giờ, đến sở, tôi hay gọi cho anh, hỏi lại mấy chỗ nghe không rõ, hoặc để chia xẻ với anh vài nhận xét về những bản tin anh loan. Bao giờ anh nhấc máy, tôi cũng đều nghe một giọng vui vẻ “Điểu đây.”

Sáng hôm ấy, sau vài câu chuyện thường lệ, tôi hỏi:

- Hôm qua, anh Duyên Anh gọi đến xin lỗi anh rồi chứ?

Lê Đình Điểu hơi ngập ngừng trước khi hỏi lại tôi:

- Tại sao Hiền hỏi như vậy?

- Hiền muốn nghe từ chính anh, để có thể, mai mốt đây, viết cho chính xác về Duyên Anh.

Lê Đình Điểu:

- Ừ, thì anh ấy cũng nói lại về bài báo trên tờ Con Cò, và xin lỗi tôi rồi. Tôi cũng không còn nghĩ ngợi gì nữa.

- Thế anh có nghĩ liên hệ giữa anh và Duyên Anh, từ nay trở đi, sẽ khá hơn chứ?

Lê Đình Điểu chậm rãi:

- Tôi vẫn quan niệm Quân tử chi giao, đạm nhược thủy mà. Nếu anh ấy chưa xin lỗi mình, thì mình không nói chuyện, không bắt tay. Còn bây giờ, anh ấy đã nói như thế rồi, thì gặp anh ấy ở đâu, mình sẽ chào hỏi, bắt tay. Có vậy thôi.

Mấy hôm sau, tôi đề nghị với Duyên Anh đến thăm nhà Lê Đình Điểu, sau đó, ghé thăm tòa soạn Người Việt, và buổi trưa, ra tiệm ăn với mấy anh em trong nhóm Người Việt.

Tôi cho Đỗ Ngọc Yến và Lê Đình Điểu biết ý định của Duyên Anh và tôi. Hai anh đều có vẻ vui lòng. Đỗ Ngọc Yến nói anh sẽ cùng Nguyễn Xuân Hoàng đến nhà Lê Đình Điểu lúc 9 giờ sáng thứ bảy 28 tháng 10. Duyên Anh và tôi cũng sẽ có mặt ở nhà Lê Đình Điểu lúc ấy. Tất cả sẽ gặp gỡ, nói chuyện thân mật ở đấy, rồi sẽ tới báo quán Người Việt. Sau đó, sẽ đi ăn trưa với nhau.

Sáng thứ bảy, tôi đến đón Duyên Anh ở nhà NN lúc 8 giờ. Chưa tới 9 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở nhà Lê Đình Điểu. Anh chị Lê Đình Điểu tiếp đón chúng tôi niềm nở. Chị Điểu pha trà đãi chúng tôi. Duyên Anh và Lê Đình Điểu ngồi chung một ghế sofa. Tôi ngồi ghế riêng, nghe hai người nói chuyện. Họ nói về những người quen ở Pháp, và những chuyện xảy ra trong thời gian hai người còn ở tù cải tạo. Không khí nói chuyện cởi mở; rất nhiều tiếng cười. Lê Đình Điểu vào phòng lấy máy ảnh, nhờ tôi chụp hình anh và Duyên Anh ngồi cạnh nhau.

Chúng tôi ngồi nói chuyện tới 9 giờ rưỡi, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ, có ý chờ Đỗ Ngọc Yến và Nguyễn Xuân Hoàng. Hỏi Lê Đình Điểu, anh bảo không biết vì sao hai người đó chưa thấy đến. Tới gần 10 giờ, chúng tôi từ giã Lê Đình Điểu. Anh nói không thể đi ăn trưa với chúng tôi, vì đã hẹn đi thăm con anh sáng hôm ấy rồi.

Tôi chở Duyên Anh xuống khu Westminster. Bước vào tòa báo Người Việt sau hai mươi phút lái xe. Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Thiện Cơ ra đón, đưa chúng tôi vào bên trong, thăm chỗ làm việc của ban biên tập, văn phòng ban quản trị, thư viện. Tôi ra xe, lấy mấy bộ sách, để Duyên Anh ngồi ký tặng một số anh em trong Người Việt.

Tôi hỏi Nguyễn Xuân Hoàng về buổi hẹn ở nhà Lê Đình Điểu. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết “Đỗ Ngọc Yến lái xe chở moi đến nhà Điểu, nhưng không hiểu sao, lại đi lạc vào khu Mỹ đen. Đi lòng vòng mãi, không tìm ra nhà Điểu. Thành ra, Yến phải chở moi về lại đây. Bây giờ không hiểu người lại đi đâu mất rồi.”

Ngồi nói chuyện một hồi, Nguyễn Xuân Hoàng mời Duyên Anh và tôi vào thư viện Người Việt, để anh phỏng vấn chúng tôi, trong chương trình văn học nghệ thuật anh phụ trách cho đài VOA.

Lý Kiến Trúc, một cộng tác viên của Người Việt, cũng vào ngồi tham dự, nhưng không đặt câu hỏi. Anh chỉ muốn thu băng buổi phỏng vấn, để dùng trong chương trình phát thanh của anh tại vùng Pomona. Một thời gian sau, Lý Kiến Trúc thôi làm với Người Việt. Anh ra làm tờ Văn Hóa, kiêm luôn chủ nhiệm, chủ bút.

Sau ba mươi phút phỏng vấn, chúng tôi ra Kim Sư ăn trưa. Chỉ có bốn người: Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thiện Cơ, Duyên Anh, và tôi. Suốt thời gian ngồi ở Người Việt, tôi tưởng Đỗ Ngọc Yến sẽ về lại tòa soạn, để đi ăn trưa với chúng tôi, như đã dự tính. Nhưng anh không đến. Tôi nghĩ, có thể Đỗ Ngọc Yến muốn lánh mặt, vì e ngại số đông thân hữu của anh sẽ không vui, khi họ thấy anh tỏ ra thân thiện, đi ăn chung với Duyên Anh.

N. gọi cho tôi, bàn về việc làm thiệp mời thân hữu và độc giả đến tham dự buổi ra mắt sách. Trong thành phần Ban Tổ Chức và Bảo Trợ, ngoài Nhà Xuất Bản, còn dự tính ghi thêm một số tờ báo và cá nhân liên hệ đến việc tổ chức. N. đề nghị tôi ghi thêm tên một ông bác sĩ nữa. Tôi từ chối ngay, vì ông này chưa hề liên hệ gì đến dự tính của chúng tôi cả. Quyết định vội vã đó của tôi, phải sau này, tôi mới thấy không được khôn khéo, ít nhất là về phương diện giao tế.

Chỉ vài hôm sau, N. gọi cho tôi:

- Anh Hiền, nguy lắm rồi, người ta phản đối dữ lắm. Chắc người ta sẽ không đến tham dự đâu. Ông K. bảo đừng để tên ông ta, hay Văn Bút của ông ta vào thư mời nữa. Ông K. cũng sẽ không đến dự, và không muốn dính dáng gì đến buổi ra mắt ấy đâu.

Tôi ngạc nhiên. Mới mấy tuần trước, theo Duyên Anh kể cho tôi nghe, anh ở chơi nhà Lê Quý An. Duyên Anh gọi điện thoại cho ông K. Ông K. đến chơi ngay, và đề nghị tổ chức ra mắt sách cho Duyên Anh. Nay, tôi không hiểu tại sao ông ta lại thay đổi thái độ như vậy.

(Sau này, Duyên Anh cho tôi biết, Viên Linh, Chủ Tịch Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ, đã chỉ thị cho ông K., và các thành viên của tổ chức này, tẩy chay buổi ra mắt sách của Duyên Anh.)

Tôi hỏi N.:

- Anh bảo người ta phản đối và sẽ không đến dự. Người ta đây là những ai vậy?

- Tôi không thể cho anh biết người ta là ai được.

Tôi hơi bực mình:

- Nhưng mà, anh N., mình có mời những người ta ấy đâu, mà có chuyện họ không đến tham dự?

N. trổ tài vặn vẹo:

- Như vậy, anh không muốn ai đến tham dự buổi ấy, phải không?

- Không phải là tôi không muốn mời ai, nhưng anh nói không rõ ràng như thế, làm sao tôi biết ngoài nhóm của ông K., còn những ai không ưa Duyên Anh, để mình khỏi phải mời họ?

- Tôi không thể cho anh biết tên những người đó được.

Tôi không hài lòng trước thái độ của N. Tôi thất vọng, vì cứ ngỡ, Duyên Anh đã tin tưởng anh, nhờ anh cùng tôi tổ chức buổi ra mắt đó; nếu có chuyện gì khó khăn, anh sẽ cho tôi biết chi tiết, để chúng tôi tìm cách giải quyết. Hoặc khi biết những cá nhân, hay phe nhóm nào có ý định phản đối người bạn của anh; nếu thực lòng muốn giúp đỡ bạn mình, tôi nghĩ, anh cũng nên cho tôi hay, để cùng đối phó.

Nhưng rất tiếc, có lẽ vì tôi đã thiếu khôn khéo, vội vàng từ chối đề nghị của anh hôm trước, làm mất lòng anh, nên nay, có vẻ như N. muốn đứng ngoài cuộc rồi.

Tôi gọi điện thoại, cho Duyên Anh biết diễn biến công việc. Anh bực mình, dặn tôi nhờ N. nhắn lại với NTK - nguyên văn lời Duyên Anh- “Bảo với thằng NTK, nó là cái con c. gì mà ghê gớm vậy?”

Duyên Anh nói thêm “Chẳng cần nhờ chúng nó nữa. Đứa nào muốn phản đối, cứ để cho chúng nó phản đối. Em cứ tiếp tục làm một mình đi. Trong thư mời, em cứ đứng tên nhà xuất bản thôi, không cần nhờ ai, hay tờ báo nào, đứng chung tên với mình làm gì.”

Tôi nghe lời anh, thảo một thư mời ngắn, và chương trình buổi ra mắt.

Thư Mời

Trân trọng kính mời quý độc giả và thân hữu
Tham dự buổi ra mắt 4 tác phẩm mới nhất của

Duyên Anh

1. Về Với Ca Dao
2. Vỡ Lòng Ca Dao
3. Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc
4. Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu

do nhà xuất bản Vũ Trung Hiền ấn hành

Chiều Thứ Bảy 4 tháng Mười Một, 1995

2:00 Thân hữu gặp gỡ, giải khát
3:00 Bắt đầu

Nơi gặp mặt:

PHÒNG SINH HOẠT NHẬT BÁO NGƯỜI VIỆT
14091 Moran St, Westminster, CA 92683
Sự có mặt của quý vị là điều vinh dự cho tác giả và nhà xuất bản.

Kính Mời

NXB Vũ Trung Hiền
(818) 797-4560

Tôi fax ngay thư này xuống cho Đỗ Ngọc Yến, Tống Hoàèng, và Nguyễn Thiện Cơ, nhờ Người Việt cho đăng lên báo. Tôi gọi cho Đỗ Sơn Tư Đầm Đầm. Anh hứa sẽ cho làm một băng đờ rôn treo làm nền sân khấu. Nguyễn Kim Dung sốt sắng, cho biết sẵn sàng làm những gì tôi cần. Tôi nhờ Dung lo việc giải khát chiều hôm đó. Tôi thảo một thư mời bằng tiếng Anh, gửi cho thị trưởng và cảnh sát trưởng thành phố Westmisnter, kèm theo bản sao bài thường thuật vụ hành hung Duyên Anh bảy năm trước, đăng trên tờ Los Angeles Times. Tôi tin chắc, không cần phải nhờ chính quyền địa phương bảo vệ an ninh, họ cũng thừa biết bổn phận của họ. Những thư mời khác, tôi gửi cho các đài truyền hình và những tờ báo trong hai hạt Los Angles và Orange County.

Chiều thứ tư 1 tháng mười một, Valerie Takahama, nữ phóng viên nhật báo lớn nhất Orange County, tờ Register, gọi đến, nhờ tôi dàn xếp để được phỏng vấn Duyên Anh. Tôi hỏi ý Duyên Anh, anh bảo “ cứ việc cho nó đến.” Valerie đến chỗ tôi làm việc lúc 4 giờ 30 chiều, trao đổi một vài câu chuyện với tôi, và chờ tới khi tan sở, để tôi dẫn đường đi gặp Duyên Anh.

Đến chỗ Duyên Anh tạm trú, chúng tôi ngồi chờ khoảng nửa tiếng trong lúc Quỳnh Trang của Little Saigon Television phỏng vấn Duyên Anh. Sau đó, Valerie hỏi Duyên Anh một số câu. Tôi thông dịch cho Valerie hiểu những điều Duyên Anh nói. Valerie mời Duyên Anh và tôi đến thăm trụ sở tờ Orange County Register để chị có dịp nói chuyện thêm, và để chuyên viên chụp hình tại đó chụp ảnh Duyên Anh đăng báo, kèm theo bài tường thuật của chị.

Sáng 3 tháng 11, Duyên Anh và tôi đến trụ sở tờ Register. Valerie xuống phòng khách đón, và dẫn chúng tôi thăm một vài văn phòng, giới thiệu Duyên Anh với mấy nhân vật có trách nhiệm, tôi đã quên tên. Chúng tôi vào một hội trường nhỏ. Valerie soạn sẵn một số câu hỏi về cuộc đời và kinh nghiêäm sáng tác cuả Duyên Anh. Anh trả lời vừa xong, thì Anna Venegas cũng bước vào, chụp cho Duyên Anh hai cuộn phim đủ kiểu đứng, ngồi, hút thuốc, không hút, nhìn thẳng, ngó nghiêng…

Khoảng một tuần trước ngày 4 tháng 11, Julie gọi cho tôi:

- Anh Hiền, em rất lo người ta phá buổi ra mắt sách của anh Duyên Anh. Anh có chuẩn bị gì chưa?

- Có. Anh chuẩn bị rồi. Julie đừng lo gì. Mà Julie nghe nhóm nào định phá vậy?

- Em nghe nói có một số cựu quân nhân hay cựu sĩ quan gì đó. Họ không ưa anh Duyên Anh. Em nghĩ, anh nên nhờ anh Du Tử Lê nói với những ông đó, để họ khỏi phá anh Duyên Anh.

- Vì sao Julie nghĩ anh Du Tử Lê làm được chuyện đó?

- Em thấy anh ấy quen biết nhiều, và có uy tín với các cựu sĩ quan ở dưới này.

Tôi nói:

- Anh không bao giờ làm chuyện đó đâu. Julie cũng đừng nhờ anh Du Tử Lê làm gì. Julie yên chí, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu.

Julie hỏi:

- Thế còn hai bài em sẽ hát, anh đã đệm piano thử chưa?

Tôi bối rối. Trước đấy hai tuần, Julie ngỏ ý muốn hát vài bản trong buổi ra mắt tác phẩm Duyên Anh. Tôi đề nghị Julie hát mấy bài nhạc Nhật, lời Việt trong cuốn băng Ngàn Năm Vẫn Đợi, phổ biến năm 1987. Julie bằng lòng, và nhờ tôi đệm piano. Tôi nói cho Duyên Anh biết, anh cũng đồng ý.

Nhưng vào tuần lễ cuối cùng, trước buổi ra mắt, Duyên Anh đổi ý. Anh bảo tôi, anh không muốn nhờ Julie hát trong buổi chiều 4 tháng 11 nữa. Duyên Anh nói, ra mắt sách, phải thuần túy văn chương thôi. Không nên có thêm màn phụ diễn ca nhạc. Quyết định này của Duyên Anh khiến tôi khó xử, không biết phải nói thế nào cho Julie khỏi buồn anh.

Cuối cùng, tôi đành nói:

- Anh đệm rồi. Cũng dễ thôi. Nhưng có lẽ, để lần khác Julie sẽ hát. Thứ bảy này, sẽ có nhiều người lên nói. Chắc không đủ thì giờ để thêm phần ca hát đâu.

Đêm thứ sáu 3/11/95, Julie gọi cho Duyên Anh. NN tỏ ra khó chịu. Hai người đàn bà lời qua tiếng lại, khá nặng nề. Julie gọi đến, phân bua với tôi:

- Cái bà NN thật là cà chớn! Em vừa làm cho con mẹ ấy một mách, phải cúp điện thoại luôn.

Tôi hỏi:

- Đầu đuôi như thế nào?

- Thế này nhé, em gọi đến, xin nói chuyện với anh Duyên Anh. Bà ấy bảo anh ấy đang bận. Bà âáy còn nói, ai muốn nói chuyện với Duyên Anh, phải qua bà ấy, vì chị Duyên Anh đã giao cho bà ấy công việc săn sóc anh Duyên Anh rồi. Em tức mình, nói “Giao cho bà, rồi bà lấy luôn anh ấy, phải không?”. Bà ấy không nói gì được, phải cúp máy. Rồi anh Duyên Anh gọi lại, xin lỗi em về thái độ của bà ấy.

Một lát sau, đến lượt NN gọi đến tôi, kể lể. Nguyên do, NN có vẻ muốn độc quyền, không chịu chia xẻ Duyên Anh với bất cứ ai, về bất cứ phương diện gì. Lúc ấy, đã gần 11 giờ khuya. Tôi bực mình, to tiếng với NN:

- Mấy người không biết tội nghiệp cho Duyên Anh sao? Làm ơn im đi, cho tôi nhờ một chút. Đợi chiều mai, xong xuôi rồi; lúc ấy, muốn cắn xé nhau, thì tha hồ!

Hôm sau, thứ bảy 4 tháng 11, 1995, tôi có mặt ở Người Việt từ hơn 12 giờ trưa. Một lúc sau, Nguyễn Kim Dung tới nơi, cùng ba người con trai. Bố con Dung khuân nước ngọt, đá lạnh, ly nhựa, khăn giấy vào, xếp trên hai bàn cuối hội trường. Ở ngay cửa vào Phòng Sinh Hoạt, chất đống gần một chục thùng quần áo của một trung tâm công giáo gửi cứu trợ đồng bào ở trại tị nạn Phi Luật Tân. Dung và tôi ì ạch khiêng được một vài thùng vào nhà kho đựng báo bên cạnh hội trường. Rất may, nhà văn Hoàng Khởi Phong tìm được chiếc xe đẩy hai bánh; và chính anh tự tay đẩy số thùng còn lại vào kho, giúp chúng tôi.

Tấm băng đờ rôn bằng nhựa vàng, chữ đỏ và xanh, do Tư Đầm Đầm gửi tới:

Buổi Ra Mắt Sách Tác giả Duyên Anh

1. Về Với Ca Dao
2. Vỡ Lòng Ca Dao
3. Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc
4. Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu

Nhà Xuất Bản Vũ Trung Hiền phát hành

Tôi ra phía sau nhà kho, tìm được cái thang. Nguyễn Kim Dung cùng tôi và mấy đứa con của Dung thay phiên nhau leo lên, vừa dùng giây cao su cột, vừa lấy băng keo dán, sau gần nửa giờ, cũng đã treo được ngay ngắn tấm phông này lên bức tường phía sau bục gỗ.

Tới phần thử âm thanh, ánh sáng. Lại cũng nhờ tay Hoàng Khởi Phong điều chỉnh từ gác xép bên trên lối vào hội trường.

Khoảng 1 giờ rưỡi, quan khách bắt đầu tới. Đúng 2 giờ, Duyên Anh được một người bạn của NN chở đến. Tôi ra xe, khuân hai thùng sách vào, bày lên bàn ở cửa ra vào. NN và cô bạn thân ngồi thu tiền sách. Những cuốn này đều có chữ ký của Duyên Anh ở trang đầu. Khách tham dự tiến đến bàn, mua sách. Đặc biệt, người đầu tiên mua sách là cựu sĩ quan dù Phạm Đình Cung, một bạn tù của Duyên Anh.

Phạm Đình Cung bắt tay Duyên Anh:

- Nghe nói mày ra mắt sách, tao đến đây mừng cho mày. Bây giờ, thì tao phải đi làm, không ở lại tham dự được.

Đến 2 giờ rưỡi, người tham dự đã ngồi gần đầy phòng. Một vài thân hữu thúc giục tôi lên bắt đầu chương trình, nhưng tôi nói, đã ghi trong thiệp mời giờ nào, phải theo giờ ấy.

Đúng ba giờ, tôi bước lên chào mừng quan khách, và giới thiệu Nguyễn Thiện Cơ, chủ bút báo Người Việt. Cơ bày tỏ sự vui mừng khi biết Duyên Anh viết văn trở lại. Anh nhắc lại kỷ niệm lần Duyên Anh xuống Long Xuyên nói chuyện văn chương và ra mắt cuốn Phượng Vĩ. Sau cùng, Cơ chúc Duyên Anh thành công trong việc làm sống lại ca dao, một đề tài dường như đã bị lãng quên, nhất là trong giới trẻ, không những ở hải ngoại, mà cũng tại Việt Nam nữa.

Sau đó là phần phát biểu của, Cao Thế Dung, Nguyễn Kim Dung, Đỗ Sơn, Đinh Quang Anh Thái, Phạm Kim Vinh.

Cao Thế Dung kể lại lần uống rượu và tâm sự suốt đêm với Duyên Anh ở Paris, như một người bạn. Ông nhân danh một độc giả yêu mến văn chương Duyên Anh, bày tỏ lòng ngưỡng mộ một tài năng của dân tộc. Theo Cao Thế Dung, nhà văn có sứ mạng nói sự thật. Và khi lên tiếng, nhân danh sự thật, nhà văn coi thường mọi chống đối. Cũng theo Cao Thế Dung, ở hải ngoại không có nền văn chương chống cộng. Chỉ có văn chương dân tộc hay phi dân tộc mà thôi.

Nguyễn Kim Dung lên án những kẻ đứng đằng sau vụ hành hung Duyên Anh, và ca tụng nghị lực phi thường của nhà văn khi tập viết lại bằng tay trái. Theo Nguyễn Kim Dung, Duyên Anh là tiếng nói của tuổi trẻ, và đã thay mặt đồng bào, gióng lên tiếng thét phẫn nộ, khi niềm tin bị Mặt Trận làm cho mất mát.

Đỗ Sơn cho biết, anh từng là hàng xóm của Duyên Anh, tuy lúc Duyên Anh đã thành danh, anh vẫn còn là một cậu học sinh trung học. Đỗ Sơn kể chuyện lúc đóng đồn ở biên giới, anh và các chiến sĩ trong đơn vị đều ưa thích đọc các bài viết của Duyên Anh. Có hôm đang đọc, Việt cộng pháo kích vào đồn. Mọi người nhảy vào hầm tránh pháo kích, nhưng vẫn ôm bụng cười hê hê, vì những bài văn trào lộng của Duyên Anh.

Đinh Quang Anh Thái kể lại thời gian ở tù chung với Duyên Anh tại Phan Đăng Lưu. Trong phòng giam có một người tù từng là sĩ quan biệt kích, chuyên môn đánh những người tù làm ăng ten. Nhưng riêng với Duyên Anh, anh biệt kích này tỏ vẻ quý trọng đặc biệt.

ĐQ Anh Thái tố cáo một số xảo thuật của Việt cộng nhằm bôi nhọ và triệt hạ uy tín của những người chống đối họ cách hữu hiệu. Duyên Anh là một trong những người này. Anh nhắc lại lần gặp Duyên Anh hai năm trước đó tại Paris, khi Duyên Anh nói chuyện với Thái về chính văn, ngụy văn. Thái đề nghị Duyên Anh nên tập trung viết chính văn, không nên viết ngụy văn nữa. Theo ĐQ Anh Thái, ngụy văn là loại văn trào lộng, châm chọc, khiêu khích người khác.

Trong lúc ĐQ Anh Thái đang nói, Duyên Anh vẫy tôi lại, nói nhỏ:

- Nguyễn Trọng Nho bảo anh, nó muốn lên nói, nhưng ngại em không cho nó nói.

Tôi bảo anh:

- Anh ấy muốn lên nói, thì để em giới thiệu, không có vấn đề gì đâu.

ĐQ Anh Thái vừa dứt lời, tôi lên bục, giới thiệu “vua xuống đường, một trong những lãnh tụ sinh viên thập niên 60, luật sư Nguyễn Trọng Nho.”

Nguyễn Trọng Nho bày tỏ sự ngưỡng mộ văn chương và tư tưởng Duyên Anh, đặc biệt khi anh vào thư viện trung ương Los Angeles, thấy khu sách tiếng Việt tràn ngập tác phẩm Duyên Anh. Nhưng sau đó, có lẽ vì không chuẩn bị sẵn, anh chuyển sự ngưỡng mộ của mình sang nhà văn nữ Dương Thu Hương, trước khi dứt lời, khiến một số người tham dự cảm thấy hơi ngỡ ngàng.

Nhà văn Phạm Kim Vinh mở đầu bài phát biểu bằng lời mạnh mẽ kết án bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới tự do, nhưng thật ra, chỉ là một bọn buôn bán nhân quyền. Theo Phạm Kim Vinh, Duyên Anh tung hoành trong làng văn chương với tám mươi tác phẩm đã xuất bản. Thế mà, anh vẫn chưa dám xưng là nhà văn; chỉ khiêm tốn tự nhận mình là thợ viết thôi.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông  - Page 2 Empty Re: Nhà văn Duyên Anh và sự cố cuối đời của ông

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

Page 2 of 2 Previous  1, 2

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum