Our forum runs best with JavaScript enabled !

Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên!

View previous topic View next topic Go down

Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên! Empty Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên!

Post by LDN Wed May 10, 2023 4:57 am

Nhìn thạc sĩ ĐH top đầu 40 tuổi xin việc bị gọi là ‘bà thím’, tôi nhận ra: Không sở hữu 3 thứ này trước tuổi 30, trung niên chắc chắn chật vật

21/03/2023


Tại thời điểm mới tốt nghiệp, trình độ học vấn là một điểm cộng, nhưng đến khi tuổi cao hơn,  học vấn không còn mang tính quyết định nhiều như trước. Khủng hoảng tuổi trung niên có thể đến với những ai không biết tích lũy những thứ này khi còn trẻ.

Khủng hoảng cay đắng ở tuổi trung niên

Những ngày gần đây, từ khóa “Cao thủ 40 tuổi thạc sĩ Đại học 985 đi xin việc bị trả hồ sơ” đã trở thành xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Cô Vương từng theo học cao học ở một trường Đại học 985 (những trường đại học hàng đầu Trung Quốc) khi nộp hồ sơ cho một công ty thương mại liền bị từ chối với lý do tuổi tác không phù hợp.

Người phụ nữ rất khó hiểu, hỏi ngược lại HR: “Vậy đến khi 40 tuổi, chị có tự động từ chức không?”. HR tức giận đáp trả: “Chị xin việc mà lại có thái độ như vậy. Công ty không có nhu cầu thuê thím về đâu”.

Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến một sinh viên tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa, đã đến tuổi trung niên nhưng liên tục gặp thất bại khi kiếm việc làm. Mức lương ông yêu cầu cũng chỉ 5.000 NDT nhưng gửi hồ sơ từ tháng 8 năm ngoái đến nay, không công ty nào phản hồi.

(Ảnh minh họa)

Cuộc khủng hoảng tuổi trung niên bắt đầu khi phải tìm kiếm một công việc. Trong suy nghĩ của nhiều người, tuổi trung niên là tuổi dễ bị đào thải. Tại thời điểm mới tốt nghiệp, trình độ học vấn là một điểm cộng, nhưng đến khi tuổi cao hơn, học vấn không còn mang tính quyết định nhiều như trước.

Giáo sư Trung Quốc Shan Ren đã rút ra một kết luận gọi là "hiệu ứng 40 tuổi". Ông nhận thấy rằng những người có sự nghiệp thành công biết cách làm việc chăm chỉ khi còn trẻ, trau dồi kỹ năng chuyên sâu và ổn định giá trị ngành của họ. Tích lũy đến tuổi 40, họ sẽ đạt đến đỉnh cao cuộc đời.

Tuổi trung niên giống như một ranh giới. Có người bắt đầu phát huy năng lực, con đường ngày càng rộng mở, có người làm ăn thua lỗ, cuộc sống ngày càng khó khăn. Suy cho cùng, cơ hội hay khủng hoảng ở độ tuổi trung niên không nằm ở con số tuổi tác mà nằm ở việc liệu chúng ta có ổn định được bản thân trước tuổi 30 hay không.

Cái bẫy của sự thoải mái

Một con chuột rơi vào hũ gạo đầy ắp, ngày nào cũng no nê rồi lăn ra ngủ. Nhưng bỗng một hôm, gạo trong hũ cạn đáy, chuột thấy mình bị mắc kẹt không cách nào thoát ra được. Chúng ta cũng đều dễ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan như vậy.

(Ảnh minh họa)

Khi còn là phóng viên tài chính ở Bắc Kinh (Trung Quốc), tôi ngồi cùng bàn với một đồng nghiệp tốt nghiệp Đại học Nhân dân Trung Quốc. Trong quá trình tác nghiệp, tôi tích cực chạy khắp nơi để tìm kiếm thông tin. Bất cứ khi nào tôi có thời gian rảnh, tôi sẽ đọc các chính sách kinh tế, phân tích các hiện tượng và tích lũy tài liệu,kiến thức hỗ trợ cho quá trình phỏng vấn, viết bài.

Đồng nghiệp của tôi làm một ngày, nghỉ một ngày, nhàn nhã vừa uống trà vừa đọc báo, viết bài cũng qua loa không tốn giọt mồ hôi nào. Khi tôi lên chức, anh ấy vẫn ngồi tại chỗ cũ, sống cuộc sống không khác trước. Tôi nghỉ việc trong tòa soạn báo in để đi tìm cơ hội mới khi đã tích lũy đủ sự nhanh nhạy trong ngành truyền thông, đồng nghiệp của tôi dù tốt nghiệp trường danh giá lại vẫn ngồi ở vị trí năm nào, lo cuộc sống từng ngày.

Tôi thường lấy ví dụ này kể lại cho các đồng nghiệp trẻ, bởi cuộc khủng hoảng tuổi trung niên 35 tuổi của bạn bắt nguồn từ sự thỏa mãn của tuổi 25.

(Ảnh minh họa)

Học giả người Mỹ Steven Hull từng đưa ra một khái niệm có tên là thương số thời gian. Nó phản ánh thái độ của một người đối với thời gian và khả năng sử dụng thời gian để tạo ra giá trị. Người có thương số cao không chỉ có thể tận dụng tốt nhất thời gian hiện tại mà còn có kế hoạch dài hạn cho tương lai.

Tôi từng đọc được câu nói của một nhà văn Trung Quốc: “Những người không gặp khủng hoảng tuổi trung niên, đó là bởi khi còn trẻ, họ cảnh giác với khủng hoảng từng phút”. Hạnh phúc và sự ổn định ở tuổi trung niên khả năng rất cao phụ thuộc vào cách bạn tận dụng thời gian khi còn trẻ.

Đóa hoa cuộc đời ở tuổi trung niên sẽ nở với tỷ lệ thuận với nỗ lực trước 30 tuổi của bạn.

Cần chuẩn bị gì trước tuổi 30 để không chật vật tuổi trung niên?

1. Năng lực chuyên môn

Một blogger trên mạng xã hội Zhihu là lập trình viên cấp dưới “làng nhàng” của một nhà máy lớn. Nhiều năm trôi qua, công việc thăng trầm, cuộc sống của anh cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Bỗng một ngày, đàn anh trong công ty gợi ý anh nên học sâu thêm về cơ sở dữ liệu, chỉ mất 5 năm có thể trở thành chuyên gia.

Blogger như bừng tình, bắt đầu nghiên cứu những kiến thức liên quan trong lĩnh vực này một cách háo hức. Ngoài giờ làm việc, anh dành thời gian đọc tài liệu, lái xe đến thành phố khác để nghe bài giảng chuyên gia, xin lời khuyên từ các tên tuổi lớn trong ngành một cách khiêm tốn

(Ảnh minh họa)

Kết quả là anh chỉ mất 3 năm để hoàn thành “kế hoạch 5 năm”, trở thành một chuyên gia trong ngành như anh khi bước vào độ tuổi 30  và mức lương tăng gấp nhiều lần. Khi bạn sở hữu năng lực cốt lõi, bất kể bạn ở ngành nào, bạn sẽ luôn có chỗ đứng.

2. Sở hữu mạng lưới mối quan hệ chuyên nghiệp

Một HR nổi tiếng đã từng nêu quan điểm: “Nếu ở tuổi 35, bạn vẫn đang tìm việc bằng cách nộp hồ sơ, điều đó cho thấy hai điểm: Một là bạn chưa vững vàng trong lĩnh vực chuyên môn của mình, hai là bạn chưa quản lý tốt các mối liên hệ nghề nghiệp”.

Cùng là thất nghiệp hay thôi việc, có người chỉ cần gọi điện là nhận việc mới ngay, có người vẫn phải “rải” CV cạnh tranh với những ứng viên trẻ hơn cả 10, thậm chí 20 tuổi. Trong thời đại này, càng có nhiều mối quan hệ chất lượng bạn càng dễ nhận sự hỗ trợ khi cần thiết. Mạng lưới quan hệ càng rộng, con đường bạn đi càng thênh thang.

3. Ổn định lĩnh vực nghề nghiệp

Đại học Harvard đã thực hiện một cuộc khảo sát trong 25 năm đối với sinh viên tốt nghiệp và rút ra kết luận: Những người nỗ lực không ngừng theo một hướng nhất định hầu hết đều trở thành những người thành công trong mọi tầng lớp xã hội; Những người không thường xuyên chuyển hướng trở thành chuyên gia trong các ngành và lĩnh vực khác nhau, hầu hết sống trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu. 

Còn những người không có mục tiêu và thường xuyên thay đổi ngành nghề có sự nghiệp và cuộc sống không mấy khả quan, thường phàn nàn về người khác và xã hội. Nhiều người thường chỉ biết “nhìn núi này trông núi nọ” , thay đổi liên tục công việc thường khó đạt được thành tựu đáng kể.

(Ảnh minh họa)

Hãy sớm tìm kiếm lĩnh vực thế mạnh của bạn, bước từng bước như leo bậc thang chăm chỉ và đúng cách sẽ đưa bạn chinh phục mọi đỉnh cao. Khi chúng ta biết âm thầm tích lũy và lên kế hoạch, bạn sẽ dễ dàng hơn trên nửa con dốc sau của cuộc đời.

*Bài viết của tác giả Ciyu, một cựu phóng viên tài chính đăng trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)

Theo Thanh Tâm

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên! Empty Re: Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên!

Post by LDN Thu Jul 06, 2023 7:57 am

Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên!

Cafef.vn

Qua rồi cái thời làm một công việc ổn định từ đầu tới cuối đời, qua rồi cái thời vào biên chế nhà nước hay công ty là "kê cao gối ngủ". Không gì đảm bảo mức lương của bạn sẽ tăng đều đặn từ giờ tới cuối đời, một khả năng vô cùng lớn là bỗng một ngày công ty phá sản hoặc đơn giản là thay sếp.

Khủng hoảng tuổi 30 thực ra được báo trước bởi những cơn buồn ngủ tuổi 25?

Thời gian gần đây tôi làm việc với khá nhiều hồ sơ CV đợi phỏng vấn. Và bất ngờ phát hiện ra, có rất nhiều CV của những người trong tầm tuổi 35 bắt đầu đi xin việc với những vị trí không liên quan gì tới công việc cũ, hoặc sẵn sàng đi làm với mức lương thấp hơn mức lương trước đây. Sau khi phỏng vấn 4 trường hợp, tôi nhận ra một câu chuyện tương đối phổ biến, thể hiện rõ nếp suy nghĩ của rất nhiều những người bạn trong thế hệ tôi thời điểm này.

Vậy vì sao chúng ta có thể trở nên thất nghiệp ở tuổi 35?

1. Đề cao quá mức "kinh nghiệm"

"Khi tôi 35, tôi có rất nhiều kinh nghiệm". Nhưng nếu kinh nghiệm đó chỉ nằm ở 1-2 vị trí, với những đầu việc được lặp lại đều đặn, thì đó chỉ là 1-3 năm kinh nghiệm được lặp lại vài lần.

Nếu áp dụng nguyên tắc 10.000 giờ (theo đó, một người muốn trở nên xuất sắc trong 1 công việc bất kỳ sẽ cần khoảng 10.000 giờ luyện tập), mỗi ngày làm việc 8 tiếng, mỗi năm làm việc 250 ngày, thì cơ bản với một công việc chuyên môn nhất định, người ta sẽ thành thạo sau 3-4 năm.

Từ năm thứ 5 trở đi, người ta sẽ trở thành một anh công nhân quen tay ngồi trong văn phòng chứ ko phát triển thêm đáng kể nữa. Hay nói cách khác, cùng công việc bàn giấy đó, kinh nghiệm từ năm thứ 5 trở đi của anh ta trở nên vô giá trị.

"Làm quản lý sẽ không lo thất nghiệp". Vâng, điều đó chỉ đúng khi anh là quản lý cấp cao, còn cỡ 'team leader', 'manager' thì chẳng thiếu bao giờ. Mà với vị trí quản lý cấp cao, nhân sự dao động rất ít, ghế thì không nhiều, lý do gì để bạn ngồi được thay chỗ người ta, chưa kể những yếu tố khắt khe khi tuyển dụng cấp cao về tầm nhìn, văn hoá và sự phù hợp. Từ 'manager' công ty A về làm nhân viên cho công ty B, tôi thấy rất nhiều.

2. Giữa một CV người trẻ tuổi và một CV người già có kinh nghiệm, chọn ai?

Tôi chọn người mang cho mình nhiều giá trị hơn, trả lương thấp hơn và bớt đòi hỏi hơn.

Lúc này chính kinh nghiệm lại đang bộc lộ mặt trái của nó. Những người già hơn, có "nhiều-kinh-nghiệm" làm quen tay một công việc bắt đầu bộc lộ nhược điểm về sự kém thích nghi, có xu hướng mong muốn áp dụng kiến thức và mô hình từ công ty cũ sang công ty mới mà thiếu điều chỉnh, tự mãn với thành công cũ mà quên đi rằng thị trường và khách hàng đã thay đổi.

Chưa kể các nhân sự "lão đa lão đề" thường đòi hỏi mức lương cao cùng nhiều chế độ khắt khe, đi kèm xu hướng mong muốn "thay-máu" bộ máy đang làm việc và văn hoá công ty hiện tại, đôi khi làm người quản lý đứng trước việc tuyển dụng nhân sự dạng này đồng nghĩa với rủi ro thay thế hầu hết đội ngũ nhân sự đang làm việc hiệu quả.

Với tôi lúc này, một nhân sự trẻ, có khoảng 2 năm kinh nghiệm, cởi mở cầu tiến, tôi tin tưởng sau 6 tháng làm việc hoàn toàn có thể bù đắp và ngang hàng một lão làng 6 năm kinh nghiệm. Khả năng thích nghi cao hơn, kiến thức cập nhật hơn, lương trả thấp hơn và chắc chắn là ít đòi hỏi hơn. Dĩ nhiên với nhà tuyển dụng, anh ta là ứng viên sáng giá hơn một ông già đòi hỏi và cứng nhắc chứ?

3. Nhiều người ngủ quên từ khi 25 tuổi

Tôi nhìn thấy nhiều người bạn của mình thế này: ra trường ở tuổi 22, đi làm tại một công ty nào đó tầm 2 năm, ở tuổi 24 không biết làm gì tiếp, họ lấy vợ lấy chồng, 1 năm sau đẻ con, thành bố thành mẹ; công việc vẫn ổn, lương đủ sống, con cái bận rộn. Trong một giấc mơ nhàn hạ mà họ vừa ao ước, vừa thấy buồn chán là cuộc đời họ cứ đơn giản như thế mà lướt qua, tới ngày tuổi 60, nghỉ hưu cái "xoạch" là xong. Hạ cánh an toàn!

Họ không nhớ lần cuối đọc một cuốn sách là khi nào, hay học một khoá học vì mong muốn bản thân giỏi hơn là bao giờ. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ dừng luôn việc học hành và phát triển kiến thức bản thân, họ nghĩ việc học đã dừng lại sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp và có một công việc lương đủ sống.

Cá nhân họ tính từ ngày ra trường tới giờ, tôi nhìn họ không có chút khởi sắc nào đáng kể về kiến thức và công việc, trừ được cộng dôi dư ra vài năm làm việc văn phòng quen tay. Sự nghiệp của họ ngay từ khi bắt đầu đã chỉ để chuẩn bị cho viễn cảnh về cuộc hạ cánh an toàn. Vì thế khái niệm "việc nhàn, ổn định" ra đời từ thời bố mẹ vẫn còn găm trong tiềm thức.

Và cuộc đời của họ có lẽ cũng sẽ cứ mãi ổn nếu không có một ngày bỗng dưng công ty phá sản hay đẩy họ ra đường!

4. Thị trường lao động không còn như cái thời ông bà bố mẹ bao cấp những năm 90

Năm 2010, Việt Nam chính thức ra khỏi danh sách các nước nghèo. Tiếp đó 5 năm, lần lượt các tổ chức phi chính phủ NGO và quỹ quốc tế đóng cửa rồi rút khỏi Việt Nam, rất nhiều nhân sự làm cho các tổ chức NGO từng nhận lương ngàn đô bỗng một ngày thất nghiệp, loay hoay xin vào các tổ chức NGO ít ỏi còn lại.

Số ghế không đủ cho tất cả mọi người, có người xin vào các doanh nghiệp nhưng tư duy làm cho tổ chức phi lợi nhuận trước đây không thể nào phù hợp với mô hình doanh nghiệp lấy lợi nhuận ra làm mục tiêu kinh doanh. Không ít người sau đó, miễn cưỡng trở thành những thầy cô giáo trong các trung tâm dạy tiếng Anh, hoặc có người mở 'shop' quần áo, bán hàng xách tay... với mức lương non nửa thời trẻ.

9% người Mỹ thất nghiệp ở độ tuổi từ 30-45 năm 2010. Thậm chí trong bộ phim 'Up in the air', George Clooney còn đóng vai 1 người tư vấn chuyên xử lý việc sa thải những nhân sự già nua chi phí cao, mà bộ máy kinh doanh cho rằng đã ''hết đát", sao cho êm thấm.

Nhìn sang Trung Quốc cũng sẽ thấy, thị trường lao động Việt Nam đang dịch chuyển dần tới thị trường lao động quốc tế, nơi chỉ tồn tại trên thị trường những lao động có giá trị cạnh tranh, và việc xuất hiện những cá nhân thất nghiệp, hoặc buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp ở tuổi sau 35 là điều không hiếm.

Qua rồi cái thời làm một công việc ổn định từ đầu tới cuối đời, qua rồi cái thời vào biên chế nhà nước hay công ty là "kê cao gối ngủ". Không gì đảm bảo mức lương của bạn sẽ tăng đều đặn từ giờ tới cuối đời, một khả năng vô cùng lớn là bỗng một ngày công ty phá sản hoặc đơn giản là thay sếp.

Bạn phải tìm việc mới, và nếu năng lực không đủ để ứng tuyển trong thị trường lao động cạnh tranh, ngồi nhà 1 năm thì bạn chỉ còn 1 con đường duy nhất khác: buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp, và bắt đầu với mức lương như một sinh viên mới ra trường. Khi đó, thu nhập của bạn ở tuổi 35 thấp hơn ở tuổi 30 là rất hiện hữu.

Mà rủi ro đó là hoàn toàn có thật, 370 công ty phá sản ở Việt Nam mỗi ngày, là từng ấy lao động sẽ ùa ra đường, hoà cùng hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, tham gia vào đội ngũ những người săn tìm việc làm. Những người già về tuổi nhưng nghèo về kiến thức và khả năng thích nghi, lấy gì ra làm thế mạnh cạnh tranh trong đội ngũ lao động đó?

Bản thân tôi, chưa khi nào hết thấy sức ép của một thế hệ những người trẻ năng động hơn, có kiến thức quốc tế tốt hơn, được đào tạo bài bản hơn tôi đang hò reo phía sau lưng, nhắc mình không được dừng bước và tự hài lòng. Thất nghiệp có thể là thứ tôi sẽ không gặp phải, nhưng tụt hậu và trở nên dốt nát tới ngoan cố là thứ tôi biết chắc mình sẽ dẫm phải nếu chỉ dừng việc học hỏi và cố gắng trong 1-2 năm.

Chẳng có cách thức nào đảm bảo bạn sẽ không bị sa thải hay thất nghiệp ở tuổi trung niên, nhưng có một số chú ý tôi đọc được trong các bài báo và nghiên cứu về vấn đề này cho ta một bức tranh toàn cảnh:

- Thời gian thất nghiệp trung bình của 1 người trên 35 tuổi cho tới khi tìm được việc mới tại Mỹ là 53 tuần, so với 19 tuần ở người trẻ. Lúc này bạn thấy rõ, lợi thế kinh nghiệm không được thể hiện ở đây.

- Khủng hoảng tâm lý ở người thất nghiệp trung niên trầm trọng hơn nhiều người trẻ do các gánh nặng về trang trải chi phí gia đình, con cái, học hành, y tế, nhà cửa, các khoản vay và trả góp. Sự bế tắc về nghề nghiệp ở tuổi này dễ dẫn đến các nguy cơ trầm cảm và tự sát.

- Dù không bị thất nghiệp, nhưng xu hướng thu nhập bắt đầu giảm dần ở hơn 21% lượng lao động trên 45 tuổi.

- Tỷ lệ thất nghiệp và bị sa thải ở bậc quản lý chỉ thấp hơn 8% cấp bậc nhân viên. Hãy thôi tự phụ!

- Học tập, đọc sách và cập nhật kiến thức mới là cách tốt nhất đảm bảo giá trị của bản thân trên thị trường lao động. Học tập, học tập, và tiếp tục học tập. Hãy học nhiều hơn và giỏi hơn những gì công việc hiện tại của bạn yêu cầu, đừng chỉ học đủ.

- Xây dựng giá trị không thể thay thế của bản thân trong công ty và thị trường lao động, chủ động thay đổi và tạo nên thử thách trong công việc hàng ngày, đừng để các công việc xử lý hàng ngày của mình lặp lại đều đặn trong quá 6 tháng.

- Làm công việc mình thích ngay từ thời còn trẻ, hoặc sớm nhận ra và chuyển đổi nghề nghiệp khi còn trẻ. Bởi cơ bản, khó ai có thể làm công việc mình căm ghét cả cuộc đời, và đạt kết quả tốt.

- Dù theo ngạch chuyên gia hay quản lý, bạn vẫn phải học kỹ năng quản lý, trước tiên là quản lý công việc của chính mình. Sau đó là các kỹ năng giao tiếp và phối hợp làm việc, những cá nhân bị lựa chọn sa thải thường là các cá nhân khó hòa nhập với tập thể chung nhất. Tôi không đồng tình với cách lựa chọn này nhưng nó là sự thật.

Có lẽ đây sẽ là cái bóng nhắc chúng ta rằng: "Mình không thể ngủ quên an nhàn ở tuổi dưới 30!"

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.


Last edited by LDN on Sat Jul 08, 2023 1:52 pm; edited 1 time in total

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên! Empty Re: Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên!

Post by LDN Thu Jul 06, 2023 8:05 am

Tôi 39 tuổi, nghỉ việc được 1 năm và đã tiêu sạch tiền tiết kiệm, hối hận khôn nguôi: ‘Chừng nào không cầm chắc 4 thứ này trong tay, nghỉ việc sẽ phải ‘lãnh đủ’

29/04/2023 - cafef vn

Giờ nghĩ lại quãng thời gian xin nghỉ việc và khởi nghiệp trong bốc đồng, tôi thường ân hận, nghĩ: Giá như lúc đó không hấp tấp nghỉ việc thì tốt biết mấy, nhưng có những chuyện nếu đã xảy ra thì sẽ không thể nào cứu vãn được.

Luôn có rất nhiều vấn đề tồn tại tại nơi làm việc, từ việc phải đối mặt với những ông chủ kén chọn và khắt khe, tới những trận chiến văn phòng với đồng nghiệp…. Có rất nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận người trung niên từ bỏ công việc ổn định và thu hết can đảm xin nghỉ việc để hướng tới ước mơ của mình. Tuy nhiên, thế giới bên ngoài, có thực sự tốt đẹp như tưởng tượng hay không? Hơn 10 năm kinh nghiệm ở nơi làm việc cho tôi biết rằng đối với hầu hết những người trung niên, trước khi muốn xin nghỉ việc, họ phải suy nghĩ vô cùng thận trọng.

Sự bốc đồng là ác quỷ, nó sẽ khiến bạn phải trả giá và hối hận

Minh, 39 tuổi, từng là quản lý cấp trung của một công ty niêm yết lớn, một năm trước, anh cạnh tranh với một đồng nghiệp khác cho vị trí giám đốc marketing, nhưng đã thất bại.

Vốn là người luôn tự hào về tài năng và tham vọng của mình, Minh cảm thấy mình đột nhiên rơi xuống vực sâu và phải chịu một sự sỉ nhục lớn, anh cảm thấy bị đồng nghiệp coi thường, một trong những cấp dưới sinh sau năm 95 của anh giờ đã ngang hàng với anh. Những đồng nghiệp trước đây luôn tôn trọng và lễ phép giờ cũng thay đổi thái độ, chán nản và tức giận, anh đã xin nghỉ việc.

Minh vốn luôn là một người rất có năng lực và năng nổ trong công ty, anh tin rằng với kinh nghiệm và năng lực tích lũy được trong 10 năm làm việc tại các công ty niêm yết, anh nhất định sẽ có thể bứt phá, gây dựng nên bầu trời của chính mình.

Một tháng sau khi nghỉ việc, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, anh nhanh chóng thành lập một cơ sở giáo dục và đào tạo online, thuê một căn phòng gần nhà, thuê hai biên tập viên và bắt đầu công việc giáo dục và đào tạo trực tuyến. Minh nghĩ rằng sự kết hợp của Internet và giáo dục sẽ phát triển nhanh chóng, hơn nữa xung quanh anh cũng không có đối thủ cạnh tranh, vì vậy, anh sẽ sớm kiếm được tiền.

Nhưng kết quả luôn ngoài dự đoán, Minh đã không tuyển được một học sinh nào trong 3 tháng, mặc dù trong tháng thứ 4, anh đã tuyển được một học sinh thông qua quảng cáo và kiếm một số tiền bằng cách bán tài liệu giảng dạy trực tuyến, nhưng số tiền đó quả thực không thấm vào đâu. Cuối cùng, vào cuối tháng thứ năm, anh tuyên bố đóng cửa.

Tuy nhiên, chuyện này vẫn chưa kết thúc, phí quản lý nhượng quyền thương mại, phí mua nguyên vật liệu, tiền lương của nhân viên tổng cộng đã tiêu tốn của anh hơn một số tiền không nhỏ, trong khi, số tiền anh kiếm được lại chỉ chưa bằng 1/10 số vốn anh bỏ ra.

Lúc này, anh không còn đủ vốn để khởi nghiệp lại, tài khoản chỉ còn lại rất ít tiền tiết kiệm, vì vậy anh chỉ có thể cân nhắc đi làm việc trở lại.

Tuy nhiên, điều anh không ngờ tới là việc tìm kiếm việc làm đã không còn dễ dàng như khi ở độ tuổi 20. Nhiều doanh nghiệp nhà nước và đơn vị tư nhân đều yêu cầu ứng viên phải dưới 35 tuổi, hơn nữa, Minh lại từng là một cán bộ cấp trung với mức lương và quyền lực khá cao, phần lớn các doanh nghiệp nhân không thể đáp ứng được điều đó cho anh.

Cuối cùng, với sự giúp đỡ của một người họ hàng, anh đã vào một doanh nghiệp tư nhân với vị trí "giám đốc văn phòng". Mặc dù trên danh nghĩa là giám đốc, nhưng thực tế trong văn phòng chỉ có ba người cộng cả anh, và anh cũng phải tự mình làm hầu hết mọi việc.

Chưa kể lương làm thêm giờ không cao, còn phải luôn phải đề phòng bị cho vào danh sách sa thải.

Đi làm hơn nửa năm, Minh cảm thấy không ổn, anh thường xuyên phải làm việc thâu đêm, sức khỏe sa sút, nhưng nỗi đau và sự khốn khổ khi khởi nghiệp vẫn chưa tan biến, anh cũng còn cả một gia đình phía sau phải lo lắng, tất cả khiến anh không dám nghỉ việc một cách dễ dàng lần nữa.

Giờ nghĩ lại quãng thời gian xin nghỉ việc và khởi nghiệp trong bốc đồng, anh thường ân hận, nghĩ: Giá như lúc đó không hấp tấp nghỉ việc thì tốt biết mấy, nhưng có những chuyện nếu đã xảy ra thì sẽ không thể nào cứu vãn được.

Tôi 39 tuổi, nghỉ việc được 1 năm và đã tiêu sạch tiền tiết kiệm, hối hận khôn nguôi: ‘Chừng nào không cầm chắc 4 thứ này trong tay, nghỉ việc sẽ phải ‘lãnh đủ’ - Ảnh 2.
02

Đừng dễ dàng xin nghỉ việc nếu bạn chưa chuẩn bị đủ bốn yếu tố này

Nếu bạn đang ở độ tuổi trung niên, phải nghỉ việc vì sự suy thoái của ngành, lợi nhuận của công ty giảm sút hay bị lãnh đạo nhắm vào…. thì tôi khuyên bạn nên cố gắng tạo cho mình 4 điều này trong thời gian ngắn nhất có thể, nếu không, việc xin nghỉ việc có lẽ chỉ nên là giấc mơ.

Thứ nhất, có năng lực cạnh tranh của riêng mình

Khả năng cạnh tranh cốt lõi được đề cập ở đây có thể là kinh nghiệm quản lý mà bạn đã tích lũy được trong nhiều năm, đó có thể là những kỹ năng bạn đã thành thạo trong công việc hoặc trong thời gian rảnh rỗi, hoặc đó có thể là khách hàng và tài nguyên mạng lưới mà bạn đã tích lũy được.

Đây đều là những đảm bảo để bạn tồn tại hoặc thậm chí sống tốt hơn sau khi nghỉ việc, bạn có thể xem lại và tổng kết, bạn có kinh nghiệm quản lý vững chắc không, đã có công ty săn đầu người hay HR nào tiếp cận bạn để trao đổi riêng chưa? Bạn có bất kỳ kỹ năng sở trường vững chắc nào không? Bạn có khả năng khiến sở thích của mình kiếm ra tiền hay không?

Sở hữu một kỹ năng có thể kiếm tiền là cách tốt nhất để tránh cuộc khủng hoảng của những thực tế trần trụi, nhưng làm thế nào để có được một kỹ năng chuyên môn thế mạnh? "Có nhiều nghề nghiệp" là cách làm của nhiều người, vừa có nghề chính lại kiêm thêm nghề phụ, nhiều trường hợp thu nhập của nghề phụ có khi vượt cả nghề chính.

Nhưng bạn phải cân nhắc xem tiền kiếm được từ công việc phụ có cao hơn lương chính của bạn không? Ngay cả sau khi bạn rời công ty, tài nguyên mà bạn có có thể giúp bạn trong công việc tiếp theo hoặc bắt đầu kinh doanh không?

Nếu bạn trả lời có cho những câu hỏi này, vậy thì xin chúc mừng!

Tôi 39 tuổi, nghỉ việc được 1 năm và đã tiêu sạch tiền tiết kiệm, hối hận khôn nguôi: ‘Chừng nào không cầm chắc 4 thứ này trong tay, nghỉ việc sẽ phải ‘lãnh đủ’ - Ảnh 3.
Thứ hai, có tiền gửi đáng kể

"Tiền tiết kiệm" được đề cập ở đây không có nghĩa là bạn hay gia đình bạn phải tiết kiệm rất nhiều tiền, mà là số tiền bạn tiết kiệm được phải có khả năng chống lại nhiều rủi ro chưa biết sau khi bạn nghỉ việc!

Những người trung niên nghỉ việc để khởi nghiệp thường sẽ phải trả một cái giá đắt hơn những người trẻ tuổi, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro gần như không thể chịu đựng được, vì vậy bạn phải có một bản lĩnh kiên cường để chống lại rủi ro.

Nếu không biết mình cần tiết kiệm bao nhiêu tiền để phòng ngừa rủi ro, bạn có thể tự hỏi mình một số câu hỏi sau:

Bố mẹ bạn có bảo hiểm dưỡng lão không, đặc biệt là bảo hiểm y tế, tiền tiết kiệm của bạn có thể xử lý một số điều ngoài ý muốn hay không?

Một mình thu nhập của nửa kia có thể duy trì chi tiêu hàng ngày của cả gia đình không?

Khoản tiết kiệm hiện tại của bạn có thể giữ cho chất lượng cuộc sống gia đình không bị giảm xuống ngay cả khi bạn không có việc làm trong hơn một năm không?

Nếu các câu trả lời trên đều là khẳng định, điều đó có nghĩa là bạn có đủ tự tin về tài chính để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Dù sao đi nữa, bạn cũng cần phải cố gắng xem xét nhiều khía cạnh, chẳng hạn như khi có trường hợp khẩn cấp trong gia đình, khi con cái cần đăng ký vào một lớp học nào đó, khi một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè bị ốm, khi bạn gặp một cơ hội nào đó, đôi khi, ngay cả khi bạn nghỉ việc và không có thu nhập, bạn vẫn có đủ số dư để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của mình.

Tôi 39 tuổi, nghỉ việc được 1 năm và đã tiêu sạch tiền tiết kiệm, hối hận khôn nguôi: ‘Chừng nào không cầm chắc 4 thứ này trong tay, nghỉ việc sẽ phải ‘lãnh đủ’ - Ảnh 4.
Thứ ba, có một thương hiệu cá nhân có giá trị

Thương hiệu cá nhân ở đây không có nghĩa là bạn phải là phó chủ tịch, giám đốc, giám sát viên hay những chức danh cao ngất ngưởng khác trong công ty, mà là khi ai đó nhắc đến bạn, họ sẽ nghĩ ngay đến một năng lực nào đó của bạn; khi người khác nhắc tới một lĩnh vực hoặc kỹ năng nào đó, họ sẽ nghĩ đến bạn hoặc tác phẩm của bạn đầu tiên, "suy nghĩ đầu tiên" là rất, rất quan trọng.

Khi còn làm việc trong một công ty quảng cáo phim ảnh và truyền hình, tôi biết rất rõ rằng khách hàng thân thiện và lịch sự với tôi không phải vì kỹ năng của tôi giỏi hay tôi có tầm ảnh hưởng như thế nào, mà chủ yếu là do tôi là "giám đốc bộ phận XX" trong công ty. Danh hiệu này, thực ra, chỉ là nhãn hiệu của công ty chứ không phải thương hiệu cá nhân tôi.

Nếu sau này, khi giới thiệu nghiệp vụ hay kỹ thuật với khách hàng, tôi không cần nhắc đến công ty, bộ phận hay chức vụ của mình, chỉ cần tôi nói tên hoặc công việc của mình, người khác sẽ biết tôi là ai, vậy thì đó mới chính là thương hiệu cá nhân của tôi.

Sau đó, tôi làm video quảng cáo trong vài năm và dần dần nổi tiếng, khi mọi người đến với tôi để nói về việc hợp tác, tôi chỉ nói: "Tác phẩm XX do tôi làm trước đây và tôi đã tham gia dự án XX", và họ sẽ nói: "Ồ, hóa ra anh là người đã tạo ra XX, tôi đã nghe nói về anh từ lâu." Đây là chức năng của thương hiệu cá nhân.

Khi danh tiếng của bạn có thể vượt qua công ty của bạn và tồn tại độc lập, bạn sẽ có khả năng rời khỏi công ty hoặc nền tảng hiện tại của mình bất kỳ lúc nào. Ngay cả khi bạn 50 tuổi, ngay cả khi ngành của bạn không còn tốt nữa, bạn vẫn có thể sống tốt và bạn có thể tiếp tục thăng tiến trong các ngành khác.

Những người trung niên chúng ta trước đây chỉ biết chuyên tâm làm việc, không chú ý xây dựng thương hiệu cá nhân của bản thân, vì vậy, nếu có ý định nghỉ việc và khởi nghiệp, nhất định phải thực hiện bước này. Kể từ bây giờ, bạn phải có ý thức xây dựng bản sắc cá nhân của chính mình.

Một khi bạn được công nhận, bạn sẽ là không thể thay thế, và bạn sẽ có đủ tự tin để rời bỏ công việc của mình bất cứ lúc nào.

Tôi 39 tuổi, nghỉ việc được 1 năm và đã tiêu sạch tiền tiết kiệm, hối hận khôn nguôi: ‘Chừng nào không cầm chắc 4 thứ này trong tay, nghỉ việc sẽ phải ‘lãnh đủ’ - Ảnh 5.
Thứ tư, để có một cơ thể khỏe mạnh

Điều cuối cùng tôi muốn nói là "thân thể là vốn của cách mạng", bất cứ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thân thể của bạn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo rằng bạn có thể tiến lên phía trước.

Bạn có thể tự hỏi:

Bạn có kiên trì tập thể dục mỗi ngày và kiểm soát chế độ ăn uống hợp lý?

Bạn có thường xuyên thức khuya sau 12h đêm?

Bạn có thói quen xấu là hút thuốc và uống rượu, hơn 1 gói thuốc mỗi ngày?

Bạn có trông trẻ hơn 5 tuổi so với tuổi thật của mình không?

Nếu câu trả lời của bạn có thể đáp ứng tiêu chuẩn của một sức khỏe tốt thì yếu tố thể chất cũng có thể bị loại trừ, nếu không thì bạn vẫn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, suy cho cùng thì khởi nghiệp sẽ cần nhiều năng lượng và thể lực hơn công việc làm công ăn lương.

Diệu Đan

Theo thethaovanhoa.vn

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên! Empty Re: Thất nghiệp tuổi 35: Muốn ổn định sớm, sợ thay đổi nên dễ bị sa thải, từ 'manager' thành cấp dưới, nhận lương sinh viên!

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum