Our forum runs best with JavaScript enabled !

Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Page 13 of 55 Previous  1 ... 8 ... 12, 13, 14 ... 34 ... 55  Next

View previous topic View next topic Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Mon Mar 21, 2022 3:35 am

Ukraine: cuối tuần chiến sự leo thang dữ dội

Hiếu Chân
20 tháng 3, 2022 - Sài Gòn nhỏ 

Một khu nhà ở Mariupol đổ nát sau một đợt ném bom không kích. (ảnh: Ukrainian Interior ministry/Anadolu Agency via Getty Images)

Thành phố Mariupol bị bao vây của Ukraine đã bị bắn phá dữ dội vào hôm nay Chủ nhật 20 Tháng Ba. Các lực lượng Nga đã mở rộng cuộc bắn phá bằng cách ném bom từ trên không, bắn nhiều hỏa tiễn từ đất liền và từ chiến hạm ở Biển Azov. 

Mariupol kiên cường 

Nga ra tối hậu thư buộc chính phủ Ukraine phải hạ vũ khí đầu hàng và giao thành phố Mariupol trước 5 giờ sáng hôm nay Chủ nhật, đổi lấy việc quân Nga mở một hành lang an toàn cho cư dân thành phố di tản nhưng tối hậu thư đã bị chính phủ Ukraine bác bỏ ngay lập tức. Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk khẳng định “không thể có chuyện đầu hàng”.

Hàng ngàn người dân Mariupol bị quân Nga cưỡng bức phải rời bỏ nhà cửa, theo các quan chức thành phố và các nhân chứng.

Báo The New York Times đưa tin trong số những cơ sở dân sự mới bị tàn phá có một trường nghệ thuật, nơi có khoảng 400 cư dân đang ẩn náu. Các quan chức thành phố Mariupol nói ngôi trường đã bị ném bom khi lực lượng Nga nhắm vào dân thường. Con số thương vong hiện chưa được biết.

Vào tuần thứ tư sau khi Nga mở cuộc tấn công vào Ukraine, thành phố ven biển Mariupol – một hải cảng chiến lược kiểm soát phần lớn bờ biển phía nam của Ukraine – ngày càng trở thành một biểu tượng cho sự thất bại của người Nga; nhân lực và vũ khí vượt trội của họ đã không thể buộc Ukraine phải đầu hàng nhanh chóng. Và thành phố cũng trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo của Nga, khi các lực lượng Nga ngày càng nhắm vào các địa điểm dân sự bằng hỏa tiễn tầm xa, gây ra tàn phá và thương vong khủng khiếp để hạ gục tinh thần của công chúng và phá vỡ sự kháng cự của quân đội Ukraine.

Mariupol – thành phố của Đức Mẹ Maria – đã không có thực phẩm, nước, điện hoặc khí đốt từ những ngày đầu cuộc xâm lược ngày 24 tháng Hai vừa qua. Nhưng tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn vào cuối tuần này, các trận chiến trên đường phố diễn ra dữ dội và quân Nga đã chiếm được ba khu vực lân cận. Vào sáng nay Chủ nhật, tiểu đoàn Azov, một đơn vị Ukraine thu hút các tay súng cực hữu từ khắp nơi trên thế giới và chịu trách nhiệm bảo vệ thành phố, cho biết bốn tàu hải quân Nga đã nã pháo vào thành phố. Gần như bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, thiệt hại của dân thường ở Mariupol hiện rất khó đánh giá.

Tuần trước, một nhà hát ở Mariupol, nơi trú ẩn của hàng trăm người đã bị biến thành đống đổ nát. Để đề phòng bị ném bom, người ta đã viết từ “TRẺ EM” bằng những chữ cái lớn trên sân trước và vườn sau của nhà hát, có thể nhìn thấy rõ ràng từ trên không; nhưng việc đó cũng không ngăn được phi cơ Nga ném bom xuống nhà hát. Đến bây giờ, số phận của hầu hết những người trú ẩn ở đó vẫn là một ẩn số.

Trong một bài phát biểu trước quốc gia vào tối thứ Bảy, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine nói: “Mariupol bị bao vây sẽ đi vào lịch sử trách nhiệm về tội ác chiến tranh. Sự khủng bố mà những kẻ chiếm đóng gây ra cho thành phố yên bình này sẽ được ghi nhớ trong nhiều thế kỷ tới.”

Theo Pyotr Andryuschenko, cố vấn của thị trưởng Mariupol, khi lực lượng Nga tiến vào trung tâm Mariupol, khoảng 4,500 cư dân đã bị cưỡng bức đưa qua biên giới Nga gần đó.

Tổng thống Zelensky phản đối Israel, chấp nhận đàm phán với Nga

Trong một video phát biểu hôm nay Chủ nhật với các nhà lập pháp Israel, ông Zelensky dường như đã so sánh sự đau khổ của người dân Ukraine với người Do Thái trong thảm họa diệt chủng người Do Thái của phát-xít Đức (Holocaust). “Người dân của chúng tôi hiện đang lang thang trên thế giới, tìm kiếm sự an toàn, như các bạn đã từng trải qua,” Tổng thống Ukraine nói trong bài phát biểu được phát trước đám đông tại một quảng trường công cộng ở thủ đô Tel Aviv.

Ông Zelensky là người Do Thái, nhưng bị Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga gọi là “tên Đức quốc xã nhỏ”, và tuyên bố sai sự thật rằng chính phủ Ukraine thân phát-xít Đức. Ông Putin coi việc “phi phát xít hóa” Ukraine là lý lẽ biện minh cho cuộc xâm lược.

Israel đã cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga, cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine và tiếp nhận người tị nạn, nhưng từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Vòm Sắt (Iron Dome) nổi tiếng của Israel. Lập trường “ba phải” của Israel đã khiến ông Zelensky tức giận. “Có thể làm trung gian giữa các quốc gia, nhưng không thể trung gian giữa thiện và ác”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu kéo dài mười phút.

Bất chấp bốn ngày đàm phán giữa Ukraine và Nga vào tuần trước, có rất ít dấu hiệu cho thấy có tiến triển trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình. Tuy vậy, ông Zelensky vẫn mong muốn tương tác ngoại giao với người Nga, thậm chí ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp với ông Putin. Ông nói với CNN hôm Chủ nhật rằng “nếu không đàm phán, chúng ta không thể kết thúc cuộc chiến này”.

Cuộc chiến tranh hủy diệt

Trong một diễn biến khác ở Ukraine, Nga cho biết họ đã sử dụng hỏa tiễn tầm xa tiên tiến để tấn công ba cơ sở quân sự, bao gồm một trung tâm huấn luyện ở thị trấn phía bắc Ovruch và một kho nhiên liệu lớn gần thành phố Mykolaiv, miền nam nước này.

Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, hôm Chủ nhật cho biết Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal – bay nhanh đến mức có thể tránh được sự đánh chặn – để tấn công kho nhiên liệu. Đó là loại tên lửa mà Nga tuyên bố đã sử dụng lần đầu tiên vào hôm thứ Bảy để tấn công một kho đạn dược ở miền tây Ukraine. Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine, hôm Chủ nhật thừa nhận rằng Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal, nhưng không nói rõ ở đâu hoặc khi nào.

Tướng Konashenkov cho biết hỏa tiễn hành trình được phóng từ Biển Đen hôm Chủ nhật cũng đã phá hủy các phân xưởng của một nhà máy quân sự ở thị trấn Nizhyn, miền bắc nước này.

Giới phân tích quân sự nhận định Nga đã bắt đầu thay đổi chiến thuật, sử dụng hỏa tiễn và ném bom thay cho xe tăng và trọng pháo, để thoát ra khỏi thế bế tắc trên chiến trường và gây ra nhiều thương vong, tàn phá khiến người dân Ukraine phải khiếp sợ. 

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Lloyd J. Austin III, nói với đài CBS “Face the Nation” rằng chiến dịch quân sự của Nga “về cơ bản đã bị bế tắc” sau khi chịu thương vong nặng nề, cho đến nay nét đặc trưng cho chiến lược của Nga là đẩy binh lính của họ “vào một máy băm gỗ”.

Các chỉ huy Nga ban đầu đã lên kế hoạch thực hiện các chiến dịch cơ giới và đường không để nhanh chóng chiếm giữ Kyiv, Kharkiv, Odessa và các thành phố lớn khác của Ukraine. Hy vọng của họ là lật đổ chính phủ Ukraine hiện nay và lập ra một chính quyền trung thành với Moscow. Nhưng sau hơn ba tuần giao tranh, rõ ràng là kế hoạch của họ đã thất bại.

Cơ quan tình báo quốc phòng của Anh hôm Chủ nhật cho biết các lực lượng Nga vẫn cố bao vây các thành phố và vùng lãnh thổ ở phía nam xung quanh Kherson. Tuy nhiên, họ cho biết Nga đã gia tăng “pháo kích bừa bãi vào các khu vực đô thị dẫn đến tàn phá trên diện rộng và số lượng lớn dân thường thương vong.”

Ông Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói rằng hành động như vậy của người Nga là có chủ ý.

Cuộc di cư nhanh nhất ở châu Âu

Chiến tranh xâm lược của Nga đã dẫn đến cuộc di cư nhanh nhất của người tị nạn châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai. Theo Marek Magierowski, đại sứ Ba Lan tại Hoa Kỳ, hơn hai triệu người Ukraine đã tràn vào Ba Lan, nơi chính phủ đã nỗ lực hết mình để hỗ trợ.

Ông đại sứ nói với CNN “State of the Union” vào Chủ nhật rằng Ba Lan đã đưa hàng chục nghìn trẻ em Ukraine vào hệ thống trường học của mình, một phần nhờ vào luật mới cho phép người Ukraine đăng ký thẻ căn cước Ba Lan, giấy phép kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm.

Những nỗ lực này thể hiện bước chuyển biến mạnh mẽ của chính phủ Ba Lan, vốn sử dụng các biện pháp ngày càng cực đoan để ngăn người di cư da màu chạy trốn khỏi các cuộc xung đột ở châu Phi và Trung Đông băng qua biên giới của mình. Tuy nhiên, các quan chức Ba Lan đang thảo luận về những nỗ lực lâu dài hơn để tái định cư phần lớn người Ukraine da trắng đến các nước châu Âu khác, đại sứ Ba Lan cho biết. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để tiếp nhận những người tị nạn Ukraine, để họ tiếp nhận họ trong nhà của chúng tôi. Nhưng, tất nhiên, hai triệu người là một con số khổng lồ,” Đại sứ Magierowski nói.


Last edited by LDN on Mon Mar 21, 2022 3:43 am; edited 1 time in total

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Mon Mar 21, 2022 3:41 am

Putin được gì khi đi xâm lược?

Thu Dương
19 tháng 3, 2022 - Sài Gòn nhỏ 

Tổng Thống Nga Putin trong một buổi họp báo hồi Tháng 12, 2020. (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Với mình, một đứa từng lang thang trong thời trẻ trâu dọc nước Nga, từ thủ đô tới Sibêri, qua đến Saint Petersburg, cái thời đáng ra phải đi học nhưng đi buôn là chính, từng được sống với tất cả sự nồng ấm chân thành của người dân Nga ngay sau khi liên bang Xô viết sụp đổ, từ tính cách của người dân đến lịch sử chính trị của đất nước này, việc quân đội Nga sa lầy như hiện nay giữa chiến trường Ukraina, thực sự mình không ngạc nhiên.

Nhìn lại từ thời Sa hoàng, nước Nga chưa bao giờ có dân chủ. Lịch sử cai trị của đất nước này luôn chỉ ra sự tàn bạo của kẻ mạnh với người yếu thế.

Mạng người trong lịch sử nước này chưa bao giờ có giá trị, đơn giản với những ví dụ về các trại cải tạo lao động dành cho những người đối lập trong suốt chiều dài lịch sử, với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, được dựng lên tại vùng đất băng giá Sibêri, nơi nhiệt độ giữa mùa đông và mùa hè có thể chênh lệch tới 100 độ C. Chỉ có bạch dương mới sống sót được trong khí hậu này.
 
Hàng trăm ngàn tù nhân đã phải bỏ xác khi hoàng cung mới được xây dựng tại Saint Petersburg. Rồi đến thời Stalin với những thảm sát đẫm máu những người bất đồng chính kiến và giới trí thức. Lịch sử chính trị của Nga được in dấu bởi sự dối trá và tàn bạo. Cho đến tận hôm nay.

Điều này giải thích cho những hành động mà quân đội Nga đang ngày đêm thực hiện trong cuộc chiến tại Ukraina khi giết hại dân lành một cách man rợ.

20 năm Putin cai trị nước Nga, cũng vài lần mình trở về thăm chốn cũ. Ngoài những hào hoa phồn thịnh tại các thành phố lớn cùng với những vấn nạn của sự phát triển không có quy mô, khí thải và nạn kẹt xe tại Mátxcơva là một tình trạng kinh hoàng.

Nếu không tính toán cụ thể và ra sân bay vào chiều cuối tuần, khi dân cư thành phố nườm nượp đổ ra nhà nghỉ ngoại ô và các cửa ngõ tắc nghẹt, việc bạn bị trễ máy bay là chuyện không ai quan tâm. Phương tiện giao thông công cộng cũng chỉ có bus ra sân bay, nếu bus vì tắc đường không đến kịp cũng là chuyện của bạn. Không ai có trách nhiệm ở đây cả.

Về đến nông thôn, thanh niên trai gái trẻ không có việc làm, tụ tập nghiện hút. Không có tiền, họ tự pha chế đồ hàng từ xăng, mà theo nghiên cứu thì tác dụng của nó có thể phá hủy cơ thể trong vòng một năm. Trong làng chỉ duy nhất rượu bia và thuốc lá là bán chạy, ngoài thanh niên nghiện ngập chỉ có người già ở lại, còn lại thì bỏ xứ lên thành phố kiếm sống. Một viễn cảnh khiến mình cảm thấy thực sự bị trầm cảm khi về thăm.
 
Con trai mẹ nuôi mình ở Nga đi lính nghĩa vụ, lúc sang thăm mình hỏi cái mũi làm sao mà vẹo thế kia. Nó bảo vào lính bị đánh hội đồng, lính mới bao giờ cũng vậy. Và bạo lực trong quân ngũ là bình thường.

Nghe thấy quen quen giống xứ thiên đường quê ta nhỉ.

Thật tình, nếu không có những kỷ niệm quá sâu đậm với những người dân Nga bình dị, mình sẽ không bao giờ quay lại cái xứ sở bất an này.

Mấy tháng sau khi sang Nga, mình bị viêm ruột thừa phải mổ. Lúc vết mổ chưa khô, một cụ già làm thêm trong bệnh viện ngày nào cũng mang máy tới sấy vết mổ cho mình và trò chuyện. 18 tuổi, lơ ngơ giữa một đất nước xa lạ, mình nhớ mãi tình cảm bà cụ dành cho mình. Có tối đi tàu điện ngầm từ nhà bạn về ký túc xá ở Mát, bị thằng say xỉn bám theo, một cô trung niên kéo mình xuống tàu, vừa đi vừa nói với thằng say bám theo hai cô cháu, mày cút đi, nó là cháu tao đấy, để cho nó yên. Ra khỏi ga tàu rồi bà lại đưa mình xuống tàu, để chắc chắn là thằng kia không còn bám theo mình nữa. Và nhiều lắm những may mắn như vậy.

Nhưng mà cảnh sát Nga sách nhiễu người nước ngoài để kiếm tiền thì cũng không còn lời nào để tả. Bất nhân và vô pháp luật, không coi nhân phẩm con người ra gì.

Tham nhũng từ bộ máy hành chính đến tư pháp, hành pháp thật khủng khiếp tại đây.

Đầu những năm 90, người nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam, bị giết tại Mát vì cướp của hay vì lý do nào đó, rất nhiều. Trong số đó, lực lượng đặc nhiệm của Nga cũng dính tay vào nhiều vụ giết người mà không ai phải chịu một sự trùng phạt nào trước pháp luật.

Đến nay, nước Nga vẫn là một điểm đến không an toàn. 20 năm Putin cai trị, nước Nga chỉ được hoành tráng hơn về bề nổi, và những nhóm lợi ích thân Putin trục lợi theo hệ thống chính sách. Cơ sở hạ tầng, và đời sống của người dân, đặc biệt là người già, không hề được cải thiện. Đầu những năm 90 sống ở Mát, nhìn những cụ già đứng giữa trời lạnh bán thêm mớ rau củ hành bù vào đồng lương ít ỏi, mình xót xa nghĩ nếu mẹ mình cũng phải bươn chải thế này thì khổ lắm. Nghiện ngập say xỉn chết cóng ngoài đường mùa đông là bình thường. Giờ cũng vẫn y nguyên như vậy.

Putin với mình như một đứa trẻ hư vì không được giáo dục tốt, cảm thấy không được quan tâm đủ như nó mong muốn, và vì tự ti trước sự nhỏ bé của mình nên lần này tấn công Ukraina cho đàn anh phía Tây biết sức mạnh của kẻ tự ti. Nhớ những clip Putin quảng bá sức mạnh cơ bắp bằng việc cởi trần cưỡi ngựa, câu cá hay săn gấu, đồng nghiệp người Nga của mình cười và bảo, mày nghĩ gì khi bà Merkel thời mấy năm trước khi còn là Thủ tướng Đức cũng làm vậy? Mình cười bảo, lạy trời chuyện đó sẽ không xảy ra, nếu không chắc tao lại phải di cư đi miền đất mới mày ạ.


Hay ho gì với cái quá khứ điệp viên KGB để giờ đây khoác lên mình bao nhiêu cái chết của người đối lập, nhà báo hay người đào thải vì đầu độc hay ám sát họ, từ trong nước tới nước ngoài?
 
Cuộc tấn công Ukraina của Putin, với mình là phiên bản đúp của bài học về suy nghĩ đám đông. Điển hình của cách suy nghĩ này được nhắc tới trong tâm lý học là trận đánh của những người Cuba di tản qua Mỹ dưới sự điều hành của chính quyền Hoa Kỳ vào vịnh Con heo tại Cuba năm 1961. Tất cả các tướng lĩnh trong bộ chỉ huy đều biết rằng trận đánh không có cơ hội chiến thắng, vì khi đổ bộ vào vịnh thì khả năng lính bị bắn chết là chắc chắn cao. Nhưng vì sợ là người duy nhất nói ra điều này, và sợ bị đào thải khỏi guồng máy, không ai đã dám nói ra sự thật. Kết quả là những người di tản Cuba quay trở lại tấn công nước này đã bị chết thê thảm khi đổ bộ vào vịnh.

Vì sợ bị đầu độc, giết hại và không có cơ hội kiếm chác thăng tiến, nên những người tham gia họp bàn chiến sự trong bộ chỉ huy của Putin đã phạm đúng lỗi group thinking này. Câu lạc bộ 99 phần trăm của quốc hội độc tài bù nhìn đã bỏ phiếu tán thành việc tấn công Ukraina. Và họ chủ quan sẽ “ăn gỏi” Ukraina trong một tuần. Họ sống trong môi trường với những giá trị đạo đức và nhân phẩm suy đồi, nên họ nghĩ loài người tiến bộ cũng giống như họ. Họ đã không thể nghĩ đến phản ứng mạnh mẽ và đoàn kết của cộng đồng quốc tế, trước hành động xâm lấn của họ vào lãnh thổ Ukraina. Putin và đồng bọn đã quá coi thường sức mạnh của sự tử tế.

Việc quân đội Nga rệu rã, vũ khí lạc hậu, với mức độ tham nhũng như ở Nga, chẳng thể ngạc nhiên về việc này. Quân đội Nga qua cuộc chiến này đã chứng tỏ họ không mạnh mẽ như họ và người khác tưởng. Ý chí và khả năng chiến đấu của thế hệ lính mới nhập ngũ không cao, nhiệt huyết của kẻ xâm lược gây tội ác lại càng không phải là nhiệt huyết của người dũng cảm hy sinh cứu nước, dẫn đến việc lính Nga hiện nay bắt đầu đảo ngũ. Đảng tự do dân chủ FDP tại Đức đang đưa ra đề nghị chấp nhận tị nạn chính trị cho lính Nga đào ngũ. Tay chân của Putin, tổng thống Bạch Nga, muốn quân đội của nước này tham chiến tại Nga, nhưng tướng lĩnh của họ đã không đồng tình với việc này.

Tình trạng lính Bạch Nga vượt biên sang Ukraina ủng hộ nước này chiến đấu với Nga khiến thủ tướng Bạch Nga phải ra lệnh kiểm soát chặt chẽ biên giới nước này. Kazachstan, nước Cộng hoà thuộc liên bang Nga cũ với cuộc bạo động của người dân phản đối chính quyền ngay trước khi Putin tấn công Ukraina, đã gửi viện trợ cho Ukraina thể hiện tinh thần đoàn kết với nước này. Trong sự kiện này, Putin ủng hộ chính quyền nước này đàn áp người dân và tuyên bố Nga sẽ không chấp nhận các nước thuộc hệ thống Xô viết cũ có quyền tự trị.

Các nước cộng hoà khác thuộc liên bang Xô viết cũ cũng đang quay lưng lại với Nga, sau sự kiện nước này tấn công Ukraina.

Nga đã thua chưa?

Xin thưa, đã, và trên mọi mặt trận. Từ kinh tế, chiến thuật, quân sự, và đặc biệt là lòng người. Chỉ có những kẻ không có não và chẳng có tim mới có thể ủng hộ cuộc chiến phi nghĩa và vô nhân đạo này. Chưa thấy bài trừ phát xít ở Ukraina chỗ nào, chỉ thấy quân đội Nga tàn phá và huỷ diệt đất nước và con người ở đây. Mình không tin Nga sẽ thắng trận đánh này, không chỉ bởi cái ác không thể thắng cái thiện, mà đây là một cuộc chiến về giá trị nhân loại. Không có luật pháp nào cho phép được tấn công xâm phạm lãnh thổ và hủy diệt một nước có chủ quyền. Điều này cả thế giới văn minh đang chỉ ra cho Nga bằng thái độ của mình.

Nga sẽ được gì khi xâm chiếm được Ukraina khi chỉ còn là đống đổ nát, lòng dân không phục, và cả thể giới tẩy chay?

Tấm gương quân đội Nga phải rút lui từ Afghanistan và quân Mỹ từ Iraq, việc lòng dân không thuận vẫn còn rất mới. Chả nhẽ Putin muốn quên?

Mình nghĩ Putin sẽ hướng tới một cuộc đàm phán và những thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh trước khi mất mặt. Mình hy vọng ngày đó sẽ sớm tới, để không phải thêm một ngày nào cuộc sống và hoà bình tại Ukraina và trên thế giới bị đe dọa bởi một đứa trẻ hư như Putin nữa.

Mình nghĩ chắc Putin, ngoài bệnh tâm lý hoang tưởng quyền lực gì đó, cái này phải bác sĩ tâm lý mới kết luận được, còn là một đứa trẻ đáng thương không được biết đến tình yêu thương của cha mẹ. Đứa trẻ được yêu thương sẽ cảm nhận được hạnh phúc và muốn lan tỏa nó, thay vì gây đau thương, bởi nó không được biết đến thương yêu.

Một cuộc biểu tình chống Putin tại Downing Street, London, ngày 13 Tháng Ba (ảnh: Wiktor Szymanowicz/Future Publishing via Getty Images)

Đức Dalai Lama chắc chắn sẽ nói, những kẻ như Putin tạo ra Karma, vòng luân hồi rất xấu, và chúng ta càng phải cầu nguyện cho họ nhiều hơn.

Mình ít ăn thịt vì hạn chế mức tối thiểu sinh vật sống phải chết vì mình, nhưng nếu có đóng góp để trả tiền cho ai triệt hạ được Putin, mình xin góp phần.

Việc Putin mang bom nguyên tử ra dọa thì cũng giống “thằng ủn” chơi ngông. Hai thằng này chắc có hầm trú ẩn chống bom nguyên tử với 70 tiên nữ để cưỡi, giống như mấy “tồng chí” đánh bom cảm tử đạo Hồi mong ước được thưởng sau khi chết. Nhưng triệt tiêu nguồn sống của nhân loại, và chui rúc dưới hầm trú ẩn, sống vậy thì là động vật ở kỷ nguyên nào chứ đâu có thể là con người?

Chiều hôm qua bầu trời nước Đức được phủ vàng. Mình tỉnh giấc ngủ trưa trong chùa nhìn ra, thấy lạ không biết tại sao. Chiều đọc tin mới biết cát từ sa mạc Sahara được gió thổi sang tận đây. Nếu Putin dùng bom nguyên tử, môi trường sống tại Châu Âu và cả tận đâu nữa coi như không còn.

Chính trị, chỉ đơn giản là không khí ta ở, nguồn nước ta uống. Và giá trị nhân phẩm và đạo đức của con người là bất khả xâm phạm.

Đừng chỉ nghĩ đến nồi cơm điện nhà mình vì dù thế giới có sụp đổ, thảm họa nó sẽ trừ mình ra.

Nghĩ như vậy thì cũng coi như là không biết nghĩ…

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Mon Mar 21, 2022 3:56 am

Ukraine: Quân Nga đổi chiến thuật, sử dụng bom và hỏa tiễn

Quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật, sử dụng hỏa tiễn hành trình để tàn phá các căn cứ quân đội và cơ sở hạ tầng của Ukraine, gây thương vong nặng nề cho thường dân và đặt ra một bài toán khó cho các lực lượng phương Tây

Hiếu Chân
19 tháng 3, 2022 - Sài Gòn nhỏ 

Một người Ukraine đi giữa đống đổ nát trước một khu dân cư vừa bị hỏa tiễn Nga đánh sập hôm 18 Tháng Ba ở thủ đô Kyiv. Quân Nga bị chặn ở ngoại ô thủ đô nhưng các vụ ném bom và phóng hỏa tiễn vẫn tiếp tục giội vào các khu dân cư phía bắc Kyiv. Khoảng một nửa dân số thủ đô đã di tản sang các thành phố khác hoặc ra nước ngoài. Ảnh Chris McGrath/Getty Images

Sau hơn ba tuần chiến tranh, các cuộc tấn công trên bộ vào các mục tiêu quan trọng ở Ukraine bao gồm thủ đô Kyiv và hải cảng Odessa vẫn không tiến triển được. Trong những ngày gần đây quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật, sử dụng hỏa tiễn hành trình để tàn phá các căn cứ quân đội và cơ sở hạ tầng của Ukraine, gây thương vong nặng nề cho thường dân và đặt ra một bài toán khó cho các lực lượng phương Tây yểm trợ Ukraine.

So với Ukraine, Nga sở hữu một kho vũ khí tối tân, gồm nhiều hỏa tiễn hành trình (cruise missiles), hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missiles) cả tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, cùng đội oanh tạc cơ hùng hậu. Kho bom và hỏa tiễn đang mang lại lợi thế rõ rệt cho quân Nga trên chiến trường, khi chiến thuật dùng xe tăng và trọng pháo để hạ gục Ukraine trong một cuộc tấn công chớp nhoáng đã thất bại hoàn toàn.

Theo ông Piotr Lukasiewicz, nhà phân tích tại Polityka Insight, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Warsaw, Ba Lan, ngay trong tuần đầu tiên của cuộc chiến, các cuộc tấn công của Nga đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Ukraine, đặc biệt là các giàn radar và hệ thống cảnh báo. Nhưng người Ukraine đã nhanh chóng thay thế các hệ thống bị người Nga phá hủy hoặc vô hiệu hóa.
 
Cuộc kháng chiến theo kiểu du kích, dựa vào địa hình và sử dụng các loại vũ khí chống xe tăng rất hiệu quả được NATO viện trợ, quân đội Ukraine đã cầm chân quân xâm lược suốt ba tuần qua. Nhưng nay Nga đang bắt đầu thay đổi chiến thuật.

Hôm Thứ Sáu 18 Tháng Ba, hỏa tiễn Nga đã đánh trúng vào một doanh trại Thủy quân lục chiến của Ukraine ở thành phố Mykolaiv ở miền Nam, nơi có khoảng 200 binh sĩ đang ngủ, giết chết khoảng 40 lính Thủy quân lục chiến. Thị trưởng Mykolaiv, ông  Oleksandr Senkevich cho biết đã không có còi báo động khi vụ tấn công bằng hỏa tiễn xảy ra. 

Hôm nay Thứ Bảy 19 Tháng Ba, Nga tuyên bố họ đã sử dụng một tên lửa siêu thanh (hypersonic missile) bắn vào một nhà kho ngầm dưới lòng đất chứa hỏa tiễn và đạn dược hàng không ở một ngôi làng phía Tây Ukraine. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên vũ khí siêu thanh được sử dụng trên chiến trường – loại vũ khí có tốc độ bay siêu nhanh và có thể né tránh các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Mỹ. Người Ukraine nói họ vẫn chưa được xác định được loại hỏa tiễn đó và một đoạn video về cuộc tấn công do Bộ Quốc phòng Nga công bố không chứng minh rõ ràng rằng đây thực sự là một tên lửa siêu thanh.

Vài ngày trước, hỏa tiễn hành trình của Nga bắn từ Hắc Hải đã tấn công một căn cứ huấn luyện rộng lớn chỉ cách biên giới Ba Lan 12 dặm, nơi có nhiều lính tình nguyện nước ngoài, làm cho quân đội các nước NATO phải nâng cao mức báo động. Hỏa tiễn Nga cũng đánh vào một địa điểm gần sân bay thành phố Lviv giáp Ba Lan, nơi có cơ sở sửa chữa máy bay chiến đấu MiG của Không quân Ukraine. Trong cả hai trường hợp, người Nga đã không sử dụng một quả hỏa tiễn riêng lẻ mà bắn hàng loạt nhiều hỏa tiễn liên tiếp nhau. Quân đội Ukraine tuyên bố họ đã bắn hạ hơn một chục chiếc hỏa tiễn, nhưng nhiều hỏa tiễn đã vượt qua được hàng rào đánh chặn. Điều này cũng đúng đối với các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn gần đây vào các khu vực khác ở miền Tây và miền Trung Ukraine.

***

Các vụ tấn công bằng hỏa tiễn tầm trung và tầm xa có hiệu quả cao của Nga làm giới quan sát ngạc nhiên về chiến thuật của Ukraine, không hiểu tại sao người Ukraine tập trung nhiều binh sĩ như vậy tại các doanh trại gần tiền tuyến. 
 
Ông Lukasiewicz nói rằng Ukraine, giống như Ba Lan, vẫn tập trung quân đội và cấp chỉ huy ở chính những doanh trại mà họ đã lập ra khi còn là một phần của Liên Xô cũ. Điều đó đã mang lại cho người Nga một lợi thế khác: Người Nga dễ dàng có được vị trí chính xác của các doanh trại, sở chỉ huy và các đơn vị quân đội Ukraine khi chỉ cần xem qua các bản đồ lưu trữ mà không phải thực hiện trinh sát cẩn thận.

Các vụ tấn công bằng hỏa tiễn có sức tàn phá lớn cũng chứng minh rằng vũ khí của Nga có thể bắn rất chính xác, ví dụ hỏa tiễn bắn đi từ Hắc Hải đã đánh trúng một trung tâm huấn luyện ở Yavoriv phía Tây Bắc Lviv của Ukraine gần biên giới Ba Lan. Nhưng tại sao có rất nhiều cơ sở dân sự như bệnh viện, trường học, nhà hát, ga tàu điện ngầm… của Ukraine bị tàn phá nặng nề trong ba tuần chiến tranh vừa qua, thậm chí cả một thành phố như Mariupol gần như bị san thành bình địa? Ông Benjamin Hodges, cựu Chỉ huy quân đội Hoa Kỳ ở châu Âu, nói rằng các cuộc tấn công gần đây nhấn mạnh việc Nga nhắm mục tiêu vào dân thường là một phần trong chiến lược của họ; vũ khí của Nga có độ chính xác nhưng họ tấn công bừa bãi vào các thành phố là có chủ ý, gây khiếp sợ cho người Ukraine chứ không phải do hỏa tiễn đánh trật mục tiêu.

***

Khi các cuộc tấn công bằng bộ binh, pháo binh và xe tăng vào các cứ điểm của Ukraine từ phía Nam, phía Đông và phía Bắc bị chặn đứng, quân đội Nga đã mở rộng các mục tiêu về phía Tây, càng ngày càng gần với biên giới giữa Ukraine và các nước NATO như Ba Lan, Slovakia, Hungary. Chiến thuật mở rộng về phía Tây của Nga có mục đích rất rõ ràng: Cắt đứt các đường tiếp tế và hệ thống liên lạc của Ukraine, đặc biệt là ngăn chặn con đường tiếp viện vũ khí và tình nguyện viên từ các nước NATO đổ vào Ukraine. Tuy nhiên, việc Nga đẩy mạnh tấn công các thành phố phía Tây như Lviv, Lutsk, Zhytomir cũng đặt vào tình huống nguy cấp số phận của hàng triệu người dân Ukraine, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em từ vùng chiến sự ở phía Đông di tản về, chờ vượt biên giới sang Ba Lan tị nạn. 

Theo thông tin từ Ngũ Giác Đài, chỉ trong hơn ba tuần chiến tranh, Nga đã phóng hơn 1,000 hỏa tiễn và rocket vào các mục tiêu của Ukraine. Các quan chức quân sự Anh cho biết, đại đa số hỏa tiễn Nga đều nhắm vào dân thường.

John Kirby, Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài gần đây cảnh báo rằng khi lực lượng mặt đất của Nga bị cản trở bởi sự kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine, họ sẽ dựa nhiều hơn vào hỏa tiễn hành trình tầm xa và các loại hỏa tiễn khác.

Còn theo các nhà phân tích quân sự, Nga vẫn duy trì được quyền kiểm soát hoàn toàn bầu trời Ukraine, các chiến đấu cơ của Nga thực hiện khoảng 200 phi vụ mỗi ngày trong khi không quân Ukraine chỉ bay được từ năm đến 10 phi vụ. Sử dụng các oanh tạc cơ ném bom và phóng hỏa tiễn không đối địa, cùng với các loại hỏa tiễn hành trình, Nga dễ dàng phá hủy các cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.

Đây là lý do tại sao Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong nhiều tuần đã yêu cầu NATO “đóng cửa bầu trời”, lập vùng cấm bay (no fly zone) ở Ukraine – một bước mà NATO chắc chắn sẽ không thực hiện vì không muốn leo thang xung đột với Nga. Ông Zelensky gần đây thừa nhận rằng một hành động như vậy là khó xảy ra, nhưng ông vẫn kêu gọi Phương Tây viện trợ các hệ thống phòng không giúp hạn chế các cuộc không kích của đối phương.

Slovakia đã đồng ý cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất – có thể bắn hạ tên lửa hành trình – và chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine “ngay lập tức” nếu họ có thể được thay thế kịp thời, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia, ông Jaroslav Nad, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III hôm 17 Tháng Ba. Chưa rõ sắp tới NATO có cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không di động như yêu cầu của Tổng thống Zelensky hay không. 

Việc Nga sử dụng nhiều hỏa tiễn cũng bộc lộ một số điểm yếu có lợi cho người Ukraine. Theo một nhóm nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, những hỏa tiễn này được bắn từ xa hàng trăm dặm và không có khả năng bắn trúng các hệ thống phòng thủ di động. Nếu quân đội Ukraine được trang bị các giàn phóng hỏa tiễn đánh chặn di động được trên các thùng xe tải, toa tàu hỏa v.v… thì lợi thế của Nga về ném bom và hỏa tiễn sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu. Trên chiến trường, các loại hỏa tiễn phòng không vác vai Stinger do Mỹ sản xuất đang là cơn ác mộng của không quân Nga.

Vẫn không rõ Nga có thể duy trì chiến thuật tấn công bằng hỏa tiễn hành trình trong bao lâu nữa. Tiến sĩ Sidharth Kaushal, một nhà nghiên cứu về phòng thủ hỏa tiễn tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết nguồn cung hỏa tiễn hành trình của Nga bị hạn chế. Một báo cáo của ông gần đây cho rằng Nga chỉ sản xuất khoảng 120 chiếc hỏa tiễn trong năm 2018. “Kho hỏa tiễn của Nga là lớn nhưng không phải vô hạn”, ông Kaushal nói.

(theo NYT)


Last edited by LDN on Mon Mar 21, 2022 3:36 pm; edited 1 time in total

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Mon Mar 21, 2022 4:07 am

Ra đi, để trở về

Tác giả là người vừa thoát khỏi thành phố miền Đông Mariupol – một trong những nơi bị quân Nga bao vây và gần như san phẳng.

Nguyễn Hồng Giang
19 tháng 3, 2022 - Sài Gòn nhỏ 

Bà mẹ trẻ ngồi thất thần trên chuyến tàu rời quê hương lánh nạn, chưa biết ngày nào trở về. (ảnh: Nguyễn Hồng Giang)

Trước ngày 24 Tháng Hai, 2022, không một ai ở Ukraine có thể tin rằng chiến tranh xảy ra một cách khốc liệt bởi súng đạn, xe tăng giữa lòng châu Âu. Đơn giản bởi với chúng mình, điều đó quá hoang đường, nhất là đã ở thời đại không cần nhìn thấy nhau, không cần bất cứ lực tác động nào cũng có thể giết người bằng đủ loại vũ khí 4.0.

Ngày đó, gia đình người thân ở Việt Nam lo lắng, bạn bè khắp nơi của mình và gia đình kêu chạy khỏi Ukraine. Các bạn từ Đức, từ Anh, từ Thụy Sĩ, từ Ba Lan, thậm chí từ… Trung Quốc đã sắp xếp mọi thứ cho một cuộc tháo chạy, cho một lần tị nạn của gia đình mình. Nhưng chúng mình đã cười trên nỗi lo lắng của các bạn.

Bởi vì chúng mình đã vượt qua những ngày khói lửa trên Quảng trường Độc Lập (Maidan Nezalezhnosti), vượt qua cuộc chiến truyền thông mà phía Nga tạo dựng suốt hơn tám năm qua, nào là “phát-xít”, nào là “cực đoan” với những cái tên họ vẽ ra như ngáo ộp, Azov và Bileski, Pravui Sector và Yarosh, vượt qua sự đầu cơ chính trị của của chính quyền Nga trong Bộ luật Ngôn ngữ mà chính quyền Ukraine thông qua bất chấp một sự thật rằng tiếng Nga vẫn là thứ tiếng phổ biến nhất ở Ukraine trong sinh hoạt thường ngày.
Cuộc sống vui vẻ, tươi đẹp và bình an. Cho đến buổi sáng ngày 24 Tháng Hai.
 
Hãy làm sao để trong mỗi ngôi nhà là bình an và no đủ, còn trong mỗi trái tim là lời nguyện cầu thầm lặng.

Chồng mình không thể chấp nhận rằng mình có thể trở thành dân “tị nạn”. Và chắc nhiều người cũng không thể chấp nhận được điều ấy. Gia đình mình có nhà cửa, công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Chưa bao giờ mình và gia đình nghĩ rằng sẽ phải làm phiền người khác.

Trong lúc con gái lớn của mình chịu áp lực kêu gọi bỏ chạy từ bạn bè, trong lúc mình luôn suy nghĩ xem mình có đủ sức khỏe để đi một chặng đường không hề dễ dàng dù bằng phương tiện cá nhân hay tàu hỏa hay không, thì chồng mình luôn tin tưởng chỉ ngày mai, ngày mốt mọi sự sẽ qua, những thứ tồi tệ nhất chúng ta đã bỏ lại đằng sau rồi, chúng ta sẽ chiến thắng.

Anh xã luôn nói, em thử nghĩ xem, em làm sao có thể là dân tị nạn với gương mặt nhem nhuốc, đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch được. Nhưng sự thật là như thế. Dù chưa bao giờ tưởng tượng, gia đình mình cũng đã trở thành dân tị nạn.

Mỗi người một chiếc ba-lô và lên đường vượt qua gần nghìn ki-lô-mét, để trong một ngày lạnh buốt, run run ngồi bên những đống lửa sưởi ấm ở cửa khẩu Medyca, ăn một bát súp nóng, một đĩa khoai tây và xúc xích nướng mà các tình nguyện viên Ba Lan ngày đêm tiếp sức cho những con người kiệt quệ bởi sự căng thẳng và mệt mỏi gần như quá sức chịu đựng.

“Dậy đi, con yêu của mẹ…” (Просни, моя милая…) (ảnh: Nguyễn Hồng Giang)
“Dậy đi, con yêu của mẹ…” (Просни, моя милая…)

Khi ấy, tự trong đáy lòng là cảm giác ấm áp của tình người, là biết mình sẽ không bị bỏ rơi. Ba Lan và Cộng đồng châu Âu đón người dân Ukraine với sự chu đáo khó có thể tưởng tượng, từ đồ ăn, đồ uống, đồ vệ sinh cá nhân, quần áo, bỉm sữa, SIM kết nối Internet miễn phí, thức ăn cho thú cưng, thông tin về những chuyến xe về thành phố gần nhất rồi từ đó có thể đi tàu hỏa về Warszawa, Krakow hay có các đại diện từ Đức, từ Estonia… đã đón sẵn những ai muốn đến những nước ấy.

Mẹ con mình về Warszawa, nơi đã có bạn hữu của anh xã đón và đưa về căn hộ của anh nghỉ tạm. Cho đến nay, Ba Lan là nước đầu mối cho người Ukraine chạy lánh nạn. Có tới hơn 2 triệu người đã sang châu Âu qua ngả biên giới Ba Lan. Có thể nói công tác logistic của EU là tuyệt vời. Mỗi chuyến tàu từ Warszawa sang châu Âu thường có ba toa dành cho người Ukraine đi các hướng.

Chẳng hạn, mình lên chuyến tàu đi Vienna để sang Slovakia thăm và cảm ơn gia đình của một người bạn, người đã ngày ngày quan tâm và giục giã bọn mình sơ tán từ những ngày đầu tiên của chiến tranh. Chuyến tàu ấy sẽ chở các bạn Ukraine đi Vienna, Bratislava, Budapest và nhân tiện chở luôn cả các bạn muốn đi Praha. Chỉ có điều đến biên giới giữa Ba Lan và Czech, các bạn đi Praha sẽ được chuyển sang toa khác để kết nối với một đoàn tàu khác đến Praha, còn bọn mình đi tiếp đến Bratislava như đã định.

Bao giờ mình lại về nhà…

Tác giả trước Cung Văn hóa và Khoa học, Warszawa, Tháng Ba, 2022 (ảnh: Nguyễn Hoàng Giang cung cấp)

Khỏi phải nói, gần như ta chỉ bắt gặp các bà mẹ Ukraine mang theo con nhỏ. Có bà mẹ trẻ một mình dắt theo ba đứa trẻ chỉ chừng từ bốn đến tám tuổi. Vừa phải gồng mình với đám hành lý nặng nề, vừa phải làm chỗ dựa vững chãi cho bọn trẻ, vừa phải giải quyết các vụ kiện cáo và an ủi các con. Những khi mọi thứ đã lắng lại, trong mắt những bà mẹ trẻ ấy là sự thất thần mà họ cố gắng giấu kín trước những đứa trẻ thương yêu của mình.

Ngồi trước mặt mình trên chặng đường từ Krakow đến nơi đổi toa đi Praha là một cô gái, một bà mẹ trẻ, có lẽ chỉ bằng tuổi con gái mình. Lúc lên tàu, chiếc va-li to đùng của cô gặp sự cố, không thể rút gọn tay kéo được. Vậy là chiếc va-li cứ nằm chềnh ềnh giữa lối đi chật hẹp của toa tàu. Bà mẹ trẻ ấy sắp xếp để cô bé con chừng ba tuổi của mình ngồi vào ghế, vỗ về bé rồi dùng mọi nỗ lực để rút gọn tay kéo va-li mà không được.

Chiếc va-li đã hỏng. Anh xã mình lúc đó phải giúp cô gái, bà mẹ trẻ ấy đưa va-li nguyên cả tay kéo dài đặt lên giá để hành lý phía trên đầu. Em bé gần như ngủ ngay lập tức khi được mẹ đặt vào ghế, còn mẹ bé mệt mỏi ngồi xuống, gọi điện thoại cho ai đó và bắt đầu lặng lẽ khóc. Có lẽ cô gái ấy cũng giống mình, chưa bao giờ phải đối mặt với khó khăn làm người tị nạn, một mình mang con nhỏ bôn ba nơi đất khách.

Không hiểu những bà mẹ trẻ ấy giữa đêm sẽ xoay sở như thế nào với đội quân trẻ con đứa khóc vì gắt ngủ, đứa cãi nhau với anh, em vì tranh nhau chơi điện thoại của mẹ, cùng đống hành lý không có tay cầm.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, từ những ngày đầu chiến tranh đã có 1.5 triệu đứa trẻ được đưa sang châu Âu, tính ra mỗi ngày 70 nghìn trẻ hoặc mỗi phút là 55 trẻ được đưa qua biên giới. Đó là tài sản vô giá mà Ukraine cùng các nước châu Âu đang nỗ lực bảo vệ.

Rồi mai đây, khi các con trở về, các con sẽ sống ở một đất nước Ukraine khác, đất nước sẽ rũ bỏ hoàn toàn quá khứ nô lệ và ngẩng cao đầu về những gì đã và đang diễn ra ngày hôm nay. Lựa chọn là quyền của họ, của dân tộc Ukraine, không phải là của chúng ta, những kẻ sẵn sàng bán tự do cùng lòng tự trọng bằng những lời khuyên khôn khéo của mình.

Hòa bình cho Ukraine!
Слава Украине!
Геоям слава!

Khi mình viết những dòng này thì nhiều gia đình người Việt đầu tiên đã vượt được hàng nghìn ki-lô-mét đến Warszawa an toàn từ thành phố miền Đông Mariupol bị quân Nga bao vây và gần như san phẳng. Chắc các bạn sẽ giống mình, rơi nước mắt trước tình đồng bào bao bọc nhau ở nơi xa này.

(Topoľčany, Slovakia – )

(Theo Nhịp Cầu Thế Giới Online)


Last edited by LDN on Mon Mar 21, 2022 5:32 pm; edited 1 time in total

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Mon Mar 21, 2022 4:24 am

Cuộc tháo chạy dưới “chảo lửa” Mariupol

Đơn Dương
19 tháng 3, 2022 - Sài Gòn nhỏ 

Em bé ngồi trên xe rời Ukraine ngày 17 Tháng Ba, 2022 vì cuộc chiến tranh xảy re trên quê hương em. (ảnh: Annabelle Chih/NurPhoto via Getty Images)

Ngày 18 Tháng Ba, quân đội Nga tiến vào trung tâm thành phố cảng Mariupol, Đông Nam Ukraine. “Chảo lửa” Mariupol vẫn đang rình rập thiêu đốt hàng ngàn người dân vô tội, kể từ khi chiến sự nổ ra.

Thành phố cảng Mariupol trở thành mục tiêu của các đợt không kích từ ngày 26 Tháng Hai. Càng ngày, các cuộc giao tranh trở nên dữ dội hơn, khi tình hình chiến sự tại đây ngày một căng thẳng.

Nhớ lại buổi sáng ngày 24 Tháng Hai, nhiếp ảnh gia Sergey Makarov, 34 tuổi, nhận được cú phone của người bạn đánh thức, kêu mau sơ tán vì “chiến sự đã nổ ra”. Không khí yên bình, cảnh vật tĩnh mịch, Makarov từ chối lời khuyên của bạn, vì nghĩ mình vẫn an toàn. Gia đình người bạn của anh sơ tán đến Ivano-Frankivsk, thành phố Tây Nam nằm gần biên giới Romania, Slovakia, Hungary. Còn Makarov, tự tin về quyết định của mình, nghĩ “quân đội Ukraine đã được triển khai tại thành phố từ năm 2014 cùng rất nhiều khí tài phòng thủ.”

Một khu nhà ở Mariupol đổ nát sau một đợt ném bom không kích. (ảnh: Ukrainian Interior ministry/Anadolu Agency via Getty Images)

Chỉ hai ngày sau, còi báo động không kích bắt đầu vang lên khắp Mariupol. Khu vực ngoại ô của thành phố bị tấn công, nhưng ở trung tâm thành phố – nơi Makarov sinh sống, vẫn bình yên. Makarov lại nghĩ, tình hình sẽ giống như xung đột năm 2014 giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai. Có thể chỉ vài căn nhà bị phá hủy, sau đó mọi việc sẽ nhanh chóng kết thúc, cuộc sống bình thường trở lại. Trong những ngày đó, nhiều người tiếp tục lên đường sơ tán. Makarov vẫn “bình thân như vại.”

Tình hình chiến sự ở Mariupol sau đó ngày một căng thẳng, khi các cuộc giao tranh trở nên dữ dội hơn. Sang tới ngày 1 Tháng Ba, Makarov nhận ra chuyện rời Mariupol ngày càng trở nên khó khăn. Quân đội Nga bắt đầu kiểm soát các con đường quanh thành phố. Tình hình tồi tệ hơn khi những ngày sau, điện cúp, nước không có, mạng điện thoại di động “tiêu”. Makarov không tắm luôn, kể từ ngày 4 Tháng Ba, và chỉ liên lạc với mọi người bằng cách… đi bộ, tìm hàng xóm để chia sẻ thông tin. Chưa hết, anh kể với CNN: “Nạn cướp bóc bắt đầu. May mà trong những ngày đầu nổ ra chiến sự, tôi lo mua được ít lương thực và khoảng 100 lít xăng. Đó là những thứ đã cứu chúng tôi,” Makarov nói.

Cơn ác mộng trở thành hiện thực, ập xuống gia đình Makarov, khi trời bắt đầu trở lạnh, nhiệt độ bên ngoài rớt xuống còn âm 9o C vào ban đêm, nguồn cung cấp khí đốt, thứ duy nhất họ dùng để sưởi ấm và thắp sáng, cũng không còn. Gia đình anh phải nấu ăn bằng củi. Mà cây cối trong sân cũng bị cưa hết để làm củi, mà vẫn không đủ sưởi ấm cho gia đình.

Các cuộc không kích ngày càng dồn dập. Mọi người phải xuống hầm trú bom, kể cả gia đình nhiếp ảnh gia, mà theo lời anh tả “đó là căn hầm bê tông rộng khoảng 150 mét vuông, không có ánh sáng, không có lỗ thông hơi. Trong những ngày đó, Makarov vẫn cố gắng liên lạc với những người bên ngoài thành phố, sạc nhờ điện thoại từ máy phát điện của Hội Chữ Thập Đỏ.

Nhiều người ở Mariupol chấp nhận sự thật rằng họ hoàn toàn bị cô lập vì mất kết nối với bên ngoài, nhưng Makarov vẫn nuôi hy vọng, cho đến ngày mọi nỗ lực để liên lạc của anh không được đáp trả. “Điều tồi tệ nhất bắt đầu từ ngày 8 Tháng Ba. Các cuộc không kích nổ ra dữ dội, lúc đầu với tần suất cách vài giờ, rồi sau đó là từng phút. Nhiều khi chúng tôi không kịp chạy tới nơi trú ẩn và ngã nhào xuống mặt đất để tự cứu lấy mình,” anh nhớ lại. Tới lúc này, Makarov muốn đưa gia đình rời thành phố, nhưng anh ý thức được mình chỉ có một cơ hội. Makarov lo ngại nếu bị chặn đường và yêu cầu quay về Mariupol, anh sẽ không còn đủ xăng để đi ra ngoài lần hai. Đó là tình cảnh mà nhiều người sơ tán hôm 5 Tháng Ba đã gặp phải.

Người dân Ukraine và những người ủng hộ tham dự một cuộc biểu tình đoàn kết với Ukraine tại Ba Lan vào ngày 17 Tháng Ba, 2022 (ảnh: Beata Zawrzel / NurPhoto via Getty Images)

Ráng tới ngày 13 Tháng Ba, Makarov được bạn bè gợi ý có thể rời khỏi thành phố bằng đường cũ tới Berdyansk, nhưng cảnh báo đường này lại có một trạm kiểm soát và có rất nhiều mìn.

Makarov quyết định thà chấp nhận rủi ro còn hơn ở lại để bỏ mạng trong thành phố. Đêm 14 Tháng Ba, gia đình Makarov lên xe, cùng tám chiếc khác khởi hành. Họ đi, không mang theo hành lý, chỉ có người và vật nuôi. Quả thật, trên đường đi, họ nhìn thấy các bãi mìn và lái cẩn thận, vòng xe, tránh các vị trí có cài mìn.

Ngày 15 Tháng Ba, đoàn xe của Makarov rời Berdyansk đến Zaporizhzhia, Đông Nam Ukraine. Đoàn xe của Makarov gặp khoảng 20 trạm kiểm soát của Nga trên đường, nhưng họ được phép đi qua.

Sau gần 20 ngày kể từ khi Makarov nghĩ rằng “mọi chuyện rồi sẽ qua”, giới chức Ukraine ước tính hơn 2,500 cư dân tại Mariupol thiệt mạng, con số này chưa được kiểm chứng độc lập. Cả quan chức Ukraine và Nga đều mô tả tình hình nhân đạo tại đây là “thảm khốc” và đang trở nên hết sức tồi tệ.


Kyiv cho biết có khoảng 30,000 dân thường sơ tán khỏi “chảo lửa” Mariupol, nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn người mắc kẹt giữa những đợt pháo kích không ngừng yên. Và cuộc sống của hàng trăm nghìn con người này vẫn là không có điện, không nước, không hệ thống sưởi ấm.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Mon Mar 21, 2022 5:20 pm

Lý giải sai lầm quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine


Jonathan Beale - BBC News

19 tháng 3 2022

Nga có một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới, nhưng điều đó đã không thể hiện rõ trong cuộc xâm lược Ukraine, cho tới giờ. Nhiều nhà phân tích quân sự ở phương Tây đã rất ngạc nhiên về khả năng của Nga trên chiến trường cho đến nay.

Tuần này, một quan chức quân sự cấp cao của NATO nói với BBC, "Nga rõ ràng đã không đạt được mục tiêu của họ và có lẽ sẽ không thành công". Vậy điều gì đã xảy ra? Tôi đã nói chuyện với các sĩ quan quân đội và quan chức tình báo phương Tây cấp cao về những sai lầm mà Nga đã mắc phải.

Sai lầm đầu tiên của Nga là đánh giá thấp sức mạnh kháng cự và khả năng của các lực lượng vũ trang nhỏ hơn của Ukraine. Nga có ngân sách quốc phòng hàng năm hơn 60 tỷ USD, so với mức chi của Ukraine chỉ hơn 4 tỷ USD.

Đồng thời, Nga và nhiều nước khác dường như đã đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của mình. Tổng thống Putin đã bắt tay vào một chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng cho quân đội và ông cũng có thể tin vào ảo tưởng mình tạo ra.

Một quan chức quân sự cấp cao của Anh cho biết phần lớn đầu tư của Nga đã được chi cho kho vũ khí hạt nhân khổng lồ và thử nghiệm mới, ví dụ phát triển vũ khí mới như tên lửa siêu thanh. Nga được cho là đã chế tạo loại xe tăng tiên tiến nhất thế giới - T-14 Armata. Nhưng xe tăng này chỉ được nhìn thấy trong Cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng của Moscow trên Quảng trường Đỏ, chứ không thấy xuất hiện ở Ukraine. Hầu hết những gì Nga đã trang bị trên chiến trường là xe tăng T-72 cũ hơn, pháo và bệ phóng tên lửa.

Xe tăng T-14 Armata hiện đại của Nga không thấy ở Ukraine

Khi bắt đầu cuộc xâm lược, Nga đã có lợi thế rõ ràng trên không, với các máy bay chiến đấu đông hơn không quân Ukraine theo tỷ lệ 3 chọi 1. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng lực lượng xâm lược sẽ nhanh chóng giành được ưu thế trên không, nhưng thực tế không phải vậy. Hệ thống phòng không của Ukraine vẫn đang tỏ ra hiệu quả, hạn chế khả năng cơ động của Nga.

Các cột thiết giáp dài của Nga từ phía bắc được vệ tinh chụp lại vẫn không bao vây được Kyiv. Những bước tiến đáng kể nhất là ở miền nam, vì Nga có thể sử dụng các tuyến đường sắt để tiếp tế cho lực lượng của mình.

Vũ khí Switchblade được Mỹ sắp gửi cho Ukraine

Một binh lính Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng Javelin trong cuộc tập trận năm 2021

Nga đã tích lũy một lực lượng khoảng 190.000 quân cho cuộc xâm lược này và hầu hết trong số đó đã tham chiến. Nhưng họ đã mất khoảng 10% lực lượng. Không có số liệu đáng tin cậy về quy mô tổn thất của Nga và Ukraine. Ukraine tuyên bố đã giết 14.000 quân Nga, mặc dù Mỹ ước tính con số đó có lẽ chỉ bằng một nửa.

Các quan chức phương Tây cho biết cũng có bằng chứng về việc lính chiến đấu của Nga đang sa sút tinh thần, với một người nói rằng tinh thần "rất, rất thấp". Một người khác nói rằng quân đội "lạnh, mệt và đói" vì họ đã chờ đợi trong tuyết nhiều tuần ở Belarus và Nga trước khi được lệnh xâm lược.

Nga đã buộc phải tìm kiếm thêm binh sĩ để bù đắp tổn thất của mình, bao gồm cả việc chuyển đến các đơn vị dự bị từ những nơi xa như phía đông của đất nước và Armenia. Các quan chức phương Tây tin rằng "rất có thể" quân đội nước ngoài từ Syria sẽ sớm tham gia cuộc chiến.

Nga đã phải vật lộn với những điều cơ bản. Có một câu nói quân sự rằng dân nghiệp dư nói về chiến thuật trong khi các chuyên gia nghiên cứu về hậu cần. Có bằng chứng cho thấy Nga đã không xem xét đầy đủ. Các đoàn xe bọc thép đã hết nhiên liệu, lương thực và đạn dược. Các phương tiện bị hỏng hóc và bị bỏ lại, sau đó được xe của Ukraine kéo đi.

Các quan chức phương Tây cũng tin rằng Nga có thể sắp hết một số loại vũ khí sát thương. Nga đã bắn từ 850 đến 900 quả đạn chính xác tầm xa, bao gồm cả tên lửa hành trình, loại vũ khí khó thay thế.

Ngược lại, đã có một lượng vũ khí ổn định do phương Tây cung cấp cho Ukraine, điều này đã thúc đẩy tinh thần của nước này. Mỹ vừa thông báo sẽ cung cấp thêm 800 triệu USD hỗ trợ quốc phòng. Cùng với nhiều tên lửa phòng không và chống tăng, dự kiến sẽ có Switchblade, một loại vũ khí không người lái gọn nhỏ, do Mỹ phát triển, có thể được mang theo trong ba lô trước khi phóng.

Bất chấp những thất bại, một quan chức tình báo cho biết Tổng thống Putin "khó có thể bị nhụt chí và thay vào đó có thể leo thang. Ông ấy có thể vẫn tự tin rằng Nga có thể đánh bại Ukraine về mặt quân sự".

Cũng chính quan chức đó cảnh báo rằng nếu không có nguồn tiếp tế đáng kể, Ukraine cũng có thể "cuối cùng sẽ bị tiêu hao về số lượng và đạn dược". So với lúc chiến tranh bắt đầu, hy vọng của Ukraine đã gia tăng nhưng cơ hội chiến thắng có vẻ vẫn nhỏ bé cho Ukraine.


Last edited by LDN on Sat Mar 26, 2022 1:07 pm; edited 1 time in total

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Tue Mar 22, 2022 3:29 am

Nga thuê binh lính đánh nhau Trung Đông $ 400 / tuần ở Ukraine 
Nga điều khiển đánh thuê thiện chiến từ Syria và các nước Trung Đông khác vào hàng hóa chiến lược Ukraine.

Bình Phương
21 tháng 3, 2022 - Sài Gòn Nhỏ 

Thành phố cảng Odessa của Ukraine chuẩn bị đánh xe tăng Nga. Tổ chức trầm trọng Nga phải tuyển mộ lính đánh thuê từ Trung Đông để bổ sung quân số. Ảnh STR / NurPhoto qua Getty Images

Nga có kế hoạch điều động lính đánh thuê thiện chiến từ Syria và các nước Trung Đông khác vào cuộc xâm lược Ukraine.

Hãng AP đưa tin, vào ngày 11 Tháng Ba, ông Vladimir Putin đã chấp thuận cho 16,000 “tình nguyện viên” từ Trung Đông được bố trí cùng với các binh sĩ Nga tại chiến trường Ukraine.

Hiện nay, do cuộc tấn công của quân đội Nga bị sa lầy trầm trọng, số binh lính và cả cấp chỉ huy bị giết, bị bắt làm tù binh, hoặc đào ngũ ngày càng tăng, tinh thần của binh sĩ giảm sút rất mạnh nên Nga phải đẩy nhanh việc tuyển mộ lính đánh thuê nước ngoài để bổ sung.
 
Tuy thông báo của ông Putin không nêu rõ Nga sẽ tuyển mộ binh lính từ quốc gia nào ở Trung Đông nhưng một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Moscow tuyển mộ chủ yếu những người Syria từng trải và nhiều kinh nghiệm tác chiến trong cuộc nội chiến kéo dài một thập niên ở quốc gia Bắc Phi này.

Nga có một dấu ấn quân sự lớn ở Syria. Moscow đã hỗ trợ giữ vững chế độ độc tài của Tổng thống Bashar Al-Assad bằng lực lượng không quân và lính đánh thuê Nga trong gần một thập niên.

Tờ The Guardian của Anh cho biết, một mẩu quảng cáo tuyển mộ của quân đội Nga đưa ra mô tả công việc chi tiết “các cuộc đột kích quân sự, hoạt động ở nước ngoài và đi đến Ukraine, với mức lương lên tới $3,000 /tháng tùy thuộc vào kinh nghiệm.”

Ali Jafar Askar, một thành viên 35 tuổi của lực lượng dân quân Iraq Asaib Ahl al-Haq, nói với tờ Nikkei Asia of Japan trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng anh ta được trả 400 đô la một tuần để chiến đấu cùng quân đội đội Nga trong cái mà Moscow gọi là một “đặc công quân sự chiến dịch”.

Lực lượng dân quân Asaib Ahl al-Haq is a group bán quân sự do người Shia của Iran hậu thuẫn ở Iraq tuyên bố thực hiện hơn 6.000 cuộc tấn công chống lại lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq. Do Iran tổ chức và trang bị, tổ chức này được Bộ Giao diện Mỹ chỉ định là một nhóm khủng bố vào năm 2020.

Ông JDWilliams, nhà nghiên cứu chính sách và quốc tế cao cấp tại Rand Corp. nói với Nikkei Asia rằng Nga đang tuyển dụng những người lính đánh thuê nước ngoài “để hỗ trợ cuộc chiến tranh đô thị và có khả năng giúp đỡ cho các bạn Active an ninh sau khi lực lượng chiến đấu thông thường kết thúc nhiệm vụ, đặc biệt là để chống nổi dậy ”.

Guardian cũng đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiến trường nước ngoài sẽ được tập trung vào khu vực Donbass, miền đông Ukraine.

Tin tức này được đưa ra trong tiền cảnh Nga thất vọng và bất ngờ trước sức chống chịu của quân kháng chiến Ukraine; quân đội Nga chịu nhiều chi phí thất bại mà vẫn không tiến lên được.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Fri Mar 25, 2022 1:27 pm

Lính Ukraine giỏi, phản công lại được 1 phần, chiếm lại ưu thế, đánh bật lính Nga phải lui 55 km khỏi Kiew. 👍

https://www.n-tv.de/politik/Wie-die-Ukraine-ihre-Staedte-zurueckerobert-article23221819.html

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Fri Mar 25, 2022 1:35 pm

abcnews 

Ukraine’s military forces Russian troops east of Kyiv back 55 km from city center

On Day 28, a defense official said Russian troops north of Kyiv are digging in.

ByLuis Martinez
March 23, 2022,

The fight for KyivRussian forces continue their push into Ukraine more than two weeks into the war, inching closer to the capital of Kyiv.Gleb Garanich/Reuters
The Pentagon has been providing daily updates on the Russian invasion of Ukraine and Ukraine's efforts to resist.

Here are highlights of what a senior U.S. defense official told reporters Wednesday on Day 28:

Kacper Pempel/Reuters
Aysel, 33, from Kherson, Ukraine, hugs her husband, amid Russia's invasion of Ukraine, as they meet at the border crossing in Medyka, Poland, March 23, 2022.
Kacper Pempel/Reuters

In a significant movement, Ukraine's military forces have pushed back Russian forces east of Kyiv to 55 kilometers from the city center, according to a senior defense official.

For weeks, and as recently as Tuesday, Russian forces have been kept at bay approximately 20 to 30 kilometers from the center of the capital city.

The official said that Ukrainian forces near Bovary "have been able to push the Russians back to about 55 kilometers east and northeast of Kyiv."

The ability to push back Russian forces nearly twice as far as where they had been for weeks is in line with what the official had said on Tuesday were indications that in some areas Ukrainian forces were attempting to retake territory taken by Russia. "Ukrainians are not only in some of these places up sufficiently defending they're going on the offense in some of these places and actually pushing the Russians backwards, or in the case of Kiev, they're, they're basically forcing them into a defensive position," the official said Wednesday.

The U.S. now assesses that Russian troops that have been stalled 12 to 15 kilometers north of the city are "digging in" and establishing defensive positions according to the official. "They're forcing them into a defensive position" the official told reporters on Wednesday. "So it's not that they're not advancing, they're actually not trying to advance right now," said the official. "They're taking more defensive positions."

"We're starting to see him sort of dig in around Kyiv but really trying to go more on the offense than they have been, more energy applied, in that eastern part of Ukraine" said the official.

A Ukrainian serviceman guards a military check point in the city of Zhytomyr, northern Ukraine, March 23, 2022.
Fadel Senna/AFP via Getty Images

Ukrainians pushing back Russian troops in Cherniviv

Meanwhile, Ukrainian troops in the city of Chernihiv, northeast of Kyiv, have also succeeded in slightly pushing back some of the Russian forces that have surrounded the city for weeks. The official described Ukrainians forces there as continuing to fight "very hard" against Russian forces to keep them out of the city and in some cases Russian troops have been "ceding ground." "They are actually moving in the opposite direction, but not by much," the official said of Russian forces around the city.

Russian troops now prioritizing operations in eastern Ukraine's Donbass region

The official said Russia appears to be "starting to prioritize" their operations in the Donbass region of eastern Ukraine, particularly around Luhansk, to cut off Ukraine's military that has been fighting there against Russian separatists for the past eight years. "We still believe that the Russians are trying to basically cut it off and therefore pin down Ukrainian forces that are that are in the Luhansk, Donetsk area," said the official.

"What we're seeing now is indications that the Russians are really starting to prioritize that part of eastern Ukraine," said the official. "We believe that they are now going to start to apply, actually, they have applied a lot more energy in the Luhansk, Donetsk area, particularly around Luhansk. You're seeing them really put more energy and effort into that part of Ukraine."

The official has previously said that it appears that the Russian forces fighting to take over the southern port city of Mariupol so they can then push north into the Donbass to cut off the Ukrainian military. Meanwhile, the fighting in that city remains "very very contested" according to the official who also described the fighting there between Russian and Ukrainian troops as being "hardcore." The official noted that Russian forces continue to heavily bombard the city with artillery and long range missile fire.

Meanwhile, it appears that recent Russian military activity around the western port city of Odessa that led to speculation of an attack on the city may have been a feint intended to "pin down Ukrainian forces." "It's not entirely it's not entirely obvious that they actually will make a move on Odessa," said the official. "So we're just we're just kind of watching that to see to see where it goes."

A tank destroyed in fighting during Ukraine-Russia conflict is seen in front of a residential building, in the besieged southern port of Mariupol, Ukraine, March 23, 2022.
Alexander Ermochenko/Reuters

The official said that Defense Secretary Lloyd Austin is always assessing the U.S. military presence in eastern Europe and has not "taken off the table" the possibility "that he will flow more forces in from the United States or reposition from elsewhere in Europe."

But for now there are no announcements to make said the official who added that it's unclear what the U.S. military posture in eastern Europe will look like going forward. "Certainly, the security environment in Europe is different now. And it will be different that it will be different no matter what the outcome is of this war," said the official.

"I think it's safe to say that the United States as well as other NATO nations will be taken a hard look at what it whether we have the footprint right and whether the posture is appropriate to the new security environment that results from all this," the official said.

According to the official, Russia has now launched more than 1,200 missiles into Ukraine, but "we still assess that they have the vast majority of their of their assembled available inventory of surface to air missiles and cruise missiles available to them." Though the Russian military has expended a lot of the missile inventory readied for operations in Ukraine the official noted that "they still have an awful lot left."

The official said that Russia's military is "running the lowest on our air launched cruise missiles" but that they still have "over 50% of what they had assembled prior to the invasion. But they still have a significant number of ground launched cruise missiles, short range ballistic missiles, and medium range ballistic missiles.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Sat Mar 26, 2022 12:46 pm

Kinh tế Nga: Đòn cấm vận bắt đầu “ngấm tới xương”

Mỹ Anh
25 tháng 3, 2022 - Sài Gòn nhỏ 

Một siêu thị trống rỗng hàng hóa, Moscow, ngày 23 Tháng Ba (ảnh: Vlad Karkov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Theo ghi nhận tổng hợp mới nhất (cập nhật ngày 25 Tháng Ba 2022), chi phí sinh hoạt ở Nga bắt đầu tăng ào ạt. Các số liệu chính thức cho thấy giá một số mặt hàng chủ lực cho sinh hoạt – chẳng hạn đường – đã tăng tới 14% trong tuần qua. Ngày 23 Tháng Ba, Bộ Kinh tế Nga cho biết lạm phát hàng năm đã tăng 14.5% trong tuần kết thúc vào ngày 18 Tháng Ba – mức cao nhất kể từ cuối năm 2015.

Hàng tiêu dùng tăng phi mã

Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga cho biết giá đường tăng tới 37.1% ở một số địa phương. Đường, thường được sử dụng để bảo quản thực phẩm hoặc nấu rượu, là mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Củ hành là loại tăng mạnh thứ hai trong tuần, tăng 13.7% trên cả nước và 40.4% ở một số khu vực. Tã lót đắt hơn 4.4%. Giá trà đen tăng 4% và giấy vệ sinh tăng 3%… Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất, lên 20% vào Tháng Ba, trong nỗ lực ngăn đồng tiền trượt giá không phanh… Phó Thủ tướng Viktoria Abramchenko trấn an: Nước Nga vẫn “hoàn toàn tự cung về đường và kiều mạch” và người dân “không cần phải hoảng sợ. Có đủ cho tất cả”. Tuy nhiên, thực tế bi thảm hơn những gì Viktoria Abramchenko nói, đối với một quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp hạng có nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới.

Hóa ra Nga không mạnh như được tưởng. Họ gần như không thể tự cung tự cấp gì cho ra hồn. Mọi thứ đều nhập. Wall Street Journal cho biết, công nghiệp xe hơi Nga đang thoi thóp vì thiếu phụ tùng nước ngoài. Nhiều năm nay, cái gọi là công nghiệp hàng không của một quốc gia có tàu vũ trụ vẫn phải nhập động cơ và nhiều bộ phận quan trọng khác từ các nhà cung cấp nước ngoài. Thậm chí thức ăn cho vật nuôi và thuốc tây cũng nhập. Sự phụ thuộc của Nga vào nhập khẩu trong thực tế đã trở nên tồi tệ ngay cả trước khi xảy ra cuộc chiến Ukraine. Năm 2021, khoảng 81% nhà sản xuất cho biết họ không thể tìm thấy hàng nội địa để có thể hoàn thiện qui trình sản xuất-chế tạo sản phẩm của họ. Hơn một nửa công ty Nga cho biết họ không hài lòng với chất lượng sản phẩm “cây nhà lá vườn”.
 
Kinh tế Nga yếu hơn được tưởng

Năm 2020, nhập khẩu chiếm 75% doanh số hàng tiêu dùng không thuộc nhóm thực phẩm (nonfood consumer goods) trên thị trường bán lẻ Nga, theo một nghiên cứu của Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow. Trong một số lĩnh vực, tỷ lệ này thậm chí cao hơn, lên tới 86% đối với thiết bị viễn thông. Nhập khẩu chiếm khoảng 1/5 GDP vào năm 2020, so với 16% ở Trung Quốc và cao hơn so với các nền kinh tế lớn khác như Ấn Độ và Brazil. Các nhà sản xuất xe hơi Nga bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu các linh kiện nhập khẩu, đặc biệt chip. Một lĩnh vực đang chịu rủi ro cao khác nữa là ngành năng lượng. Ít người có thể hình dung rằng Nga phụ thuộc vào công nghệ phương Tây cho các mỏ dầu và khí đốt của họ.

Ngay cả những dự án qui mô mà Kremlin từng khoe là bằng chứng cho thấy tính tự cung tự cấp của công nghiệp Nga cũng phụ thuộc nhiều vào hàng ngoại. Dự án khủng Sukhoi Superjet 100, ra mắt năm 2007, là một nỗ lực hồi sinh lĩnh vực chế tạo máy bay dân dụng. Tuy nhiên, khoảng một nửa chi phí các bộ phận được sử dụng để chế tạo Superjet lại đến từ thiết bị nhập khẩu. Bây giờ, với “án” cấm vận, Sukhoi Superjet 100 coi như xếp xó. Hãng hàng không vũ trụ Pháp Safran SA – đơn vị sản xuất động cơ, thiết bị hạ cánh và vỏ động cơ của máy bay phản lực cho Sukhoi Superjet 100 – không thể làm ăn ở Nga vì lệnh trừng phạt của phương Tây. Phiên bản dự kiến ​​của máy bay Sukhoi được làm gần như hoàn toàn bằng các bộ phận nội địa sẽ không được sản xuất hàng loạt cho đến năm 2024.

Truyền hình Nga chiếu cảnh Putin trong một phiên họp về các giải pháp đối phó cấm vận (ảnh: Igor Golovniov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Nga thật ra đã nỗ lực xây dựng một nền kinh tế tự chủ. Từ 2015-2020, chính phủ Nga đã phân bổ hơn 2.9 nghìn tỷ rúp (khoảng $27 tỷ) cho chương trình thay thế nhập khẩu, tương đương 1.4% ngân sách chi tiêu trong giai đoạn trên. Tuy nhiên, chính sách này vẫn không thúc đẩy nổi nền kinh tế Nga, một phần do phải hứng chịu tác động kép từ các lệnh trừng phạt (sau vụ thôn tính Crimea năm 2014) và giá dầu liên tục giảm. Và nguyên do nữa là hàng nội địa có chất lượng quá kém. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội chậm hơn mức trung bình thế giới kể từ năm 2014 và người Nga đã bắt đầu “nghèo hơn” so với trước sự kiện sáp nhập Crimea. Lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đã đẩy giá lên cao, khiến người tiêu dùng thiệt hại 445 tỷ rúp (tương đương $4.1 tỷ) mỗi năm.

Một sức mạnh dựa trên xương sống nước ngoài

Một trong những ngành bị thiệt hại nặng nhất là công nghiệp kỹ thuật cao. Nhiều năm qua, Nga vẫn dựa vào công nghệ nước ngoài để thiết kế chip. Năm 2020 – theo Wall Street Journal, Nga nhập các thiết bị bán dẫn trị giá khoảng $440 triệu, trong đó có diode và transistor; và khoảng $1.25 tỷ cho bo mạch tích hợp (chủ yếu mua của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. và Samsung Electronics Co.).

Giới giám đốc điều hành công nghiệp bán dẫn phương Tây khi khảo sát thực trạng công nghiệp Nga cho biết công nghệ chế tạo chip của Nga kém TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing) hơn 15 năm. Nhà sản xuất chip hàng đầu của Nga, Mikron, là công ty nội địa duy nhất có khả năng sản xuất hàng loạt chất bán dẫn với vi mạch 65 nanomet, một công nghệ có từ năm 2006. Bộ vi xử lý Baikal mới nhất (được sử dụng rộng rãi trong nhiều máy tính và máy chủ do Nga sản xuất) – của công ty thiết kế chip Baikal Electronics JSC (Nga) – cũng do TSMC chế tạo. Và một số bộ vi xử lý Elbrus mới nhất, được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ SPARC ở Moscow, cũng được sản xuất bởi TSMC.

Công nghiệp chip điêu đứng dẫn đến ảnh hưởng tức thì đến công nghiệp vũ khí của Nga. Nó cũng ảnh hưởng đến “công nghiệp” trí thông minh nhân tạo, dịch vụ internet 5G tốc độ cao và công nghệ robot. James Lewis, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington DC) cho biết, Nga khó có thể tận dụng “nguồn” chip “móc” ra từ các thiết bị tiêu dùng như điện thoại thông minh để tái sử dụng cho vũ khí. Trung Quốc có thể giúp cung cấp tụ điện và bóng bán dẫn nhưng chính công nghiệp sản xuất chip Trung Quốc cũng không thể sản xuất hàng loạt những con chip “xịn” bằng Đài Loan, Hàn Quốc hoặc Mỹ… Nói cách khác, một khi bị cắt khỏi chuỗi cung ứng quốc tế, Nga chẳng khác gì bị rút ống thở.

Hàng tấn vàng của Nga có thể trở thành những “viên gạch”  tính “biểu trưng” (ảnh: Alexander Manzyuk/Anadolu Agency via Getty Images)

Liệu có thể bán vàng để “cầm cự”?

Không dễ. Ngày 24 Tháng Ba, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết, bất kỳ giao dịch nào liên quan đến vàng của Ngân hàng Trung ương Nga đều có thể bị áp dụng các biện pháp trừng phạt hiện hành, nhằm hạn chế khả năng huy động tiền của Nga. Moscow hiện có hơn 2,000 tấn vàng, trị giá khoảng $140 tỷ; lớn thứ năm thế giới. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, vàng chiếm khoảng 1/5 dự trữ ngoại hối của nước này, bao gồm euro, đôla Mỹ và nhân dân tệ Trung Quốc. Dù lệnh phong tỏa vàng Nga trên thị trường quốc tế chưa chính thức ban hành nhưng chắc sẽ không lâu nữa. Nếu được áp dụng, Nga không thể bán vàng trên thị trường Thế Giới

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Sun Mar 27, 2022 8:10 am

Đọc báo Đức thì biết các cố vấn, nhiều người có thẩm quyền ở Mỹ, nhiều nước Tây Phương rất kiêng dè, sợ !ông Putin.

Tôi lấy từ 1 báo vc:
...
Vào sáng thứ Bảy (26/3), trong bài phát biểu tại Cung điện Hoàng gia, ở thủ đô Warsaw, Ba Lan, Tổng thống Biden đề nghị rằng Tổng thống Putin nên bị loại bỏ.
vì Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục cầm quyền
ông Biden nói. Đây là lần đầu tiên ông Biden đưa ra đề nghị loại bỏ ông Putin khỏi Điện Kremlin...


_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by LDN Sun Mar 27, 2022 12:05 pm

Ông Biden thú vị  :Giggling:

Nói “Putin không thể tiếp tục nắm quyền”, ông Biden ngụ ý gì?

Nhìn lại chuyến công du tới vùng chiến sự châu Âu của Tổng thống Joe Biden

Hiếu Chân
27 tháng 3, 2022 - Sài Gòn nhỏ 

Người dân vẫy cờ Hoa Kỳ và Ukraine khi Tổng thống Joe Biden đọc diễn văn trước Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Warsaw Ba Lan tối 26 Tháng Ba 2022. Ở đó ông Biden nói Tổng thống Nga Putin không nên tiếp tục nắm quyền. Ảnh Omar Marques/Getty Images

“Vì Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền,” Tổng thống Joe Biden nói hôm thứ Bảy để kết thúc bài diễn văn trước Cung điện Hoàng gia Warsaw ở Ba Lan, về nhà lãnh đạo Liên bang Nga, ông Vladimir Putin – người đã từng bị ông gọi là “kẻ giết người”, là “tên đồ tể”. Khi phát biểu câu này, ông Biden nói chậm lại để nhấn mạnh.

Đây cũng là những từ cuối cùng của một bài diễn văn được soạn thảo cẩn thận. Nhưng nó đã đi xa khỏi sự cân bằng mong manh mà Tổng thống Biden cố gắng đạt được trong ba ngày ngoại giao ở châu Âu.

Hiểu theo nghĩa bề ngoài, ông Biden dường như kêu gọi lật đổ Tổng thống Nga Putin vì cuộc xâm lược tàn bạo của ông ta vào Ukraine. Nhưng các trợ lý của ông Biden nhanh chóng “nói lại cho rõ” rằng nhận xét đó không nhằm kêu gọi thay đổi chế độ hiện hành ở Nga.

Dù ý định của ông là gì, không thể phủ nhận rằng ông Biden đang đối mặt với một nhiệm vụ phức tạp trong chuyến công du bất thường tới châu Âu: củng cố khối đồng minh của Mỹ đoàn kết chống lại ông Putin, đồng thời tránh leo thang chiến tranh với Nga, mà ông nói có thể dẫn đến Thế chiến Thứ Ba.

Với mục tiêu đầu tiên, ông Biden đã dành phần lớn thời gian của chuyến đi để thu hút sự chú ý của thế giới về hành động tàn bạo của ông Putin kể từ khi ông ta bắt đầu cuộc chiến vào ngày 24 tháng Hai. Ông kêu gọi tiếp tục hành động để làm tê liệt nền kinh tế Nga. Ông tái khẳng định lời hứa của Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh NATO trước bất kỳ mối đe dọa nào. Và ông gọi ông Putin là “một tên đồ tể”, người chịu trách nhiệm về việc tàn phá các thành phố và người dân Ukraine.

Với mục tiêu thứ hai, ông đã không đáp ứng yêu cầu thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine, không cung cấp chiến đấu cơ cho không quân Ukraine mặc cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra thất vọng và giận dữ với cái mà ông gọi là thái độ thiếu can đảm của Hoa Kỳ và NATO. Trong các cuộc thảo luận kín tại NATO và với các nhà lãnh đạo của hơn 30 quốc gia, ông Biden nhiều lần tuyên bố sẽ không gửi quân đội Mỹ tham chiến chống lại Nga, phản đối việc sử dụng máy bay chiến đấu của NATO hoặc Mỹ để bảo đảm không phận của đất nước khỏi các cuộc tấn công của Nga. Dù Hoa Kỳ là nước viện trợ lớn nhất cho Ukraine, cả về vũ khí phòng thủ, thông tin tình báo lẫn viện trợ nhân đạo, ông Biden vẫn quyết tránh thực hiện các hành động mà ông Putin có thể dùng làm cái cớ để bắt đầu một cuộc xung đột rộng lớn hơn, thậm chí nguy hiểm hơn.

Đáp lại nhận xét thẳng thừng của ông Biden, Dmitri S. Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, nói số phận của ông Putin không nằm trong tay tổng thống Mỹ. “Không phải để Biden quyết định. Tổng thống của nước Nga là do người dân Nga bầu lên,” ông Peskov nói với các phóng viên sau khi ông Biden phát biểu xong. 

***

Chuyến đi của ông Biden, bắt đầu vào thứ Tư vừa qua, diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông và thế giới: đã xảy ra cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945 và một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn. Hai sự kiện này đang thử thách quyết tâm và sự hợp tác trong liên minh NATO sau bốn năm mà cựu Tổng thống Donald J. Trump đặt nghi vấn về vai trò của NATO và thúc đẩy chủ nghĩa biệt lập “Nước Mỹ trước hết”. Theo các nhà theo dõi chính sách đối ngoại kỳ cựu, ông Biden đã thành công trong việc giữ vững thông điệp về sự đoàn kết chặt chẽ của NATO.

Charles Kupchan, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận xét: “Thông điệp đoàn kết [của NATO] chính là điều mà Putin cần nghe để thuyết phục ông ấy thu hẹp quy mô mục tiêu chiến tranh và chấm dứt sự tàn bạo. Đó là những gì người Ukraine cần nghe để khuyến khích họ tiếp tục chiến đấu. Và đó cũng là những gì người châu Âu cần nghe để ổn định thần kinh và trấn an họ rằng Hoa Kỳ hoàn toàn cam kết bảo vệ họ”.

Trong thực tế, một chỉ huy hàng đầu của Nga – đại tướng Sergei Rudskoi, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga – hôm thứ Sáu đã thông báo công khai rằng Moscow đang thu hẹp mục tiêu chiến tranh, không ưu tiên cho việc đánh chiếm thủ đô Kyiv và các thành phố lớn khác của Ukraine; thay vào đó quân đội Nga sẽ tập trung “vào nhiệm vụ chính: giải phóng hoàn toàn Donbass,” khu vực đông nam Ukraine là nơi có lực lượng nổi dậy ly khai do Điện Kremlin hậu thuẫn.

Các quan chức chính quyền Hoa Kỳ cho rằng việc Nga rút quân tới Donbass sẽ là một thất bại đáng kể của ông Putin, người đã bị thế giới khinh bỉ vì cuộc xâm lược Ukraine và khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn do các lệnh trừng phạt toàn cầu. 

Nếu ông Putin quyết định giới hạn phạm vi cuộc chiến, điều đó sẽ đặt ra những thách thức ngoại giao mới cho ông Biden, người đã sử dụng nỗi kinh hoàng của cuộc chiến toàn diện để tập hợp thế giới chống lại cuộc xâm lược của Nga. Việc tập hợp đồng minh sẽ khó khăn hơn nếu ông Putin quyết định triệt thoái một bộ phận quân Nga – cho dù rút quân thật sự hay chỉ là một đòn nghi binh chiến lược.

***

Khi ông Biden lên chiếc Không lực Một vào đêm thứ Bảy để bay trở lại Washington, suy nghĩ của ông Putin vẫn còn mờ mịt và chưa ai biết chắc ông ta đang suy tính chuyện gì. Điều đó làm phức tạp hóa nhiệm vụ của chính quyền Hoa Kỳ khi ông Biden tìm cách duy trì áp lực lên Nga mà không đi quá xa. Điều an ủi của Biden là cho đến nay, ông nhận được sự ủng hộ khá mạnh của dân chúng và giới chính trị Mỹ, kể cả từ đảng Cộng Hòa, về sự ứng phó của Hoa Kỳ với cuộc chiến tranh ở Ukraine. Hoa Kỳ đã gửi hơn $2 tỷ viện trợ quân sự và an ninh cho Ukraine, giúp nước này củng cố khả năng chống lại quân đội Nga. Và ông đã cùng các nhà lãnh đạo châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Nga, gây áp lực to lớn lên những người ủng hộ nhà lãnh đạo Nga.

Trong chuyến thăm của ông Biden tới Brussels, NATO đã thông báo triển khai các lực lượng bổ sung cho các nước thành viên có chung biên giới với Nga, một nỗ lực mà ông Biden cho rằng sẽ đưa ra một thông điệp về quyết tâm tới ông Putin.

Tổng thống Biden cũng thông báo viện trợ nhân đạo $1 tỷ cho Ba Lan và các quốc gia khác, những nước đã đón tiếp 3.5 triệu người chạy khỏi các cuộc giao tranh ở Ukraine. Ông Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ mở cửa biên giới cho 100,000 người Ukraine tị nạn.

Ian Lesser, giám đốc điều hành Quỹ Marshall của Đức tại Brussels, cho biết, chuyến đi của tổng thống đã tạo ra một ấn tượng đáng kể.

Tuy nhiên, tổng thống Biden cũng bị ông Zelensky chỉ trích vì từ chối thực thi vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. “Lợi thế của Nga trên bầu trời giống như việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Và bạn thấy hậu quả ngày hôm nay. Bao nhiêu người thiệt mạng, bao nhiêu thành phố yên bình bị tàn phá”, Tổng thống Zelensky nói với ông Biden và các nhà lãnh đạo các nước NATO trong cuộc họp kín của họ hôm thứ Năm. 

Với các đồng minh châu Âu, ông Biden đối mặt với một khó khăn khác: làm sao thuyết phục họ chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn dầu và khí đốt của Nga, gián tiếp đóng góp tài chánh cho cỗ máy chiến tranh của Putin. Châu Âu mua phần lớn năng lượng từ Nga, và ông Biden một lần nữa nhận thấy sự lưỡng lự sâu sắc của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc đưa ra quyết định cắt đứt huyết mạch đó.

Jeremy Bash, người từng là cố vấn hàng đầu tại Lầu Năm Góc và C.I.A. dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, gọi cuộc chiến của ông Putin là “một trận động đất địa chính trị” và “một cuộc tranh tài mỗi thế hệ chỉ có một lần” buộc ông Biden phải nhanh chóng thích nghi với một thế giới ngoại giao và an ninh đang thay đổi nhanh chóng. “Tổng thống Biden hiện là tổng tư lệnh thời chiến, chỉ huy cùng lúc bốn cuộc chiến tranh: Một cuộc chiến tranh kinh tế, một cuộc chiến tranh thông tin, có thể là một cuộc chiến tranh mạng, và một cuộc chiến quân sự gián tiếp chưa từng có chống lại Putin. Và đến nay, Putin đã không thể đạt được một mục tiêu nào”, ông Bash nói.

***

Trở lại với nhận định gay gắt của ông Biden về tổng thống Nga, một số chuyên gia trong giới chính sách đối ngoại ủng hộ nhiệt thành chính sách của chính quyền đã nhanh chóng phản bác tổng thống. Họ cho rằng, ý định tìm cách loại bỏ ông Putin được ông Biden phát biểu công khai sẽ mang lại hậu quả xấu. Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng phát biểu của ông Biden có nguy cơ kéo dài phạm vi và thời gian của chiến tranh.

Các quan chức chính phủ Mỹ thì khẳng định mục tiêu của Washington không phải là thay đổi chế độ ở Moscow mà chỉ muốn ông Putin bị suy yếu về mặt chiến lược. Trên chiếc Không lực Một trở về Washington, ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, nói với báo chí: “Cuối cùng, người dân Nga sẽ đặt hỏi câu hỏi căn bản hơn là tại sao điều này [cuộc xâm lược Ukraine] lại xảy ra và xảy ra như thế nào… Tổng thống Putin phải trả giá từ bản thân và đất nước cũng như nền kinh tế và cơ sở công nghiệp quốc phòng của ông ấy vì quyết định tham chiến ở Ukraine hoàn toàn vô cớ và không thể biện minh được của ông ta”.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

New Re: Chiến tranh Ukraine: Năm yếu tố tác động đến cuộc chiến tranh Ukraine trong năm 2024

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

Page 13 of 55 Previous  1 ... 8 ... 12, 13, 14 ... 34 ... 55  Next

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum