Our forum runs best with JavaScript enabled !

NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013

View previous topic View next topic Go down

NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013 Empty Re: NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013

Post by LDN Sat Jul 15, 2023 2:10 pm

Vũ điệu ngoại giao NATO: Đoàn kết hơn trên mặt trận đối đầu Nga và Trung Quốc

Hoa Kỳ và các đồng minh đã duy trì được sự thống nhất chống lại Nga. Họ có thể làm điều tương tự với Trung Quốc?

Lê Tây Sơn
15 tháng 7, 2023
Saigon Nhỏ

Tổng thống Biden rất thành công trong việc xây dựng sự đoàn kết trong NATO trong cuộc đối đầu Nga và cảnh giác trước Trung Quốc (ảnh: Dominika Zarzycka/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Nỗ lực không mệt mỏi của Mỹ

Hoa Kỳ và các đồng minh trên khắp châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương đang cùng nhau đối mặt với những gì họ xem là thách thức ngày càng tăng từ cặp bài trùng Nga và Trung Quốc (TQ). Đợt con thoi ngoại giao trong tuần qua cho thấy khả năng phục hồi cũng như giới hạn của sự đoàn kết giữa các đồng minh.

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Litva đã công bố sự hỗ trợ mới cho Ukraine, giữ vững sự gắn kết của liên minh nhưng không đưa ra lộ trình rõ ràng để Ukraine trở thành thành viên NATO. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dập tắt những nỗ lực vào phút cuối của Ukraine và những người ủng hộ họ để thảo luận về thời gian gia nhập NATO, với lý do rằng điều này có thể làm phân tâm mục tiêu chấm dứt chiến tranh.

Cũng tại hội nghị, lần đầu tiên NATO chỉ trích Bắc Kinh “phối hợp với Moscow nhằm phá vỡ trật tự và luật lệ quốc tế”. Vũ đạo ngoại giao nhấn mạnh chiến lược cân bằng mà chính quyền Biden đang tiến hành. Nếu Nga và cuộc chiến Ukraine là ưu tiên cấp bách hơn đối với Mỹ và các đồng minh, thì sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột kép ở cả hai đầu lục địa Á-Âu.

Nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình đã có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga trong thập niên qua để phá vỡ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Sự câu kết tăng lên khi Tập tới Moscow vào Tháng Ba qua. Ông kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin hợp tác để thúc đẩy thay đổi cục diện thế giới.

Khi Hoa Kỳ tôn trọng cam kết an ninh với các đồng minh ở châu Âu và châu Á, những thách thức đồng thời từ Moscow và Bắc Kinh sẽ làm căng nguồn lực quân sự của Mỹ nên rất cần các liên minh đáng tin cậy để giảm tải. Mathieu Droin, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Pháp hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chính sách (Center for Strategic and International Studies) tại Washington, nhận định: “Nếu có một điều đáng quan tâm trong năm qua thì đó là tác động của mối quan hệ đối tác không giới hạn giữa Tập và Putin”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania (ảnh: Celestino Arce/NurPhoto via Getty Images)
Quan điểm đó được các đồng minh Trung và Đông Âu của Mỹ chia sẻ sâu sắc, đặc biệt là những nước có biên giới chung với Nga. Các quốc gia này ngày càng tin rằng TQ và Nga là hai mặt của đồng tiền và thách thức từ TQ là điều cần phải giải quyết sớm. Với việc Hoa Kỳ vẫn là thành viên thống trị của NATO, Biden đã tìm cách sử dụng hội nghị thượng đỉnh và các sự kiện khác để vận động các đồng minh đối đầu với Nga và TQ trong khi cùng nhau duy trì liên minh an ninh gồm 31 quốc gia với các ưu tiên chiến lược đôi khi khác nhau.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài một năm. Bên lề, Nhóm 7 (G7) nền kinh tế hàng đầu, gồm sáu thành viên NATO và Nhật Bản, cùng tuyên bố ủng hộ Ukraine, một bước tiến trong việc đảm bảo an ninh cho Kyiv trong thời gian chờ đợi trở thành thành viên NATO. Nhật Bản đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ hai cùng với các đồng minh thân cận khác của Washington từ Châu Á-Thái Bình Dương: Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Biden cho biết ông đưa các đồng minh NATO ở châu Á-Thái Bình Dương đến hội nghị thượng đỉnh “để tăng cường kết nối giữa các nền dân chủ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương” và ca ngợi họ vì đã đứng cùng nhau khi Nga tấn công Ukraine và gợi ý rằng các quốc gia này cũng nên làm như thế để chống lại TQ.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Vilnius, Lithuania ngày 12 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images)
Khó có tiếng nói chung về Trung Quốc

Nhưng việc thuyết phục các quốc gia khác nhau có tiếng nói chung về TQ khó khăn hơn nhiều. Chẳng hạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khuyến cáo Pháp và phần còn lại của châu Âu không nên bị kéo vào cuộc xung đột Đài Loan. Khi NATO thảo luận đặt văn phòng đại diện tại Nhật Bản, đề xuất này cũng bị Pháp phản đối nên thông cáo kết thúc hội nghị thượng đỉnh không đề cập đến vấn đề này.

Tháng Hai qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ký một tuyên bố với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida để tăng cường hợp tác chiến lược, dựa trên “các giá trị và lợi ích an ninh” chung. Đức, quốc gia xem TQ là đối tác thương mại lớn nhất đã công bố “chiến lược TQ” đầu tiên vào ngày 13 Tháng Bảy, trong đó công nhận Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh và đối thủ chiến lược”, đồng thời viện dẫn sự cần thiết phải giảm phụ thuộc vào thị trường TQ.

Tuy nhiên, chính phủ Đức không yêu cầu các công ty Đức phải tiết lộ nội dung các cuộc tiếp xúc với Trung Quốc, đồng thời kêu gọi “duy trì các mối quan hệ kinh tế bền vững”. James Goldgeier, giáo sư quan hệ quốc tế tại American University, nhận định: “Từ lâu Mỹ đã muốn thuyết phục người châu Âu xem xét mối đe dọa từ TQ nghiêm túc hơn. Nhưng thực tế cho thấy châu Âu có những lợi ích kinh tế mà họ không muốn gây nguy hiểm”.

“Đại hội quần hùng” NATO, 12 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Dominika Zarzycka/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Chính quyền Biden cũng cố gắng trấn an Bắc Kinh rằng Mỹ không có ý định cắt đứt quan hệ kinh tế mà thay vào đó, Hoa Kỳ chỉ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng đối với một số hàng hóa quan trọng. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã mang thông điệp đó tới Bắc Kinh vào tuần trước. Bà nhấn mạnh với các doanh nhân hàng đầu của TQ: “Những hành động của Hoa Kỳ được thực hiện vì những lo ngại về an ninh quốc gia và chỉ trong phạm vi hẹp để giảm thiểu tác động lên mối quan hệ kinh tế rộng lớn hơn”.

Tuy nhiên, nhìn chung, Hoa Kỳ đã vạch ra cách tiếp cận sắc bén hơn đối với TQ, áp đặt các hạn chế để ngăn Bắc Kinh tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến có lợi cho quân đội TQ. Chính quyền Biden đã đạt được các thỏa thuận quốc phòng mới với Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Bắc Kinh xem các động thái này là nỗ lực nhằm hạn chế sự phát triển hơn nữa của TQ và tham vọng của giới lãnh đạo Cộng sản nhằm đưa đất nước lên đỉnh cao của trật tự toàn cầu.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng tìm cách chia rẽ Mỹ với các đồng minh. Gần đây nhất là việc cử Thủ tướng Lý Cường tới châu Âu để thảo luận về hợp tác kinh tế. Thay vì thúc đẩy đối đầu với TQ, hội nghị thượng đỉnh NATO không loại bỏ khả năng hợp tác với Bắc Kinh để TQ không hỗ trợ vũ khí cho Nga, bất chấp việc TQ mua thêm năng lượng của Nga. Thông cáo bế mạc Hội nghị thượng đỉnh NATO kêu gọi TQ kiềm chế cung cấp vũ khí sát thương và đóng vai trò xây dựng hơn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – Wall Street Journal cho biết.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013 Empty Re: NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013

Post by LDN Fri Jul 21, 2023 4:47 am

Khối NATO quậy mạnh hơn (Ngô Nhân Dụng)

TT Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, và ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký khối NATO,
tại Thượng Đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania.

Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai chẩn bệnh cho liên minh NATO, tuyên bố nó đang trong tình trạng “mort cérébrale,” chờ chết vì bộ não ngừng hoạt động. Hôm Thứ Ba vừa rồi trong cuộc họp ở Vilnius, thủ đô Lithuania, ông Macron báo tin Pháp sẽ gửi cho Ukraine các hỏa tiễn SCALP, có thể bắn xa 250 km – giống như hỏa tiễn Storm Shadow mà Anh quốc đã tặng.

Quân đội Ukraine đang cần những hỏa tiễn tầm xa này để mở cuộc tổng phản công chiếm lại các vùng đất phía Đông bị Nga chiếm. Tại Vilnius, các nước khác cũng cho biết đang viện trợ những loại vũ khí mới. Nước Đức sẽ tặng thêm 25 “xe tăng” Leopard sau đợt đầu vào tháng Ba; hai giàn phóng hỏa tiễn Patriot của Mỹ và 40 xe chiến đấu cho bộ binh. Đức đã đồng ý cho các nước khác gửi xe Leopard cho Ukraine. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tuyên bố sẽ tăng thêm $240 triệu, nâng ngân sách vũ khí viện trợ lên $960 triệu, trong tổng số $1.4 tỷ kể cả viện trợ nhân đạo. NATO không có dấu hiệu nào là đang “chết não” mà NATO còn cựa quậy mạnh hơn!

Cuộc tấn công của Vladimir Putin đã khiến khối NATO phải đoàn kết chặt chẽ. Không những thế NATO còn tiếp nhận các quốc gia hội viên mới, Phần Lan trong tháng Tư vừa qua và Thụy Điển được thâu nhận trong hội nghị Vilnius.

Minh ước Bắc Đại Tây Dương, chính thức viết tắt là NATO, tiếng Anh và OTAN, tiếng Pháp, được thành lập trong thời Chiến Tranh Lạnh, với mục đích đề phòng một cuộc tấn công của Liên bang Xô Viết. Nga chưa bao giờ đánh, cho nên khối NATO cũng không bàn đến việc phối hợp về quân sự, trong ba phần tư thế kỷ. Gần 100 sư đoàn của các nước NATO thua xa lực lượng Khối Vác Xa Va (Warsaw), gồm Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu.

Khi Liên Xô sụp đổ, Chiến Tranh Lạnh coi như đã qua, mọi người đều nghĩ vai trò của NATO sẽ chấm dứt. Chính phủ Mỹ có lúc, 5, 6 năm trước đây, đã tỏ ý muốn rút khỏi NATO, coi như cả liên minh quân sự này bị giải tán. Nhưng NATO vẫn tồn tại vì nhiều nước đua nhau xin gia nhập; gồm các nước cộng sản cũ ở Đông Âu và vùng biển Baltic. Vì họ cần hỗ trợ để tự vệ trước một đế quốc Nga mới.

Năm 1997, Cộng Hòa Czech mở cuộc trưng cầu dân ý có nên gia nhâp NATO hay không. Đa số dân ưng thuận dù bị Nga dọa nạt; hai năm sau Czech chính thức vào NATO. Việc xin gia nhập NATO trở thành một kỳ thi tuyển cho những nước đã sống dưới chế độ cộng sản, muốn được vào Liên Hiệp Âu Châu (EU) để hưởng những lợi ích kinh tế. Các nước NATO cứu xét đơn gia nhập, coi những nước đó đã có tự do dân chủ, tôn trọng pháp luật, và thiết lập kinh tế thị trường hay chưa. Trong năm 2004, thêm bảy quốc gia hội viên mới; dần dần lên đến 30 nước; năm nay thêm Phần Lan và Thụy Điển.

Hai nước hội viên mới vốn vẫn giữ vai trò trung lập trong suốt thế kỷ 20, nhất là Phần Lan, nằm bên cạnh nước Nga. Cuộc chiến tranh Ukraine khiến họ thay đổi thái độ, không biết bao giờ sẽ đến lượt mình bị Vladimir Putin nhòm ngó. Nhưng đơn xin gia nhập của hai nước đã bị tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngăn cản.

Một lý do là ông Erdogan vẫn muốn tỏ ra không chống Nga, một nước lớn cùng ở bên bờ Hắc Hải. Ông còn muốn giữ một quân bài để trao đổi khi thương thuyết với Tây Âu và Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong NATO nhưng đã nạp đơn xin gia nhập EU, Liên hiệp Âu châu từ năm 1987, đến năm 1999 mới được cứu xét; năm 2005 bắt đầu thương thuyết nhưng đến nay vẫn chưa xong. Thường các nước xin gia nhập EU phải chờ đợi mươi năm, Thổ Nhĩ Kỳ chờ 18 năm, lâu quá. Lý do chính là bị Hy lạp phủ quyết. Hai nước chưa thỏa hiệp được với nhau về phân chia ảnh hưởng trên đảo Cyprus, cũng là một hội viên EU khác.

Bây giờ, ông Tayyip Erdogan vẫn chưa thuyết phục được Hy lạp và Cyprus, nhưng nhận được một món quà trao đổi khác. Tổng thống Joe Biden nói sẽ xin phép quốc hội Mỹ để bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các máy bay chiến đấu tối tân F-16. Ông Biden mở cánh cửa này sau khi ông Erdogan tỏ thái độ coi thường Vladimir Putin. Nga và Ukraine mới trao đổi tù binh, nhờ Thổ Nhĩ Kỳ đứng môi giới. Theo thỏa ước, Putin muốn các tù binh Ukraine quan trọng không được về nước mà phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan bất chấp, để cho Tổng thống Volodymyr Zelensky được qua đón những chiến sĩ trong Lữ đoàn Azov đã chiến đấu ở thành phố Mariupol cho dến ngày cuối cùng, đưa họ về Ukraine như những vị anh hùng. Erdogan biết Putin đã hết thời nên thân thiện với Mỹ hơn!

NATO có ích lợi gì mà Mỹ phải tốn bao nhiêu tiền, gửi quân đội và vũ khí qua bảo vệ Âu châu?

Mỹ giúp các đồng minh ở Âu châu, cũng như Á châu, không phải vì muốn làm việc từ thiện, mà để phòng trước các mối đe dọa lâu dài nếu Nga và Trung Cộng lấn áp được những nước láng giềng. NATO cũng bảo đảm các nước Âu châu liên kết chặt chẽ với Mỹ hơn trên các lãnh vực kinh tế, thương mại, chính sách tài chánh hoặc quan thuế.

Thực ra chi phí quân sự của Mỹ ở Âu châu chỉ bằng dưới 6 phần trăm ngân sách ngũ giác đài. Đổi lại, các nước NATO mua vũ khí do các công ty Mỹ sản xuất, trước khi Nga đánh Ukraine đã chiếm một nửa số chi tiêu của họ. Bây giờ các nước đó cần tăng ngân sách quốc phòng để tự vệ và giúp Ukraine hoặc Ba Lan, Rumani. Họ đang mua thêm xe thiết giáp, chiến đấu cơ và những hệ thống vũ khí mới, với những hợp đồng lâu năm.

Tổng thống Macron cũng không còn thấy khối NATO sắp chết nữa. Trong hội nghị ở Lithuania ông nói hỗ trợ Ukraine là “gửi một thông điệp cho thấy khối NATO đoàn kết và quyết tâm không để cho Nga thắng, không thể nào thắng được.” Trong lúc hội nghị NATO sắp khai mạc, Pháp gửi 10 chiến đấu cơ qua thao dượt cùng quân đội Mỹ ở vùng các quần đảo Thái Bình Dương, để bắn tin cho Cộng sản Trung Quốc.

Trung Cộng cũng không thể nào không chú ý đến những người khách từ các nước Á châu và Thái Bình Dương đã đến thăm hội nghị ở Vilnius: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol; Thủ tướng Anthony Albanese nước Australia và Chris Hipkins từ New Zealand. Ông Yoon Suk Yeol còn mời ba người kia họp riêng bên lề hội nghị NATO để bàn việc hợp tác trước các vấn đề chung, trong đó có các mối lo về an ninh.

Trong thực tế, Anh quốc đang gửi quân đội qua huấn luyện ở Nhật. Pháp gửi chiến hạm qua Biển Đông nước ta và eo biển Đài Loan, nơi chiến thuyền Canada cùng thao diễn với hải quân Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Đức Boris Pistorius mới báo trước, trong một hội nghị ở Singapore, rằng sang năm tới sẽ cho hai chiến hạm đến thăm vùng này.

Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký khối NATO, mới được tái nhiệm, xác nhận, “NATO không chỉ là một liên minh quân sự của Âu châu và Mỹ, vì những thử thách trước mặt chúng ta nằm ở khắp toàn cầu.”

Ngô Nhân Dụng

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/khoi-nato-quay-manh-hon/7184414.html

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013 Empty Re: NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013

Post by LDN Fri Jul 21, 2023 5:10 am

Bảy vấn đề bạn cần biết về NATO hiện nay

Nghiencuuquocte

Nguồn: Matthew Mpoke Bigg, “关于现在的北约,你应该知道的七个问题”, New York Times, 12/07/2023

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Hôm Thứ Ba (11/7), các nhà lãnh đạo Khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên của họ tại Vilnius, thủ đô Litva. Trong chương trình nghị sự của hội nghị, phản ứng đối với cuộc chiến Nga-Ukraine chiếm phần chủ yếu.

Cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu kể từ khi NATO được thành lập cách đây 74 năm đã kích hoạt lại tổ chức này, đưa NATO trở về vai trò một liên minh tác chiến trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Nga-Ukraine cũng đặt ra những câu hỏi hóc búa về viện trợ quân sự cho chính phủ Ukraine và việc Thụy Điển và Ukraine xin gia nhập NATO.

Một trong những vấn đề đó đã được giải quyết vào tối thứ Hai (10/7). Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết Thổ Nhĩ Kỳ, vốn luôn phản đối Thụy Điển vào NATO, sẽ không còn ngăn cản Thụy Điển gia nhập liên minh.

“Điều này có lợi cho tất cả các quốc gia thành viên của chúng tôi,” ông Stoltenberg nói. “Điều đó có lợi cho Thụy Điển, vì Thụy Điển sẽ là thành viên chính thức; điều đó có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO và sẽ được hưởng lợi từ một NATO mạnh hơn.”

Tuy nhiên, theo dự kiến, các vấn đề khác ​​sẽ chi phối hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày này. Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước khác sẽ tham dự hội nghị. Đây là lần đầu tiên Phần Lan dự họp. Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập từng được thi hành lâu năm với Nga và năm nay Phần Lan đã gia nhập NATO với tư cách thành viên thứ 31 của tổ chức này. Sự gia nhập của Phần Lan là một dấu hiệu nổi bật cho thấy cuộc chiến Nga-Ukraine đã kích thích NATO như thế nào, và là một yếu tố bất lợi đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã coi sự mở rộng về phía đông của NATO là một trong những lý do khiến ông xâm lược Ukraine.

Dưới đây là những thông tin ngắn gọn về NATO và việc vai trò của nó đã thay đổi như thế nào sau khi Nga xâm lược Ukraine.

NATO là một tổ chức như thế nào?

NATO là một liên minh phòng thủ tập thể do Mỹ, Canada và 10 quốc gia châu Âu thành lập vào năm 1949 sau Thế chiến II.

Hiệp ước thành lập NATO có 14 điều mà tất cả các thành viên đều phải tuân thủ. Nổi tiếng nhất là Điều 5, tuyên bố rằng cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là cuộc tấn công vào tất cả các quốc gia thành viên.

Khi NATO được thành lập, Liên Xô đang củng cố địa vị lãnh đạo của mình ở Trung Âu và Đông Âu, đồng thời sức mạnh và tham vọng của Liên Xô dường như ngày một tăng lên. Trước tình hình đó, Điều 5 Hiệp ước đã đặt Tây Âu dưới sự bảo hộ của Mỹ.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, NATO bắt đầu có một vai trò rộng lớn hơn. Quân đội NATO được tổ chức từ quân đội do các quốc gia thành viên tự nguyện cử đến. Họ đã thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Bosnia vào những năm 1990 và không kích Serbia vào năm 1999 để bảo vệ Kosovo. Hiện nay quân đội NATO vẫn đóng tại Kosovo.

NATO có những quốc gia thành viên nào?

Ngoài Mỹ và Canada, các quốc gia gia nhập NATO năm 1949 là Bỉ, Anh, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Bồ Đào Nha.

Về sau có thêm 19 quốc gia châu Âu khác gia nhập, gồm: Albania, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Hungary, Latvia, Litva, Montenegro, Bắc Macedonia, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha.

Việc kết nạp Phần Lan đã bổ sung cho NATO một trong những quân đội hùng mạnh nhất ở Tây Âu. Đồng thời cam kết phòng thủ tập thể của NATO hiện mở rộng tới quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga.

Tại Vilnius, Stoltenberg đã công bố tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Ông cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã rút lại quan điểm phản đối Thụy Điển gia nhập NATO và ông Erdogan sẽ đệ trình đơn của Thụy Điển lên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để phê chuẩn trong thời gian sớm nhất.

Ai lãnh đạo NATO?

Cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg giữ chức Tổng thư ký NATO từ năm 2014. Dự kiến ông ​​sẽ mãn nhiệm vào tháng 9 năm nay. Nhưng tuần trước, ông đã tuyên bố đồng ý gia hạn nhiệm kỳ của mình đến tháng 10 năm 2024.

Việc gia hạn nhiệm kỳ của Stoltenberg đã làm cho hội nghị thượng đỉnh lần này không phải thảo luận vấn đề gây tranh cãi về người thay thế, sau khi một số ứng cử viên tiềm năng đã xuất hiện vào mấy tuần trước.

Trong số này bao gồm Thủ tướng Estonia Kaja Karas, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm NATO thay đổi như thế nào?

Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố NATO đã “chết não” và bày tỏ nghi ngờ về cam kết của Mỹ với liên minh NATO. Nhưng kể từ sau cuộc xâm lược ồ ạt của Nga vào Ukraine hồi tháng 2 năm 2022, NATO đã phát hiện mình có một ý nghĩa mới.

Mặc dù NATO không trực tiếp cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng các thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine các thiết bị trị giá hàng chục tỷ đô la, và Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất về tổng khối lượng. Tất cả các thành viên NATO đều họp hàng tháng tại Ramstein, Đức, để thảo luận vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine. NATO còn giúp điều phối yêu cầu viện trợ nhân đạo của Ukraine.

Một vấn đề mà họ tranh luận là liệu các thành viên NATO có nên cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16 hay không. Ukraine cho rằng F-16 sẽ tăng cường hiệu quả hệ thống phòng không của họ trong dài hạn. Trong tháng này, một chỉ huy cấp cao của NATO cho biết rằng mặc dù có kế hoạch cung cấp các máy bay chiến đấu như vậy, nhưng họ khó có thể bắt kịp thời cơ phản công hiện tại của Ukraine.

Chiến tranh Nga-Ukraine cũng đã trao vị trí trung tâm mới cho các thành viên phía đông của NATO, nhất là các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan, trong đó Ba Lan đã giành được ảnh hưởng mới đáng kể trong nội bộ NATO. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Kiev sau khi Nga xâm lược Ukraine, cũng là một trong những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Chính phủ Ba Lan còn ra sức ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thuỵ Điển gia nhập NATO?

Thụy Điển đã phá bỏ chính sách trung lập đối với Nga và cùng Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 năm 2022. Nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã liên tục không đồng ý cho Thụy Điển gia nhập, nói rằng Thụy Điển dung túng cho những người Kurd lưu vong và những người tị nạn có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

Tuần trước, Tổng thống Biden cho biết ông “rất nóng lòng mong chờ” Thụy Điển gia nhập NATO, mặc dù vào thời điểm đó khả năng ấy rất nhỏ. Trước đó, vào sáng thứ Hai, ông Erdogan cho biết EU trước tiên nên mở cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối EU và sau đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO.

Ông Stoltenberg nói, như một phần trong thỏa thuận cho Thụy Điển gia nhập NATO, Thụy Điển sẽ giúp mở lại đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước sẽ cùng nhau chống khủng bố và NATO sẽ lập một “điều phối viên đặc biệt chống khủng bố” mới.

Ngoại trừ Hungary, tất cả các thành viên NATO đều ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Hungary cho biết họ đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý.

Khả năng Ukraine gia nhập NATO như thế nào?

Gia nhập NATO là mục tiêu trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Ukraine nhiều năm qua và là một phần trong kế hoạch tương lai của Ukraine tranh thủ gia nhập Liên minh châu Âu và đứng vào hàng ngũ các nước phương Tây. Ngay từ năm 2008, NATO đã tỏ ý cho biết Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên NATO. Việc Nga xâm lược Ukraine đã tạo động lực lớn hơn, và vào tháng 9 năm ngoái chính phủ Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO.

Mặc dù Ba Lan và các nước Đông Âu khác ủng hộ việc cung cấp cho Ukraine lộ trình gia nhập NATO nhưng Mỹ, Đức và Pháp lại luôn ngăn cản Ukraine tham gia vì họ không muốn thực hiện một bước đi có thể dẫn đến sự mở rộng cuộc chiến tranh với Nga.

Họ nói, nhiệm vụ ưu tiên trước mắt nên là cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, còn vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine thì để lại giải quyết sau. Trong một cuộc phỏng vấn được CNN phát sóng hôm Chủ nhật, Tổng thống Biden cho biết Ukraine vẫn chưa làm xong việc chuẩn bị gia nhập NATO, và trong khi chiến tranh vẫn đang tiếp diễn thì việc bắt đầu thủ tục đăng ký gia nhập NATO “hãy còn quá sớm”.

Các nước khác của châu Âu thì sao?

Các quốc gia khác ở châu Âu, bao gồm Ireland và Áo, đã chọn không gia nhập NATO, thường là do họ tuân theo chính sách trung lập.

Belarus, một quốc gia khác có chung đường biên giới với Nga, cũng không phải là thành viên NATO. Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko, một đồng minh thân cận của Putin, đã cho phép Nga sử dụng Belarus làm nơi tập kết lực lượng xâm lược Ukraine.

Matthew Mpoke Bigg là nhà báo đưa tin quốc tế cho New York Times. Trước đây là phóng viên, biên tập và trưởng văn phòng của Reuters, đưa tin từ Nairobi, Abidjan, Atlanta, Jakarta và Accra.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013 Empty Re: NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013

Post by LDN Sat Jul 22, 2023 9:20 am

Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có mặt tại Hội nghị của Nato năm nay NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có mặt tại Hội nghị của Nato năm nay

Tác giả,Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ
Vai trò,Gửi bài tới BBC từ California, Hoa Kỳ

22 tháng 7 2023 - BBC

Mới đây, vào các ngày 11-12/7/2013, Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) đã họp tại Vilnius, thủ đô Lithuania.

Hội nghị đã được liên minh quân sự phương Tây này coi là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đặc biệt.

Sự hiện diện của các khách châu Á là rất rõ. Lần này, không chỉ có Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự hội nghị mà Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng có mặt.

Lý do là câu chuyện của Nato bây giờ không còn ở vùng Bắc Đại Tây Dương và Đông Âu mà đã tác động đến châu Á.

Trung Quốc 'cảnh báo' khả năng NATO mở rộng ở Á châu

Hoa Kỳ và Đông Nam Á 'cần lập liên minh quân sự để chống Trung Quốc'

Thượng đỉnh Nato hướng đến đoàn kết vì Ukraine khi Vladimir Putin đang theo dõi chặt chẽ

Thông cáo của Hội nghị chỉ rõ: “Các tham vọng và chính sách cưỡng ép của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra thách thức đối với lợi ích, an ninh và giá trị của chúng ta. Trung Quốc sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu và thể hiện sức mạnh của họ, trong khi giữ bí mật về chiến lược, ý đồ và việc xây dựng quân đội của họ. Các hoạt động hỗn hợp và tấn công mạng gây hại của Trung Quốc cùng với lời lẽ đối đầu và thông tin sai lệch nhắm vào các thành viên Liên minh và gây tổn hại đến an ninh của Liên minh.

Trung Quốc cố gắng kiểm soát các ngành công nghệ và công nghiệp chủ chốt, cơ sở hạ tầng quan trọng và vật liệu chiến lược và các chỗi cung ứng. Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để tạo ra sự phụ thuộc chiến lược và tăng cường ảnh hưởng của họ. Trung Quốc cố gắng lật đổ trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, bao gồm tự do hang hải.”

Nato nhấn mạnh: ”Mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu rộng giữa Trung Quốc và Nga và những nỗ lực tương trợ nhau để làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là chống lại các giá trị và lợi ích của chúng ta.”

Các quan điểm trên là sự tiếp nối và đào sâu “Khái niệm chiến lược mới” được Nato đưa ra năm 2022 theo đó khối quân sự này cần phải tạo ra các liên minh mới trước "những thách thức mang tính hệ thống" đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương do Trung Quốc và Nga đặt ra.

Nhằm triển khai “chiến lược mới” này, Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg từ năm ngoái đã đề xuất mở một văn phòng liên lạc tại Tokyo để tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản và các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Cũng như vậy, năm nay là năm thứ hai liên tiếp các nguyên thủ quốc gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nato. Cho dù chưa được chính thức hóa tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, quyết định mở văn phòng liên lạc của Nato tại Tokyo sẽ được khối quân sự này hoàn thiện vào cuối năm nay.

Trung Quốc phản ứng ngay
Ngay lập tức, cùng ngày 12/7, phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một tuyên bố đáp lại thông cáo trên của Nato theo đó Trung Quốc kiên quyết phản đối "sự bành trướng sang phía đông của Nato ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" và sẽ cứng rắn đáp trả.

Tóm lại, việc Nato “xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương” để hóa giải thách thức an ninh từ Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian. Cũng cần nói thêm rằng để đối phó với thách thức từ Trung Quốc, ngoài việc Mỹ đã xoay trục quân sự về khu vực này từ cuối năm 2011, có hai liên kết an ninh khu vực mới đây đã được tạo ra là Aukus (Mỹ, Anh, Australia) và Quad (Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia).

Để nói, “Đông tiến” của Nato cơ bản là thuận lợi.

Cá nhân người viết bài này rất hài lòng về bước ngoặt địa – chính trị này của khối quân sự phương Tây. Xin kể lại câu chuyện là điều này đã được chính tôi tiên đoán trên cơ sở khuyến nghị với chính quyền VN bằng “giấy trắng mực đen” cách đây đúng 10 năm, vào năm 2013. Thời điểm đó đó tôi đang bị cầm tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do có các hoạt động đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trong Trại giam số 5 - Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa), ngày 15/6/2013
Chụp lại hình ảnh,
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trong Trại giam số 5 - Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa), ngày 15/6/2013

Cụ thể là giữa tháng 1/2013, tại Trại giam số 5 – Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa), tôi viết bài “Vận nước nhìn từ Trường Sa” nhằm tiếp tục kêu gọi chính quyền Việt Nam liên minh quân sự với Mỹ để bảo vệ thành công quần đảo Trường Sa nói riêng, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam nói chung, trước một cuộc xâm lược đang được Trung Quốc ráo riết chuẩn bị. Bài viết đã được tôi trao tận tay cho vợ tôi, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, khi vợ tôi đến thăm và làm việc cho việc kháng án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Vợ tôi đã chuyển ngay bài viết của tôi cho Giáo sư Huệ Chi, chủ biên Bauxite Việt Nam và “Tiếng nói phản biện nhiều mặt của Người trí thức Việt Nam” này đã đăng nó vào ngày 22/01/2013. Có một chi tiết là khi đăng bài viết này, Giáo sư Huệ Chi đã thay tên tôi với tư cách tác giả bằng bút hiệu “Sơn Văn”. Ông giải thích với vợ tôi: “Đây là lối chơi chữ của các cụ. “Sơn” là “núi” đối với “Hà” là “sông”; “Văn” là “trí thức” đối với “Vũ” là “sức mạnh”. Vậy “Sơn Văn” là “Hà Vũ”. Ngoài ra, “Sơn Văn” có nghĩa “trí thức ngự trên núi”, tức trí thức tầm cao. Người hiểu biết khắc nhận ra “Sơn Văn” là ai.”

Bài viết có đoạn:

“Mỹ là siêu cường quân sự duy nhất trên thế giới, là nước phương Tây duy nhất có Hạm đội ở Thái Bình Dương. Ngoài ra, với tư cách là nhân tố chủ chốt của Nato, Mỹ hoàn toàn có thể vận dụng sức mạnh của khối quân sự lớn nhất thế giới này để duy trì hòa bình, ổn định ở Tây Thái Bình Dương trong đó có Biển Đông. Nói cách khác, với Mỹ, Nato hoàn toàn có thể ‘Viễn Đông hóa’.”

Khi đưa ra quan điểm Nato hoàn toàn có thể ‘Viễn Đông hóa”, tôi đã dựa trên những nhận định và phân tích của bản thân như sau đây:

Thứ nhất, Mỹ hiện đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh địa – chính trị lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ 21 nên siêu cường này trước sau gì cũng sẽ thuyết phục thế giới phương Tây mà nước này đứng đầu chia sẻ quan ngại chiến lược này của họ.
Thứ hai, Mỹ đã xoay trục về Châu Á – Thái Bình Dương thì Mỹ với tư cách là hạt nhân của Nato chắc chắn sẽ phải tác động Nato để khối này đồng hành với Mỹ trong khu vực.
Thứ ba, Nato lấy Liên Xô trước đây, Nga ngày nay, là đối thủ chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga ngày càng cố kết và hình thành một liên minh trên thực tế với Trung Quốc chống lại phương Tây, Trung Quốc hiện ra như thách thức mới đối với khối quân sự này. Do đó, việc Nato xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương là chuyện chẳng đừng.
Thứ tư, suy cho cùng, khái niệm “Phương Tây” không chỉ bó hẹp ở các nước nằm bên bờ Bắc Đại Tây Dương mà còn gồm cả các nước tư bản, dân chủ phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Điều này cho thấy để bảo vệ lợi ích của Phương Tây trong tầm nhìn tổng thể, Nato buộc phải có mặt tại Châu Á – Thái Bình Dương trong thế liên kết quân sự với bốn nước này.
Ngày nay, thật vui khi thấy dự báo của tôi nêu ra 10 năm trước về việc Nato "Viễn Đông hóa" hay "Quay trục về châu Á - Thái Bình Dương" để hóa giải mối đe dọa an ninh đến từ Trung Quốc đã đang trở thành hiện thực. Nói thật ra, đây cũng là chuyện cho thấy nhà tù không thể giam cầm được tư duy, trí tuệ và tư tưởng của những con người dấn thân vì lợi ích của quốc gia và hạnh phúc của đồng loại.

Việt Nam sẽ làm gì?
Vấn đề của những năm tới là một khi Nato đã “Viễn Đông hóa”, liệu Việt Nam có trở thành đối tác của liên minh quân sự lớn nhất thế giới này?

Như tôi đã đề cập trong bài “Hoa Kỳ và Đông Nam Á 'cần lập liên minh quân sự để chống Trung Quốc”, với chính sách "ba không" (Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác), rồi "bốn không" (thêm "không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế") Việt Nam khước từ mọi hình thức liên kết chống Trung Quốc.

Sở dĩ điều này, theo cách nhìn của tôi là bởi ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn coi Trung Quốc cùng ý thức là chỗ dựa còn lại để duy trì và bảo vệ chế độ toàn trị trước điều họ cho là sự tấn công của "các thế lực thù địch", mà ở đây là áp lực dân chủ hóa từ Phương Tây, nhất là từ Hoa Kỳ.

Cách nhìn này có khá nhiều vấn đề nhưng xin chưa bàn ở đây.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chụp lại hình ảnh,
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng sau ​​Lễ ký kết hàng chục thỏa thuận song phương sau cuộc hội đàm chính thức ở Hà Nội ngày 5/11/2015

Điều dễ thấy trước mắt là dù muốn dựa vào Trung Quốc, nhưng trước các hành động gây hấn mang sắc thái “tiền chiến tranh” của láng giềng phương Bắc, chính quyền ở Việt Nam đã và đang phải tìm kiếm một sự hợp tác quân sự ngày càng sâu rộng không chỉ với Mỹ là nước có chính sách công khai kiềm chế Trung Quốc mà còn với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ.

Đây là các quốc gia cảnh giác cao độ đối với “sự trỗi dậy không hòa bình” của Bắc Kinh. Cho dù cấp độ đối tác với Việt Nam có khác nhau - chiến lược toàn diện với Ấn Độ và Hàn Quốc chiến lược sâu rộng với Nhật bản, chiến lược với Australia, toàn diện với Mỹ - cả năm quốc gia nước này thời gian qua đã lần lượt đưa các chiến hạm hiện đại của mình giao lưu với nước Đông Nam Á này. Tất nhiên, Việt Nam cũng đón cả chiến hạm Trung Quốc vào thăm cảng nhưng đó chỉ là hình thức.

Không những thế, trừ Australia, các nước còn lại đã chuyển giao cho Việt Nam nhiều phương tiện quân sự tối tân. Thế nhưng, trước các liên kết quân sự khu vực mà ở đây là Aukus (Mỹ, Anh, Australia) và Quad (Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia), thì Việt Nam nại vào nguyên tắc “không liên minh quân sự” để lảng tránh. Để nói, Nato cũng sẽ không khỏi bị Việt Nam né tránh một khi tổ chức quân sự lớn nhất hành tinh này hoàn tất “Viễn Đông hóa” với nội hàm mở rộng gồm cả Ấn Độ Dương. Như thế là bị động hay chủ động?

Suy cho cùng, ngoại giao quân sự chỉ là thể hiện của các thay đổi cơ bản trong nội bộ. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có ngả sang phe “lợi ích quốc gia” hay không mới là quan trọng. Nếu kịch bản này diễn ra thì liên minh quân sự Việt – Mỹ tự khắc hình thành. Nhân tố này đến lượt nó sẽ mau chóng đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của Aukus, Quad và Nato khi liên minh này đã “Viễn Đông hóa”. Việt Nam cũng sẽ dễ dàng tham gia một cách tự tin các cơ chế an ninh tập thể sẽ hình thành để đối phó mối đe đọa thế kỷ có tên “Trung Quốc”.

_________________
~ bài viết về Sách:

https://www.nhomcho.com/t25736-sach
LDN

LDN


Back to top Go down

NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013 Empty Re: NATO: Nato 'Viễn Đông hóa' được một tù nhân chính trị Việt Nam tiên đoán từ 2013

Post by Sponsored content



Sponsored content


Back to top Go down

View previous topic View next topic Back to top

- Similar topics

Permissions in this forum:
You can reply to topics in this forum